Trà hoa vàng vốn là cây bản địa, mọc hoang dã trong núi rừng Tây Yên Tử. Nhờ bàn tay lao động, không ngừng chăm bón của người nông dân, giờ đây Trà hoa vàng đã hãnh diện bước lên sàn thương mại điện tử shopee, lazada để vươn ra thế giới, tỏa hương xa.
Trà hoa vàng ngát hương Tây Yên Tử
Ông Nguyễn Văn Lựu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề gia truyền bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người thuộc xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Từ nhỏ, ông đã thân thuộc với cây cỏ của núi rừng Tây Yên Tử, trong đó có cây Trà hoa vàng. Vào đầu những năm 2000, nhiều thương lái người Trung Quốc đến Lục Nam tìm mua cây Trà hoa vàng với giá cao. Thấy vậy, ông Lựu trăn trở, nhiều lần tự đặt câu hỏi: Tại sao cây Trà hoa vàng đã tồn tại và được người dân nơi đây biết đến từ thời cha ông mà mình lại không biết đến giá trị của nó? Trong khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thiên nhiên nơi đây ưu đãi, rất thích hợp với giống trà quý này. Từ suy nghĩ đó, ông Lựu đã quyết định tìm hiểu kỹ và biết đây là loại cây quý vì có dược tính rất tốt trong phòng và chữa bệnh. Theo các nhà khoa học, Trà hoa vàng chứa các hợp chất có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 34%, trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% có thể xem là thành công trong điều trị loại bệnh này. Trà hoa vàng còn có tác dụng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch, hạ đường huyết, đột quỵ; giải độc gan, thận; chống viêm, dị ứng; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… Từ đó, gia đình ông quyết tâm trồng, nhân giống với mong muốn bảo tồn, tránh nguy cơ cây Trà hoa vàng bị tuyệt chủng bởi thương lái Trung Quốc. Vậy là ước mơ về một tương lai đưa cây Trà hoa vàng trở thành cây đặc sản đã nhen nhóm từ ấy.
Ban đầu, khi mới bắt tay vào trồng, ông Lựu gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh nghiệm kỹ thuật. Từ việc nhân giống ươm trồng thế nào? Cách thức chăm sóc ra sao? Lấy vốn đâu ra để đầu tư? Rồi làm thế nào để đưa sản phẩm trà quý và giá trị này ra thị trường tiếp cận được người tiêu dùng? Làm thế nào để bà con xung quanh thấy và biết giá trị của loại trà quý để cùng trồng, bảo tồn và phát triển thành đặc sản quê hương và là cây dược liệu chủ lực của vùng? Biết bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu ông.
Kỷ niệm khiến ông khó có thể quên được, đó là trong thời gian đầu trồng và nhân giống Trà hoa vàng, có những lúc trong nhà có bao nhiêu vốn liếng ông đều dốc hết vào đầu tư cho nó. Ông kể: “Nhìn những cây trà phát triển, nhìn những mầm xanh nhú lên từng ngày khiến tôi hạnh phúc như chăm những đứa trẻ. Hằng ngày miệt mài chăm sóc, đêm đến lại soi đèn pin ra ngắm… Nhưng có những cây đã phát triển được ba, bốn năm, tối hôm trước vẫn còn xanh tốt là thế, mà hôm sau đã héo rũ rồi chết, cảm giác xót xa như đứt từng khúc ruột vì bao công chăm bón lại đổ xuống sông xuống biển”.
Không nản chí, ông Lựu và gia đình hạ quyết tâm phải trồng bằng được cây Trà hoa vàng bản địa trên chính vùng đất Tây Yên Tử này. Ngày qua ngày, tình yêu đối với cây Trà hoa vàng càng lớn trong ông. Khi những cây trà do chính bàn tay mình chăm chút chuẩn bị bói những bông hoa đầu tiên, cảm giác hạnh phúc thật khó tả. Ông Lựu vui mừng cho biết, năm 2017, ông bắt đầu thành lập Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam). Ban đầu thành lập, Hợp tác xã chỉ có 9 thành viên, đều là những người có tình yêu cây như ông. Vừa làm vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm, đến nay, Hợp tác xã đã kết nối với khoảng vài trăm hộ dân trong vùng để cùng trồng và phát triển loại Trà hoa vàng quý hiếm này.
Đưa hương Trà hoa vàng bay xa
Năm 2017, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Các nhà khoa học đã chọn các xã: Bình Sơn, Trường Sơn (Lục Nam); Quế Sơn, Yên Định, Cẩm Đàn (Sơn Động); Tam Tiến (Yên Thế), xây dựng vườn nhân giống quy mô 5.000 cây bằng biện pháp giâm cành và mô hình trồng thâm canh quy mô 3ha để xác định sự phân bố, đặc điểm hình thái, sinh trưởng của Trà hoa vàng; phân tích định lượng một số nhóm chất, chỉ tiêu sinh hóa; sử dụng chất kích thích sự ra rễ của cây bằng phương pháp giâm cành; nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh; thiết kế vườn ươm có khả năng thoát nước và điều chỉnh ánh sáng...
Hiện đã có 2,5ha Trà hoa vàng được thâm canh tại các xã bên sườn Tây Yên Tử thuộc hai huyện Sơn Động, Lục Nam, trong đó có xã Trường Sơn quê ông Lựu. Việc nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống cây Trà hoa vàng không những phục vụ mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Từ cuối năm 2018, gia đình ông Lựu được thí điểm trồng khoảng 2.000 cây giống từ vườn ươm của dự án. Tham gia dự án, ông được tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Ông nhận xét: “Qua theo dõi bước đầu, cây phát triển tốt, thời điểm hiện tại cây cao 50 - 60cm, khoảng 6 năm sẽ cho hoa”.
Trà hoa vàng được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tháng 3/2021, Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh được hỗ trợ triển khai đề án khuyến công với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Hợp tác xã đã đầu tư máy sấy thăng hoa để phục vụ sản xuất của Hợp tác xã và bà con nông dân trong vùng. Ưu điểm của máy sấy thăng hoa mang lại là giữ nguyên được màu sắc, mùi vị, hàm lượng các chất trong trà mà phương pháp sấy thủ công hoặc sấy điện không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của Trà hoa vàng. Hoạt động của chiếc máy sấy này đã đem lại lợi ích không nhỏ cho Hợp tác xã cũng như bà con nông dân trong vùng. Ông Lựu cho biết: “Nhờ máy sấy này, giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần so với trước, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng”.
Ngoài việc được cơ quan nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều từ kỹ thuật trang thiết bị máy móc, sản phẩm Trà hoa vàng của Hợp tác xã còn được giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước như việc hỗ trợ tham gia hội chợ, kết nối cung cầu xúc tiến thương mại với các tỉnh; hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày quảng bá sản phẩm tại trụ sở… Đến nay, Hợp tác xã có thể đưa ra thị trường khoảng 40.000 sản phẩm, doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Điều đặc biệt nhất là sản phẩm Trà hoa vàng dược liệu của Hợp tác xã đã được nhà nước hỗ trợ lập các tài khoản để phân phối và bán trên sàn thương mại điện tử như shopee, lazada… Theo ông Lựu, trên thị trường, sản phẩm Trà hoa vàng sấy khô đang được bán ra với giá dao động từ 3 - 4 triệu đồng/kg; tại thị trường Trung Quốc, giá bán từ 8 - 10 triệu đồng/kg. Mỗi héc-ta trà có thể cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng từ sản phẩm hoa và lá. “Mong muốn lớn nhất của tôi là mở rộng vùng trồng loại Trà hoa vàng quý hiếm này để phát triển kinh tế khu vực, đưa cây Trà hoa vàng trở thành cây nông nghiệp chủ lực của quê hương Bắc Giang, phát triển đủ nhu cầu cung ứng sản phẩm loại trà quý này ra thị trường, thêm nhiều người dân quê tôi có công ăn việc làm, có thể làm giàu trên chính quê hương mình”, ông Lựu bày tỏ./.
Mới đây, sản phẩm Trà hoa vàng của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Từ nay, Trà hoa vàng không chỉ khoe sắc nơi núi rừng Tây Yên Tử mà đã tự tin bước trên hành trình chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có mặt trên sàn thương mại điện tử shopee, lazada, thương hiệu Trà Hoa vàng Tây Yên Tử đang vươn ra thế giới, khẳng định giá trị và tỏa hương xa./. |