Khe Sanh luồng gió mới

Khe Sanh có nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió, sự sầm uất của thị trấn sôi động hẳn lên, nhiều người ở mọi miền của Tổ quốc về đây tham quan du lich...

 

Đúng vào những ngày mưa rét, trải dọc con đường gần 200km từ sân bay Đồng Hới về Khe Sanh, địa danh lịch sử thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, dừng chân thấy nhiều ánh đèn màu của các tòa nhà, khách sạn, quán xá thắp sáng như một thành phố thu nhỏ rất sầm uất - mặc dù đang mùa dịch Covid-19. Bắt chuyện với cô gái bán hàng xinh xắn, em cho biết: "Bố em là người ngoài Bắc ở tỉnh Hưng Yên, ông đã tham gia trận đánh rất ác liệt năm 1968 tại Khe Sanh, sau đó ông bị thương, rồi được một cô gái Vân Kiều băng bó cứu chữa... Đó chính là mẹ của em. Em mang trong mình 2 dòng máu. Bố em đã quyết định ở lại vùng đất này lập nghiệp, nay đến đời chúng em". Tôi muốn gặp ông để trò chuyện kể về trận đánh và cuộc sống gia đình ông từ ngày đó cho đến nay, nhưng ông từ chối vì giá rét nên ông không muốn rời khỏi chiếc chăn bông. Gặp vợ ông, người phụ nữ Vân Kiều đã có tuổi với nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt nhưng vẫn hiện lên ánh mắt tươi tắn nở nụ cười đôn hậu, hiền hòa. Bà kể ngày đầu gặp ông ấy: "Lúc anh ấy bị thương trong rừng, tôi lấy chiếc khăn đang quấn trên đầu băng bó cho anh ấy, rồi chạy đi tìm gọi bộ đội, sau có mấy anh em dùng cáng đưa đi, tôi nghĩ sẽ không gặp lại anh ấy... Đúng là trời đã se duyên, anh ấy đã tìm lại được tôi".

Điện gió nguồn năng lượng xanh sạch từ thiên nhiên.

Qua câu chuyện, hai mẹ con bà chủ quán cho biết, từ khi Khe Sanh có nhiều doanh nghiệp về đây đầu tư dự án điện gió, sự sầm uất của thị trấn sôi động hẳn lên, nhiều người ở khắp mọi miền của Tổ quốc về đây tham quan du lịch...

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bám theo những con đường mới mở, lượn theo những quả đồi quanh co đến chân các tua-bin cột điện gió trên các đỉnh đồi cao hơn so với mực nước biển khoảng 600m - 1000m. Nhìn xa xa cảnh tượng thật hùng vĩ với hàng trăm cột điện gió đang quay. Và càng tự hào, Việt Nam ta đã bắt nhập ứng dụng khoa học công nghệ cao khai thác nguồn năng lượng xanh sạch từ thiên nhiên ban tặng, và từ đó hạn chế xây dựng nhà máy nhiệt điện than.

Qua trung tâm Thị trấn Khe Sanh hơn 10km, chúng tôi đến nơi có cột điện gió cao nhất và to nhất tại vùng đất Quảng Trị này. Trời lộng gió lại thêm mưa phùn, mây phủ kín vạn vật, chúng tôi phải quát to mới nghe được tiếng nói của nhau. Đứng xa chừng 3m là không nhìn thấy rõ nhau, chỉ nghe thấy tiếng cánh quạt điện gió quay ầm ầm như tiếng máy bay đang chuyển động. Đây là thành quả đầu tư của Tập đoàn Amacao - một tập đoàn có uy tín trong việc tham gia đầu tư và thi công các công trình lớn của quốc gia, như: Dự án đường băng số 3 sân bay Nội Bài, xây dựng sân bay Vân Đồn, dự án tầu điện ngầm, các cầu và đường bộ trọng điểm.v.v.

Ông Tô Văn Năm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amacao - cho biết: Tập đoàn xác định muốn thành công phải áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, có tính bền vững cao. Chính vì vậy Amacao đã lựa chọn công nghệ của Goldwind. cột thép cao 135m, đường kính của cột là hơn 5m, cánh quạt dài 78m.

Ở trạm điều hành, chúng tôi tận mắt chứng kiến hệ thống (tự động) thu nạp điện từ các tua-bin điện gió “tích điện” qua một biến áp công suất lớn, rồi được truyền tải lên lưới điện của quốc gia. Một kỹ sư cho biết: Tất cả điều hành bằng máy tính. Nếu có vấn đề gì trục trặc, một tua-bin ngừng quay lập tức đèn báo đỏ để người vận hành biết xử lý.

Amacao đã và đang đầu tư 12 tua-bin điện gió tại Quảng Trị, tính trung bình của những tháng nhiều hay ít gió cho sản lượng điện 2 tỷ kWh/năm, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Amacao đang triển khai dự án tại Lai Châu, Bà Rịa-Vũng Tàu và tiếp tục đầu tư ở những nơi khác.v.v.

Ông Hồ Tà Ai - Già làng, Trưởng bản Cheng, xã Tân Liên ngay dưới chân cột - cho biết: Bản có hơn 500 nhân khẩu với 111 hộ gia đình Bru - Vân Kiều. Kể từ khi có dự án điện gió, bà con được đi trên những con đường trải đá, đổ bê tông, thoáng rộng hơn, không bị lầy lội sau mùa mưa như trước kia; con em của bản làm tại dự án điện gió này có công việc tốt, thu nhập cao.

Ông Hồ Tà Búp - Bí thư bản Cheng - tâm sự: Amacao rất tôn trọng phong tục tập quán của bà con dân tộc nơi đây. Vào các dịp lễ hội, Công ty đều góp trâu, góp lợn cho bà con tổ chức lễ, cuối năm cúng mùa gạo mới. Cảm được ân tình này, bà con trong bản nói với nhau cùng chung sức bảo vệ mạng lưới điện và các hạng mục công trình của dự án...

Ông Nguyễn Đình Phục - Chánh văn phòng UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - cho biết: Kể từ khi có dự án điện gió, diện mạo Khe Sanh phần nào đã “thay da, đổi thịt” cả về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, khách du lịch đến Khe Sanh nhiều hơn. Hiện tại huyện có 29 dự án điện gió và sẽ còn tiếp tục triển khai mô hình này. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hạ tầng cơ sở được tăng cường đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển các dự án của mình, nhất là phát triển mũi nhọn về du lịch...

Khách đến Hướng Hóa bây giờ có thể đến các điểm du lịch sinh thái như thác Tà Puồng (xã Hướng Việt), mô hình du lịch Farmstay, Homestay (tại xã Hướng Phùng, Tân Hợp)... Mô hình Làng du lịch cộng đồng phối hợp với tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan tại thác Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) được triển khai và có hiệu quả. Bên cạnh đó còn có di tích Nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, cứ điểm Làng Vây, danh thắng thác Ồ Ồ (xã Tân Long), hồ Tân Độ (thị trấn Khe Sanh)...

Nhà đầu tư dự án điện gió đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa không giấu niềm vui trước những thành quả đóng góp chủ lực từ các nhà đầu tư dự án điện gió, cho biết: kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và trọng tâm, phát huy lợi thế đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, từng bước khắc phục các công trình bị thiệt hại do thiên tai mùa lũ năm ngoái để lại... Quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước đến 31/12/2021 đạt 175,18% so với kế hoạch giao, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 390,38%.

Xuôi đường số 9 từ Lao Bảo về đến Đông Hà, trong lòng tôi vang vọng câu thơ xưa của Tố Hữu:

“Xe lên đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh

Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh

Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi...”

Khe Sanh lần nữa đổi khác. Thu hút đầu tư vào điện gió cùng với đường sá nhiều công trình công cộng… đã và đang tạo nên một diện mạo mới của Khe Sanh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận