Nét cọ vấn vương văn hóa Việt

Một ngày, Lê Rin thấy cuộc đời tẻ nhạt quá nên… nộp đơn nghỉ việc, để bây giờ, anh trở thành người góp nhặt văn hóa dọc miền đất nước.

 

Từ một chàng trai văn phòng bận tới mức không thu xếp được thời gian nghỉ ngơi, bỗng một ngày, Lê Rin thấy cuộc đời tẻ nhạt quá nên… nộp đơn nghỉ việc, để bây giờ, anh trở thành người góp nhặt văn hóa dọc miền đất nước.

Bữa đó, tôi mời Lê Rin ăn hủ tíu vỉa hè giữa tiết trời Sài Gòn nắng trong. Tô hủ tíu bình dân nóng hổi bỗng trở nên rất thơ dưới tán me xanh chi chít trái non. Xung quanh bao tiếng nói cười. Lê Rin chậm rãi thêm chút ớt, miếng chanh, sửa lại đĩa rau sống rồi cầm điện thoại chụp hình. Mấy năm nay, đó luôn là cách chàng họa sĩ trẻ lưu lại những điều đẹp đẽ mình bắt gặp trong mỗi chuyến đi để rồi khi trở về sẽ kể lại cho mọi người nghe bằng tranh màu nước vẽ tay sống động.

Ở đây có vẽ thức ăn

Lê Rin nói, sau bước ngoặt gần 6 năm trước, anh nhận ra mình mê mẩn những chuyến đi và vẽ lại cho bằng hết niềm yêu thích, sự bất ngờ trong từng món ngon, vật lạ. Từ một chàng trai văn phòng bận rộn, bỗng một ngày, Lê Rin thấy cuộc đời tẻ nhạt quá nên… nộp đơn nghỉ việc. Số tiền tiết kiệm được, anh dành tặng mình chuyến phượt đầu tiên từ TP.HCM ra tận đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bằng xe máy. Trên hành trình ấy, tại mỗi điểm dừng, anh đều ngắm nhìn mọi thứ thật lâu rồi lặp đi lặp lại câu nói: “Đất nước mình đẹp quá, nhiều món ăn thú vị quá!”. Gần 2 tuần rong ruổi các cung đường, về lại Sài Gòn, cựu sinh viên ngành Tạo dáng công nghiệp hào hứng vẽ những món ăn mình yêu thích.

Lê Rin - người góp nhặt văn hóa dọc miền đất nước.

Từ vài món góp nhặt trong chuyến phượt, thấy chưa ưng ý, anh cứ thế vẽ thêm. Có món đã ăn qua, có món chưa thử lần nào nhưng tìm hiểu thấy độc đáo nên muốn lưu lại làm kỷ niệm. Mấy tháng sau, cuốn sách nghệ thuật đầu tiên vẽ hơn 100 món ăn dọc miền đất nước với tên gọi “Việt Nam miền ngon” của Lê Rin ra mắt độc giả. Lúc đó, anh chỉ nghĩ tập sách là kỷ niệm đáng nhớ cho hành trình khám phá ẩm thực vùng miền nhưng đâu hay rằng sau lần “chạm mặt” đó, những nét cọ vấn vương đến tận bây giờ. 6 năm theo nghề vẽ minh họa ẩm thực và văn hóa, nhìn lại, chàng họa sĩ tự do thầm cảm ơn quyết định liều lĩnh ngày nào.

Ra mắt giữa năm 2017 đến nay, “Việt Nam miền ngon” vẫn liên tục tái bản và nhận nhiều lời khen từ độc giả khắp nơi. Đâu chỉ riêng người trẻ yêu ẩm thực, mê xê dịch mới bị hấp dẫn với tranh vẽ thức ăn của Lê Rin mà còn rất nhiều người xa xứ, một hôm được chạm tay vào cuốn sách bỗng thổn thức nhớ quê. “Có lần mấy bạn độc giả trẻ nhắn tin nói: “Ông bà em cảm ơn anh vì cuốn sách. Em có mua và gửi sang nước ngoài tặng mọi người, ai nhìn cũng xúc động”. Nghe xong lời cảm ơn đó, tôi thấy lòng ngập tràn hạnh phúc bởi đã mang được chút hương vị quê nhà đến với người phương xa. Rồi có anh độc giả người Pháp nhắn tin “Nhờ cuốn sách tranh song ngữ của bạn mà tôi hết sợ thức ăn vỉa hè Việt Nam. Ăn thử vài món và thấy rất ngon”. Chỉ cần vậy thôi là tôi thấy vui cả ngày”, Lê Rin kể lại.

Vẽ minh họa ẩm thực và văn hóa là cách Lê Rin chia sẻ những điều tốt dẹp đến cộng đồng.

Vẽ sao cho giống thật nhất. Vẽ sao cho người ta nhìn vào là thấy thành phần món ăn, cảm nhận rõ vị ngon, hương thơm và sắc màu từng nguyên liệu. Vẽ sao cho bạn bè quốc tế thêm yêu ẩm thực Việt Nam. Vẽ sao cho truyền tải được văn hóa người Việt qua từng món ăn tưởng chừng đơn giản, dễ tìm. Biết là tự làm khó mình nhưng ngay từ những nét họa, mảng màu đầu tiên, Lê Rin đã đặt ra khá nhiều yêu cầu cho bản thân. Giờ đây, khi đã tham gia nhiều dự án minh họa ẩm thực, văn hóa với các đối tác lớn, anh vẫn nhớ như in những thay đổi của ngày mới vào nghề, cái nghề ít ai chọn: “Hồi đó muốn ăn món gì thì cứ ra quán hay mua về nấu, vèo một cái là xong. Lúc đó, ăn uống chẳng phải việc thú vị nên càng nhanh càng tốt. Nhưng từ khi vẽ món ăn, cứ nhìn thấy món nào lạ tôi đều muốn tìm hiểu xem trong đó có gì, cách ăn làm sao, thú vị thế nào. Nhiều món ngày trước không dám ăn, vẽ xong, thấy thích quá thử luôn. Làm nghề này, tôi thấy được nhiều hơn mất. Được đi, được ngắm nghía, được kể lại theo cách của riêng mình và được kết nối với những người cùng đam mê”.

Vậy thì cứ đi thôi

Cuốn sách tranh đầu tiên ra đời không bao lâu, Lê Rin lại xách ba lô lên và đi dọc miền đất nước. Khi đôi chân đặt đến những vùng đất mới, đôi tay ấy lại muốn chụp, muốn vẽ bao điều đọng lại trong tầm mắt. Lê Rin tiếp tục làm khó mình khi mở rộng đề tài cho những bức tranh màu nước, từ ẩm thực giờ thêm con người, kiến trúc, làng nghề, văn hóa truyền thống… Điểm thay đổi dễ nhận thấy nhất của Lê Rin trong dự án sách “Việt Nam dọc miền du ký” là những trải nghiệm rất riêng với từng công trình, món ăn hay con người đã gặp trên hành trình khám phá. Khi vẽ minh họa và giới thiệu món ăn cho cuốn sách đầu tiên, có nhiều món Lê Rin chưa thử qua. Nguồn tài liệu nghiên cứu, mày mò chủ yếu trên mạng. Nhưng ở dự án sách mới theo hình thức bán du ký, chàng trai muốn chia sẻ với mọi người “điều mà bản thân cảm nhận rõ nhất” để biết đâu sẽ có thêm nhiều người thoát ra khỏi không gian bức bí, lên đường cho những chuyến đi xa.

Hai ấn phẩm trong loạt sách Việt Nam dọc miền du ký mà Lê Rin tâm đắc.

Mỗi bản sách có hơn 300 hình minh họa màu nước vẽ tay, khối lượng công việc chẳng mấy nhẹ nhàng, thế nhưng, khi nghe hỏi “Đi nhiều, ghi nhiều, vẽ nhiều, có mệt không?”, Lê Rin cười giòn: “Được đi, được kể, được truyền đến mọi người những điều tốt đẹp thì đâu có gì là cực nhọc, mệt mỏi. Cứ vậy mà đi thôi”. Không dùng từ hoa mỹ, điều họa sĩ trẻ muốn độc giả chú tâm khi lật mở từng trang sách chính là tự cảm nhận nét đẹp theo cách riêng và phát hiện ra những điều mới mẻ. Những thông tin điểm đến, công trình, văn hóa được chắt lọc kỹ để người đọc đủ không gian hòa mình vào những gam màu độc đáo, những nét vẽ bay bổng, rất thơ.

Đi, trải nghiệm, hiểu và sẻ chia, Lê Rin muốn làm tốt 4 điều này trong dự án sách mới. Lê Rin nói, có những điểm đến dù chưa ghé bao giờ nhưng chẳng hiểu sao cảnh vật, con người, dòng sông, ngọn núi, món ăn, thức uống gần gũi đến lạ lùng, như nơi đâu cũng là nhà. Nhưng cũng có những nỗi buồn phảng phất khiến trái tim đôi lúc thắt nghẹn vì nhớ nhung, tiếc nuối. Đó là một kiến trúc cổ xuống cấp khó có thể trùng tu, một làng nghề đang trên đà mai một hay một nét văn hóa độc đáo nào đó của người dân các vùng miền nay đang dần biến mất. Vậy nên, đến đâu, anh cũng muốn nán lại thật lâu để cảm nhận và tìm cách lưu giữ lại những hình ảnh đẹp mà có thể sớm mai sẽ không còn. Biết đâu vài ba năm nữa, những ký ức đẹp ngày hôm nay chỉ còn trên tranh, trên những con chữ ngắn gọn, súc tích anh tỉ mẩn chọn lựa, bày ra mời mọi người thưởng thức trong sách của mình. “Tôi muốn làm hướng dẫn viên du lịch bằng tranh vẽ và chuyện kể mà chính bản thân chắt chiu từ những chuyến đi. Không phải nơi nào tôi cũng kể, không phải công trình nào cũng vẽ, tôi chỉ vẽ và chia sẻ đến mọi người những gì khiến mình xúc động, nâng niu”, Lê Rin trải lòng.

Lê Rin đang được nhiều người yêu thích trong lĩnh vực minh họa ẩm thực, văn hóa.

Chọn cái nghề mà nhìn vào ai cũng tưởng suốt ngày rong chơi, thế nhưng đâu hề đơn giản. Sau mỗi chuyến đi, ngắn thì vài bữa, dài thì mấy tuần, quay về Sài Gòn với kho dữ liệu đầy ắp, khó nhất là lọc hình, chắt lọc câu chuyện rồi bắt tay vào vẽ. Có lúc, người ta chẳng thấy Lê Rin trên mạng xã hội để chia sẻ mấy món ăn ngon. Khi ấy, anh đang tỉ mỉ trong không gian của riêng mình, đợi sản phẩm thành hình rồi lan tỏa điều hay. Lê Rin đang ấp ủ thêm nhiều chuyến đi mới để làm giàu kho tư liệu cho dự án của mình. Đi dọc Việt Nam, điều anh mang về cho mình, cho người là những gì tốt đẹp đang được giữ gìn./.

Trong cuốn sách đầu tiên thuộc chuỗi “Việt Nam dọc miền du ký”, Lê Rin chia sẻ: “Ở mỗi địa danh mà tôi giới thiệu trong cuốn sách này, có những nơi mà có thể ngay bây giờ bạn đến đó nó sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Đó có thể là một ngôi nhà gỗ của người H’Mông đã bị hư hỏng hoặc được xây dựng lại theo kiểu hiện đại hơn. Hoặc ví như nghề đan võng gai truyền thống sắp bị thất truyền rồi. Tôi hy vọng cuốn sách này giúp một điều nho nhỏ để bạn biết thêm về đất nước và con người Việt Nam dưới góc nhìn của chính tôi. Nếu bạn có cơ hội, xin bạn đừng chần chừ nữa mà hãy lên đường”.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận