Vượt qua những bối rối ban đầu, sau hơn 1 tháng thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, bà con ở nhiều buôn làng của xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đã có sự điều chỉnh phù hợp để ổn định đời sống, đảm bảo sản xuất, đồng lòng chống dịch với mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Bên trong khu phong tỏa
Tờ mờ sáng, anh Y Bih Êban và 6 thành viên khác trong nhóm thanh niên tình nguyện (TNTN) buôn Đrao, xã Cư Né (Krông Buk, Đắk Lắk) đã thức dậy, vệ sinh cá nhân rồi pha vội tô mì tôm lót dạ trước khi bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Công việc của đội hình 7 người những ngày này rất đa dạng, từ việc nhận thông tin đăng ký rồi mua đồ dùng giúp các gia đình trong buôn, đến việc đi một lượt các gia đình có đàn vật nuôi không ai chăm sóc để cho ăn, hay ra rẫy thu hoạch nông sản, cắt cỏ cho bò, lá cây cho dê... Tất tật những công việc của nhiều gia đình trong buôn làng dồn lại đều được các anh lần lượt làm xong xuôi. Anh Y Bih kể, thời điểm này đang là mùa thu hoạch nhiều loại nông sản như lúa, ngô, sầu riêng và làm cỏ cho rẫy cà phê. Nhưng do tuân thủ quy định phòng chống dịch, nên suốt 1 tháng qua mọi người phải ở trong nhà, những hoạt động thường nhật đều nhờ các tình nguyện viên làm giúp.
Buôn Đrao và buôn Ktơng Drun là 2 buôn tâm dịch ở “vùng đỏ” xã Cư Né. Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại cộng đồng, ngành y tế đã xét nghiệm nhanh và phát hiện thêm 120 ca dương tính khác. Chỉ trong thời gian ngắn, số ca bệnh liên tục tăng, lên tới gần 240 ca. Chính quyền địa phương đã phải phong tỏa 2 buôn này cùng với 15 thôn, buôn khác trong xã, áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 4 thôn, buôn còn lại từ ngày 22/8/2021. Vốn gắn bó với ruộng rẫy, cuộc sống của 440 hộ dân ở 2 buôn Đrao và Ktơng Drun gần như bị đảo lộn khi buôn làng phải phong tỏa để phòng chống dịch. Những người dân vốn đã quen với việc mỗi sáng thức dậy, chuẩn bị cơm nước rồi lên rẫy làm cỏ, hái rau hay cắt thức ăn cho gia súc nay phải quanh quẩn trong nhà, thậm chí không ra đến đầu ngõ. Bó rau, con cá khô cũng phải đăng ký vào tờ giấy hay qua Zalo, Facebook của các thành viên nhóm tình nguyện hay tổ Covid cộng đồng mua giúp, rồi phải nhờ đến quán tạp hóa hay đại lý gần nhà cho mua chịu, hẹn qua mùa dịch trả sau.
Suốt những ngày phong tỏa, buôn làng trở nên vắng lặng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng xe máy, xe cày của đoàn viên thanh niên hoặc thành viên tổ phòng chống dịch làm nhiệm vụ chạy ngang qua. Nhiều nhà cửa đóng then cài vì cả gia đình phải đi cách ly hoặc điều trị Covid-19. Những con vật nuôi như gà, vịt, chó mèo cũng dần quen với cảnh tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ xanh hay trắng ghé nhà cho ăn giúp. Anh Y Bih bộc bạch, mùa này đang là mùa mưa ở Tây Nguyên. Những con đường buôn đất đỏ đặc quánh, đất sình nhão nhoẹt nên đi lại rất vất vả. Nhiều hôm chở đồ bằng xe máy, mấy anh em tình nguyện viên té ngã dúi dụi. Bộ đồ bảo hộ nhuộm đỏ màu đất. Ngoài trời thì mưa mà bên trong lớp áo đầm đìa mồ hôi và hơi nóng. Vất vả thế nhưng các anh em vẫn động viên nhau, lại dựng xe lên tiếp tục hành trình.
Tranh thủ nghỉ sau bữa trưa ăn vội, anh Y Bih móc chiếc điện thoại ra để hỏi thăm vợ con đang điều trị Covid-19 ở Trung tâm y tế huyện. 4 thành viên trong gia đình anh phải đi điều trị sau khi có kết quả dương tính với Covid-19 từ ngày 26/8. Anh Y Bih kể, hôm đó anh mới tham gia đội tình nguyện được 2 ngày. Đang đi lùa con bò (của một hộ dân trong buôn đang đi cách ly) bị xổng chuồng thì nhận được tin báo vợ, con và bố mẹ vợ bị nhiễm Covid-19. Bỏ dở công việc, anh gọi điện hỏi thăm tình hình vợ con rồi chạy vội về chuẩn bị đồ đi cách ly. Về đến nhà, chỉ cách nhau một khoảng sân 50m mà anh và vợ con dường như xa nhau cả nghìn cây số. Chỉ biết gọi điện động viên tinh thần vợ trước khi vợ lên xe 115 chở đi. Anh đang mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nên con gái nhỏ chưa đầy 1 tuổi của anh không nhận ra bố. Anh nhìn theo những người thân ngồi trên xe đi xa dần mà tâm trạng rối bời.
Vì có người thân là F0 nên anh Y Bih phải thực hiện cách ly vài ngày. Trong thời gian này, anh vẫn góp sức cùng đồng đội, tổng hợp nhận đơn của bà con đăng ký mua nhu yếu phẩm để các anh em khác đi chợ và giao hàng cho bà con. Sau khi được xét nghiệm và có kết quả âm tính, anh lại gác nỗi niềm riêng, tiếp tục tham gia cùng động đội hỗ trợ bà con.
Đồng lòng chống dịch
Ở yên trong nhà nhưng ruộng rẫy của bà con vẫn xanh tốt, vật nuôi cũng khỏe mạnh nhờ sự giúp đỡ của các tổ phòng chống Covid cộng đồng và lực lượng TNTN. Bà con ở khu phong tỏa nhờ vậy nên yên tâm chấp hành các quy định. Với chị H Trâm Kpă, ở buôn Đrao, xã Cư Né được về nhà sau 1 tháng điều trị Covid-19 là niềm vui không gì diễn tả hết. Chị H Trâm kể, khi biết mình và 3 người trong nhà bị mắc bệnh, chị vô cùng hoang mang, lo lắng, nhất là khi mẹ chị tiến triển nặng phải chuyển điều trị lên tuyến trên và bản thân chị tái nhiễm sau thời gian được xác nhận khỏi bệnh. Những ngày ở khu điều trị, được các bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên tận tình hỗ trợ, chăm sóc, tinh thần của chị và các thành viên trong gia đình đã ổn định hơn rất nhiều, con gái chị đáp ứng điều trị tốt nên khỏi bệnh và ra viện trước chị cả tuần. Nhớ con, thương con xa mẹ nhưng chị vẫn phần nào yên tâm khi ở buôn làng, những người thân và đàn vật nuôi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm và đặc biệt là những tình nguyện viên của buôn. Còn chị H Sê La Niê cũng yên tâm điều trị ở Trung tâm y tế huyện khi biết con gái nhỏ mới 2 tháng tuổi được một người dân trong buôn Ktơng Drun chăm sóc giúp và chính quyền địa phương hỗ trợ tã, sữa cho cháu đầy đủ.
Ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cư Né cho biết, toàn xã có 2.560 hộ dân đang phải thực hiện cách ly phong tỏa tại các thôn, buôn. Để ổn định đời sống bà con, đến nay, chính quyền đã huy động và hỗ trợ bà con được 26 tấn gạo, gần 1.700 thùng mì tôm và phở gói. Mỗi nhà còn được nhận dầu ăn, nước mắm, 10 quả trứng gà, 1kg cá khô, 5kg rau xanh và 2 hộp khẩu trang.
“Dù rất buồn nhưng mình phải cố gắng vì lực lượng mỏng, các anh em đều vất vả. Người dân và buôn làng vẫn cần mình. Chỉ đến khi nào buôn làng không còn ca nhiễm thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường, người dân mới có thể đi làm thoải mái được”.
Anh Y Bih Êban ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Buk, Đắk Lắk
|
Tại các thôn, buôn đã thành lập 21 đội tình nguyện và tổ Covid cộng đồng, mỗi đội từ 7 đến 15 thành viên để hỗ trợ người dân tại các thôn, buôn trong khu vực phong tỏa; Thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản do phó chủ tịch UBND xã phụ trách. Khi các gia đình có nhu cầu tiêu thụ nông sản, đội tình nguyện sẽ báo lại với tổ hỗ trợ để xin ý kiến từ lãnh đạo huyện cho phép các đơn vị thu mua vào tận nơi thu mua cho bà con. Với các gia đình có chăn nuôi gia súc, địa phương đã hỗ trợ mua rơm, muối, chia lực lượng cắt cỏ cho bò, cắt lá cây cho dê. Thậm chí với các hộ phải đi cách ly tập trung cả gia đình thì các tổ Covid cộng đồng còn chia nhau đến nhà giúp nấu cám lợn, cho chó, mèo, gà, vịt trong nhà ăn. Trong thời gian phong tỏa, toàn xã có 7 người qua đời (trong đó có 2 người chết do Covid-19) thì đội tình nguyện cũng báo chính quyền và hỗ trợ mai táng. Các đội tình nguyện và tổ Covid cộng đồng đang hỗ trợ chăm sóc 6 trẻ, trong đó em nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi, lớn nhất 7 tuổi. Đây là con cháu ở các gia đình mà toàn bộ người thân đều đi cách ly tập trung hoặc đang điều trị Covid-19. Xã hỗ trợ cung cấp tã, sữa, nhu yếu phẩm, còn các đội tình nguyện sẽ thay nhau đến nấu cơm cho các cháu.
Sau hơn 1 tháng cách ly, phong tỏa và thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, với sự đồng lòng của người dân và nỗ lực của chính quyền, đến thời điểm này, tình hỉnh dịch bệnh tại tâm dịch xã Cư Né đã được kiểm soát, không phát sinh các ca mới trong cộng đồng. Cả xã đang quyết tâm để “chuyển màu” vùng tâm dịch, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường./.