Là một thôn có vị trí giao thông thuận lợi, lại cách những địa bàn có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng không xa, thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang có nhiều điều kiện để phát triển nghề sản xuất mộc dân dụng.
Nghề mộc dân dụng ở thôn Bãi Ổi, được cụ Lương Văn Thù quê tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội lên lập nghiệp và truyền nghề cho người dân lao động tại địa phương từ năm 1958. Thời hoàng kim của nghề mộc Bãi Ổi đó là trong những năm bao cấp, đồ gỗ Bãi Ổi đã thu hút không ít khách hàng trong tỉnh về địa phương đặt mua do chất lượng tốt, giá cả phải chăng, không ít thợ của làng còn đi khắp nơi đóng đồ, dựng nhà thuê.
Tuy nhiên cũng như các làng nghề khác, những năm nền kinh tế nước ta dần chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm gỗ công nghiệp, đồ mộc của nhiều địa phương trong nước cũng như được nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng nhiều hơn, rồi gỗ nguyên liệu dần bị khan hiếm do đóng cửa rừng tự nhiên. Do vậy, nghề mộc Bãi Ổi đã dần bị mai một, có những năm khó khăn nhiều thợ của làng phải rời quê hương tới các địa phương khác để lập nghiệp hoặc đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất mộc tại các làng nghề khác.
Sau một thời gian dài bị mai một, nghề mộc dân dụng đã dần được khôi phục và phát triển. Người ta lại được thấy không khí làm việc luôn sôi động, khẩn trương tại làng nghề này. Một điều dễ dàng nhận ra sản phẩm mộc Bãi Ổi là ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn. Để duy trì và phát triển nghề, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư, ứng dụng những máy móc ngày càng hiện đại theo hướng chuyên môn hóa. Đến nay, sản phẩm mộc Bãi Ổi từng bước khẳng định được vị trí của mình trên thị trường trong tỉnh và vươn được sang các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên.../.