Vào tháng 5 vừa qua, một đoạn lộ của tuyến kênh Nông trường (ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh) bị sạt lở. Toàn bộ mặt đường bê tông ngang 1,5 mét, dài 20 mét bị cuốn xuống sông nên bà con đi lại khó khăn. “Tổ xung kích vá đường” trên địa bàn ấp gồm đa số các cựu chiến binh trên 70 tuổi đã tự nhận trách nhiệm làm lại tuyến đường này.
Kinh phí để khắc phục tuyến đường khá lớn nên Chi bộ ấp Tấn Lộc Đông đứng ra vận động một phần, UBND xã Ngọc Chánh hỗ trợ một phần. Số tiền hỗ trợ một phần được dùng để thuê sáng cạp múc đất khắc phục sạt lở, một phần dùng mua vật liệu. Sau đó, các thành viên của “Tổ xung kích vá đường” ra quân làm mặt bằng và họ tự đổ lại tuyến đường.
Ông Liêu Văn Phát, Tổ trưởng “Tổ xung kích vá đường” chia sẻ: “Trước đây chúng tôi tham gia kháng chiến, giải phóng dân tộc. Hòa bình rồi về địa phương, đến năm 2013 được con lộ chúng tôi quá mừng nhưng 2 năm sau thì lộ xuất hiện hư hỏng. Chúng tôi họp lại, thành lập Tổ xung kích vá đường để góp công sức, cùng cấp, ngành địa phương làm cho địa phương mình đẹp hơn. Chúng tôi góp tiền, công sức để làm. Nếu đường hư nhiều thì thông qua Chi bộ đi vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ thêm”.
Mới đây, một vị trí cống vuông của người dân trên tuyến kênh Nông Trường tiếp tục bị sụp, làm hư hỏng mặt đường. Các tổ viên “Tổ xung kích vá đường” người chở xi măng, người làm cỏ, người đẩy đất, người ban mặt bằng và vị trí hư hỏng nhanh chóng được khắc phục, giao thông được đảm bảo. Những việc đã nêu chỉ là một số trong rất nhiều việc các cựu chiến binh ở đây đã làm được. Đối với những vị trí không cần số tiền lớn để khắc phục, các thành viên trong Tổ tự góp kinh phí thực hiện.
Đáng quý hơn, điều kiện kinh tế những hội viên này rất bình thường, thậm chí có người khó khăn. Như bà Nguyễn Thị Lan, năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn phải đi lột tôm cho một xí nghiệp, kiếm sống. Tuy nhiên, khi “Tổ xung kích vá đường” ra quân là bà luôn có mặt. Nhiều khi lột tôm ban đêm về rất mệt nhưng bà vẫn muốn đóng góp. Bởi tinh thần xung phong của những người chiến binh từng góp phần để có được hòa bình đến nay vẫn rực cháy. Các cô, chú xác định, sẽ đóp góp đến khi nào không còn làm được mới thôi.
Cô Nguyễn Thị Lan bày tỏ: “Trong tổ có 3 người nữ nhưng hai người kiêu sức khỏe yếu rồi, cô thì đỡ hơn. Đồng đội gọi đi vá đường là tôi đi liền. Mình đóp góp công sức để mọi người đi lại thuận lợi, không ai bị té vì đường hỏng”.
“Tổ xung kích vá đường” ấp Tấn Ngọc Đông được thành lập từ năm 2015, gồm 12 tổ viên. Người lớn tuổi nhất năm nay đã gần 80, đa số các thành viên còn lại đều trên 70 tuổi. Nhiều năm qua, không ai giao nhiệm vụ nhưng họ tự nhận lấy trách nhiệm, vá, san phẳng những con đường quê để bà con, đặc biệt là con cháu đi học dễ dàng hơn.
Hình ảnh những người lính già năm xưa mặc chiếc áo cựu chiến binh đi vá đường đã trở thành thân thương với người dân địa phương. Việc làm của các cô chú cũng được chính quyền địa phương ghi nhận, tạo điều kiện. Ông Đặng Văn Suôl, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh cho biết: “Với tinh thần vì quê hương, số tiền nhỏ thì mấy cô chú tự bỏ tiền làm, hư nhiều thì xã hỗ trợ thêm kinh phí. Xã đánh giá rất cao những việc làm này của các cô chú cựu chiến binh, nhất là khi xã không đủ kinh phí để sửa chữa hết được. Xã chỉ đạo các chi hội nhân rộng mô hình này, mỗi chi hội gồm nhiều phân hội thì mỗi phân hội phụ trách một đoạn lộ”.
Vào đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tặng Bằng khen cho Chi hội Cựu Chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông và 4 cá nhân của “Tổ xung kích vá đường”. Số tiền thưởng của tập thể là 3 triệu đồng, những người Cựu chiến binh U70 đã lấy để mua 1 máy phát cỏ. Đường nhà ai cỏ mọc um tùm, ảnh hưởng giao thông mà không tự ý thức thì họ đi làm. Nhiều năm qua, các tổ viên “Tổ xung kích vá đường” bảo nhau làm chuyện bao đồng như vậy và họ sẽ còn tiếp tục xung kích./.