Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ

Cái đói của đồng bào La Hủ kéo dài theo năm tháng và kết lại thành mùa đói, song hành cùng mùa di cư và được bắt đầu từ mỗi ngày khi người dân thức giấc.

 

Bài 2: Những mùa đói trên nương

Cái đói của đồng bào La Hủ bắt đầu từ khi núi rừng còn chưa thức giấc, nhưng đám trẻ con đã mò dậy. Dậy để tìm những cái nồi trong góc bếp, nhưng đáy nồi nào cũng trống không. Trong điều kiện tự nhiên ấy, chúng tự sinh tự diệt, nhiều đứa trẻ không tìm được cái ăn đã không chịu được cái đói rồi lịm đi.

Bà Phả Phi Sơ, 85 tuổi ở bản Thăm Pa, xã Pa Ủ nhớ lại, bà từng có 7 người con. Các con của bà sinh ra tại các lều lán tạm trên rừng trong những mùa di cư. Vì đi nhiều, các con bà đứa vừa sinh ra gặp rét phải nằm lại khe núi, những đứa khác vì cái ăn không có nên bị bệnh mà mất. Giờ chỉ còn hai cô con gái vượt qua được những mùa đói. Nghĩ lại ngày ấy, bà thấy trong lòng như có đá khía: “Người La Hủ mình ngày xưa khổ lắm, toàn phải vào rừng đào củ mài ăn, ăn hết củ mài lại đi tìm củ nâu, chát lắm nhưng vẫn phải ăn, không ăn thì cả nhà chết đói. Di cư đi làm nương thì đám lợn rừng, chuột núi nó tìm đến phá hết. Nồi niêu trong lán cũng chẳng có gì, không tìm được gì ăn, chúng gặm cả nồi, cả cột lán của mình đấy. Mấy đứa con của mình cũng vì đói mà bỏ mình từ lúc còn bé, chúng nó nằm lại hết trong rừng rồi”.

Bước chân người La Hủ hoang hoải đi khắp núi rừng đại ngàn huyện Mường Tè (Lai Châu) để mưu sinh.

Cái đói làm quặn lòng, mùa xuân chưa hết thì mùa đói lại đến, mùa hạ qua rồi nhưng mùa đói vẫn còn lại phía sau. Đồng bào La Hủ khi xưa vì mải miết mưu sinh trong rừng mà quên cả tính mạng. Có những lúc bệnh tật cướp đi trước mắt họ những người thân thiết, gần gũi nhất mà chỉ biết nhìn. Cứu chữa làm sao đây, khi cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào núi vào rừng. Cuộc sống không điện, không đèn, để rồi sáng thức dậy chỉ có ánh mặt trời lọt vào vách liếp soi rõ hơn cái đói trong niêu.

Giờ kể lại chuyện xưa, chị Ly Mỳ Lở, ở bản Là Si, xã Thu Lũm quặn thắt tận đáy lòng, mà nước mắt rưng rưng: “Ngày xưa không có đồ gì đâu, chỉ có một cái nồi, bát thì mình làm bằng tre nứa. Giường mình cũng tự chôn cột, tự lấy cây nứa để chặt rồi buộc lại. Đêm về đốt lửa để sưởi ấm, không có quần áo mặc, không có chăn để đắp. Ở đâu thì mình thờ cúng ở đấy. Không phải làm bàn thờ đâu, mình chỉ cúng cho ông bà tổ tiên, ví dụ như ngày lễ, ngày Tết thì mình phải kêu ông bà tổ tiên về ăn, đồ lễ cũng chỉ có một bát cơm, một chén nước thôi”.

Những ngày di cư tự do, đồng bào Lai Hủ thường sống từng nhóm hộ trong rừng sâu, biệt lập với thế giới bên ngoài.

Khi ấy, cô bé Ly Mỳ Lở còn rất nhỏ. Những chuyến di cư với cái đói quay quắt khiến Lở phải tự tìm cách kiếm cái ăn mà lớn lên. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra từ cây rừng, gió núi, trải qua cuộc sống nhọc nhằn trong đói rét mới thấu hiểu. Thậm chí đến bộ quần áo bà con cũng không có đủ để mặc, cái bát ăn cơm là đốt tre già mài tròn làm bát. Cuộc sống đó nó như một bức vẽ không bao giờ hoàn thiện, không biết nét bút cuối cùng phải kết thúc ở đâu.

Anh Ly Se Đư ở bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nhớ lại: “Gia đình mình chỉ có 5 người là 2 vợ chồng và 3 con. Cuộc sống ngày trước vất vả lắm, mỗi người chỉ có một bộ quần áo trên người. Khi lấy vợ về rồi, muốn làm nương, làm ruộng nhưng cái cuốc, cái xẻng hay dao phát đều không có. Nhà ở thì bố mẹ làm cho lợp gianh, thưng vách nứa. Trong nhà chỉ có mấy cái nồi và cái dao nhỏ”.

Khi xưa những đứa trẻ người La Hủ không có đủ quần áo mặc như bây giờ.

Khi ấy, trên rừng sâu núi thẳm, ngoài những lán trên nương lá chưa kịp vàng đã bị chủ nhân bỏ đi thì chỉ có dấu chân của những người lính biên phòng để lại trên hành trình tuần tra. Thấy cuộc sống của bà con gian nan vất vả, các anh cũng hiểu rằng, núi rừng không có lỗi trong cái đói, mà chính con người đã tạo nên cái đói cho mình từ những hủ tục, tập quán lạc hậu. Tập tục của người La Hủ ngày xưa họ không thích ở một chỗ, không thích làm nhà chắc chắn. Cái mà họ cần là nay cánh rừng này, mai cánh rừng khác, đi để cây cũ nảy mầm mới, đi để thú mới về rừng cũ, rồi người cũ ấy lại về nơi cũ tìm cái ăn.

Dấu chân người La Hủ đi nhiều hơn dấu chân con nai, con hoẵng nhưng chưa thể đi bằng dấu chân của bộ đội biên phòng. Chính vì vậy mà những người lính biên phòng là người hiểu được cái bụng của người La Hủ, hiểu được điều mà bà con nghĩ. Dù thời gian đã đi qua, song ký ức những ngày đói của bà con La Hủ thì vẫn còn đó.

Thượng tá Lò Văn Hiêng, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ, người con dân tộc Thái của núi rừng Tây Bắc, người là “anh em ruột thịt” với đồng bào La Hủ khi có gần 40 năm công tác tại tuyến biên giới huyện Mường Tè nhớ lại: Trong công tác xóa đói, giảm nghèo của dân tộc La Hủ, chúng tôi cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cử cán bộ đi các bản. Phân công những cán bộ chủ chốt, cùng với các tổ chức của Đảng ủy đưa các nghị quyết cùng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để cho nhân dân tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.

Lực lượng biên phòng Lai Châu kiên trì bám bản vận động người dân xuống núi định cư.

Khi người lính biên phòng đã như một điểm tựa cùng chính quyền địa phương vận động bà con xuống núi, để từ bỏ những mái lá liêu xiêu, tìm một nơi ở mới, điều đó sẽ không còn khó khăn. Nơi đó, chắc chắn lá sẽ không còn vàng trên mái, những mùa đói sẽ qua đi để nhường chỗ cho mùa no ấm. Về điều này, đồng chí Nguyễn Khánh Uyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Tè cho hay: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã đã vận động bà con tập quán du canh di cư về để xây dựng điểm bản, ổn định trường lớp, phục vụ cho công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em đồng bào La Hủ. Đối với chính quyền địa phương đến tận nơi cùng ăn, cùng ở, cùng làm để vận động bà con, thay đổi tập quán lạc hậu để áp dụng các mô hình canh tác, sản xuất để nâng cao đời sống cho bà con”.

Người vùng cao từng nói thuở khai thiên lập địa chưa bao giờ có khái niệm đường. Thế nhưng nhờ sự kiên trì của người lính biên phòng, trong tận cùng của những ngày đói, mùa đói đã bắt đầu hiện ra một con đường. Từ trong những cánh rừng sâu thẳm, con đường xuống núi của bà con hiện ra từ những dấu chân của những người lính quân hàm xanh./.

(Còn tiếp Kỳ 3)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận