Hiệu tạp hóa Tình yêu

'Hiệu tạp hóa tình yêu' là một minh chứng cho tình yêu tuyệt đẹp giữa người với người.

 

Kỷ niệm đổi được thành sự sống. Điều này đã được “Hiệu tạp hóa tình yêu” biến thành hiện thực bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm tặng kỷ vật và tổ chức đấu giá để gây quỹ mua máy thở và thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu ở TP. Hồ Chí Minh khi thành phố 300 tuổi này dường như ngừng thở bởi đại dịch Covid-19.

Những quà tặng biết thở

“Hiệu tạp hóa tình yêu” là một minh chứng cho tình yêu tuyệt đẹp giữa người với người. Tôi đã phải thốt lên như vậy khi dõi theo hành trình ấy. Đây là chương trình do Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng, Quỹ Thiện Nhân & Friends và Soha - gồm những nhà báo, doanh nhân, nghệ sĩ khắp cả nước phát động khi TP.HCM chìm trong đại dịch Covid-19. Khắp các bệnh viện, máy thở và thiết bị y tế bị thiếu trầm trọng, nhiều bệnh nhân đã mất đi cơ hội sống bởi không đợi được máy thở.

“Trong bối cảnh lúc đó, dịch Covid-19 lây lan khắp cả nước, ở đâu cũng tràn ngập nỗi lo về dịch bệnh và mưu sinh. Nếu mỗi ngày mình lại đưa tin về số người tử vong để tiếp tục kêu gọi ủng hộ tài chính mua máy thở thì vô hình chung mình đưa đến cho mọi người thêm một nỗi buồn, một gánh nặng”, chị Trần Mai Anh - người sáng lập Quỹ Thiện Nhân & Friends - trải lòng.

Đó là nguồn cơn để Nhóm thiện nguyện Hạt vừng khởi xướng chiến dịch “Hiệu tạp hóa tình yêu”, vừa giúp được người này mà không “quăng” gánh nặng cho người khác. Cái mà mọi người có thể ủng hộ không chỉ có tiền. Mỗi con người còn có nhiều giá trị khác để cho đi. Trong mỗi kỷ vật ẩn chứa những giá trị đặc biệt không thể đo đếm được. Mỗi kỷ vật là cả một câu chuyện, ở đó có sự gắn bó, có tình cảm và mang ý nghĩa sâu sắc đối với chủ nhân. Vì thế, phải yêu thương lắm người ta mới đem kỷ vật đi hiến tặng để từ đó trở thành nguồn dưỡng khí. Và giá trị của kỷ vật chỉ có thể đo được bằng sự sống.

Với “Hiệu tạp hóa tình yêu”, còn có những giá trị cho đi không thể quy ra được một con số cụ thể. Đó là KOLs (những người có tầm ảnh hưởng lớn với xã hội), những nhà báo, kênh truyền thông… với lượng fan hùng hậu, ngòi bút sắc bén sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ và lan tỏa tinh thần của “Hiệu tạp hóa tình yêu”. Và không thể thiếu, đó là các nhà hảo tâm tham gia đấu giá mua kỷ vật. Tất cả đã cho đi tình yêu, giá trị của mình để đổi lấy hơi thở, sự sống cho người khác.

Hơn 2 tháng hoạt động (từ 14/7 - 19/8/2021), “Hiệu Tạp hóa tình yêu” đã nhận được rất nhiều kỷ vật quý giá. Nhà báo Bùi Ngọc Hải, Giám đốc SOHA.vn, một trong những thành viên sáng lập nhóm thiện nguyện Hạt vừng, đã ví đây như cơn mưa quà tặng. Mỗi người gửi tặng đều có chung một mong mỏi, rằng khi món kỷ vật tìm được chủ nhân mới, sẽ có thêm những chiếc máy thở được gửi đến tuyến đầu chống dịch, thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Có người hiến tặng kỷ vật, nhưng làm sao đến được từng địa chỉ để nhận khi lúc ấy cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc di chuyển là điều gần như không thể. “Bài toán nan giải ấy cuối cùng lại được giải rất nhanh: Có chiến sĩ công an, bộ đội biết tới “Hiệu tạp hóa tình yêu”, qua mạng xã hội đã nhắn tin xin trở thành tình nguyện viên, trên đường làm nhiệm vụ, họ sẽ đi nhận kỷ vật mang về. Chốt gác dịch, hàng rào an ninh trở thành nơi để trao - nhận kỷ vật. Các ngả đường bị chia cắt, nhưng đường dây tình cảm giữa những con người vẫn cứ kết nối được với nhau đầy yêu thương như hiển nhiên phải thế”, chị Trần Mai Anh cho hay.

Việc tổ chức những liveshow đấu giá kỷ vật giữa lúc giãn cách xã hội thật không dễ dàng. Nhưng tất cả đều được tháo gỡ bởi rất nhiều tình nguyện viên, dù trước đó chưa từng biết nhau, kẻ Nam, người Bắc nhưng mỗi người một việc để lo từ kịch bản, MC, kỹ thuật, điều phối... Dù chỉ được họp hành, phân bổ công việc qua online nhưng tất cả cùng nỗ lực để ghép lại với nhau một cách hoàn hảo nhất, làm nên thành công của những buổi đấu giá online.

“Điều trăn trở nhất là việc “đối xử” với những kỷ vật ấy thế nào để không phụ lòng người tặng? Làm sao chuyển tải hết câu chuyện, ý nghĩa của mỗi kỷ vật đó để mỗi nhà hảo tâm thấy được chân giá trị của kỷ vật ấy? Đó là việc không dễ dàng nhưng “Hiệu tạp hóa tình yêu” quyết tâm phải làm được”, chị Trần Mai Anh bày tỏ.

Và “Hiệu tạp hóa tình yêu” đã làm được. Những chương trình livestream đấu giá kỷ vật phát trực tiếp trên hàng loạt trang fanpage uy tín không chỉ gây ướt bàn phím vì nước mắt bởi tình người gây xúc động từ cả phía người hiến tặng và người mua kỷ vật, mà còn nổi sóng dư luận vì những màn trả giá hấp dẫn như phim, đã níu chân khách mua và khán giả đến nửa đêm, thu hút lượt xem ấn tượng với hàng ngàn bình luận tích cực. Những nụ cười ấm áp trao nhau giữa người tặng, người mua và “Hiệu tạp hóa tình yêu” đã xua tan sự u ám của đại dịch dữ dằn.

Ngay sau phiên đấu giá, dù là nửa đêm, rất nhiều người thắng đã nhắn tin cho ban tổ chức, nôn nóng chuyển tiền, không phải để sớm có kỷ vật, mà để sớm có tiền mua máy thở: “Máy thở phải mua gấp không người ta chết mất”. Và hàng chục món kỷ vật mới lại được cộng đồng gửi về để tiếp tục hành trình đổi lấy sự sống. Dường như yêu thương khiến người ta chẳng thể ngồi yên.

Mỗi kỷ vật một câu chuyện

Cho đến giờ, khi chương trình “Hiệu tạp hóa tình yêu” đã khép lại được 3 tháng, Quỹ Hạt vừng đang thực hiện một chương trình khác: Đỡ đầu cho những em bé bị mất cha mẹ, gia đình sau đợt Covid-19 đỉnh điểm ấy, nhưng từng kỷ vật với câu chuyện gắn liền với nó, từng nhà hảo tâm với màn đấu giá đậm tình người vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người được chứng kiến.

Một nhà đấu giá ẩn danh tuổi trung niên ở Sài Gòn đã khiến cả chương trình lặng đi. Ông mua một cỗ máy chơi nhạc tinh xảo ẩn dưới lớp vỏ gỗ đơn giản với giá 400 triệu đồng, gấp gần trăm lần giá khởi điểm. “Đây là số tiền lớn với tôi, nhưng tôi chấp nhận sống kham khổ trong năm tới để dành tiền đó tặng cho Sài Gòn - nơi tôi lập nghiệp, thành công và trải qua cả những thất bại trong đời”. Reuge - chiếc “hộp nhạc vương giả” - trở thành vật phẩm vô giá của ông với mơ ước dịch bệnh sớm kết thúc, để ai cũng có cơ hội sống.

Một kỷ vật đặc biệt được đưa ra đấu giá là chiếc áo mang chữ ký của cả đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo sau trận chung kết giành chức vô địch SEA Games 2019, trận đấu vinh quang 60 năm mới có, do nhà báo Đinh Đức Hoàng trao tặng. Chiếc áo với giá khởi điểm là 10 triệu đồng đã thuộc về doanh nhân Hoàng Hương và BTV Ngọc Trinh, ở giá cuối cùng là 500 triệu đồng, tương đương với 6 chiếc máy thở. Chiếc áo chứa đựng kỷ niệm của cả dân tộc giờ còn là kỷ vật của lòng người, của tình nghĩa đồng bào trong những ngày cả đất nước cùng chung tay bảo vệ những nhịp thở.

Cầu thủ bóng đá Trọng Hoàng tặng “Hiệu tạp hoá tình yêu” tấm Huy chương vàng SEA Games năm 2019

Chỉ mất vài giây nghĩ ngợi, cầu thủ bóng đá Trọng Hoàng đã quyết định gửi tặng “Hiệu tạp hoá tình yêu” tấm Huy chương vàng SEA Games năm 2019. Đó là tấm huy chương mà người Việt chờ đợi suốt 60 năm và Trọng Hoàng phải mất cả thanh xuân để đợi chờ, phải đánh đổi bằng nước mắt và cả máu; là một vật báu không thể có lần thứ 2 của anh. Thế nhưng, “Không bây giờ thì bao giờ” - Hoàng chỉ nói như vậy về quyết định lẽ ra phải rất khó khăn của mình. Sau 5 ngày, tấm HCV danh giá ấy đã tìm được chủ nhân mới là Luật sư Nguyễn Trí Đức hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore. Với mức giá cuối cùng là 207 triệu đồng, tấm HCV ấy của Trọng Hoàng đã trở thành tấm HCV được lưu giữ trong lòng người Việt.

Trong số những món đồ được đấu giá livestream, phải kể đến 5 cây bàng vuông do những người lính ở Trường Sa ươm mầm trồng, đã vượt hơn 300 hải lý vào đất liền, mang theo tình cảm của những người lính đến với “Hiệu tạp hoá tình yêu”, đổi lấy máy thở cho bệnh nhân Covid-19.

Món quà mà thầy Cổ Văn Hậu - một kiến trúc sư ở Sài Gòn - hiến tặng là 5 bức tranh do chính thầy vẽ. Khi 3 bức tranh đã được bán thì thầy ra đi vì Covid-19. Chị Quỳnh Hương, thành viên của nhóm thiện nguyện Hạt vừng, cho hay: “Những bức tranh - món quà của thầy vẫn còn treo trên gian hàng của Hạt Vừng. Hơi thở của thầy đã mất đi, nhưng thầy vẫn tặng lại hơi thở cho những bệnh nhân khác quanh mình”.

“Tôi thấy nghèn nghẹn và muốn mình cố gắng nhiều hơn nữa khi tình yêu đang cứ thế nối dài. Mỗi người đều là những hạt vừng cổ tích mở ra cánh cửa yêu thương. Khi đoàn kết, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, hiểm nguy để bao hơi thở, bao sự sống đã được giữ lại với cuộc đời”.

Nhà báo Trần Mai Anh

“Kỷ vật sẽ có giá trị không thể đong đếm được khi kỷ vật đó có thể làm được là giúp đỡ đồng bào”. VĐV khuyết tật Trần Phúc Đạt đã nhắn cho “Hiệu tạp hóa tình yêu” như vậy khi quyết định tặng chiếc HCV mà anh giành được tại Đại hội thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018 có chữ ký của danh thủ Nguyễn Hồng Sơn. Và còn bao kỷ vật khác không thể liệt kê hết được. ““Hiệu tạp hóa tình yêu” không phải chỉ trao tặng những nhịp thở mà còn khơi lên sự tử tế, nhân văn trong mỗi con người”. Câu nói ấy của nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN - người hiến tặng chiếc đồng hồ gắn bó thân thiết với mình trong suốt khoảng thời gian đầy ý nghĩa của anh - khiến tôi nghĩ tới một điều: Cổ tích sinh ra từ lòng người./.

Tính từ ngày 14/7 - 18/9/2021, trước thời điểm livestream lần cuối, Quỹ Hạt Vừng đã kêu gọi được hơn 16 tỷ 467 triệu đồng. Quỹ Hạt Vừng đã chuyển hóa số tiền đó thành 143 chiếc máy thở; 238 bộ vật tư tiêu hao; 90 máy tạo oxy; 78 máy monitor dòng 5 thông số; 43 bơm tiêm điện; 02 máy xét nghiệm khí máu động mạch được mua, trao tặng cho 57 bệnh viện và trung tâm y tế các địa phương: TP.HCM, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai. Và đó chưa phải con số cuối cùng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận