Tình nguyện viên F0: 'Thấy bác sĩ mang vác chỉ mong khỏi bệnh để giúp'

Khi điều trị Covid -19 tại Bệnh viện dã chiến số 6, Châu Giang quyết định khỏi bệnh sẽ quay lại làm tình nguyện viên.

 

Bác sĩ cũng mang vác, khiêng đồ thì tại sao mình không làm được?

Mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn, bước qua cánh cửa Khoa cấp cứu bệnh nền, bệnh viện dã chiến số 6, TP. Thủ Đức, TP.HCM, công việc đầu tiên mỗi buổi sáng của Nguyễn Châu Giang (30 tuổi) là giúp các bệnh nhân ăn sáng.

Đa phần bệnh nhân mắc Covid-19 ở đây đều thở oxy, truyền dịch và không thể tự mình ăn uống hay vệ sinh cá nhân. Vỗ lưng, bóp tay, bóp chân, động viên người bệnh ráng ăn uống, thay tã, tắm rửa, cách cô làm – ân cần và tử tế như một người thân đang chăm sóc ông bà, cha mẹ mình.

Trong ICU Bệnh viện dã chiến số 6, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Đầu tháng 7, cả nhà Châu Giang phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và là những bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện dã chiến số 6. Trước đó, bệnh viện là khu tái định cư bỏ hoang được cải tạo thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Thang máy chưa hoạt động, việc vận chuyển thiết bị y tế, đồ dùng cá nhân đều phải mang vác bằng sức người. Các y bác sĩ còn tự tay lau dọn mọi ngóc ngách để có chỗ cho các bệnh nhân đến điều trị. Thế nhưng, từ chiếc bình đun nước, dầu gội, sữa tắm cho đến bữa sáng – trưa – tối đều được họ cung cấp kịp thời khi bệnh nhân cần đến.

“Khi điều trị tại đây, thi thoảng có những bữa cơm đến trễ. Hỏi ra mới biết, bệnh viện rất thiếu nhân lực. Rồi đến các bác sĩ và dân quân cũng nhiễm bệnh. Từ trên lầu nhìn xuống dưới mình thấy bác sĩ, dân quân còn đi khiêng cơm, giường ghế vật tư. Áo họ ướt đẫm mồ hôi. Có những việc không phải chuyên môn mà họ vẫn làm. Vậy là khỏi bệnh, mình đăng ký quay trở lại làm tình nguyện viên”, Châu Giang kể lại quá trình trở thành một tình nguyện viên F0.

Lúc đăng ký, bệnh viện hỏi Châu Giang lựa chọn công việc nào? làm văn phòng, hỗ trợ hay chăm sóc làm vệ sinh cho bệnh nhân, Giang trả lời “em làm được hết”, bởi bác sĩ làm việc chuyên môn còn kiêm nhiệm nhiều việc như vậy thì tại sao mình không làm được?

Nguyễn Châu Giang - tình nguyện viên F0 tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Tại bệnh viện dã chiến số 6, công việc hằng ngày của anh Khưu Thụy Thông (35 tuổi) là phụ giúp Khoa Thận đưa bệnh nhân không đi lại được xuống chạy thận.

“Người có bệnh thận mắc Covid-19 hoang mang, khóc hoài, bên cạnh trợ giúp bệnh nhân mình cũng động viên để họ hợp tác với bác sĩ”.

Kết thúc một ngày, đưa bệnh nhân xuống rồi lại lên, mỗi lần ăn cơm chiều thì cũng là lúc anh Thông thấy kim đồng hồ chỉ đúng khoảng thời gian từ 20h-20h30 nhưng chỉ cần nghe thông báo có người cần trợ giúp là lại lên đường.

Dọn dẹp tầng hầm tại Bệnh viện dã chiến số 6.

Giai đoạn đầu, bệnh viện mới thành lập các phòng bệnh đều không còn chỗ trống. Với khoảng 5000 bệnh nhân, từ sáng đến đêm từ cơm nước, đồ tài trợ, khẩu trang, tất cả đều được vận chuyển lên cầu thang bằng sức người, kể cả những hôm mưa gió.

Lúc này, lực lượng dân dân quân nhiễm Covid-19 nhiều nên đội hậu cần 17 người phải phụ leo khắp các cầu thang, gõ cửa từng phòng để phát cơm. Đồ bệnh nhân gửi vào thất lạc nhiều, 2 thành viên trong nhóm tìm đồ thất lạc phải vác đồ đạc gửi bệnh nhân, cứ như vậy thường 11h - 12h đêm mới xong việc.

Sài gòn nắng mưa thất thường, để kịp bữa ăn, đưa thuốc, vận chuyển máy móc điều trị bệnh nhân, anh em “đội nắng, đội mưa”. “Mệt thì mệt thật nhưng hoàn thành thì vui và phấn chấn. Sức khỏe của bệnh nhân là trên hết, đó là điều giúp cho anh em làm việc không biết mệt mỏi và 2 tháng qua vẫn giữ được tinh thần đó”.

Từng là F0 nên hiểu và thông cảm cho bệnh nhân nhiều hơn

Làm tình nguyện 10 ngày trong bệnh viện dã chiến 6, anh Thông và đội tình nguyện phát hiện dương tính với Covid-19. Đó là những ngày “cực” nhất và cũng hoang mang nhất - Nguyễn Thị Mỹ Điền, một thành viên trong đội chia sẻ.

Làm việc trong điều kiện mưa nắng thất thường nên khi có triệu chứng nhẹ, Mỹ Điền nghĩ mình cảm lạnh rồi uống thuốc nhưng khi có bạn sốt hơn 39 độ không dứt, rơi vào mê man phải đi cấp cứu trong đêm thì mọi người bắt đầu hoảng. Kết quả xét nghiệm sáng hôm sau cho thấy hầu hết thành viên trong đội đều dương tính với SARS-CoV-2.

“Lúc đó cảm thấy tiêu cực nhiều lắm, mất vị giác, khướu giác, thấy đồ ăn là khó chịu, nhìn thấy cái gì cũng cảm thấy không thoải mái nhưng sau đó mình tập thể dục, nghe lời khuyên của bác sĩ, uống thuốc đều đặn, sức khỏe dần tiến triển và suy nghĩ tích cực”.

Khi cả đội tình nguyện dương tính với Covid-19, từ lan can nhìn xuống, thấy các bác sĩ, các cô chú phòng điều hành tham gia phần hậu cần, Điền nghĩ bụng “Trời, bệnh viện quá thiếu người rồi”. Lúc đó, cô gái 28 tuổi chỉ mong nhanh khỏi bệnh để xuống giúp mọi người.

Nguyễn Thị Mỹ Điền - Tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 6.

Trở lại sau thời gian điều trị F0, Điền tham gia công tác lấy mẫu cho toàn bộ bệnh nhân tòa nhà. Tại khoa cấp cứu bệnh nền, Mỹ Điền chứng kiến nhiều bệnh nhân nằm bất động. Có người chống chọi với bệnh tật đến gầy trơ xương. Họ chỉ mặc tã, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến tình nguyện viên và các nhân viên y tế.

Có những khi lấy mẫu, thấy bệnh nhân nhận được cuộc gọi thông báo rằng gia đình có người vừa qua đời vì Covid-19, họ suy sụp nhanh chóng, Điền chạnh lòng. “Đi vào khu cấp cứu biết dịch bệnh nghiêm trọng mới thấy công việc của mình mang lại ý nghĩa to lớn với những người đang điều trị ở đây. Lúc đó chỉ nghĩ rằng phải làm tốt công việc của mình”.

Team lấy mẫu.

Dù ân cần, tận tụy nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đồng cảm cho nhân viên y tế và các tình nguyện viên. Có những bệnh nhân nhất quyết không cho lấy mẫu, thấy tình nguyện viên là họ đóng sập cửa.

Có người không chịu được chút "khó chịu" khi lấy mẫu còn đá cả nhân viên y tế. Nhất là khi lấy mẫu cho bệnh nhân tâm thần hay các em bé “hơi quậy”, chỉ cần họ dùng tay gạt phăng kính chắn giọt bắn là Điền và đồng đội có thể phơi nhiễm.

Nhưng chính khoảng thời gian điều trị Covid-19, cô hiểu hơn tâm trạng, cảm xúc của bệnh nhân, đặt mình vào vị trí của người bệnh để làm tốt công việc của mình. “Không biết có phải vì em đã là F0 rồi nên xuống đây với tâm lý thoải mái hay không, em cũng hiểu tâm trạng bệnh nhân họ ức chế như thế nào nên thông cảm cho người ta nhiều hơn”.

Một buổi tối tại phòng hồi sức Bệnh viện dã chiến số 6.

Tại khoa cấp cứu bệnh nền, Châu Giang dỗ dành người bệnh như em bé. Đôi khi cô cũng gặp những tình huống bệnh nhân bất hợp tác nhưng đó không phải là điều làm cô bận lòng.

Điều buồn nhất là khi bệnh nhân không thể liên lạc được với gia đình. Giữa lằn ranh sinh tử, bệnh nhân lúc trước mới thể hiện quyết tâm vượt qua bệnh tật nhưng chỉ không lâu sau đó đã hoang mang, muốn từ bỏ sự sống của mình.

Có thể hôm nay mới gặp bệnh nhân ở giường này nhưng hôm sau đã thay thế một bệnh nhân khác. Họ đã chuyển lên tuyến trên. Châu Giang hỏi bác sĩ bệnh nhân chuyển đi đâu? cô lo lắng những người mình từng chăm sóc đó hằng ngày đó rồi sẽ ra sao?

“Thời điểm mới vào dịch căng thẳng, có bệnh nhân mình hỗ trợ chăm sóc, mới đó bệnh nhân vẫn có ý chí sống cao nhưng do biến chứng của bệnh nền, sức khỏe suy yếu nhanh, chứng kiến người bệnh không qua khỏi, mình đau lòng”.

Nhìn, làm và thay đổi suy nghĩ

Trước khi trở thành tình nguyện viện F0 ở bệnh viện dã chiến số 6, Nguyễn Thị Mỹ Điền từng tham gia hoạt động ở các chốt kiểm soát quận Gò Vấp, ở các bếp ăn từ thiện. “Thực chiến” ở bệnh viện, suy nghĩ của cô gái trẻ có nhiều thay đổi.

“Lúc ở nhà nói thật là em tiêu cực về vấn đề chống dịch lắm, tại sao số ca mắc cứ tăng như vậy nhưng khi vào bệnh viện dã chiến mình có góc nhìn mới. Từ bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên nơi tuyến đầu, tất cả đã làm trên cả khả năng của mình”.

Bệnh nhân nhập viện.

“Trước đây nghe về đại dịch bản thân mình cũng sợ, nhưng khi mắc bệnh và tiếp xúc với những bệnh nhân ở đây thì mình không còn cảm giác đó nữa”, anh Khưu Thụy Thông chia sẻ.

Khi trở thành F0, lên tầng điều trị, đồ đạc mang theo bên mình chỉ có gối màn, quạt, không có xà bông, dầu gội, mỳ gói, anh Thông gọi điện thoại nhờ bác sĩ Hiếu xin mỗi thứ 1 ít. Chỉ một lúc sau, bác sĩ đội mưa hết lấy từng món lên cho mình dù lúc đó bệnh viện mới thành lập còn nhiều thiếu thốn.

“Khi người lạ người ta tốt với mình thì tại sao mình không thể tốt với những người mình chưa quen biết như những bệnh nhân F0?”, suy nghĩ đó hối thúc anh Thông phải làm điều gì đó cho nơi đây.

Anh Khưu Thụy Thông - Tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 6.

Bác sĩ giữa khuya hay sáng sớm cứ bệnh nhân gọi điện là chạy lên hỗ trợ. Mình không học ngành y nhưng cố gắng làm phần nhỏ nào đó giúp ích cho bác sĩ phần hậu cần để họ tập trung chuyên môn lo cho bệnh nhân. Nhìn thấy bệnh nhân ra viện mà vui như là người thân của mình vậy, phấn chấn lắm.

"Đi phát sữa cho những em bé mắc Covid-19, thấy ánh mắt trẻ thơ thương lắm, nghĩ đến 3 đứa con ở nhà, nhờ đó mà có nghị lực mong muốn phụ ở đây", anh Thông chia sẻ động lực trở thành một tình nguyện viên F0.

Không ai muốn ở bệnh viện dù là bệnh nhân, y bác sĩ hay các tình nguyện viên. Nhưng cũng chính tại đây, đi qua đại dịch con người biết yêu thương, gắn kết, và cảm thông nhiều hơn./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận