Giày thêu nơi 'thung lũng mắt trời'

Người Xạ Phang ở tỉnh Điện Biên có quyền tự hào về di sản giày thêu bởi sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ, màu sắc sặc sỡ và cách chế tác 'độc nhất'.

 

Giày thêu “độc nhất” của người Xạ Phang

Tại tỉnh Điện Biên, người Xạ Phang có gốc là dân tộc Hoa cư trú chủ yếu dọc theo các dòng suối và trên các triền núi. Họ sống tập trung tại 10 bản thuộc 6 xã của 4 huyện gồm: Xã Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà); xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và các xã: Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa). Đây là những xã, huyện có địa bàn rộng, các bản người Xạ Phang phân bố trong những vùng đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình hỗ trợ 135 của Chính phủ. Dẫu vậy, trong điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng những giá trị văn hóa dân tộc thì vẫn được người Xạ Phang lưu giữ nguyên vẹn, trong đó có nghề làm giày thêu truyền thống.

Chúng tôi ngược gần 100 cây số đường đèo dốc về nơi được mệnh danh là “thung lũng mắt trời” - thủ phủ của đồng bào dân tộc Xạ Phang đang sinh sống tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Tận mắt chứng kiến và tìm hiểu quá trình người phụ nữ chế tác ra những đôi giày hoa thêu truyền thống của dân tộc họ mới thấy được sự kỳ công, tinh xảo trên mỗi sản phẩm. Các công đoạn khác nhau, từ lên hình giày, làm đế, khâu đế cho đến trang trí hoa văn, màu sắc… tất cả đều được chính tay các chị, các mẹ làm. Và để hoàn thiện mỗi sản phẩm giày, chị em thường mất từ 10 - 15 ngày.

Phụ nữ Xạ Phang cần mẫn chế tác giày thêu.

Vào những thời điểm nông nhàn hay chuẩn bị đón Tết cổ truyền, dưới mỗi hiên nhà, không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Xạ Phang cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ để thêu, khâu thành những đôi giày có đường nét, họa tiết đặc trưng, độc đáo. Theo truyền thống, phụ nữ Xạ Phang ngay từ khi mới 10 - 12 tuổi đã được các bà, các mẹ chỉ dạy cách cầm kim, xâu chỉ, hướng dẫn việc may vá, thêu thùa làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân.

Do đó, việc thêu, may, vá, khâu với phụ nữ Xạ Phang đều rất giỏi và mỗi sản phẩm đều có tính nghệ thuật cao. Theo truyền thống, việc này được coi là thước đo sự đảm đang, khéo léo và là hành trang quan trọng để mỗi thiếu nữ Xạ Phang đi làm dâu nhà chồng. Có lẽ nhờ đó mà nét văn hóa độc đáo này đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của người Xạ Phang. Điều này cũng lý giải tại sao những người phụ nữ Xạ Phang dù có thể không biết chữ nhưng vẫn có thể ghi nhớ và sao chép chính xác những hoa văn như được in ra từ một bản thiết kế.

Theo những cụ bà có nhiều kinh nghiệm thêu, khâu giày cho biết, để làm được một đôi giày hoa thêu truyền thống tốt, việc làm đế và khâu đế giày luôn là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất vì quyết định sự bền chắc của sản phẩm. Đế giày được làm từ bẹ tre già và sợi đay trong rừng. Bẹ tre phơi thật khô. Sợi đay được tẩm tro bếp nấu lên từ 4 - 5 tiếng, sau đó đưa ra giã 2 - 3 tiếng đến khi sợi đay thật trắng sáng rồi đem phơi khô. Sau đó bẹ tre được cắt vừa kích thước chân người đi rồi khâu lại cẩn thận bằng sợi đay; kéo chỉ thật chặt, kín hết bẹ tre tạo thành đế giày. Thân giày được làm bằng loại vải bền chắc, phủ một lớp keo nấu từ củ môn rừng giã nhuyễn. Để tạo độ ma sát và bền, người thợ thường khâu thêm sợi dù ở phía dưới. Tấm lót giày thường dùng vải nhung có in hình hoa lá.

Cầu kỳ nhất là khâu thêu, chế tác và tạo mẫu giày. Phần này, vải được thêu hoa văn cân xứng nhau, với những họa tiết hoa lá, hình khối bắt mắt. Có nhiều mẫu giày khác nhau với những yêu cầu riêng về hình dáng, kích cỡ, kiểu cách, màu sắc, như: Giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi… Nhưng tựu chung hoa văn thêu lên thân giày thường theo sở thích mỗi người và chủ đạo là các họa tiết mềm mại, đường lượn sóng, hình bông hoa mẫu đơn nhiều cánh với màu sắc tươi sáng, sặc sỡ… Tất cả tạo nên nét độc đáo, tinh xảo riêng có của mỗi sản phẩm giày.

Thương hiệu của người Xạ Phang

Chị Hoàng Su Viến, người Xạ Phang, huyện Tủa Chùa cho hay, lúc chị 12 tuổi đã được bà, mẹ dạy cách thêu giày. Một đôi giày hoàn thành phải mất cả tháng trời, trong đó, thời gian lâu nhất là công đoạn thêu họa tiết. Khi mới tập làm, chị Viến phải vẽ ra để thêu cho chính xác, tuy vậy vẫn vụng về, đường chỉ còn sai, rất khó để phối màu. Hiện tại, chị có thể thêu mà không cần vẽ, mọi họa tiết đều được ghi nhớ và cứ thế thêu lên.

Những đôi giày thêu mang đậm hồn dân tộc người Xạ Phang.

Nâng niu đôi giày hoa thêu mới hoàn thiện, anh Ngải Léng Pàn (huyện Tủa Chùa) cho biết: Một đôi giày như thế này có thể sử dụng liên tục khoảng 3 - 4 tháng. Lúc mới đi thì sẽ có cảm giác hơi cứng do đế giày được nèn rất chặt, song càng đi càng cảm thấy rất thoải mái, mềm và dễ đi do giày được tạo thành từ những chất liệu tự nhiên. Mỗi thành viên trong các gia đình đều có 3 - 4 đôi để sử dụng dần.

Cùng với trang phục quần áo, những đôi giày thêu chính là nét đặc trưng để phân biệt dân tộc Xạ Phang với các dân tộc khác. Bởi vậy, mỗi đôi giày ấy không chỉ đơn thuần là vật để bảo vệ đôi chân, giúp con người di chuyển, đi lại mà còn là sản phẩm văn hóa mang nét đẹp truyền thống dân tộc và như những tác phẩm nghệ thuật kỳ công, tinh xảo từ đôi bàn tay cần mẫn của những người phụ nữ Xạ Phang chịu thương, chịu khó.

Bộ VH-TT&DL mới đây đã quyết định công nhận nghề làm giày thêu của người Hoa - Xạ Phang tại xã Tả Sìn Thàng, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa; xã Huổi Lèng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nét tinh hoa, độc đáo trong đôi giày của người Xạ Phang từng được một nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét rằng: “Mỗi đôi giày hoa thêu truyền thống thực sự là một tác phẩm chứa đựng sự kỳ công, tinh xảo”. Theo những người Xạ Phang, giày chỉ làm cho những người trong gia đình, nếu bán ra thị trường, trị giá mỗi đôi phải hơn 1 triệu đồng. Người dân tộc Xạ Phang thường mang giày thêu kết hợp với bộ trang phục truyền thống vào những ngày lễ tết, cưới hỏi, bởi người Xạ Phang xem trang phục truyền thống và đôi giày thêu như hồn cốt của dân tộc mình.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập văn hóa các dân tộc, song người Xạ Phang vẫn luôn lưu giữ, bảo tồn phương thức thêu giày truyền thống, độc đáo; thể hiện sự khéo léo, óc thẩm mỹ riêng của người làm ra chúng. Đó cũng như một cách làm nên “thương hiệu” không thể lẫn của người Xạ Phang ở Điện Biên hôm nay.

Nam Hương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận