Văn hóa Việt trên bộ cánh thời trang

Người trẻ chọn thiết kế trang phục truyền thống là tự đi vào đường khó, nhưng nếu quyết tâm đi đến cùng, điều họ mang về cho bản thân còn hơn những giải thưởng.

 

Chiếu Cà Mau, bánh tráng Tây Ninh, bánh tráng trộn Sài Gòn, tôm tre mỹ nghệ Bình Định cùng nhiều nét văn hóa độc đáo khác đã được 41 bạn trẻ tái hiện qua đêm diễn Trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022 mới đây, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, thú vị.

Trang phục chứa hình bóng quê nhà

Khi thí sinh Thanh Khoa trong mẫu thiết kế “Bánh tráng” sải những bước chân đầu tiên trên sàn diễn Trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) Việt Nam năm 2022, phía dưới sân khấu, Phan Xuân Giàu (sinh viên trường Đại học Văn Lang) - người thiết kế bộ trang phục độc đáo này - thấy tim mình rộn ràng cảm xúc. Bộ trang phục toát lên vẻ gần gũi, giản đơn mà sang trọng, Giàu gửi gắm thông điệp đến người xem thông qua từng đường cắt, mối may, đoạn ráp. Theo nam sinh chuyên ngành Thiết kế thời trang, điều khó nhất là làm sao thể hiện chính xác nhưng không rập khuôn hình mẫu cổ điển của chiếc bánh tráng, một món ăn quá quen thuộc với người dân Việt.

Giàu chia sẻ, khi chọn đề tài này, áp lực ban đầu rất lớn vì biến cái quen thuộc thành điều mới mẻ đòi hỏi cách thể hiện rất riêng. Với một sinh viên năm hai như Giàu, từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường không mấy bằng phẳng. Làm sao bánh tráng phải đẹp nhưng vẫn giữ nguyên nét mộc mạc miền quê, bộ đồ hoành tráng nhưng không quá cồng kềnh gây khó khăn cho việc di chuyển, tạo dáng của người mẫu và yếu tố quyết định nữa là chiếc “bánh tráng” này phải tỏa sáng trên sân khấu. “Tôi đã chi phí rất nhiều cho việc chọn vải, lựa hạt bắt sáng để tạo được hiệu ứng ưng ý nhất khi người mẫu biểu diễn. Đây là chủ đề đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Hình ảnh bà và mẹ ngồi tráng bánh là kỷ niệm đẹp nhất trong tuổi thơ của tôi nên tôi muốn mang hình ảnh quê nhà đến nơi lấp lánh nhất để mọi người cùng chiêm ngưỡng”, Giàu chia sẻ.

Thiết kế trang phục “Bánh tráng” của Phan Xuân Giàu.  Ảnh: Nhóm Kiếng Cận.

Ban đầu, Giàu tính tạo hình phân nửa chiếc bánh tráng để bộ trang phục bớt cồng kềnh, thế nhưng vừa làm vừa tiếc, cuối cùng chàng trai Tây Ninh quyết định đưa nguyên hình mẫu chiếc bánh tròn xoe, mỏng manh nhưng đầy thú vị lên sâu khấu một cuộc thi lớn. Đường kính chiếc bánh tráng trên bộ cánh trắng tinh dài gần 3m khiến người mẫu khi chuẩn bị thử đồ tỏ ra ái ngại. Tuy nhiên, nhờ sự khéo léo trong chọn chất liệu cùng cách cắt ghép thông minh mà bộ trang phục chỉ nặng tầm 1kg, rất uyển chuyển trong việc trình diễn, giúp người mẫu tự tin sải bước. Nhận về kết quả Á quân tại cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” năm 2022, Giàu vô cùng hạnh phúc vì những nỗ lực của bản thân bước đầu đã mang về “quả ngọt”. Trước “Bánh tráng”, Giàu từng đưa hình ảnh áo dài vào bộ sưu tập từ đồ tái chế trong một đồ án nhỏ tại trường học và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Giàu vui vẻ cho hay: “Trang phục truyền thống và văn hóa Việt sẽ tiếp tục là đề tài em quan tâm trên chặng đường phía trước. Làm mới cái nhiều người biết đến đã khó nhưng làm bộ trang phục thật đẹp mà vẫn giữ đúng các quy chuẩn xã hội đặt ra lại càng khó hơn. Nhưng càng khó sẽ càng thú vị khi mà ở đó những người đam mê thiết kế thời trang được gửi gắm tiếng nói, hình ảnh quê hương thông qua những bộ trang phục đẹp mắt, ấn tượng”.

Khi đến với cuộc thi này, Nguyễn Quốc Việt (sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng) khiến nhiều người ngạc nhiên khi chọn chiếu làm chất liệu sáng tạo trang phục. Tấm chiếu hoa là vật dụng quá quen thuộc với người dân Việt ở vùng nông thôn ngày xưa. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đang làm mất dần hình ảnh thân thương này trong những ngôi nhà sang trọng chốn thị thành. Những làng nghề làm chiếu thủ công cũng vì vậy mà mai một, thất truyền. “Vậy nên em muốn đưa hình ảnh chiếu Cà Mau đến với mọi người theo cách bất ngờ và độc đáo nhất. Sẽ là một bộ trang phục truyền thống trên sân khấu lớn, nơi mà nhiều người mặc định chỉ phù hợp với những thứ đắt đỏ, sang trọng. Chỉ với hai cặp chiếu hoa của quê hương cùng các phụ kiện, hạt đá đi kèm, điều khiến em tâm đắc nhất là truyền tải được hình ảnh quê hương sống động trên bộ cánh nặng 15 ký nhưng rất mềm mại, thời trang. Khi thấy người mẫu trình diễn trên sân khấu, em nhận ra mình đang khoác “chiếc áo mới” cho chiếu Cà Mau, một làng nghề truyền thống nổi tiếng của quê hương mình”, Việt tiết lộ.

“Chiếu Cà Mau” của Nguyễn Quốc Việt giành vị trí cao nhất cho thiết kế đẹp. Ảnh: Nhóm Kiếng Cận.

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa Việt

Sự sáng tạo và dày công tìm tòi, thử nghiệm đã giúp Việt vượt qua 40 thí sinh, trở thành người đứng đầu cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” của Ban tổ chức cuộc thi HHHV Việt Nam năm 2022 với trang phục “Chiếu Cà Mau”. Dự kiến, “Chiếu Cà Mau” sẽ đồng hành cùng tân HHHV Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Châu tranh tài tại cuộc thi HHHV thế giới sắp tới. Điều này khiến một nhà thiết kế trẻ như Nguyễn Quốc Việt rất đỗi tự hào vì đây là cách chuyên nghiệp nhất quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè quốc tế của một người đam mê thời trang.

Thời điểm thiết kế “Chiếu Cà Mau”, Việt còn mang đến cuộc thi MissGalaxydoll2022 diễn ra tại Thái Lan bộ trang phục dân tộc mang tên “Sắc hương” với gam màu vàng ấn tượng tái hiện rõ nét hình ảnh nền nông nghiệp lúa nước lâu đời của người dân Việt Nam. Vụ mùa bội thu, những bông lúa trĩu hạt chín vàng khoác lên mình chiếc áo óng ả. Việt muốn chọn hình ảnh bông lúa để nhắc nhớ người, nhắc nhớ mình: Mỗi hạt gạo làm ra từ bao công sức, mồ hôi nhọc nhằn của người nông dân Việt Nam. Vậy nên phải trân quý, nâng niu.

Không đợi đến các cuộc thi lớn, ngay khi tham gia những đồ án tại trường đại học, Việt đã chủ động chọn thiết kế trang phục truyền thống như đưa hình ảnh lá sen, hoa giấy Thanh Tiên vào trang phục dạ hội, đồ dạo phố để gửi gắm những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước. Việt cho hay: “Điều em thấy hài lòng nhất trong trang phục truyền thống do mình thiết kế là nét riêng, không pha tạp nền văn hóa nào và tạo được giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, dù chất liệu có lạ, khó tạo hình đến đâu thì em vẫn cố tìm cách để người mẫu có bộ cánh mềm mại, ấn tượng nhất có thể”.

Thiết kế “Tôm tre mỹ nghệ” của Nguyễn Minh Khôi.

Đứng vị trí thứ Ba top các thiết kế đẹp nhất tại cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” năm 2022, “Tôm tre mỹ nghệ” của sinh viên Nguyễn Minh Khôi (trường Đại học Văn Lang) nhận về nhiều lời khen khi góp tiếng nói giữ gìn những làng nghề truyền thống tại Việt Nam. Dịp Tết, khi đến thăm người thân, bạn bè, Khôi ngạc nhiên pha lẫn thích thú vì thấy khá nhiều gia đình có treo nhiều sản phẩm mỹ nghệ, trong đó có tôm tre. Sau khi tìm hiểu, Khôi biết Tôm tre mỹ nghệ là làng nghề xuất phát từ Bình Định, tuy nhiên số lượng gia đình theo nghề này đang ngày càng ít. Tiếc nuối một làng nghề thủ công và những sản phẩm làm từ tre độc đáo, Khôi tự hỏi “Sao mình không chọn chủ đề này làm quốc phục dự thi HHHV Việt Nam năm nay? Biết đâu sẽ tạo được hiệu ứng, giúp làng nghề được gìn giữ, phát triển”.

Bộ quốc phục do Khôi thiết kế mang đậm nét đẹp văn hóa thông qua cách sử dụng chiếc mấn làm từ tre với thiết kế ấn tượng, form áo yếm cùng với cổ áo dài và nhiều chi tiết gợi nhớ hình ảnh cây tre Việt. Phần tà váy được tạo dáng như đuôi con tôm hùm với ba màu sắc đặc trưng giúp thiết kế thêm phần nổi bật. Hình ảnh tôm tre được bố trí hợp lý, tạo điểm nhấn, giúp bộ trang phục mềm mại, kín đáo hơn. “Từ xa xưa, tôm hùm là hình ảnh đại diện cho sự tái sinh, sức mạnh tiềm tàng, đầy bản lĩnh. Ở thiết kế lần này, em chọn khai thác vẻ đẹp từ hình thể, màu sắc của loài tôm hùm đưa vào trang phục để làm tôn vinh vóc dáng của phụ nữ Việt Nam hiện đại. Làm trang phục truyền thống khó và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thiết kế nhưng đây là quá trình giúp người trẻ đam mê thời trang như em có cơ hội tìm hiểu sâu về những nét văn hóa độc đáo của dân tộc”, Khôi cho hay.

Người trẻ chọn thiết kế trang phục truyền thống là tự đi vào đường khó vì đó là quá trình đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và cả bản lĩnh để trải nghiệm những thất bại, tranh cãi trước khi đạt được thành công. Thế nhưng, nếu quyết tâm đi đến cùng, điều họ mang về cho bản thân còn hơn những giải thưởng danh giá. Đó chính là sự dưỡng nuôi tình yêu ngày càng lớn với những điều thuộc về dân tộc, những nét văn hóa đã in sâu vào tâm khảm mỗi người để dù có đi đâu quê hương vẫn trong trái tim./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận