Người dân TP.HCM tất bật với cuộc sống 'bình thường mới'

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng sức sống mới đang bừng sáng tại TP.HCM.

 

Mỗi ngày đi dạo “một chút” để hít thở khí trời

Đeo khẩu trang kín và chai khử khuẩn trong túi áo đi dạo trên bờ kè công viên đối diện Thảo Cầm Viên tại khu vực gần cầu Thị Nghè, ông Khổng Đình Lợi, 68 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh cho biết, từ hôm nới lỏng đến nay, ông đều sắp xếp ra ngoài "một chút" chỉ để hít thở khí trời. Suốt 4 tháng không được ra khỏi nhà, ông Lợi thèm được ra ngoài, được nhìn ngắm mây trời để thoải mái tinh thần biết bao. Vì thế từ hôm nới lỏng giãn cách đến nay, ông đều cố gắng tận hưởng cảm giác tự do này như để bù đắp quãng thời gian qua: “Buổi chiều tôi đi ra hóng tý mát xong chạy về nhà thấy thoải mái. Tuy nhiên chúng ta cũng phải coi chừng, đi đâu cũng phải trang bị khẩu trang, cẩn thận cho bản thân và cho mọi người xung quanh mình”.

Tài xế taxi chờ khách.

Dọc theo tuyến đường Trường Sa rợp bóng cây, các ghế đá gần như kín chỗ, với anh shipper, chị lao công, người già hóng mát… Dù không còn cảnh tụ tập, trò chuyện rôm rả nhưng tất cả như muốn cố gắng tận hưởng bầu không khí “bình thường mới”.

Quanh các điểm vui chơi trong khu trung tâm như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, đặc biệt là Phố đi bộ Nguyễn Huệ, không khí khá náo nhiệt. Các gia đình với em nhỏ, các cặp đôi nam nữ và cả những vị khách nước ngoài… rảo bước trong cái nắng nhẹ. Chị Bích Trâm, ngụ quận 8 đang đi dạo cùng chồng và 2 con cho biết: “Tôi thấy tình hình dịch bệnh cũng ổn rồi nên cho mấy đứa nhỏ đi ra ngoài hít thở không khí một xíu tại vì mấy tháng nay nó ở nhà, hơi bị gò bó”.

Được đi làm mỗi ngày là niềm vui

Còn đối với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dù lớn hay bé, nới lỏng giãn cách đồng nghĩa với có cơ hội kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Anh Nguyễn Sinh, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh mỗi ngày lại được đẩy chiếc tủ sửa đồng hồ ra mặt phố để hành nghề. Dù lượng khách chưa bằng khi xưa nhưng với anh, được ra ngoài, được đi làm… là một cảm giác khó tả: “Ở nhà không có công ăn việc làm, tiền bạc khó khăn. Hơn nữa ở trong nhà tù túng, rất khó chịu. Giờ đi làm gặp bạn bè, người quen, rồi đi tập thể dục... đi làm có tiền nữa, nói chung là tôi rất hạnh phúc, rất là vui”.

Anh Nguyễn Sinh rất vui vì được đi làm trở lại.

Trong khi đó, anh Trần Dương, chủ một doanh nghiệp kinh doanh du lịch, di trú… cũng tất bật dọn lại văn phòng, lau chùi bàn ghế để “làm lại từ đầu”. Anh cho hay: “Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị đóng băng, công ty không thể hoạt động nhưng những tín hiệu vui khi nới lỏng giãn cách là động lực để công ty bắt đầu một hành trình mới. Nói chung là tình hình lạc quan hơn. Qua cơn dịch này ai tồn tại được cũng là điều may mắn rồi. Mở cửa lại thì mình setup y như trạng thái ban đầu, cũng mở ra, dọn dẹp, chuẩn bị, tuyển nhân sự”.

Dịch đã được khống chế nhưng không thể chủ quan

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, sau gần 2 tuần thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 18, có 5 tín hiệu rất tích cực đã được ghi nhận. Đó là đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt; ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại; Công tác an sinh tiếp tục triển khai hiệu quả; Công tác phòng chống dịch có những kết quả tốt và an ninh trật tự được đảm bảo. Đến ngày 11/10, tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã công bố kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Phố đi bộ là nơi có đông gia đình chọn để con trẻ vui chơi.

Cụ thể, số ca mắc Covid-19 liên tục giảm trong khi số ca xuất viện ngày càng tăng; số ca nặng thở máy, số ca tử vong đang giảm theo từng ngày; trong ngày 10/10 ghi nhận số ca xuất viện cao gấp đôi số ca nhập viện (1.925 ca xuất viện, 906 ca nhập viện); số ca tử vong xuống thấp nhất sau một tháng rưỡi qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân không tuân thủ các quy định như còn tụ tập đông người, không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết: “Thành phố vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng. Chúng ta phải điều chỉnh thói quen của mình, phải tiếp tục cảnh giác hơn nữa, sống thích ứng an toàn mình và người nhà của mình, người thân của mình... chứ không được chủ quan”.

TP.HCM đã trải qua một quãng thời gian dài "bị thương" với những hàng rào, dây giăng, những tấm biển cấm…Nhưng nay, thành phố đang dần trở lại với hình ảnh của một đô thị lớn năng động, sáng tạo, đầy sức sống. Để có thể tiến dần với thích ứng, sống an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, rất cần có sự đồng lòng, chung tay, cùng nhìn về một hướng của tất cả tầng lớp nhân dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận