Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ

Dấu chân của những người lính biên phòng tỉnh Lai Châu đã lặng thầm đồng hành cùng đồng bào La Hủ trên những đỉnh núi, vách đá cheo leo.

 

Bài 3: Nhà nghĩa tình ấm lòng người La Hủ

Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động cùng những bước chân di cư của người dân, đồng bào La Hủ đã hiểu ra cái lý của bộ đội biên phòng để xuống núi lập bản định cư. Xuống núi, nghĩa là bà con dần từ bỏ tập tục lạc hậu, từ bỏ những mái lá vàng úa trên từng túp lều tranh trong những hẻm núi để làm quen với cuộc sống mới.

Chị Lu Lỳ Ga ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, một trong những người đầu tiên xuống núi lập bản vào năm 2006 chia sẻ: “Sống lang thang trên rừng, bà con khổ lắm! Ở trên núi cũng không có một chỗ thờ cúng tổ tiên, đi đến đâu là mình phải làm bàn thờ ở đó. Thấy bộ đội biên phòng tìm đến nói xuống núi ở sẽ bớt khổ, con mình sẽ được đi học chữ, không còn đói rét nữa. Khi thấy một hộ, hai hộ theo chân bộ đội xuống núi nên mình cũng theo xuống. Về ở bản mới có nhà cao rộng để ở, được hỗ trợ cuộc sống, bà con không còn phải chịu đói rét nữa”.

Sau nhiều đời sinh sống với tập tục du canh du cư, người La Hủ đã theo chân những người lính biên phòng xuống núi lập bản.

Ngày ấy, khi bà con đang sống nay đây mai đó trong những mái lều tranh nơi rừng thiêng nước độc, được bộ đội biên phòng vận động xuống núi và được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ cuộc sống thì bà con mừng lắm. Họ cũng biết rằng, để có được một ngôi nhà kiên cố thì công sức của bộ đội biên phòng cũng nhiều như cây rừng, gió núi và cũng gian nan như bà con đã từng một thời hoang hoải trong rừng.

Từ một vài hộ ban đầu, số hộ dân tin và theo bộ đội biên phòng xuống núi định cư ngày càng nhiều. Trong khi nguồn lực hỗ trợ làm nhà của Nhà nước từ các chính sách dành cho đồng bào La Hủ hàng năm có hạn, thì năm 2020, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Bộ Công an, tỉnh Lai Châu đã có Đề án 245 hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Tè, trong đó có đồng bào La Hủ. Đây cũng là một trong những nội dung thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ ở xã Mường Tè, Thu Lũm, Tá Pạ, Pa Ủ, Bum Tở, Pa Vệ Sủ. Ngay sau khi Đề án được triển khai, lực lượng biên phòng cùng với các lực lượng khác tại địa phương đã bắt tay ngay vào công việc giúp đỡ bà con. Chỉ gần 3 tháng, hơn 1.000 căn nhà được làm mới, sửa chữa để bàn giao cho bà con.

Khi dân bản xuống núi, bộ đội biên phòng lên rừng lấy gỗ về dựng nhà cho người dân.

Thượng tá Phan Văn Hóa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu nhớ lại: “Đề án triển khai vào mùa mưa nên bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã động viên cán bộ, chiến sĩ, triển khai bằng các biện pháp tích cực, bằng nhiều biện pháp để làm cho được. Với am hiểu về phong tục của đồng bào trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình để triển khai hiện theo đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu. Trong quá trình triển khai thì phân công cụ thể các đồng chí thủ trưởng Bộ Chỉ huy, rồi các phòng, ban vào chỉ đạo và tham gia trực tiếp cùng anh em; động viên anh em trong mùa mưa nên đã hoàn thành toàn bộ”.

Vậy là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng từ các đơn vị trong tỉnh lần nữa khoác trên mình ba lô quân tư trang hành quân về cơ sở để phối hợp với lực lượng các đồn triển khai làm nhà giúp dân.

Chưa đầy 3 tháng, hơn 200 ngôi nhà nghĩa tình có diện tích từ 35 - 40m2 với ba tiêu chí cứng: nền cứng, khung cứng và mái cứng là niềm mơ ước của đồng bào La Hủ được hoàn thành. Từ đây, người dân tại các bản làng người La Hủ có thêm tổ ấm để về, không còn lo lắng mỗi khi trời đổ mưa giông, gió rít như trước.

Tạm gác lại tay súng, những người lính quân hàm xanh bận rộn với nghề mới - thợ mộc.

Ông Phản Phu Lô, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, huyện Mường Tè chia sẻ: “Đồn biên phòng đã cùng với cấp ủy, chính quyền làm cho xã Pa Ủ ngày càng phát triển về cả tổ chức chính trị, văn hóa - xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và nhất là đảm bảo khu vực phòng thủ biên giới. Cán bộ đã hướng dẫn bà con trong chăn nuôi trang trại. Hiện nay bà con đang thực hiện các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, của huyện để nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Đồn Biên phòng xã Pa Ủ đã cùng với cấp ủy, chính quyền bảo vệ bền vững, phát triển của đề án dân tộc La Hủ”.

Thời điểm triển khai Đề án làm nhà cho dân, đất trời Mường Tè như thách thức ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của các lực lượng hỗ trợ. Những cơn mưa rừng thâu đêm, suốt sáng làm phần lớn các tuyến đường liên xã, liên bản bị sạt lở hư hỏng. Không chịu khuất phục, những cây cầu tạm hay đường cáp treo hàng trăm mét được dựng lên để kết nối, vận chuyển vật liệu về các bản làng. Sau bao khó khăn, vất vả, những ngôi nhà mới cuối cùng cũng được hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng, như lời hứa của bộ đội khi vận động bà con xuống núi.

Những mái nhà nghĩa tình của người lính biên phòng đã làm ấm lòng người dân La Hủ.

Bên ngôi nhà mới của gia đình, ông Thàng Mý Sè, ở bản Mu Chi, xã Pa Ủ với đôi mắt rưng rưng kể lại: “Được sự quan tâm của Đảng, trực tiếp là bộ đội biên phòng, vận động dân tộc chúng tôi về sống thành từng bản. Bây giờ, bản đã rất to, rất đẹp, có nhà khang trang hơn trước nhiều. Bộ đội hướng dẫn cho chúng tôi cách làm ruộng nước. Vì thế, đời sống của nhân dân đã nâng lên, bản làng no ấm”.

Sự thật đó đang hiện hữu trên các bản làng ở huyện biên giới Mường Tè, nơi có hàng nghìn hộ đồng bào La Hủ từng sinh sống trong những túp lều xiêu vẹo lợp lá rừng. Giờ có nhà rồi, mơ ước đã thành hiện thực nên từ người già đến con trẻ ai cũng vui sướng. Những ngôi nhà được làm từ cái tình của những người lính biên phòng và các lực lượng chức năng địa phương.

Từ đó, những bản làng người La Hủ được hình thành dọc tuyến biên giới Mường Tè (Lai Châu).

Bà Phản Ly Xơ ở bản Tá Pạ, xã Tá Pạ cũng như nhiều người dân La Hủ ở các xã dọc tuyến biên giới Mường Tè đều vui mừng, khi chưa bao giờ được ở trong một ngôi nhà chắc chắn đến vậy.

Không chỉ bà Phản Ly Xơ ở Tá Bạ, mà phần lớn đồng bào La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu hôm nay cũng đều có mong ước như vậy. Mỗi lời nói của bộ đội đều như một cái cây đã cắm sâu vào khe đá, như con cá dưới suối bơi ngược thác ghềnh. Bà con đã tin việc làm của bộ đội. Hôm nay bộ đội bảo giúp bà con nuôi con lợn, con bò, trồng thêm cây lúa để đuổi cái đói, cái nghèo là bà con làm theo./.

(Còn tiếp Kỳ 4).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận