Hơn 10 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân vùng khó khăn, bác sĩ trẻ Đỗ Thị Thanh Trang, ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực cống hiến cho cộng đồng. Chị đang viết tiếp ước mơ của mẹ và cũng là mơ ước của chính mình.
Viết tiếp ước mơ thuở thơ bé
Mẹ là bác sĩ nên trong ký ức từ những ngày thơ bé, bác sĩ trẻ Đỗ Thị Thanh Trang đã có những khoảng thời gian dài gắn bó với phòng bệnh và khuôn viên bệnh viện. Chị Trang kể, từ những ngày nhỏ, vì điều kiện gia đình khó khăn, neo người nên ngoài giờ học, chị thường theo mẹ đến bệnh viện. Trong lúc mẹ làm việc, chị tha thẩn dạo quanh các phòng bệnh hay tranh thủ học và làm bài tập. Những đêm mẹ có ca trực, chị ngủ lại cùng mẹ ở bệnh viện. Trong ký ức của cô gái nhỏ khi ấy, những ca trực của mẹ thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt.
Những ngày tháng của hơn 30 năm trước, ngành y tế địa phương vốn đã nhiều khó khăn, với y tế tuyến huyện lại càng thiếu thốn. Vất vả nhất là những ca cấp cứu trong đêm, cô bé Trang tận mắt chứng kiến sự vất vả, khó khăn của mẹ và các đồng nghiệp trong quá trình khẩn trương cứu chữa người bệnh, giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Sau mỗi đêm trực, họ tiếp tục trăn trở với những ca bệnh khó, cần mẫn với việc chăm sóc bệnh nhân, chăm lo từng viên thuốc, chai dịch. Những hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí cô bé, những tưởng sẽ trở thành rào cản khiến cô nhụt chí, sợ bệnh viện và nghề y. Nhưng ngược lại, khi cùng mẹ tận mắt nhìn thấy những lần bệnh nhân vượt qua nguy hiểm, người thân của họ vỡ òa hạnh phúc vì người nhà mình đã bình an, những nụ cười hạnh phúc, lời cảm ơn chân thành lại khiến Trang và mẹ cảm thấy vui lây, mừng rỡ và lấy đó làm động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn, giúp đỡ người bệnh tốt hơn.
Tốt nghiệp cấp 3, Trang chọn theo học ngành Y đa khoa tại trường Đại học Tây Nguyên. Sau đó, chị được tuyển dụng về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư Mgar (nay là Trung tâm y tế huyện). Trên cương vị mới, chị và mẹ của mình lại tiếp tục kề vai sát cánh, tích cực cùng với các đồng nghiệp chăm lo sức khỏe bệnh nhân.
Vì nụ cười và niềm hạnh phúc của bệnh nhân
Hơn 10 năm qua, chị Trang luôn cố gắng mang hết tâm huyết, khả năng của mình để cứu chữa bệnh nhân. Công việc tại khoa Nhi tuy bận rộn nhưng để lại cho chị nhiều cảm xúc. Bản thân chị cũng là người mẹ nên dễ đồng cảm với những phụ huynh, gia đình khi có con nhỏ bị đau ốm phải vào bệnh viện. Có những bệnh nhi vào viện trong điều kiện hết sức thiếu thốn, thậm chí không có nổi bộ quần áo để thay khi các con bị nôn ói, hay bị dây bẩn. Nhiều lần như thế, chị suy nghĩ và chia sẻ với các đồng nghiệp khác về việc xây dựng một “tủ đồ từ thiện”. Được các đồng nghiệp tại các địa bàn khác chia sẻ kinh nghiệm, chị tham khảo thêm mô hình tại các đơn vị khác rồi vận dụng làm một tủ đồ “Trao yêu thương - nhận nụ cười” đặt tại khu vực vui chơi cho thiếu nhi trong khuôn viên Trung tâm y tế huyện, nơi chị đang công tác.
Năm 2021, cùng với tủ đồ đầu tiên do chị đề xuất ý tưởng, có thêm 1 tủ đồ nữa được đặt tại đây với nhiều loại quần áo dành cho cả người lớn và trẻ em, giúp các bệnh nhân khó khăn, thiếu thốn có được bộ quần áo dùng tạm trong lúc cấp bách, cần kíp. Tủ đồ được cán bộ nhân viên trong bệnh viện ủng hộ nhiệt tình. Đoàn thanh niên của huyện cũng tổ chức quyên góp và giặt giũ sạch sẽ quần áo trước khi đem đến để vào tủ đồ từ thiện. Nhiều gia đình bệnh nhân lúc trước nhận đồ từ tủ đồ thì những lần sau, khi có dịp đi ngang qua, họ cũng chuẩn bị sẵn những bộ quần áo gửi tặng tủ đồ thay cho lời cảm ơn. Điều này khiến chị và các đồng nghiệp càng thêm phấn khởi. Vào mỗi cuối tuần, các bác sĩ trẻ lại dành chút thời gian kiểm tra tủ đồ, sắp xếp lại cho gọn gàng, lấy những quần áo bẩn đem đi giặt.
Không chỉ nhiệt tình trong nhiệm vụ chuyên môn, chị Trang còn tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng. Chị hiện là Bí thư chi đoàn Trung tâm y tế huyện, hội viên Chi hội Thầy thuốc trẻ của huyện. Dù bận rộn, chị vẫn sắp xếp thời gian để tham gia những chuyến đi cơ sở, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Với chị, đó là những trải nghiệm đầy thú vị, ý nghĩa, góp chút sức trẻ và năng lực của bản thân đến cộng đồng
Chị vẫn nhớ lần đi khám bệnh tại một buôn dân tộc thiểu số cách trung tâm huyện gần 4 - 5 chục cây số. Quãng đường xa, di chuyển khó khăn, đoàn phải đi từ rất sớm để kịp giờ hẹn với người dân. Nơi đặt bàn khám là nhà cộng đồng buôn, trước một khoảng sân nhỏ. Nhìn ngôi nhà lụp xụp, vách gỗ rơi rớt gần hết, những ngôi nhà dân xung quanh đó cũng không khá hơn, chị chùng lòng thương người dân vất vả. Với họ, việc có được bữa ăn đầy đủ đã khó khăn huống chi lặn lội quãng đường hàng chục cây số để đi thăm khám và chăm sóc sức khỏe.
Chị Trang kể, hôm đó đoàn gồm gần chục bác sĩ trẻ, nguồn thuốc ít ỏi có được từ việc đi vận động các đơn vị tài trợ. Trong quá trình thăm khám, bà con rất nghiêm túc xếp hàng và kiên nhẫn chờ đến lượt khám, nhận thuốc. Sau buổi khám, họ rối rít cảm ơn đoàn với tình cảm chân thành, có gia đình còn dành tặng các bác sĩ ít rau, củ rừng mà họ có khiến chị Trang và những bác sĩ trong đoàn cảm thấy ấm lòng. Đó cũng là động lực để chị và các thầy thuốc trẻ chủ động sắp xếp thời gian, công việc và huy động nguồn lực để có nhiều dịp đến với bà con. Cùng với khám bệnh, các anh chị cũng cố gắng huy động những phần quà, tuy nhỏ nhưng góp phần giúp bà con vơi bớt khó khăn.
Còn sức trẻ thì vẫn tiếp tục cống hiến
Mới đây, bác sĩ Đỗ Thị Thanh Trang được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Thầy thuốc trẻ. Chị cũng là 1 trong 32 thầy thuốc trẻ xuất sắc, tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Nhiều năm qua, chị đã nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp về thành tích hoạt động đoàn, hội tiêu biểu, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Để có những thành quả đó là cả quá trình cống hiến miệt mài suốt hơn 10 năm qua. Từ những ngày đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại địa phương, chị Trang đã không quản ngại xông pha trên các mặt trận phòng chống dịch, từ tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống dịch, đến các nhiệm vụ chuyên môn như lấy mẫu, truy vết F0, khám sàng lọc tiêm vaccine, hỗ trợ đội phản ứng nhanh tiêm chủng,… Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, nguồn trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế rất thiếu thốn, khan hiếm. Với vai trò bí thư chi đoàn, chị đã trực tiếp đi quyên góp, tìm kiếm vật liệu để làm tấm kính chắn giọt bắn cho nhân viên y tế trong lúc làm nhiệm vụ. Chị Trang kể, vì không tìm được nguồn nguyên liệu, chị đã đến tận các siêu thị điện máy để xin từng miếng xốp, tấm kính trong về rồi huy động đoàn viên tham gia cắt, dán để làm tấm chắn giọt bắn.
Có những khoảng thời gian chị phải làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, lo sợ người nhà và các con bị nhiễm bệnh, chị phải để con nhỏ ở nhà với bố và ông bà, giao lại việc nhà cho chồng gánh vác. Chị Trang bộc bạch, cùng với mẹ, chồng chính là động lực lớn, vững vàng để chị yên tâm công tác. Là người tham gia công tác xã hội nên anh rất thấu hiểu và chia sẻ cùng chị, sẵn sàng gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà để chị yên tâm tham gia công tác xã hội. “Sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi người và ngành y giúp chăm lo cho sức khỏe con người. Đó chính là động lực của tôi. Ước mơ của mẹ tôi hơn 30 năm vẫn đang được viết, bây giờ tôi viết tiếp ước mơ đó của mẹ, và cũng là viết lên ước mơ của chính mình./.
Tôi muốn mang nhiệt huyết của mình cống hiến vì sức khỏe cộng đồng. Còn tuổi trẻ, còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm điều đó”.
Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Trang
|