'Nghề sầu' gai góc - thơm hương

'Nghề sầu' không chỉ toàn thơm ngọt. Trái lại, có rất nhiều gai góc sắc nhọn, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái và lưu thông tới tay khách hàng.

 

Nông dân Tây Nguyên tin chắc rằng trên vùng cao màu mỡ này, “sầu riêng cơm vàng” vẫn cho vàng thực sự, vẫn là loại trái cây vương giả cả về hương vị và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, “nghề sầu” không chỉ toàn thơm ngọt. Trái lại, có rất nhiều gai góc sắc nhọn, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái và lưu thông tới tay khách hàng.

Chi tiền tỷ vẫn chịu sầu!

Chị Nguyễn Thùy Trinh ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông là doanh nhân mê mẩn với hương vị sầu riêng, nên đã chi hơn 1,4 tỷ đồng mua đám rẫy 1,2ha để trồng loại cây mà mình yêu thích. Rẫy gần núi lửa nên đất rất tốt. Chị lại đào hố sâu, rộng, bón lót, nhiều phân hữu cơ, đồng thời đầu tư hệ thống tưới phun béc tại gốc bài bản. Ban đầu, chị xuống giống 150 cây sầu riêng Dona, 50 cây Musang King, 100 cây bơ Pinkerton, là những giống tốt nhất có thể mua được tại các nhà vườn ở Tây Nguyên. Cây không phụ công người, đạt tỷ lệ sống 100% sau 4 tháng trồng. Đến 9 tháng tuổi, chị Trinh tin chắc vào thành công của khu vườn, khi cây đã vượt qua mùa khô khắc nghiệt. Sầu riêng đã cao ngang ngực, còn bơ đã lác đác trổ hoa.

Nhưng sự tự tin của chị đã nhanh chóng bị đảo ngược. Chỉ 1 tuần bận việc không kiểm tra, khi thăm rẫy chị phát hiện 40 cây sầu riêng chết khô, gần 20 cây khác bị sâu cắn xơ xác. Trên cành cây và dưới gốc, xuất hiện rất nhiều bọ cánh cứng màu đen. 2 tuần tiếp theo, dù đã kết hợp cả phun thuốc trừ sâu và bắt bằng tay, vẫn có thêm 20 cây sầu riêng nữa bị chết. Cho rằng mình không phải là nông dân chuyên nghiệp, có thiếu sót trong cách chăm sóc nên chị Trinh quyết định thuê một thợ “chuyên chăm sầu riêng” ở huyện Đắk Mil để bảo vệ những cây còn sống sót và trồng dặm những cây đã chết.

Mùa sầu riêng đang phải chịu nhiều thách thức bởi Covid-19.

Thế nhưng sâu bệnh vẫn nghiệt ngã. 1 năm sau khi thuê thợ chuyên nghiệp, tức là cuối năm thứ 2 kể từ khi xuống giống lứa đầu, chị Trinh lại phải tự tay mình chăm sóc vườn cây. Lý do là thợ chuyên nghiệp không giúp được gì, lứa trồng cũ chỉ còn 25 cây sống sót, số cây được trồng dặm đã chết 100%. Đến mùa mưa này, ở năm thứ 3, 400 cây sầu riêng xuống giống trong 2 đợt, chỉ còn 25 cây xanh tốt.

Bây giờ, chị Nguyễn Thùy Trinh đang xuống giống sầu riêng lần thứ 3 trên đám rẫy bạc tỷ của mình. Chị đã mua loại chế phẩm sinh học đắt tiền nhất, đầu tư che gió cho cây bằng khung thép tốn kém nhất và đang hồi hộp đợi chờ…

Tiền tỷ bỗng tuột tay

Ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, gia đình anh Đàm Đức Thành ở thôn Thanh Phong, xã Xuân Phú là một trong những hộ tiên phong trồng sầu riêng cơm vàng - hạt lép, chủ yếu là giống Dona, xen trong 7ha cà phê. Mới qua vụ thu hoạch đầu tiên (năm 2015), khu vườn đã khiến hàng xóm phải ngỡ ngàng khi cho không ít trái từ 7 đến 9kg, cả gia đình 10 người ăn không hết, gấp đôi trọng lượng một trái Dona cỡ đại mà các tài liệu kỹ thuật vẫn đề cập. Đến năm 2017 - 2018, khi mới có gần 200 cây được thu hoạch, gia đình anh đã thu tiền tỷ, mua thêm được rẫy, máy cày và xây nhà.

Thế nhưng, kể từ năm 2019 trở đi, những cây sầu riêng đẹp nhất trong vườn bắt đầu chết dần. “Ban đầu là chết ngọn, sau đó là chết cành. Cứ chết dần từ ngoài vào, sau đó là chết cả cây. Đầu mùa mưa chết vài cây, cuối mùa chết thêm 1 ít, mùa khô cũng tiếp tục chết”, anh Thành vừa tiếc nuối vừa chán nản.

Anh Y Thơm Niê, buôn trưởng Buôn Yung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pách, Đắk Lắk - xã thủ phủ sầu riêng của cả Đắk Lắk và Tây Nguyên, cho biết: Trồng sầu riêng khác hẳn với những cây khác vì tiền tỷ thu được trên mỗi héc-ta là nằm trong tầm tay. “Nhưng cây bị bệnh nhiều quá. Chúng tôi không biết phải dùng thuốc gì cho đúng. Ở xã này, không ít nhà đã cầm chắc tiền tỷ nên mạnh dạn vay ngân hàng mùa xe, xây nhà. Nhưng năm sau thì vườn cây chết hết, phải bán nhà, bán xe trả nợ ngân hàng”.

Sầu riêng vào vựa thu hoạch.

Sầu riêng “cơm vàng - hạt lép” là loại trái cây cho vàng thật sự ở Tây Nguyên, nhưng ở ngay TP Buôn Ma Thuột, trung tâm xuất bán giống và tư vấn kỹ thuật trồng sầu riêng cho cả khu vực, bà con ở các buôn làng vẫn chủ yếu trồng sầu riêng giống cũ, dù giá bán chỉ bằng 1/3 và năng suất cũng kém rất xa. Ông Nguyễn Huy Bài, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Rất nhiều bà con cũng đã trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép, như Ri6 và Dona, nhưng rồi những cây này chết dần, chỉ sầu riêng giống truyền thống là sinh trưởng khỏe, được thu hoạch lâu dài.

Ngọt thơm ẩn trong gai góc

Hiện tại, giá bán lẻ sầu riêng “cơm vàng hạt lép” (như Ri6 và Dona) tại Đắk Lắk có giá lần lượt là dưới 30 nghìn đồng và dưới 40 nghìn đồng/kg. Sầu riêng thực sinh truyền thống, giá dưới 20 nghìn đồng/kg. Sau hành trình vận chuyển hơn 300km tới TP Hồ Chí Minh, hay hơn 1.000km ra miền Bắc, giá bán tăng lên gấp rưỡi đến hơn gấp đôi, khiến không ít người mơ mộng việc làm giàu từ buôn sầu riêng. Thế nhưng, nghề buôn sầu riêng không ngọt thơm như hương vị của nó mà trái lại, nhiều gai góc nhọn sắc như lớp vỏ ngoài, dễ làm người đứt tay.

Chị Nguyễn San, ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, đã có vài năm “đánh sầu riêng” (chủ yếu là giống bản địa Đắk Mil và giống Ri6) về Bắc Ninh cho người thân bán, nhưng đến năm nay, chị đã nghỉ hẳn. Theo chị San, một phần lý do là khách hàng quá khó tính: “Họ đòi hỏi trái chín tự nhiên thôi, không được nhúng thuốc. Nhưng chín tự nhiên thì không khống chế chính xác được. Nếu căn chín sớm, thì khi ra đến, trái dễ bị nứt, khách sẽ chê vì cơm sầu riêng bị nhão và hơi đắng. Nếu căn muộn, trái chưa đủ độ chín, khách sẽ chê vì khó khui, hương vị không như ý, nên việc đổi - trả rất nhiều, lời lãi chẳng còn là bao”…

Che chắn, chăm sóc cây sầu riêng nhỏ.

Không phải tay ngang như chị San mới chịu sầu với loại trái cây gai góc và những khách hàng khó tính, mà dày dạn kinh nghiệm, mười mấy năm từng trải kinh doanh sầu riêng như chị Nguyễn Thái Huyền, doanh nhân ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk cũng không ít lần gặp quả đắng. Chị cho biết, mỗi đợt xuất hàng, mình sẽ thăm dò thời tiết đầu cầu miền Bắc trước 1 - 2 ngày, rồi quyết định mức độ ủ lưu kho. Khi có sự chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa vườn và miền Bắc, sẽ dùng biện pháp phù hợp để làm chậm hoặc tăng nhanh quá trình chín, sao cho ra tới miền Bắc phải chín ít nhất 60 - 80%, 20% chín vào hôm sau. Thế nhưng, dù có cả chục năm kinh nghiệm, bán sầu riêng ra các tỉnh miền Bắc vẫn là một thách thức. Mỗi chuyến sầu riêng ra Bắc, chị vẫn thường có 1 -n 2 tạ sầu riêng bị chín nứt toang, phải đưa vào diện bóc múi cấp đông bán dần. Riêng mùa này, dịch Covid-19 làm tăng gấp đôi thời gian sầu riêng lưu xe nên tỷ lệ không như ý càng nhiều. Chị Huyền thở dài: “Bọn mình mà vác sầu riêng chạy được thì bọn mình cũng vác chạy cho nhanh. Đỡ đau đầu. Đỡ nhanh già. Đỡ bạc tóc”…

Nếm trải nhiều trái đắng và gai góc, nhưng chị cũng có được đông đảo khách hàng, đối tác quen thân, kinh doanh ngày càng rộng mở. Ngay trong cao điểm mùa vụ giao thông ách tắc vì Covid-19, Nguyễn Thái Huyền vẫn tự tin vào hiện tại và tương lai của trái cây này: “Sầu riêng được gọi là Fruit King nên sẽ không bao giờ thiếu thị trường, chỉ cần nông dân giỏi, trồng được những vườn cây chất lượng”.

Đến thời điểm này, nông dân Tây Nguyên đã có hơn 20 năm trồng sầu riêng như một cây kinh tế chủ lực. Ngoài Dona và Ri6 vừa thơm ngon vừa có giá trị thương mại, khách hàng ưa thích sưu tầm những hương vị mới, cũng có thể tìm thấy ở đây sầu riêng Sáu Hữu, Chín Hóa hay Chuồng bò… là những giống nức tiếng của Miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, Tây Nguyên đã có hơn nửa thế kỷ trồng các giống sầu riêng thực sinh và có nhiều cây cho hương vị lạ, chưa được đặt tên, là nguồn gien quý cho tương lai. Nghề trồng, kinh doanh sầu riêng tốn kém và lắm công phu, nhưng đủ giỏi nghề thì người trồng Tây Nguyễn sẽ được hồi báo xứng đáng. Giống như trái cây gai góc, nhưng đủ nắng, gió, mồ hôi và trách nhiệm, sẽ cho vị ngọt hương thơm đến lạ kỳ./.

Đến thời điểm này, nông dân Tây Nguyên đã có hơn 20 năm trồng sầu riêng như một cây kinh tế chủ lực. Ngoài Dona và Ri6 vừa thơm ngon vừa có giá trị thương mại, khách hàng ưa thích sưu tầm những hương vị mới, cũng có thể tìm thấy ở đây sầu riêng Sáu Hữu, Chín Hóa hay Chuồng bò… là những giống nức tiếng của Miền Tây Nam bộ.

 

Ở Đắk Lắk có một số loại cây mà tên gọi trùng hợp với sự không mong muốn của nhà nông, đó là cây tiêu, cây điều và sầu riêng. “Tiêu điều” gợi lên những năm mất mùa, mất giá khiến nhiều gia đình tán gia bại sản. Còn cây sầu riêng - chỉ sự hụt hẫng “anh vui rồi nhưng cũng lại buồn ngay” bởi cây chết bất đắc kỳ tử.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận