Quản lý, cấp phép bay như thế nào để dù lượn phát triển tại Việt Nam?

Việt Nam có số lượng phi công, câu lạc bộ và điểm bay đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Tiềm năng bay thương mại và quảng bá du lịch
Trong vài năm trở lại đây, tại nhiều danh thắng trên cả nước thường xuyên có những sự kiện bay dù lượn (Paragliding) biểu diễn, bay đôi trải nghiệm, thi hạ cánh chính xác của các phi công trong nước và quốc tế như. Những sự kiện như: "Bay trên mùa vàng" diễn ra vào tháng 9; "Bay trên mùa nước đổ" diễn ra vào tháng 5 tại vùng di sản ruộng bậc thang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); "Bay trên Putaleng" diễn ra vào tháng 10 tại Tam Đường (Lai Châu); "Bay trên Tiên Sa" diễn ra vào tháng 6 tại Đà Nẵng; "Giải dù lượn hạ cánh chính xác" tại Hoành Bồ (Quảng Ninh); hay các sự kiện bay dù trên cao nguyên Đồng Văn, Hoàng Su Phì (Hà Giang); bay trên thung lũng Mường Hum, bay trên Cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai); Phi công Việt Nam tham dự các giải dù lượn quốc tế ở nước ngoài… thu hút được sự quan tâm của khách du lịch và người dân địa phương. 
Lê Thị Dung, một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ sau khi có cơ hội bay với cánh dù chao lượn trên thung lũng Lìm Mông, Khau Phạ, Mù Cang Chải tại lễ hội "Bay trên mùa nước đổ 2018": "Em rất hạnh phúc, sau phút hồi hộp và có phần hơi "choáng" khi cất cánh bởi cảm giác hụt hẫng giữa không gian. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút bay và trải nghiệm thực tế, em thực sự cảm nhận thung lũng Lìm Mông đẹp như một bức tranh đầy mê hoặc, khiến cho mọi cảm giác chơi vơi hồi hộp lúc ban đầu tan biến…".
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, đại diện Ban tổ chức các sự kiện "Bay trên mùa vàng" cho biết: "Năm 2013, lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải tổ chức sự kiện "Bay trên mùa vàng" thì có hơn 30 phi công dù lượn tham gia. Đến nay, con số phi công tham gia sự kiện đã tăng lên hơn 100 phi công, có cả phi công nước ngoài. Sau 5 năm tổ chức, số du khách đến với sự kiện đã tăng từ hơn 1.000 người (năm 2013) lên con số hơn 14.000 (năm 2017). Đây thực sự là con số ấn tượng, nói lên giá trị của bộ môn dù lượn với việc quảng bá, thu hút du khách đến với di sản Quốc gia ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, đến với di tích đèo Khau Phạ. Hơn thế, thông qua sự kiện, những thông điệp về di sản và bảo vệ di sản để phát triển văn hóa du lịch bền vững cũng được tiếp cận rộng rãi tới người dân và du khách…".
Hướng tới thể thao thành tích cao
Anh Vũ Tuấn Dũng, phi công câu lạc bộ (CLB) dù lượn Vietwings Hà Nội, người từng tham dự giải dù lượn tại Khaosadao năm 2018 chia sẻ: "Việt Nam có nhiều điểm bay đẹp, hấp dẫn và có tiềm năng khai thác bay thương mại, phục vụ quảng bá và phát triển du lịch, như: Mù Cang Chải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Quảng Ninh… Việt Nam có khoảng hơn 300 phi công sinh hoạt tại 8 CLB và đang tiếp tục phát triển nhanh, khá đều ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Nhiều điểm bay có điều kiện tập luyện tốt để nâng cao kỹ thuật, hướng tới mục tiêu bay thành tích cao để tham dự các giải dù lượn quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, dù lượn Việt Nam cần có quy hoạch cụ thể, có hành lang pháp lý cho các CLB, các phi công hoạt động, tập luyện nâng cao thành tích…". 
Tại Đại hội thể thao châu Á 2018 (Asiad 18) được tổ chức ở Indonesia mới đây, bộ môn dù lượn đã lần đầu được đưa vào nội dung thi đấu với sự tham gia của 16 đoàn, với gần 100 phi công, tham dự ở 2 nội dung là: Thi hạ cánh chính xác và thi bay đường trường với 6 bộ huy chương cho cá nhân nam, nữ và đồng đội. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và lan toả cũng như khả năng phát triển của môn thể thao đặc biệt này. Đáng tiếc, tuy các CLB dù lượn đã rất cố gắng, chủ động lựa chọn phi công và đăng ký tham gia nhưng Việt Nam vẫn không có phi công góp mặt, tranh tài tại Asiad 18. 
Anh Lê Hoàng Bách, phi công từng tham dự giải Paragliding World Cup 2018 (Akasaray, Turkey) chia sẻ: "Paragliding World Cup 2018 có khoảng 150 phi công thành tích cao từ hơn 40 quốc gia tham gia tranh tài. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam (1 phi công) thì chỉ có Indonesia là có phi công đủ tiêu chuẩn tham dự giải. Dù không đoạt giải tại mùa giải 2018 nhưng đây có thể coi như một dấu mốc khi lần đầu tiên Việt Nam có phi công tham gia giải này. Đây cũng là dấu mốc cho mục tiêu thành tích cao đối với bộ môn dù lượn ở Việt Nam".
Anh Lê Hoàng Bách sẽ tham dự vòng loại Paragliding World Cup 2019 vào cuối tháng 10 tại Hàn Quốc và là phi công duy nhất của Việt Nam tham dự mùa giải 2019. Ngoài ra, có rất nhiều phi công Việt Nam từng tham dự các giải dù lượn quốc tế như tại giải dù lượn Batu mở rộng 2011, giải vô địch quốc gia Indonesia mở rộng, giải tiền các môn thể thao bãi biển châu Á, SEA Games 26… Và đã từng có phi công Trần Thị Anh đoạt giải ở nội dung bay đường dài tại Cúp nhà Vua Thái Lan… Tuy nhiên, các phi công dù lượn Việt Nam hiện nay vẫn tham dự những cuộc thi này với tư cách cá nhân.
Nhiều vướng mắc
Trên thế giới, dù lượn là môn thể thao hàng không được xếp vào bộ môn thể thao quần chúng. Cơ quan hàng không dân dụng quốc gia quy định những khu vực cấm bay đối với hoạt động thể thao hàng không và thông báo trên "bản đồ hàng không", thông báo tới các CLB hàng không. Theo đó phi công dù lượn được phép bay tự do tại tất cả các khu vực không cấm bay mà không cần xin phép. Các CLB hàng không cũng không bị quản lý bởi Bộ Quốc phòng. 
Ở Việt Nam, dù lượn là một bộ môn nằm trong phạm vi quản lý của Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Quy chế về tổ chức, quản lý hoạt động bay của các CLC hàng không do Bộ Quốc phòng quy định, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, quốc phòng và quản lý điều hành bay trong vùng trời Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải lập hồ sơ xin phép Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chậm nhất 14 ngày, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay.
Hơn thế, cơ quan quản lý chuyên môn về thể dục, thể thao cũng chưa có những quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, an toàn… cụ thể giúp chuẩn hóa bộ môn dù lượn theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng không có cơ chế khuyến khích, định hướng mục tiêu phát triển đối với bộ môn này. 
Từ thực tế này đã có nhiều ý kiến băn khoăn: Việc cấp phép, quản lý bay dù lượn theo từng sự kiện, từng địa điểm và thời gian cụ thể liệu có phù hợp? Việc ghép dù lượn với các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khác như tại nghị định 36 liệu đã hợp lý?. Bởi, dù lượn không giống như thiết bị bay có điều khiển từ xa (dron, flycam) hay các thiết bị bay có động cơ siêu nhẹ, có thể dễ dàng cất-hạ cánh, bay ở bất cứ đâu. Còn dù lượn là môn thể thao quần chúng, sử dụng thiết bị bay thô sơ. Để bay dù lượn, các phi công cần có điểm cất cánh, hạ cánh cụ thể. Thời gian bay dù lượn lại phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên khó xác định chính xác, thường chỉ xác định thời gian bay trước khi cất cánh vài giờ… Chính vì vậy, việc quản lý, cấp phép bay như hiện nay đang là rào cản đối với việc phát triển bộ môn dù lượn tại Việt Nam./.

Bình luận

    Chưa có bình luận