Trăn trở về những sản phẩm y khoa sử dụng trong nước đều là hàng nhập ngoại, giá thành cao, ít phổ biến tại tuyến y tế cơ sở, anh Nguyễn Hồng Đức, sinh viên năm 3, khoa Y, trường Đại học Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tự mày mò, chế tạo nhiều sản phẩm y khoa chất lượng tốt với giá thành rẻ.
Sản phẩm hiệu quả giữa lúc dịch bệnh
Khoa cấp cứu, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, TP.HCM hiện đang sử dụng 3 bộ dụng cụ đặt nội khí quản do Nguyễn Hồng Đức, sinh viên lớp 18Y.A2, Khoa Y, trường Đại học Buôn Ma Thuột sản xuất. Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa, cho biết: Đây là dụng cụ hỗ trợ để bác sĩ đặt ống thở vào trong khí quản của bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp, hôn mê mất ý thức; giúp quá trình đặt ống thở nhanh gọn, trực quan chính xác, giảm thiểu tai biến và sang chấn trên bệnh nhân. Do đó rất hiệu quả trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trên thị trường hiện nay có nhiều dụng cụ tương tự do Mỹ và Đức sản xuất nhưng giá vào khoảng 80 đến 120 triệu đồng nên chỉ một số bệnh viện tuyến cuối mới đủ khả năng trang bị và sử dụng. Đối với bộ sản phẩm đang sử dụng ở khoa thì đặc biệt hơn vì gồm một lưỡi đèn tích hợp camera nội soi và màn hình, dễ dàng tháo lắp và thao tác nên nhiều ưu điểm hơn so với các sản phẩm cùng loại. Sản phẩm này sử dụng camera động, không có điểm mù, nên khi thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản, bác sĩ có thể đứng ở tầm xa hơn, không phải cúi người ghé sát mắt vào miệng bệnh nhân để nhìn, giúp hạn chế dính phải giọt bắn và khí thở có chứa virus.
Tại Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 30-4 Bộ Công an (TP.HCM) cũng đang sử dụng 3 bộ dụng cụ này. Bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu Hà Việt Hùng cho biết, những vấn đề tồn tại trong thủ thuật cấp cứu ban đầu gần như được giải quyết toàn bộ nhờ bộ dụng cụ đặt nội khí quản có camera. Thậm chí trong một số trường hợp, bác sĩ ở đây còn dùng bộ dụng cụ này để đặt những ca sonde dạ dày khó. Còn theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Kim Long, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ, bộ dụng cụ này có thiết kế đẹp, dùng vừa vặn và êm tay giúp thao tác nhanh và chính xác, giá cả lại rất phải chăng.
Nguyễn Hồng Đức chia sẻ, anh rất yêu thích công nghệ và thường xuyên tìm hiểu về các ứng dụng trong lĩnh vực y khoa trên thế giới. Trong quá trình đi thực tập tại bệnh viện, anh thấy các bác sĩ thường gặp khó khăn khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân với bộ dụng cụ truyền thống. Thông qua trang thông tin của Hiệp hội quản lý đường thở khó quốc tế DAS (Difficult Airway Society) chuyên cập nhật các phác đồ mới nhất về quản lý đường thở khó, anh nhận thấy có nhiều dụng cụ đặt nội khí quản có camera giúp quá trình đặt nhanh và chính xác hơn, có thể giải quyết được hầu hết các ca nội khí quản khó. Tuy nhiên, các sản phẩm này khi nhập về Việt Nam thì giá thành rất cao. Từ năm 2018, Đức bắt đầu mày mò thử nghiệm để tạo ra bộ đặt nội khí quản có camera. Sau rất nhiều lần thử nghiệm với các chất liệu và thiết kế khác nhau, chỉnh sửa liên tục với sự góp ý về chuyên môn của các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Bộ công an 199 (Đà Nẵng) và Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế, sản phẩm đã được thử nghiệm trên mô hình tại trường Đại học Buôn Ma Thuột.
Trong quá trình thử nghiệm, Đức đã nhờ người bạn của mình là Nguyễn Trương Nhật Tân (sinh viên khoa Y, Đại học Duy Tân Đà Nẵng) trực tiếp mang sản phẩm đến các bệnh viện tại Đà Nẵng và Huế để xin ý kiến và thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm. Đức còn phối hợp với một người bạn khác là thượng úy Trịnh Ngọc Roi, hiện là kỹ thuật trưởng ngành vô tuyến điện tử thuộc Ban kỹ thuật, Trung đoàn Không quân 917 (Cần Thơ) sản xuất sản phẩm với số lượng lớn. Đầu năm 2021, bộ sản phẩm đã hoàn thiện và được thương mại hóa. Không chỉ khắc phục được một số nhược điểm so với thiết bị truyền thống, giá thành bộ dụng cụ đặt nội khí quản do Đức sản xuất chỉ vào khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn 20 lần so với dụng cụ tương tự nhập ngoại. Đức đã tặng hơn 30 bộ dụng cụ cho một số bệnh viện ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh khác. Các sản phẩm này đều được đưa vào sử dụng để hỗ trợ điều trị cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 và nhận được phản hồi tốt từ các bác sĩ.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh, Trưởng khoa Y, trường Đại học Buôn Ma Thuột cho biết, khi nghe sinh viên Nguyễn Hồng Đức trình bày ý tưởng sản phẩm, các thầy cô trong khoa đều rất quan tâm và hỗ trợ để Đức có điều kiện thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm. Bản thân Đức đã có sự chủ động, tự tìm tòi và kết nối với những người bạn của mình để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sản phẩm cũng như thương mại hóa để đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm này có linh kiện dễ tìm, giá thành rẻ nên có thể mở rộng phạm vi trang bị tới tận y tế cơ sở. Do đó khả năng phục vụ cộng đồng rất lớn.
Mong muốn sáng tạo sản phẩm y khoa “Made in Vietnam”
Bác sĩ, tiến sĩ Trần Thị Thanh đánh giá, Đức là một trong những sinh viên xuất sắc trong khóa, có nhiều mô hình, giải pháp học tập được đánh giá cao, được nhà trường chọn để tham gia báo cáo đề tài tại hội nghị khoa học trẻ toàn quốc dự kiến được tổ chức tại Hà Nội. Trong những học phần đầu tiên của môn học Giải phẫu, Đức đã sáng tạo ra các mô hình giải phẫu để sinh viên tự học dễ dàng và hiệu quả hơn. Các mô hình này đã được trường Đại học Buôn Ma Thuột đánh giá cao và trao giải thưởng. Hiện tại Đức cũng có đề xuất một số ý tưởng mới, các thầy cô cũng đang hướng dẫn anh viết báo cáo đề tài và cam kết sẽ đồng hành cùng anh trong quá trình phát triển và hiện thực hóa ý tưởng phù hợp.
Trước đó, vào năm 2017, Nguyễn Hồng Đức còn chế tạo và đưa ra thị trường sản phẩm đèn soi tĩnh mạch. Đây là sản phẩm giúp bác sĩ và nhân viên y tế xác định tĩnh mạch một cách chính xác để tiêm hoặc truyền thuốc, tránh trường hợp lấy vein nhiều lần gây đau đớn cho bệnh nhân. Nhờ đó rút ngắn thời gian và công sức khi xác định tĩnh mạch trên những bệnh nhân khó lấy vein, tăng năng suất làm việc cho các nhân viên y tế. Đến nay, sản phẩm này đã có lượng tiêu thụ hơn 10 nghìn chiếc trên cả nước.
“Tôi mong muốn tạo nên những sản phẩm y khoa mang thương hiệu Made in Vietnam với giá rẻ để nhiều người nghèo có thể tiếp cận được” - Nguyễn Hồng Đức. |
Nguyễn Hồng Đức bộc bạch, anh rất trăn trở khi hiện nay hầu hết thiết bị y tế từ đơn giản đến phức tạp ở Việt Nam đều là hàng ngoại nhập với giá rất cao, trong khi trình độ khoa học của Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tương tự. Đức cho rằng, nếu nhà nước tạo điều kiện để Bộ Y tế và các nhà khoa học cùng các bác sĩ chuyên ngành ngồi lại để bàn phương hướng thì có thể sản xuất được rất nhiều sản phẩm Made in Vietnam tương tự, mang lợi ích đến cho người Việt, cùng với đó là tránh thất thoát tiền của quốc gia thông qua việc mua các sản phẩm ngoại nhập./.
“Bộ dụng cụ đặt nội khí quản là sản phẩm tốt, sử dụng thuận lợi, giúp ích nhiều cho bác sĩ và nhân viên y tế, về mặt y khoa là đạt. Chỉ cần điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật như kích thước lưỡi phù hợp với độ tuổi, giới tính bệnh nhân, tăng thêm số lưỡi đi kèm trong mỗi bộ dụng cụ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân ICU và cấp cứu nặng thì đây sẽ là sản phẩm hoàn hảo” - Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, TP.HCM.
|