'Đường cọ' của chàng trai xứ chùa Vàng

Với Nguyễn Bình Thuận, sinh viên trường Đại học Trà Vinh, thư pháp là nét đẹp văn hóa nghệ thuật từ ngàn xưa của người Việt, cần được gìn giữ và bảo tồn.

 

Nguyễn Bình Thuận (22 tuổi), từng là sinh viên năm cuối ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, trường Đại học Trà Vinh là một trong số ít bạn trẻ theo đuổi đam mê và thành công với bộ môn nghệ thuật vẽ tranh biểu diễn như: tranh lửa, tranh cà phê, tranh thư pháp...

Tài không đợi tuổi

Về Trà Vinh - xứ sở của những ngôi chùa Vàng trong một chiều mưa tháng tư, tôi tìm gặp Nguyễn Bình Thuận. Đúng như phần lớn người từng tiếp xúc với Thuận nói: “Thuận hiền lành, chất phác, thật thà, dễ mến lắm nghen”, vừa mới gặp, cậu trai trẻ đã tạo thiện cảm cho người đối diện. Rót ly nước mời tôi uống, rồi Thuận nhanh nhẹn đi vào phòng lấy ra một khối “gia tài” đồ sộ. Đó là những bức tranh thư pháp được Thuận cất giữ kỹ càng từ ngày đầu chập chững vào nghề. Có bức đã sờn cũ theo thời gian, có bức còn thơm mùi giấy mới. Đưa tôi xem qua một loạt tác phẩm của mình, “ông đồ trẻ” ngại ngùng nói: “Tấm này là lúc em mới bắt đầu tập tành viết, tuy xấu nhưng em vẫn cất giữ tới bây giờ để làm kỷ niệm”.

Tranh tường của Nguyễn Bình Thuận.

Nguyễn Bình Thuận sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, “chân ướt chân ráo” đến với thư pháp như một mối duyên. Lúc nhỏ, Thuận theo ba đi phụ hồ. Tranh thủ giờ rảnh rỗi, cậu bé tinh nghịch lấy cát trộn xi măng vẽ nên nhiều con vật mình yêu thích. Đến khi học cấp 2, Thuận bắt đầu bén duyên với thư pháp. Trong lần tình cờ xem một chương trình truyền hình, thấy ông đồ cho chữ vào ngày Tết, Thuận rất thích thú và quyết học thư pháp cho bằng được. “Em năn nỉ mẹ quá trời. Nhà thì nghèo nhưng mẹ vẫn ráng mua giấy cũ đã xài một mặt để em tập viết”, Thuận vui vẻ nhớ lại. Dường như dù khó khăn đến đâu cũng không bà mẹ nào ngó lơ ước muốn của con mình. Tôi thấy điều này hiển hiện rõ ở mẹ của Thuận. “Gia đình tôi không ai biết thư pháp hay làm nghệ thuật, thấy Thuận đam mê quá nên tôi mừng nhưng cũng lo, sợ em nó không học hành đến nơi đến chốn”, mẹ Thuận chia sẻ.

Biết ơn gia đình đã tạo điều kiện, từ đó Nguyễn Bình Thuận càng say mê tập luyện hơn bao giờ hết. “Em không có tiền mua bút, chỉ xài cây bút bi rồi tô lên cho đậm. Với lại em không có đủ đồ nghề bài bản như người ta nên lúc đầu viết nhìn không giống thư pháp. Em tặng bạn bè còn bị chê chữ như cua bò, không ai nhận hết trơn”, Thuận vừa nói vừa cười.

Thuận biểu diễn tranh nghệ thuật (tranh lửa, tranh chân dung thư pháp).

Chỉ sau một thời gian ngắn tự học và rèn luyện, chữ của Thuận tiến bộ vượt bậc. Không qua trường lớp đào tạo bài bản nhưng chàng trai trẻ đã vượt qua mọi rào cản. “Viết thư pháp mà được cầm tay chỉ việc, được dạy trực tiếp thì sẽ mau tiến bộ hơn là tự học”, Thuận bộc bạch. Từ các chi tiết nhỏ như phối màu, pha màu đến bố cục tổng thế đều được Thuận chăm chút, tỉ mỉ từng nét. Dần dà các bức tranh của ông đồ trẻ tuổi nhất Trà Vinh được bạn bè yêu mến đặt mua. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở khắp các tỉnh, thành cũng “đặt hàng” liên tục . Nhờ đó, Thuận có thêm một phần chi phí chăm lo cho gia đình khi ba mẹ giờ đây đã không còn sức lao động. Phần còn lại em dành dụm trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng đam mê.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Lên đại học, Thuận được thầy cô, bạn bè giới thiệu, mọi người biết đến nhiều hơn. Ngoài thư pháp, tranh chân dung, Thuận thử sức với nhiều thể loại độc đáo hơn như vẽ tranh bằng bột cà phê, tranh lửa… Khó nhất là thể loại tranh lửa, vì nó đòi hỏi độ chính xác cao trong từng đường cọ mới có thể hoàn thành tốt tác phẩm. “Lúc biểu diễn trên sân khấu, mới đầu em run lắm, mà từ từ riết cũng quen. Khó nhất là lúc sử dụng bình xịt để tạo hiệu ứng lửa khi đốt, nếu không xử lý dứt khoát, là tranh bị cháy xém liền. Hồi mới tập vẽ tranh lửa, em bị bỏng thường xuyên, phải tập cho thuần thục mới dám lên sân khấu”, Thuận chia sẻ.

Ông đồ trẻ cho chữ vào ngày Tết.

Còn nhớ trong một lần biểu diễn tranh nghệ thuật, không may gặp sự cố, bức tranh lửa đã bị cháy xém. Bình Thuận buồn bã và từ đó quyết tâm tìm ra nguyên liệu đặc biệt để khi vẽ tranh không bị cháy. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, cuối cùng chàng sinh viên trẻ đã tìm ra được thứ nguyên liệu “thần kỳ” ấy.  Bởi vậy, trong các chương trình Thuận tham gia đều mang đến sự tin cậy, thuyết phục cho người xem. Còn với tranh bằng chữ thư pháp thì đầu tiên người vẽ phải nhìn hình mẫu thật kỹ lưỡng để phân tích, sau đó họa từng nét chữ theo bố cục rồi ghép lại thành hình nhân vật. “Tranh bằng chữ thư pháp yêu cầu độ tỉ mỉ rất cao nên với mỗi bức tranh như vậy, em phải mất hơn một tiếng mới xong”, Thuận tâm sự.

Cách đây vài năm, trong chương trình “Hướng về miền Trung thân yêu”, Nguyễn Bình Thuận được mời tham gia biểu diễn tranh nghệ thuật. Hai bức tranh của chàng sinh viên được mua lại với giá khá cao. Thuận không dùng số tiền này để trang trải cuộc sống mà đóng góp toàn bộ cho đồng bào miền Trung đang “oằn mình” gánh chịu thiệt hại khi cơn bão đi qua. “Thấy đồng bào khó khăn, em muốn giúp đỡ mọi người trong khả năng của em. Sau chương trình đó em vui lắm vì tranh được mua giá cao. Số tiền này dù không là bao nhưng em mong sẽ giúp được đồng bào”, Thuận chia sẻ. Cũng bởi thế mà từ Bắc chí Nam, hễ ở đâu có chương trình nghệ thuật biểu diễn thư pháp gây quỹ ủng hộ đồng bào khó khăn là Nguyễn Bình Thuận lặn lội đến tham gia.

Gìn giữ nét cọ

Với Thuận, thư pháp là nét đẹp văn hóa nghệ thuật từ ngàn xưa của người Việt, cần được gìn giữ và bảo tồn. Ông bà ta có câu “Nét chữ nết người” - thông qua cách viết thể hiện được phần nào tâm tính của người nghệ sĩ. “Những câu văn, câu thơ trong thư pháp mang triết lý sống hướng con người đến điều tốt đẹp, nên qua đó, em muốn truyền tải nhiều thông điệp đến mọi người, nhất là thanh niên”. Hiện tại, “ông đồ trẻ” là Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh và sẵn sàng mở lớp dạy thư pháp nhằm gắn kết những người có đam mê với nhau. “Em biết bao nhiêu, em chia sẻ với mọi người bấy nhiêu, em không giấu nghề đâu”, Thuận cho hay.

Bức tranh thư pháp lúc mới vào nghề được Thuận cất giữ cẩn thận

Sắp tới, ngoài việc mở lớp dạy tại TPHCM, Thuận còn mở thêm các lớp học trực tuyến nhằm giúp những người yêu mến thư pháp trên khắp mọi miền đất nước tiếp cận dễ dàng với bộ môn này. Khác với điệu bộ rụt rè lúc ban đầu, khi nói về chuyên môn, về lợi ích của thư pháp, về kế hoạch phát triển nghệ thuật thư pháp trong tương lai, Nguyễn Bình Thuận trở nên mạnh dạn, hoạt bát: “Trong sách cổ có viết “Thanh tĩnh nuôi dưỡng tinh thần, loạn động phá hủy tinh thần”. Thư pháp có thể giúp người ta trở nên bình tĩnh; khi trẻ em luyện thư pháp sẽ giúp các em tập trung và bỏ bớt tính nóng vội của mình. Với mỗi nét thư pháp người ta luôn giữ sự tập trung trong cơ thể và tâm trí. Đây là một trạng trái có thể nuôi dưỡng tinh thần mỗi người”. “Chữ của Thuận đẹp lắm! Thuận vẽ chân dung giống y chang nên người ta hay đặt em vẽ tranh chân dung. Em lại hòa đồng, vui vẻ và hay giúp đỡ mọi người xung quanh! ”, ánh mắt chị Nguyễn Ngọc Thu như sáng lên khi chia sẻ về người em trong nghề.

Hiện tại, giới thư pháp ở Trà Vinh ai cũng biết đến cái tên Nguyễn Bình Thuận (hay còn gọi là Thuận thư pháp) vì “đường cọ” của Thuận rất có hồn, mang nét độc đáo, không lẫn vào đâu được./.

Em vẫn đang làm tự do, hễ có chương trình nào mời là em tham gia. Tỉnh nào em cũng đi, từ Nam ra Bắc có ai mời là em không do dự. Em muốn phát triển vẽ tranh lửa, vẽ thư pháp, được đứng trên sân khấu”.

Nguyễn Bình Thuận

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận