Học chữ giữa hồ Trị An

Những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi, có em đã là thiếu nữ, lớn lên trên bè nổi giữa lòng hồ mênh mông.

Chúng đều không biết chữ, không được đến trường. Cũng từ giữa mênh mông hồ nước, có một “ông bụt” đến với chúng, dạy chúng biết con chữ, dạy chúng từng bài học làm người.

"Lớp học nổi" giữa lòng hồ
Khu vực làng bè gần Suối Đục (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mùa nước lên, những mái bè nổi lúp xúp giữa mênh mông biển nước. Ở đây chỉ có tiếng gió ù ù thổi, lâu lâu lại có tiếng một chiếc xuồng máy chạy qua phá tan không gian tĩnh lặng của mặt hồ.
Một chiếc xuồng máy cũ kỹ, tiếng động cơ nổ giòn tan từ từ tiến lại mép hồ nơi chúng tôi đang đứng. Đón chúng tôi là một cậu bé chừng 10 tuổi, nước da đen, mái đầu vàng hoe vì cháy nắng, nhưng ánh mắt, giọng nói toát lên vẻ lanh lợi. Khi "khách" đã yên vị, nhanh thoăn thoắt, cậu quay đầu chiếc xuồng máy rồ ga lao vút đi, vượt qua những ngọn cây mai dương xám xịt. Khoảng 5 phút sau, chiếc xuồng đến gần một bè nổi làm bằng vách tôn, cũng lúp xúp như bao bè nổi khác, nhưng không im lìm mà có tiếng trẻ con đánh vần ê a đan vào tiếng xuồng máy nhỏ dần. 
Đại đức Thích Chơn Nguyên (tục danh là Đặng Hậu Trinh, 39 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) kéo cánh cửa hàn bằng khung sắt đón khách. Trong bè, hơn chục đứa trẻ đủ lứa tuổi, nhiều đứa cũng có mái tóc "vàng hoe" vì cháy nắng, đang say sưa đánh vần, tập đọc, tập viết, nét chữ còn nguệch ngoạc. Thấy người lạ, chúng ngước nhìn bằng ánh mắt tò mò, có đứa bẽn lẽn cười, vài đứa "tranh thủ" xì xào nói chuyện. "Người thầy" gõ thước "cách, cách" 2 tiếng lên bảng, thế là cả đám trẻ vội lại vàng quay trở lại chúi mũi vào trang sách, chắc vì sợ bị quở phạt.
Cũng bảng đen, cũng phấn trắng, những trang vở trắng, những cây bút chì và đầu gọt, những chiếc cặp hoa xinh xắn treo trên vách bằng… tôn, khung cảnh không khác gì một lớp học vỡ lòng, nhưng là một lớp vỡ lòng với quá nhiều điều đặc biệt. 
18 tuổi, em Nguyễn Thị Huệ mới chỉ bập bẹ đọc được chữ. Là "học trò" lớn nhất trong lớp nên cô bé cũng "tiếp thu bài" nhanh hơn "các bạn" là những chú nhóc 6, 7 tuổi. Huệ kể, em cũng từng đi học nhưng chỉ được vài hôm, chưa kịp biết đọc thì phải nghỉ ở nhà phụ bố mẹ công việc chài lưới. Nay được đi học lại, em cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc. "Ở đây em được học rất nhiều, học chữ, học cư xử phép tắc với mọi người, không đánh lộn, chửi thề…", cô gái 18 tuổi hào hứng. 
Ngoài học chữ, hơn ba chục đứa trẻ làng bè còn được sư thầy dạy đạo đức, phép tắc, dạy giữ gìn vệ sinh, những điều mà cả làng bè trước đây ít người để ý. Đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ: "Đám trẻ lớn lên có phần "tự nhiên", ít được dạy bảo nên thường hay nói tục. Khi đến lớp tôi đặt ra nội quy nghiêm khắc, mỗi lần có em nào nói tục, tôi phạt đứng tại chỗ. Những lúc chúng ngủ trưa, tôi nhờ người lớn trông chừng rồi chèo xuồng tới từng bè khuyên người lớn đừng nói tục trước mặt con trẻ. Bây giờ không còn em nào nói tục nữa mà cha mẹ các em cũng giảm dần". 
Đến bàn chải, kem đánh răng, rồi cả quần áo lót, những vật dụng vệ sinh cá nhân thông thường thầy cũng chuẩn bị cho từng em ngay tại lớp. Mỗi ngày chúng "buộc" phải đánh răng 3 lần, không được vứt rác xuống lòng hồ mà phải gom lại rồi mang lên bờ xử lý. Những việc tưởng chừng đơn giản vậy nhưng lại là cả một hành trình gian nan của vị sư thầy với đám trẻ hiếu động mà thiệt thòi. 
Dần dần, trẻ làng bè không còn chửi tục, đánh nhau, chúng biết vệ sinh đúng nơi đúng chỗ, biết đánh răng rửa mặt hằng ngày, không xả rác bừa bãi… 
Ở lớp, các em không chỉ được học hành, mà còn được thầy cho ăn, được uống sữa hằng ngày. Mỗi tháng chi phí cho lớp học cũng ngót nghét trên dưới 10 triệu đồng, tất cả đều là tiền của nhà chùa nơi sư thầy trụ trì và tiền các mạnh thường quân đóng góp. Vị sư thầy còn bỏ tiền ra lắp đặt cả một hệ thống lọc nước sạch cho đám học trò và người dân trong xóm cùng sử dụng. "Trước uống nước hồ con hay bị đau bụng, nhưng từ ngày uống nước ở lớp, con hết đau bụng rồi", một cậu nhóc mặt lấm lem vệt phấn tranh thủ "nói leo" giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi với sư thầy. 
Tấm lòng vị sư thầy
Đại đức Thích Chơn Nguyên kể, 8 năm trước, ông từ TP. Hồ Chí Minh về nhận chùa ở ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Đây vốn là vùng đất bị cô lập do lòng hồ Trị An chia cắt. Từ đây muốn tới được thị trấn bằng xe máy cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ đi xuyên rừng, có khi còn gặp cả voi rừng, thú dữ. Đời sống của người dân, việc đi học của trẻ con ở đây gặp nhiều khó khăn, nhưng thiệt thòi hơn cả là những đứa trẻ ở dưới làng bè. 
Chúng là những đứa trẻ người Việt hồi hương từ Campuchia. Khi còn ở bên kia chúng sống cùng cha mẹ ở vùng Biển Hồ mênh mông nước. Về nước, cha mẹ chúng cũng chọn vùng lòng hồ thủy điện Trị An làm chốn sinh nhai. Nhưng vì nhiều lý do, không có đủ giấy tờ tùy thân, chúng không được đi học. Thế nên sư thầy Thích Chơn Nguyên nghĩ đến việc mở lớp dạy chữ, dạy đạo lý cho đám trẻ với mong muốn giản đơn: con chữ sẽ giúp cho đám trẻ tìm được một tương lai tươi sáng hơn. 
Đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ: "Thầy dạy các em biết chữ chứ thầy không cấp bằng cấp được. Thầy dạy chúng biết đọc, biết viết, thay đổi hành vi, lối sống, dạy cách làm người. Khi chúng đủ lớn, thầy sẽ liên hệ với các nơi tuyển dụng lao động, cố gắng đưa các em vào các công ty làm việc, cho các em được đi làm như bao công nhân khác. Tuy rất khó khăn nhưng phải làm, vì nếu không làm sẽ không biết tương lai của các em như thế nào. Đó cũng là cách tốt nhất thầy có thể nghĩ được cho đến lúc này". 
Ban đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn 5 đứa trẻ "chịu" đi học, nhưng dần dần, thấy được lợi ích của việc đi học và tấm lòng của vị sư thầy, lớp học đã lên tới hơn 30 em cả nam và nữ, đủ mọi lứa tuổi, lại có cả những người lớn tuổi đã 50, 60 chưa biết chữ cũng tranh thủ đi học lúc rảnh rỗi. Dân làng bè bảo nhau gom góp tiền của cùng với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, mua hẳn một bè, sửa sang lại rồi dành riêng cho lớp. 
Trên mặt hồ không có bè nào cố định, lớp học nổi cũng vì thế mà lúc gần, lúc xa tùy theo mực nước hồ lúc cao, lúc thấp, nhưng không ai bảo ai, lớp học luôn nằm ở chính giữa "xóm" có khoảng 34 nhà bè.
Bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi), người làng bè xúc động: "Thầy thương con nít nên thầy dạy bảo chúng nó học, có đứa lớn lắm rồi mà đâu biết chữ. Chúng tôi già rồi không được học đã đành, nhưng đám nhỏ mà phải chịu mù chữ thì tội nghiệp. Có thầy, dân ở đây mừng lắm! Mong thầy dạy cho các cháu mau biết chữ, mai mốt chúng nó lớn khôn đi làm chuyện này chuyện nọ".
Tan buổi học, trong tiếng cười giòn tan, tiếng gọi nhau í ới, những đứa trẻ dắt díu nhau xuống xuồng, đứa lớn kèm đứa nhỏ, cứ thế từng đứa được đưa về bè nhà mình để sớm mai lại háo hức đến lớp, say sưa với chữ, với vần, với những bài vè đạo đức.
Giữa sóng nước hồ mênh mông, vô định, tiếng ê a đánh vần của đám trẻ làng chài như một lời khẳng định, rằng lớp học đặc biệt của vị sư thầy trẻ tuổi sẽ là sợi dây gắn kết cư dân cả làng bè nghèo khó bằng tình thương, bằng hy vọng vào một tương lai xán lạn hơn cho những đứa trẻ tóc cháy nắng vàng hoe, biết bơi trước khi biết đánh vần./.
Box:
"Thầy dạy các em biết đọc, biết viết, rồi dạy cách làm người. Khi chúng đủ lớn, thầy sẽ liên hệ với các nơi tuyển dụng lao động, cố gắng đưa các em vào các công ty làm việc, được đi làm như bao công nhân khác. Đó cũng là cách tốt nhất thầy có thể nghĩ được cho đến lúc này".
 

Bình luận

    Chưa có bình luận