Tạo và rải “bom hạt giống”
Đúng vào dịp ngày Môi trường thế giới, ngày 5/6 vừa qua, một nhóm bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk đã tổ chức hoạt động dã ngoại, leo núi băng rừng (trekking), tham quan và trồng cây, cải tạo cánh rừng nguyên sinh tại Thác Bìm Bịp thuộc xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, nhóm đã trồng mới 100 cây rừng và “rải” hơn 300 “bom hạt giống” được chuẩn bị sẵn. Mỗi cây trồng mới đều được gắn mã QR code định danh người trồng và tọa độ trồng để tiện theo dõi. Cây được trồng là các loại cây rừng bản địa như Cà Te, Kơ Nia, Gáo Vàng, được gieo ươm tại nhà Vườn Quang Thái (TP Buôn Ma Thuột). Anh Phạm Thanh Tuấn, người sáng lập Công ty xã hội Bồ Công Anh (TP Buôn Ma Thuột), thành viên nhóm trồng rừng chia sẻ, các thành viên đã bỏ tiền túi để mua cây giống, đóng bịch cẩn thận rồi để vào ba lô và đem theo trong suốt hành trình trekking, tới vị trí đã định thì tiến hành trồng cây.
Cùng với cây giống, trước đó nhóm còn dành thời gian tự làm “bom hạt giống”. Với thông điệp “Ăn trái cây là việc của bạn, còn hạt giống hãy cho chúng tôi”, nhóm đã huy động nguồn hạt giống từ các bạn trẻ cung cấp. Các loại hạt được gom lại, rửa sạch, phơi khô. Cách làm “bom hạt giống” khá đơn giản, chỉ cần trộn đất sét với phân và chút nước, nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt cây rừng cần trồng vào giữa rồi vo viên lại và đem phơi khô. Mỗi bom hạt giống gồm 5 loại hạt giống tương ứng với 5 tầng tán của rừng, trong đó có hạt cây tiên phong (là những loại cây dễ sống, phát triển nhanh, có tầng tán cao), hạt cây cố định đất và giữ đất, hạt cây cố định đạm và tạo nitơ cho đất, hạt cây rừng bản địa đa tầng tán và hạt cây dược liệu tầng thấp.
Theo anh Tuấn, đây là ý tưởng sáng tạo của người dân Ấn Độ để khôi phục những khu đất sa mạc hóa, đất trống đồi trọc, trảng cỏ và trồng mới những cánh rừng bị chặt phá. “Bom hạt giống” khá nhỏ gọn nên dễ dàng vận chuyển khi đi rừng, khi sử dụng sẽ giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng. Ưu điểm nữa là “bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, hạt giống sẽ nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Do được đất bao bọc bên ngoài, hạt giống không bị côn trùng hay kiến ăn. Tỷ lệ nảy mầm cao hơn. Khi cây con mọc đã có sẵn một lượng dinh dưỡng là phân ủ trộn với đất đủ để cây phát triển. Mùa mưa kéo dài 2 - 3 tháng đủ cho cây con cứng cáp, khi mùa khô hạn đến thì sức chống chọi của cây cũng trở nên mạnh hơn, sức sống cao hơn.
Anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng xanh Tây Nguyên, Ủy viên Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường khu vực Tây Nguyên chính là người khởi xướng ý tưởng tạo “bom hạt giống” và lan tỏa hoạt động rải “bom hạt giống” tại Đắk Lắk. Anh kể, từ năm 2017, anh đã triển khai thành công mô hình vườn rừng tại huyện Lắk. Với cách làm là gieo hạt cây rừng đan xen với các loại cây ăn quả, mô hình vườn rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con, do đó đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân. Từ hiệu quả tại Đắk Lắk, mô hình sau đó được tiếp tục triển khai tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Trị. Đối với “bom hạt giống”, anh Thái nhận thấy đây là cách làm có nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình thực tế trồng rừng của khu vực Tây Nguyên. Ở những nơi đã ném “bom hạt giống”, cây đều mọc lên tươi tốt. Từ thành công bước đầu này, đầu năm nay, anh Thái đã quyết định lan tỏa nó và thực hiện ở Đắk Lắk. Sau 3 đợt triển khai cùng các cộng sự và tình nguyện viên, anh Thái đã làm và thả được trên 500 “bom hạt giống” tại khu vực đất trống, đồi trọc ven Quốc lộ 27 (thuộc địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk). Anh Phạm Quang Thái cho biết: “Khi hạt giống nảy mầm, những tầng tán rừng được tạo nên, sớm mang lại lợi nhuận nên người dân sẽ giữ và những khu rừng bị tàn phá được tái sinh”.
Mong ước những đồi trọc sẽ được phủ xanh
Từ đầu tháng 6 đến nay, những chuyến leo núi săn mây cuối tuần của nhóm phượt do Y Xim Du, ở huyện Lắk dẫn đoàn càng trở nên thú vị. Không chỉ leo núi ngắm cảnh, săn mây, mỗi thành viên trong nhóm còn đem theo 1 cây giống thân gỗ để trồng tại nơi đoàn phượt đi qua. Y Xim Du chia sẻ, anh là người làm du lịch, thường xuyên có các tour dẫn đoàn đi thăm các địa điểm thắng cảnh tại địa phương, đặc biệt là các chuyến dã ngoại, leo núi. Thời điểm này đang vào mùa mưa, cây cối lên xanh nên anh nghĩ đến việc chuẩn bị cây giống cho các khách đi tour đem theo. Anh lựa chọn cây sao đen, là giống cây bản địa. Trong quá trình leo núi chinh phục đỉnh Chư Yang Lắk, khi đi qua những đoạn đồi trống, anh sẽ cho đoàn dừng chân và hướng dẫn khách trồng cây tại khu vực đó. “Mỗi tour chỉ giới hạn 10 khách nên chỉ trồng được khoảng 10 cây. Tuy số lượng không nhiều nhưng cách làm này sẽ lan tỏa tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người, cũng là cách để góp thêm màu xanh cho cánh rừng quê hương”, anh Y Xim Du chia sẻ.
Được tham gia trải nghiệm một chuyến đi do anh Y Xim Du dẫn đoàn, chị Nguyễn Như Quỳnh ở TP Buôn Ma Thuột kể, chuyến đi chinh phục Chư Yang Lắk mới đây là chuyến đi bão táp đáng nhớ nhất trong những chuyến đi phượt của chị. Vượt qua 12km đường rừng và 200 con dốc, đoàn đã mất khoảng 8 tiếng đi và 4 tiếng về. Cơn mưa rừng táp vào mặt, đường rừng dốc, trơn và nhiều cây cối khiến chị có chút lo lắng. Nhưng bù lại, vẻ đẹp ngoạn mục của đỉnh núi Chư Yang Lắk đầy mây và cảnh sắc từ trên cao đầy cuốn hút đã xua tan mọi cảm giác mệt mỏi. Đặc biệt, cảm xúc khi được tự tay trồng một cây xanh có gắn tên mình ở giữa rừng là cảm giác chị sẽ không bao giờ quên được. “Chỉ là hành động nhỏ nhưng góp phần góp thêm một cây phủ xanh rừng, lan tỏa thông điệp giữ hệ sinh thái xanh đến cộng đồng nên mình thấy nó càng trở nên có ý nghĩa”, chị Quỳnh bộc bạch.
Cũng chung ý tưởng trồng cây rừng qua các chuyến du lịch trải nghiệm, một số đơn vị du lịch thiện nguyện hiện đang bắt tay thiết kế tour du lịch trekking trồng rừng. Các đơn vị đang hình thành 3 loại hình du lịch kết hợp trồng rừng, hướng đến 3 nhóm đối tượng. Loại hình thứ nhất là trekking kết hợp trồng rừng, dành cho các bạn trẻ yêu thích các hoạt động dã ngoại, khám phá, du lịch leo núi (như cách anh Y Xim Du đang làm). Loại hình thứ 2 là du lịch theo hướng tâm linh, dành cho những người thích đi chùa hay đến những địa điểm tâm linh. Tại những nơi này, cùng với trải nghiệm vãn cảnh, tu thiền, du khách có thể phát tâm trồng một loại cây bóng mát hoặc cây ăn trái. Loại hình thứ 3 là du lịch kết hợp kỹ năng sống, dành cho thanh thiếu nhi. Trong quá trình đi trải nghiệm, các em vừa được khám phá thiên nhiên và trang bị những kỹ năng sống cần thiết, đồng thời, tại địa điểm đi thực tế, cắm trại, các em sẽ tự mình trồng thêm 1 cây xanh. Các loại hình này đang được khảo sát để làm sao tạo được một mô hình liên kết, có sự thống nhất và phối hợp giữa 3 bên là đơn vị tổ chức (các đơn vị làm tour, tuyến du lịch, hiệp hội du lịch), đơn vị vận hành dự án và chính quyền địa phương. Quan trọng là các loại cây trồng phải phù hợp với quy hoạch phát triển rừng tại khu vực triển khai, và đơn vị thụ hưởng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc các cây đã được trồng tại khu vực đó.
Còn theo anh Võ Tiến Tuấn Niê, chuyên viên Ban Thanh thiếu nhi Trường học - Tỉnh đoàn Đắk Lắk, mới đây chi đoàn cơ sở văn phòng Tỉnh Đoàn đã làm được 300 “bom hạt giống”. Dự kiến sắp tới chi đoàn sẽ kết hợp với chương trình Kỳ nghỉ hồng trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, đem mô hình về nhân rộng tại huyện Krông Bông và trực tiếp rải các “bom hạt giống” tại các khu vực rừng trống ở đây.
Khi rừng đang bị “xẻo thịt” từng ngày, suy giảm nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, thì những việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ ở Đắk Lắk đang góp phần khôi phục và giữ màu xanh của rừng cho những thế hệ mai sau./.
“Cái được lớn nhất trong việc rải “bom hạt giống” không chỉ là số mầm xanh được tái sinh mà qua đó gieo vào ý thức mỗi học sinh, bạn trẻ về môi trường sinh thái. Vì thế, chúng tôi đang có ý tưởng sẽ biến các chương trình rải bom hạt giống thành sản phẩm du lịch để nhiều người được trải nghiệm, góp phần cải tạo môi trường”.
Anh Phạm Thanh Tuấn, Công ty xã hội Bồ Công Anh.
|