Ngọc Chiến - miền quê cổ tích nơi núi rừng Tây Bắc

Ngọc Chiến tựa bức tranh cổ tích, nguyên sơ, nên thơ, hiếm thấy ở bất cứ nơi nào khác.

 

“Nghe gió kể chuyện, nghe suối tâm tình và nghe người dân quê tôi kể về câu chuyện đặc biệt của mảnh đất này” - Lời mời gọi của người con quê hương Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La thôi thúc chúng tôi lên đường ghé thăm miền quê cổ tích của núi rừng Tây Bắc.

Bản giao hưởng của thiên nhiên

Sau chặng đường gần 80km từ thành phố Sơn La, vượt đỉnh Sam Síp cao gần 2.000m so với mặt nước biển, với 30 khúc cua ẩn mình trong mây, Ngọc Chiến hiện ra tựa bức tranh cổ tích, nguyên sơ, nên thơ, hiếm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Có lẽ, không phải tự nhiên mà Ngọc Chiến được gọi tên là “bản giao hưởng của thiên nhiên”. Bởi ngoài việc được thiên nhiên ưu ái vẻ đẹp suốt 4 mùa, miền đất này còn có những bàn tay cần cù, khéo léo, sáng tạo đang tô điểm cho bức tranh ấy.

Đặt chân tới Ngọc Chiến, chúng tôi bị cuốn hút bởi “bản giao hưởng” của gió, của suối và những chiếc guồng nước ở các bản Khua Vai, Mường Chiến, bản Lướt và bản Phày. Bước qua những tảng đá xếp dài và cầu tre bắc ngang suối Chiến, ngồi bên chiếc chòi nhỏ, ngắm nhìn guồng nước lớn quay đều, tiếng nước suối chảy róc rách, hương lúa thơm len lỏi theo cơn gió đầu hạ… cảm giác bình yên lạ thường. Chủ của 9 chiếc guồng nước ở bản Mường Chiến 2, ông Cầm Văn Phăn chia sẻ: “Guồng nước đã gắn bó với đời sống sản xuất nông nghiệp từ bao đời nay, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái mà chúng tôi gìn giữ. Để thu hút du khách tới tham quan, chúng tôi đã thiết kế các guồng nước lớn, dựng thêm chiếc lán nhỏ để du khách dừng chân, nghỉ ngơi, ngắm cảnh”.

Điểm du lịch cộng đồng suối khoáng nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến.

Tiếp tục hành trình, là trải nghiệm tắm suối khoáng nóng tự nhiên với nhiệt độ từ 30 đến 70 độ C. Trong câu chuyện với bà con Ngọc Chiến, được biết, suối khoáng nóng ở đây có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, có thể chữa được một số bệnh ngoài da, bệnh thấp khớp, tim mạch, xua tan mệt mỏi, căng thẳng. Ông Lò Văn Xây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết: Xã hiện có 13 khu khoáng nóng. Trong đó, tại bản Lướt và bản Nà Tâu đã hình thành điểm du lịch với các dịch vụ tắm khoáng nóng kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm hoạt động văn hóa, ẩm thực truyền thống.

Hầu hết các bản làng của Ngọc Chiến nằm trong các thung lũng, bao quanh là những cánh rừng xanh tốt, đem đến khí hậu mát mẻ quanh năm ở mức 23 độ C. Nếu như mùa xuân, Ngọc Chiến ngập trong sắc hoa anh đào, thì vào đầu hạ, núi đồi sẽ phủ kín sắc trắng tinh khôi của hoa sơn tra. Vào mùa lúa chín, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dải lụa vàng mênh mông chạy dọc chân trời. Đặc biệt, ở bản vùng cao Nậm Nghiệp, còn có thể săn mây và ghé thăm khu rừng nguyên sinh với những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi…

Kiến trúc “xanh” độc đáo

Ngọc Chiến còn được biết đến là vùng đất của những công trình với kiến trúc “xanh” độc đáo mà bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Đó là những ngôi nhà truyền thống mái lợp pơ mu, những chiếc cổng chào độc lạ, bức tường nhà kết bằng đá; hay những con đường bê tông chạy dọc khắp các bản làng, ngõ xóm, khu sản xuất, lung linh ánh điện không khác gì các thị trấn, thị tứ… Cán bộ và bà con Ngọc Chiến gọi đây là những công trình “0 đồng” - bởi xuất phát từ chủ trương của xã, nhưng kinh phí thực hiện 100% của nhân dân.

Người dân xã Ngọc Chiến gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống.

19 chiếc cổng chào của 15 bản ở Ngọc Chiến là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy. Chúng được tạo nên từ những vật liệu bình dị, thân thuộc trong thiên nhiên và do nhân dân tự làm. Nếu như cổng chào của bản Chom Khâu được làm bằng gỗ, thì cổng chào ở bản Pú Dảnh lại có mái lợp ngói đỏ và dùng những viên sỏi cuội ở suối để gắn tên của bản; cổng chào bản Đông Xuông lại được viết bằng chữ phổ thông và chữ Thái... Ngoài việc để nhận diện bản, là ranh giới giữa các bản, cổng chào còn là niềm tự hào của bà con và trở thành điểm check-in thu hút du khách khi tới tham quan bản.

Mỗi ngôi nhà ở Ngọc Chiến cũng là một công trình độc đáo. Người dân tộc Thái nơi đây đều sống trong những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ pơ mu với kiểu kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh tế. Mỗi ngôi nhà được chia làm 3 đến 5 gian để sinh hoạt, ngủ, nghỉ; 1 gian thờ tổ tiên, 1 gian của ông bà, các gian còn lại cho bố mẹ, vợ chồng và con cháu, được ngăn cách nhau bằng rèm hoặc vách gỗ. Đồng thời, mỗi gia đình đều thiết kế một chiếc cổng và tường bao riêng, sáng tạo. Ông Lò Văn Phới, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến chia sẻ: “Gia đình tôi chọn thiết kế chiếc cổng và tường bao quanh bằng đá, trên đó trang trí thêm các khóm hoa tự trồng. Đây đều là những vật liệu sẵn có ở địa phương và rất thân thiện với môi trường, thiên nhiên”.

Cổng chào độc đáo ở các bản làng Ngọc Chiến.

Ngọc Chiến còn có nhiều công trình “0 đồng” khác như: 4 nhà thờ tâm linh, gồm: Nhà thờ cây Sa Mu nghìn năm tuổi, nhà thờ tổ Đon Hó của người Thái Trắng; nhà thờ Xủ Công tâm linh bản Lướt, Nhà thờ cây đa Xí Tu bản Phày; khu chong chóng khổng lồ của Đoàn thanh niên; 15 sân vận động với diện tích từ 1.500m2 trở lên phục cụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân; hơn 2.200 cột điện thắp sáng ở tất cả các bản…

Đánh thức “miền quê cổ tích”

“Miền quê cổ tích" Ngọc Chiến đã và đang được đánh thức, tô điểm nhờ những chủ trương đặc biệt, tạo sự đồng thuận trong nhân dân từ “những người lái thuyền” Đảng ủy và chính quyền xã. Luồng gió mới mang đến sự thay đổi cho Ngọc Chiến bắt đầu với sự kiện Đảng ủy xã Ngọc Chiến xây dựng và ban hành Nghị quyết số 65 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch trên địa bàn. Từ tháng 11/2019 đến nay, Ngọc Chiến đã ban hành 77 chủ trương, trong đó có 31 chủ trương đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả.

Dòng suối Chiến dài hơn 10km.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến chia sẻ: Trong 77 chủ trương đề ra thì thành lập Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” là một trong những việc đầu tiên xã thực hiện. Đảng ủy xã đã thành lập 15 Tổ công tác “Ngày thứ 7 với dân” do các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy xã phụ trách. Mỗi tổ từ 3 - 5 người phụ trách một bản. Ban đầu, vào ngày thứ 7 của tuần thứ 4 hằng tháng, cán bộ có mặt ở bản mình phụ trách để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn và cùng người dân thực hiện các chủ trương đã đề ra. Đến nay, hầu hết các ngày trong tuần, cán bộ xã đều về bản để đồng hành cùng dân.

Cách làm hay của Ngọc Chiến để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đó là việc ban hành Nghị quyết sát với thực tiễn; đánh số từng đầu việc và sử dụng những câu từ gần gũi, để dân dễ hiểu, dễ nhớ... Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến minh chứng thêm: Đơn cử như trong nhóm chủ trương về lĩnh vực văn hóa - xã hội, du lịch, các công việc được định hướng triển khai với cách làm cụ thể cho từng bản, như: Vận động nhân dân bản Đông Xuông tạo hình bằng đá suối trên các tuyến đường; bản Kẻ làm khu không gian văn hóa và giới thiệu đặc sản rượu cần của dân tộc La Ha; xây dựng khu không gian văn hóa đồng bào Mông tại bản Chom Khâu; xây dựng bản Nà Tâu thành bản NTM kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng…

Khu chong chóng khổng lồ - công trình “0 đồng” của Đoàn thanh niên xã.

Tất cả chủ trương xã Ngọc Chiến đã và đang thực hiện đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vừa gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt. Được biết, với tiềm năng hiện có, Ngọc Chiến sẽ xây dựng và phát triển 4 loại hình du lịch, gồm: du lịch cộng đồng; du lịch tắm khoáng nóng kết hợp với nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch văn hóa và tâm linh. Đồng thời, triển khai kết nối du lịch theo các tuyến “Yên Bái - Mù Cang Chải - Ngọc Chiến”; “Sơn La - Mường La - Ngọc Chiến” và “Ngọc Chiến - Mù Cang Chải - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội”.

Mảnh đất rẻo cao Ngọc Chiến đang “chuyển mình” từng ngày. Cán bộ và đồng bào các dân tộc nơi đây đang cùng nhau dựng xây một miền quê đáng sống và tạo nên điểm đến hấp dẫn, khiến mỗi du khách ghé thăm muốn trở lại thêm nhiều lần nữa./.

Không phải tự nhiên mà Ngọc Chiến được gọi là “bản giao hưởng của thiên nhiên”. Bởi ngoài việc được thiên nhiên ưu ái cho vẻ đẹp suốt 4 mùa, miền đất này còn có những bàn tay cần cù, khéo léo, sáng tạo đang tô điểm cho bức tranh ấy.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận