Người truyền cảm hứng ở Vàng Ngần

'Để được bà con tin tưởng thì phải sống thật tốt, làm những việc thật tốt. Nếu chỉ một việc không tốt thì người dân không tin, không quý nữa'.

 

Luôn tâm niệm điều đó, trưởng thôn Triệu Văn Lý đã truyền cảm hứng “thoát nghèo và làm giàu” đến đồng bào người Dao ở Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Cán bộ, đảng viên muốn dân nghe thì phải làm trước

Vàng Ngần là mảnh đất chịu nhiều thiệt hại sau trận lũ lịch sử năm 2018, hôm nay đã “khoác” lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và những con đường bê tông như dải lụa vắt ngang những đồi quế trập trùng.

 “Tuyến đường này vừa dẫn vào khu dân cư, vừa dẫn vào rừng quế nhưng tuyến đường này nhỏ, khó đi. Mỗi khi mưa gió thì gần như bị cô lập. Vì thế đợt này, nhân dân Vàng Ngần góp tiền, góp sức phấn đấu đổ bê tông thêm 2km đường”. Trên đường đưa chúng tôi vào khu dân cư Ngã Hai, nơi bà con đang kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, ông Lý chia sẻ.

Trên công trường rộn rã, đông đảo bà con đồng bào Dao nhanh tay trộn cát, sỏi để đổ bê tông cho tuyến đường. Cơn mưa rừng lúc đến, lúc đi xen với cái nắng còn gắt giữa thu không thể làm vơi đi khí thế lao động hăng say. Tiếng máy, tiếng cuốc xẻng, cười nói râm ran cả một vùng sơn cước. “Năm 2018, nhân dân trong thôn đã đóng góp, mở rộng được 8km đường lên khu dân cư Ngã Hai và 4km đường từ bản Trên đến khe Bảo. Trong 2 năm qua, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, dân bản đã kiên cố hóa được 5,5km đường giao thông, trong đó 2,3km đường trục chính, còn lại là đường đặc thù vào các khu dân cư”, vừa làm với bà con, ông Lý vừa cho biết.

Ông Triệu Văn Lý - người đội mũ cối, đứng phía trên - trò chuyện cùng người dân trong thôn.

Chia sẻ bí quyết vận động bà con tham gia đóng góp, làm đường hăng say dù cuộc sống của nhiều hộ còn khó khăn, ông Triệu Văn Lý cho hay: “Mình là đảng viên, là trưởng thôn, muốn bà con nghe thì việc gì mình cũng phải làm trước, rồi bà con nhìn thấy sẽ làm theo. Hôm nay đến thuyết phục mà bà con chưa thông thì ngày mai mình đến tiếp. Công tác dân vận có thể tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, trên nương ngô, nương lúa hay góc bếp của mỗi gia đình... Có như vậy thì mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới đến với dân được”.

“Cây vàng” xóa nghèo đất khó

Những tâm sự về cách “dân vận” của Trưởng thôn Triệu Văn Lý mộc mạc như chính con người ông vậy. Nghe thì thật đơn giản, dễ dàng, nhưng phía sau là cả một nỗ lực vượt khó tuyệt vời của người đàn ông nhiều tâm huyết với quê hương này.

Ông Lý sinh năm 1972, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ được học hết cấp 1. Năm 2000, ông vinh dự được kết nạp Đảng, sau đó đi học lớp sơ cấp chính trị ở huyện. Đến năm 2003, khi xã Suối Quyền mở trường cấp 2, ông cùng một số thanh niên đi bộ lên xã để học bổ túc văn hóa. Được đi học, ông hiểu rằng, đảng viên phải có kinh tế khá trở lên thì vận động, tuyên truyền người dân mới tin tưởng, làm theo.

Sau đó là cả quãng thời gian dài ông Lý tìm tòi, học hỏi, đưa cây quế (tiếng Dao gọi là Ka đốp), được mệnh danh là “cây vàng” ở Yên Bái về trồng thay thế cho những đồi nứa, nương lau quanh thôn. Từ vài trăm mét vuông, rồi 1ha, 2ha, đến nay gia đình ông Lý đã có hơn 10ha quế. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi thêm trâu, lợn, gà để phục vụ sinh hoạt và bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập. Nhằm tiết kiệm chi phí, ông Lý ươm quế giống để phát triển đồi quế của gia đình và hướng dẫn cho các hộ trong thôn cùng làm.

Những tuyến đường của lòng dân.

 “Dưới sự vận động, tuyên truyền của trưởng thôn Triệu Văn Lý, người dân thôn Vàng Ngần đã “vươn mình” mạnh mẽ. Trên 100 hộ dân trong thôn đã tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích quế. Cả thôn hiện đã có 350ha, bình quân mỗi năm trồng được 20ha. Cây quế cho thu nhập ổn định, nhiều hộ trở thành khá và giàu. Giữa năm 2019, thôn mới có điện lưới quốc gia, nhưng đến nay đã có 80% số hộ có ti vi, 50% số hộ có tủ lạnh, 30% có máy giặt. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, bình quân mỗi năm giảm từ 15 - 20% hộ nghèo…”, ông Đặng Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn vui mừng cho biết.

Đến Vàng Ngần, ngoài sự sung túc trong từng hộ gia đình người Dao nơi đây, điều làm nhiều người ấn tượng chính là mô hình bảo vệ, phát triển rừng quế chung của thôn. Mỗi gia đình, mỗi người đều có trách nhiệm cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng trông coi, cùng giữ gìn. Tổng diện tích đồi quế chung hiện đã lên đến 35ha.

Để bảo đảm sự công khai, công bằng, minh bạch, trưởng thôn Triệu Văn Lý đã trực tiếp tham gia và phân công các hộ trong thôn luân phiên chăm sóc, bảo vệ. “Hằng năm, tiền thu được từ bán cành, lá quế và một số sản phẩm khác bình quân được trên 150 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu dùng để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, làm nhà thiếu tiền, hoặc cho các hộ vay không tính lãi để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó dùng để tu sửa, mở đường giao thông; mua đồ dùng học tập cho các cháu học lớp mẫu giáo tại bản; khen thưởng các cháu học sinh khá, giỏi và các hộ, cá nhân trong thôn tiêu biểu gương mẫu. Đặc biệt, cuối năm vào dịp gần Tết Nguyên đán, thôn tổ chức liên hoan tổng kết và hỗ trợ cho mỗi hộ khoảng 1 triệu đồng để ăn Tết, người dân phấn khởi lắm”, trưởng thôn Triệu Văn Lý cho hay.

Người dân Vàng Ngần làm giàu từ cây quế.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Dao

Đến nay, ông Lý đã được cấp sắc 12 đèn, là chức sắc cao nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao. Ông Lý tâm sự, người Dao rất coi trọng phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên và các lễ tục sinh hoạt. Nhưng hiện nay và có thể sau này thế hệ trẻ sẽ dần quên. Chính vì vậy, ông quyết tâm đi học chữ viết và các nét văn hóa của dân tộc mình để lưu giữ, phát huy, truyền dạy.

Ông Lý chia sẻ: “Tôi bàn bạc với các cụ, các bác trong bản hai năm mở một lớp dạy chữ viết, phong tục của dân tộc mình cho thanh niên và thiếu niên. Đồng thời ra quy ước tất cả các gia đình phải cử người đi học. Bên cạnh đó cũng chủ động bàn bạc để loại bỏ, cải tiến những tập tục lạc hậu, tốn kém tiền bạc, thời gian như: thách cưới cao; ngày kiêng học sinh không đi học...”.

Kết quả của những tâm huyết ấy là đến nay ở Vàng Ngần ai cũng có thể đọc, viết cơ bản chữ của dân tộc mình. Hơn nữa, những phong tục tập quán lạc hậu, tốn kém cũng được lược bỏ, thay thế bằng những quan điểm tiến bộ, hiện đại. Tiêu biểu trong đó phải kể đến lễ cấp sắc trước đây sẽ tốn cả trăm triệu, có người cả đời không có tiền làm lễ, nay chỉ còn gần 10 triệu đồng cho một cặp. Trong lễ cấp sắc trước đây bắt buộc phải dùng súng tự chế bắn gây tiếng nổ, nay cải tiến thay bằng lễ tục khác không phải dùng súng.

 “Tôi cũng vận động đưa vào hương ước của bản là tất cả mọi người trong ngày lễ, ngày Tết, ngày cưới đều phải mặc trang phục dân tộc mình. Từ đó lưu truyền được kỹ thuật thêu hoa văn của người Dao, hay nghề dệt vải lanh truyền thống....”, ông Lý phấn khởi kể thêm.

Người dân Vàng Ngần hăng hái bê tông hóa các tuyến đường.

Đảng viên không được nghèo

Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Văn Lý thì Chi bộ thôn Vàng Ngần hiện có 35 đảng viên và đều gương mẫu, đi đầu. Chi bộ đã bàn bạc, thống nhất, mỗi đảng viên phải chịu khó học tập, lao động sản xuất để phát triển kinh tế, không được nghèo, phải vươn lên thành hộ khá, hộ giàu; phải đoàn kết giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ; cùng nhau giữ gìn tiếng nói, trang phục, phong tục tốt đẹp của dân tộc; coi trọng ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi; không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; quan tâm cho con cái, trẻ em phải được đi học…

Với những nỗ lực và cống hiến, nhiều năm qua, trưởng thôn Vàng Ngần, Triệu Văn Lý đã được UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Chấn và xã Suối Quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Mới đây, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. Đây là động lực để ông tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đảng viên, người trưởng thôn được dân tin, dân mến; tiếp tục là “cây đại thụ” truyền cảm hứng để Vàng Ngần ngày càng thêm khởi sắc./.

 

“Để Chi bộ vững mạnh, mỗi đảng viên thực sự là một tấm gương cho bà con noi theo thì tôi thấy cứ phải sống thật tốt, quý trọng mọi người, làm thật nhiều những việc làm tốt. Nếu chỉ một việc không tốt thôi thì người dân không tin, không quý nữa”.

Ông Triệu Văn Lý.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận