Phạm Vũ Quỳnh Phương ở Cầu Giấy, Hà Nội vừa ra trường hồi tháng 6 với hy vọng làm đúng ngành đã học. Nhưng Covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch, Phương phải tạm gác lại ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn, chuyển qua ngành dịch vụ ăn uống đã có kinh nghiệm từ lâu để vừa kiếm tiền, vừa xin dạy thêm tại các trung tâm. Phương chia sẻ: "Cũng khó khăn hơn vì đến khóa em thi biên chế không có đợt nào. Cũng dính dịch nên xét tuyển, thi tuyển vào các trường hạn chế hơn tùy khu vực. Nhưng em tích cực lắm. Nếu mình không sống bằng nghề này thì làm nghề khác. Vấn đề là mình có đam mê nghề mình theo để quay lại không. Trong đợt này, em làm dịch vụ ăn uống mang tính chất tạm thời. Em muốn học lên thêm".
Lời kể của Quỳnh Phương cũng thể hiện đặc điểm nổi bật của thế hệ Z: Thích tự do và để mở cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.
Cũng tốt nghiệp vào mùa hè năm nay, Lê Đỗ Phú vốn muốn làm cho cơ quan nhà nước theo đúng ngành bất động sản đã học. Nhưng tình hình xin việc không được khả quan, bạn khởi động bằng các công việc bán hàng: Mở bán thời trang trên sàn thương mại điện tử, kết hợp với làm sale cho công ty phân phối thiết bị công nghiệp. Nếu không chịu tác động của dịch bệnh, có lẽ Phú đã yên phận làm công việc mà gia đình đã chọn: "Em vừa làm nghề này vừa bán hàng online hoặc làm công việc mình yêu thích khác nữa. Từ trước tới giờ em chỉ nghĩ việc mình yêu thích là như này. Mình phải thích sự khó khăn trong công việc mới làm được. Công nghệ có tác động rất lớn, mở ra cho mình nhiều việc làm, tìm kiếm khách hàng, cập nhật thông tin không bị tụt lại phía sau trong ngành".
Nhiều người trẻ đã gặp thách thức khi mới bắt đầu sự nghiệp trong tình cảnh khó khăn chung. Có người buộc nhìn nhận lại giá trị cốt lõi của mình. Dù vậy, với lợi thế “always on” nghĩa là không chỉ luôn dành thời gian trực tuyến mà còn cập nhật xu hướng, công nghệ, tiến về phía trước, lao động trẻ cũng là đối tượng các nhà tuyển dụng nhắm tới. Anh Phạm Ngọc Anh, Giám đốc công ty thiết kế ở Hà Nội cho biết: Cuối 9x mới ra trường ưu điểm là tiếp cận thiết kế, xu hướng mới nhanh hơn mình. Có thể tận dụng thế mạnh và đào tạo dần dần thôi, tạo áp lực quá cũng không tốt. Cái này thuộc về chiến lược của các công ty. Nhân sự mới thì có thể tìm hiểu sâu về tính cách, nắn theo ý đồ của mình.
Theo số liệu năm 2020 của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ mất việc của người trẻ ở Việt Nam là 10,8% trong điều kiện gián đoạn thị trường ngắn hạn, và 13,2% nếu dài hạn, tăng gấp đôi tỷ lệ năm 2019 trong một số trường hợp. Triển vọng việc làm của đối tượng thanh niên đang bị thách thức nghiêm trọng. Họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người lớn và có nguy cơ chịu các chi phí kinh tế và xã hội dài hạn hơn.
Cùng với những cú hích từ các chương trình việc làm của Chính phủ, đáng chú ý như “Chiến dịch 90 nghìn việc làm” do Thành Đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát động, người lao động có tâm thế thích ứng với thay đổi sẽ khó rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động nhận định: "Theo tôi bình thường mới hoặc là ổn định mới trong tình hình Covid-19 hiện tại có nghĩa là thị trường lao động vẫn có nhiều biến động. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động sẽ chuẩn bị ở tâm thế có thể thích ứng với tất cả những thay đổi này một cách nhanh nhất và phù hợp nhất có thể".
Tờ Nikkei Asian dự báo tới năm 2025, "thị trường việc làm sẽ linh hoạt và dung nạp hơn với một số người, và tàn nhẫn, phân tán, bấp bênh hơn với một số người khác". Đồng thời, xu hướng "công việc giao thoa" sẽ trở thành chủ lưu. Khi đó người lao động có thể làm 2 đến 3 ngày trong tuần ở nhà hoặc làm việc từ xa.
Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài, Giám đốc Công ty Giáo dục Insight cho rằng, lao động trẻ muốn thích nghi với thị trường việc làm biến động, cần chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng: Biến cố toàn cầu phải đối mặt là Covid xảy ra và có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề trên phạm vi toàn cầu. Cái mình học hôm nay có thể đã cũ không phù hợp với ngày mai nên phải chọn tâm thế thích nghi với mọi sự thay đổi môi trường bên ngoài. Để thích nghi được thì cần trang bị kỹ năng, khả năng thích ứng. Chỉ có như vậy mới thành công. Hãy cứ trải nghiệm, khám phá nhưng phải chuẩn bị hành trang.
Đại dịch khiến nhóm lao động trẻ gặp bất lợi hơn khi các mục tiêu quan trọng là tích lũy kỹ năng mới hoặc gặt hái thành công trong công việc đều bị cản trở. Làn sóng thất nghiệp sẽ còn tiếp diễn nếu người trẻ chỉ nhìn thấy khó khăn từ khủng hoảng.
Triển vọng việc làm của sinh viên mới ra trường, thanh niên chịu thách thức lớn trước ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, đối tượng này mang đặc trưng của thế hệ “tắc kè hoa” bởi sự đa sắc màu trong tính cách và cởi mở trước vô vàn lựa chọn nghề nghiệp.
Dưới góc nhìn của VOVGT, nếu biết tận dụng thế mạnh thích nghi nhanh của mình và trau dồi kiến thức, kỹ năng sẽ không phải chịu cảnh thất nghiệp sau khi ra trường.
Triển vọng việc làm của sinh viên mới ra trường, thanh niên chịu thách thức lớn trước ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, đối tượng này mang đặc trưng của thế hệ “tắc kè hoa” bởi sự đa sắc màu trong tính cách và cởi mở trước vô vàn lựa chọn nghề nghiệp.
Dưới góc nhìn của VOVGT, nếu biết tận dụng thế mạnh thích nghi nhanh của mình và trau dồi kiến thức, kỹ năng sẽ không phải chịu cảnh thất nghiệp sau khi ra trường:
Giữa năm 2020, Tổ chức lao động quốc tế đã cảnh báo về 3 cú sốc cộng hưởng với người trẻ trên toàn cầu, nhất là ở thị trường lao động châu Á do đại dịch. Một trong số đó là 267 triệu thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi không có việc làm, không tham gia bất kỳ hình thức giáo dục, đào tạo nào.
Trước đó, không ai tưởng tượng ra viễn cảnh nền kinh tế bất chợt bị đẩy tới bờ vực suy thoái, nhanh chóng làm tan vỡ hàng triệu ước mơ của sinh viên đứng ngay trước thềm nguồn nhân lực. Đại dịch diễn ra như đặt thêm chướng ngại vật lớn trước cánh cửa bước vào đời của các thanh niên vừa “rời tổ” chưa lâu.
Những buổi học trực tuyến liên miên và nhiều tuần liền ở yên một chỗ khiến sinh viên chuẩn bị ra trường càng cảm nhận rõ sự tàn phá của Covid19 với thị trường việc làm. Kể cả những sinh viên tốt nghiệp trường top đầu nghĩ rằng kiếm việc không quá khó khăn đã thức tỉnh và lo sợ về tương lai thất nghiệp. Lúc này, lao động trẻ trên toàn cầu mang mối bận tâm chung trong thời kỳ biến động: ý nghĩa công việc mình làm, cách thức làm việc từ xa, làm nhiều việc một lúc, đòi hỏi tự do hơn…
Dịch bệnh đã đặt ra vô vàn thách thức, nhưng cũng có thể là cú hích người trẻ đang cần. Không ít người đứng trước nhiều quyết định lớn trong đời được đưa ra trong thời gian ngắn nhưng giờ họ lại có cơ hội nhìn lại giá trị cốt lõi.
Theo khảo sát 25 nghìn sinh viên chuẩn bị ra trường do Anphabe -mạng cộng đồng cấp quản lý thực hiện, 34% sẵn sàng đầu quân cho các startup hoặc tự kinh doanh riêng, 14% thích làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận, 8% cho rằng làm tự do cũng tốt.
Lúc này, nếu biết tận dụng lợi thế nhanh nhạy kết nối nhờ các nền tảng công nghệ có thể mở rộng tối đa mạng lưới xã hội. Với sự cởi mở về nghề nghiệp cộng thêm tinh thần lạc quan, các bạn trẻ sẽ luôn tìm cơ hội xoay chuyển tình thế.
Nhiều người chấp nhận làm không lương để học thêm kỹ năng. Nếu đủ điều kiện lựa chọn học lên cao, làm trái ngành, chuyển thành phố tìm việc… Khi buộc phải thay đổi, thế hệ này đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn, chuẩn bị tài chính để cho mình thêm tự do. Và dù là lựa chọn nào, trong bối cảnh thị trường biến động, chỉ có linh hoạt mới giữ hoặc kiếm được việc làm.
Cùng với chính sách khẩn cấp ở quy mô lớn, có mục tiêu bao gồm các chương trình đào tạo và hỗ trợ việc làm của Chính phủ, sự chủ động chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng của mỗi người trẻ vẫn là yếu tố tiên quyết giúp vượt qua thách thức.
Trong khi theo dự báo, xu hướng “công việc giao thoa” với không gian, cách thức làm việc không còn cố định trở thành dòng chủ lưu thời gian tới. Vì vậy, linh hoạt đối mặt những khó khăn ngay từ bây giờ sẽ là kinh nghiệm quý báu để lao động trẻ dễ dàng thích nghi với một tương lai việc làm đã được dự báo trước.
Theo VOVGIAOTHONG.VN