Những mong ước nhân văn từ ý tưởng lắp phao cứu sinh trên cầu từ Lào Cai - Thái Bình

Ý tưởng lắp phao cứu sinh trên các cầu là một phần trong hành trình thiện nguyện 'Tình yêu sông Hồng' giúp giảm bớt tình trạng đuối nước.

 

Mấy ngày gần đây, tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh khu vực cầu Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Long Biên (Hà Nội) xuất hiện nhiều phao cứu sinh. Những chiếc phao có màu chủ đạo là vàng cam và trắng, được treo trên lan can thành cầu, với mục đích hỗ trợ những người bị đuối nước, người muốn cứu người đuối nước hay người không may gặp nạn trên sông.

Những chiếc phao cứu sinh xuất hiện trên các cây cầu ở Hà Nội gây tò mò, thắc mắc cho người dân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chỉ cần còn 1 - 2 cái phao cứu sống được một người cũng là hạnh phúc lớn

Trao đổi với PV báo điện tử VOV, anh Nguyễn Ngọc Khánh, trưởng nhóm câu lạc bộ bơi khám phá - nhóm tình nguyện thực hiện ý tưởng treo phao cứu sinh – chia sẻ, đây là một trong những hoạt động trong hành trình thiện nguyện của nhóm mang tên “Tình yêu sông Hồng”, bao gồm chương trình dạy bơi miễn phí, kỹ năng làm quen với sông nước – cách sơ cấp cứu khi đuối nước cho học sinh và lắp đặt phao cứu sinh trên các cây cầu từ bắt nguồn sông Hồng là tỉnh Lào Cai đến kết thúc sông Hồng là tỉnh Thái Bình.

“Ý tưởng đã được ấp ủ từ lâu, tuy nhiên sau khi liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thời gian qua, chúng tôi quyết định triển khai ngay việc trang bị phao cứu sinh trên cầu. Chúng tôi dự định trang bị khoảng 400 chiếc phao cứu sinh trên những cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình. Dự kiến tháng 7/2022, nhóm tình nguyện sẽ lắp đặt xong”, anh Khánh cho hay.

Khoảng 400 chiếc phao cứu sinh sẽ được mắc trên những cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhiều người cảm thấy bất ngờ và thắc mắc về mục đích và ý nghĩa của việc trang bị phao cứu sinh tại các cây cầu.

“Tôi nghĩ việc treo thêm phao ở thành cầu không có ý nghĩa nhiều vì nếu người nào có ý định tự tử thì không để người khác thấy. Ngoài ra khi nhảy từ trên cao xuống tạo nên lực va đập rất mạnh. Có khi xuống đến nước là xỉu chứ không nổi lên mà tóm phao được. Còn những người đi đường có phải ai cũng biết bơi đâu nên sao dám xuống mà dùng phao cứu người”, một người dân sống ven cầu Chương Dương nêu ý kiến.

Chị Nguyễn Thị Mai thường xuyên di chuyển qua khu vực cầu Long Biên thì cho rằng: “Mấy ngày hôm nay đi qua tôi cũng thấy những chiếc phao treo trên lan can cầu. Ý nghĩa thì cũng nhân văn, song tôi lo giải pháp này không chắc đã tốt bởi có phao nhưng không có người hỗ trợ thì lại không thiết thực lắm. Phao chỉ hỗ trợ cho những người nhảy xuống cứu để an toàn thêm thì may ra”.

6 cây cầu Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Long Biên (Hà Nội) xuất hiện nhiều phao cứu sinh.

Theo anh Khánh, mục đích của việc lắp đặt phao cứu sinh này để gián tiếp giúp những người bị đuối nước, những người muốn cứu người đuối nước có phương tiện để cứu người. Đặc biệt, thời gian này đã vào mùa mưa lũ, có nhiều người không may gặp nạn trên sông và có cả những người mất niềm tin vào cuộc sống, suy nghĩ dại dột.

“Chúng tôi chỉ hy vọng mang đến thêm một lựa chọn khi những người đang muốn tìm cách giải thoát khỏi cuộc sống này nhảy xuống bị chịu đau đớn, có một giây phút nào đó bản năng sống của họ trỗi dậy. Nếu có một chiếc phao, họ sẽ không phải lãng phí cuộc sống. Hoặc những người muốn cứu người bị đuối nước khi có thêm chiếc phao, họ sẽ bớt e ngại, thêm động lực và tăng bảo hộ an toàn cho mình”, anh Khánh nói.

Nhóm tình nguyện đã in dòng chữ “Phao cứu người, không lấy” trên các phao cứu sinh.

Lường trước tình huống những chiếc phao này có thể bị gỡ ra sử dụng cho mục đích riêng, nhóm tình nguyện đã để lại dòng chữ “Phao cứu người, không lấy”. Song đối với nhóm, điều quan trọng nhất là hành động này được lan tỏa và hy vọng những chiếc phao sẽ làm đúng công năng của chúng trong các trường hợp khẩn cấp.

“Có nhiều ý kiến trái chiều đến chúng tôi là treo phao như vậy để làm gì. Treo đó rồi để chỉ 1 ngày là mất thôi. Chúng tôi đã tính cả trường hợp như vậy và xác định luôn, lỡ bị mất thì cũng không sao cả. Chỉ cần 100 chiếc phao chúng tôi đặt mà còn 1-2 cái phao cứu sống được một người thôi. Đó cũng là niềm hạnh phúc rất lớn đối với hoạt động của nhóm”, anh Khánh bày tỏ.

Hành trình thiện nguyện được nhiều người ủng hộ và tham gia nhiệt tình (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau một đêm kêu gọi đã có hàng chục người đăng ký tham gia

Chia sẻ về nguồn lực triển khai ý tưởng treo phao cứu sinh nói riêng và hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” nói riêng, Trưởng nhóm câu lạc bộ bơi khám phá cảm thấy khá bất ngờ và hạnh phúc vì sự nhiệt tình tham gia của mọi người.

“Về nguồn nhân lực hiện tại chúng tôi có khá nhiều người. Hành trình thiện nguyện Tình yêu sông Hồng mới bắt đầu trong thời gian ngắn. Khi tôi kêu gọi sự tham gia trên mạng xã hội thì chỉ sau 1 đêm đã có hơn 50 người đăng ký tình nguyện làm việc này cùng tôi. Về nguồn kinh phí, lúc đầu chúng tôi xác định sẽ tự đóng góp có ít đóng ít, có nhiều góp nhiều và các anh em trong câu lạc bộ bơi khám phá sẽ tự duy trì hoạt động này, nhưng sau đó chỉ vài ngày có khá nhiều mạnh thường quân đã tài trợ cho chúng tôi. Tôi cảm thấy thực sự may mắn và hạnh phúc”, anh Khánh phấn khởi nói.

Chỉ cần còn 1 - 2 cái phao cứu sống được một người cũng là hạnh phúc lớn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đối với Khánh, vẫn còn nhiều rất nhiều việc phải làm trong hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng”. Điều Trưởng nhóm câu lạc bộ bơi khám phá này đang tâm huyết là có thể đi khắp các tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình để chia sẻ và hướng dẫn cách bơi cho học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh các vùng khó khăn, nơi không có đủ phương tiện vật chất để được dạy bơi đúng cách, giúp giảm thiểu tình trạng đuối nước khi hè về.

“Thực tế việc biết bơi trong bể bơi hay vùng nước nông và biết bơi ở ngoài sông, hồ… là hai khái niệm rất khác nhau. Bơi trong bể bơi được không có nghĩa ra ngoài bơi được. Chúng tôi mong muốn mang đến một thông tin chuẩn cho cả người lớn và các bạn nhỏ hiểu đúng thế nào là biết bơi. Khi hiểu được đúng thì cả người lớn và các bạn nhỏ sẽ không chủ quan nữa. Tôi mong muốn mang kiến thức làm sao bơi an toàn ở ngoài để các bạn hiểu, có thông tin về bơi an toàn, như vậy tỉ lệ đuối nước sẽ giảm”, anh Khánh nói./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận