Những ngày tháng đầy ắp nghĩa tình

Các phóng viên Đài TNVN (thường trú khu vực miền Trung) đã tác nghiệp ở vùng thiên tai, ăn ngủ cùng dân suốt 2 tháng trời.

 

Năm 2020 là năm quá nhiều đau thương đối với đồng bào miền Trung khi phải hứng chịu bao thảm họa thiên tai: Bão chồng bão, lũ sau kinh hoàng hơn lũ trước, đỉnh lũ vượt mức lịch sử, sạt lở núi trở thành thảm họa diện rộng, ám ảnh bà con trong từng bữa ăn, giấc ngủ, sống trong nỗi bất an, lo sợ. Trong bối cảnh ấy, các phóng viên Đài TNVN (thường trú khu vực miền Trung) đã tác nghiệp ở vùng thiên tai, ăn ngủ cùng dân suốt 2 tháng trời. Những ngày tháng ấy dệt nên bao câu chuyện đầy ắp nghĩa tình.

Mò mẫm dò sóng điện thoại để chuyển tin, bài

Vụ sạt lở đất vùi lấp cả ngôi làng và hàng chục người ở xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra hồi tháng 10/2020 khiến nhiều người bàng hoàng. Thảm họa đau lòng này được dư luận đặc biệt quan tâm. Để có những thông tin nóng hổi, những hình ảnh chân thực về nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân, công tác tìm kiếm tại hiện trường, các nhà báo, phóng viên tác nghiệp lúc ấy đã đối mặt với hiểm nguy, tai họa ập đến bất cứ lúc nào. 

Đêm 28/10, khi bão vừa tan, nhận được thông tin vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người ở Trà Leng, PV Đình Thiệu nhận lệnh từ Lãnh đạo cơ quan, nhanh chóng có mặt trong Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đi xuyên đêm tiếp cận hiện trường cứu nạn. Sau bão số 9, đường lên Nam Trà My cây cối ngã đổ la liệt, nhiều đoạn đường sạt lở, bùn lấp từng lớp dày đặc, giao thông ách tắc. Hơn 1 ngày đêm vừa đi dò đường, vừa dọn dẹp cây cối ngã đổ, san gạt đất đá sạt lở, nhiều lúc phải lội bộ, phóng viên mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở.

Phóng viên Thanh Hiếu tiếp cận hiện trường vụ sạt lở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337.

Đến ngã 3 Trà Dơn, anh em trong đoàn nhìn thấy những hình ảnh đau thương từ vụ sạt lở đất. Đó là những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ vùi lấp được dân làng dùng tăng võng khiêng bộ ra ngoài đưa đi cấp cứu, trên người còn dính bùn và máu. Tại đây, mọi người tiếp tục lội bộ băng rừng thêm 16km nữa mới đến được hiện trường vụ sạt lở đất. Thỉnh thoảng đất đá trên núi cao lại bất ngờ sạt xuống có thể vùi lấp người đi đường bất cứ lúc nào. Đến được hiện trường, các phóng viên từ đầu đến chân lấm lem bùn đất.

Cả ngôi làng trù phú bên dòng sông Leng bị san phẳng, tan hoang. Hình ảnh cô gái Hồ Thị Hòa khóc ngất khi cả 8 người thân trong gia đình gồm con trai 4 tuổi, cha, mẹ, em gái, cô, bác, dì, dượng đều bị vùi lấp, khiến ai cũng quặn thắt nỗi đau. Càng cảm động khi chứng kiến những cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội ăn vội gói mì ăn liền, ngày đêm dầm mình dưới mưa rừng lật từng nắm đất tìm kiếm nạn nhân… Tất cả những câu chuyện ấy đều được phóng viên ghi lại, cố gắng chuyển tải thông tin, hình ảnh, âm thanh đến quý thính giả, độc giả của VOV.

Huyện miền núi cao Nam Trà My sau bão số 9 hầu hết các tuyến giao thông, thông tin liên lạc bị tê liệt. Trong rừng sâu, không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không mạng internet, các phóng viên rất nhọc nhằn mỗi khi chuyển tin bài về tòa soạn. Hằng ngày, nhóm phóng viên VOV miền Trung (Hải Sơn, Đình Thiệu, Thanh Thắng) phải có mặt từ rất sớm tại hiện trường để quay phim, chụp hình, phỏng vấn, rồi chia nhau ngược đường trở ra, vừa đi vừa dò tìm nơi nào có sóng điện thoại, mạng 3G thì dừng lại để chuyển tin. Chuyện rớt sóng giữa chừng khi đang nối cầu phát thanh trực tiếp với Chương trình Thời sự trên sóng phát thanh VOV1 là khó tránh khỏi. Những lần như vậy, phóng viên tiếp tục di chuyển tìm đến chỗ sóng điện thoại tốt hơn để tiếp tục “leo lên cầu phát thanh” nói chuyện sạt lở núi.

Suýt bị vùi lấp trong gang tấc

Hơn 2 giờ sáng ngày 18/10/2020, điện thoại của phóng viên Thanh Hiếu nhận được tin nhắn báo xảy ra 1 vụ sạt lở kinh hoàng tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đóng ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh đã tổ chức họp khẩn và lập Sở Chỉ huy tiền phương tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa để ứng cứu mưa lũ và sạt lở. Đêm đó, cả Quảng Trị không ngủ. Phóng viên Thanh Hiếu cũng có mặt trong Đoàn công tác của tỉnh lên hiện trường triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

Phóng viên Thanh Hà đu dây leo lên dốc đứng để cắt đường rừng đến vùng sạt lở Phước Sơn.

Sáng sớm trời tiếp tục mưa, dọc Quốc lộ 9 dày đặc những điểm sạt lở, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi vào Hướng Phùng cũng nham nhở ổ voi, ổ gà. Xe chở đoàn công tác đến cách doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 hơn 3km thì gặp điểm sạt lở đầu tiên. Đất đá từ trên núi cắt đứt luôn con đường bê tông tạo thành một hố sâu. Xe không thể qua được, Thanh Hiếu và một vài đồng nghiệp đi bộ cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh và lực lượng công binh Đoàn 337 vào thẳng hiện trường. Đi được một đoạn, mọi người nhìn thấy 1 bên là vách núi cao, 1 bên là vực sâu hun hút, lũ cắt khiến con đường như 1 chiếc bánh đa bị bẻ làm đôi  Mọi người đang loay hoay, dò dẫm từng bước chân thì ở phía sau có tiếng hô hoán, gào thét, cảm giác phía trên núi có cái gì đó đang rung chuyển rất nhanh. “Lũ về, chạy đi, nhanh lên, chạy, chạy, chạy đi…”, tiếng hô càng to hơn, tiếng ầm ầm từ trên núi ngày càng gần hơn. Sau một giây định thần, mọi người bắt đầu cắm cổ chạy lùi lại. Vừa chạy được khoảng 30 mét thì nghe tiếng ào ào dữ dội từ trên núi tuôn xuống, nước chảy cuồn cuộn mang theo đất đá cuốn ngay dưới chân mình, ai nấy đều hoảng sợ. Nhóm của phóng viên Thanh Hiếu đi vào hiện trường đã thoát nạn trong gang tấc khi một dòng lũ quét từ trên núi bất ngờ tràn xuống lúc mọi người trong đoàn đang băng qua suối. Và sau hơn 2 giờ đi bộ đầy hiểm nguy, phóng viên VOV miền Trung mới đến được điểm sạt lở tại Đoàn 337.

 Vừa thoát nạn, Thanh Hiếu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chủ động báo cáo về cơ quan và xin “leo lên sóng” làm cầu phát thanh trực tiếp, kể lại hình ảnh xót xa tại hiện trường ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, nơi cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 gặp nạn.

Trong hai ngày đêm tác nghiệp tại vùng sạt lở núi, Thanh Hiếu cùng các đồng nghiệp cảm thấy ấm lòng khi được đồng bào địa phương giúp đỡ, cho ăn ngủ qua đêm. Những bữa cơm cá suối măng rừng đong đầy tình nghĩa yêu thương của bà con, những cuộc gọi điện thoại thăm hỏi động viên của cơ quan, đồng nghiệp, người thân, bạn bè… đã giúp các phóng viên yên tâm đeo bám hiện trường, cập nhật thông tin kịp thời trên các kênh sóng của VOV.

Vừa thoát nạn, Thanh Hiếu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chủ động báo cáo về cơ quan và xin “leo lên sóng” làm cầu phát thanh trực tiếp, kể lại hình ảnh xót xa tại hiện trường ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, nơi cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 gặp nạn.

Cắt đường rừng để tiếp cận hiện trường sạt lở núi ở Phước Sơn

Ngày 29/10/2020, bão số 9 vừa tan, phóng viên Thanh Hà từ tâm bão Quảng Ngãi được Lãnh đạo Cơ quan điều động đến hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp 11 người ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, 2 cán bộ xã đã trôi mất tích, 217 công nhân bị cô lập tại xã Phước Thành, huyện miền núi Phước Sơn.

Phóng viên Thanh Hiếu thất thần vì suýt bị vùi lấp sau trận lũ quét.

Sau bão số 9, đường lên miền núi sạt lở nghiêm trọng, cây cối đổ ngã ngổn ngang. Sáng sớm 30/10, tại thị trấn Khâm Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam họp bàn phương án cứu nạn, tiếp tế đồng bào. Ngay lập tức, lực lượng quân đội và lãnh đạo địa phương lên đường vào hiện trường vụ sạt lở. Từ thị trấn huyện lỵ vào đến xã Phước Công bằng xe máy, Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại đây tập hợp quân số, họp bàn phương án cắt rừng đi vào các xã Phước Lộc, Phước Thành. Nhiều chiến sĩ người địa phương, lính biên phòng khuyên phóng viên nên dừng lại ở đây chờ thông tin. Nhưng phóng viên VOV miền Trung vốn quen tác nghiệp tại tâm bão, rốn lũ nên tiếp tục trèo núi, lên đường cùng Đoàn cứu nạn, chỉ mang theo 2 chiếc điện thoại di động, 2 cục sạc pin dự phòng cùng ít lương khô, nước uống… Mất mấy tiếng đồng hồ đi bộ vượt núi, Đoàn đến được Nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2. Tất cả các tuyến đường đến đây đều bị ngập sâu trong bùn đất. Có nơi, bùn ngập hơn 2m. Trời mưa, đường vào hiện trường trơn trượt, đất đá từ trên núi rớt xuống, đe dọa tính mạng. Không màng hiểm nguy, phóng viên Thanh Hà cùng một số đồng nghiệp đã tranh thủ tác nghiệp, chụp ảnh, ghi âm, phỏng vấn công nhân bị nạn ở Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2.

Trong khoảng thời gian 2 tháng căng thẳng ấy, tất cả cán bộ, phóng viên phải lăn lộn tại hiện trường, có phóng viên nằm ở hiện trường 28 ngày/tháng. Không kể xiết những hiểm nguy, vất vả nhưng ai cũng hài lòng vì đã hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày hôm sau, xuất phát từ đầu giờ sáng đến khoảng 13 giờ chiều, Đoàn công tác dừng lại ở khu vực suối nước Mắt, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, cách hiện trường vụ sạt lở 13km. Sau khi xem xét, phân tích tình hình thực tế, điều kiện thời tiết, Đoàn công tác buộc phải quay trở lại do địa hình quá hiểm trở, không thể đi tiếp. Phương án mở đường tiếp cận từ hướng tỉnh Kon Tum cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, phía tỉnh Kon Tum cho biết, bên đó cũng đang sạt lở nặng, rất nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Đêm nằm nghe núi lở, xót xa cho cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào vùng thiên tai, phóng viên Thanh Hà kể lại những câu chuyện của người dân nơi đây gồng mình vượt mưa to, bão dữ, khắc phục hậu quả thiên tai trên các phương tiện truyền thông của VOV.

Chính những thông tin mà các phóng viên VOV miền Trung cung cấp tới đồng bào cả nước qua các phương tiện truyền thông của Đài TNVN đã giúp đồng bào cả nước cập nhật nhanh chóng, chi tiết tình hình, từ đó kịp gửi tấm lòng yêu thương, sự cứu trợ tương thân tương ái tới khúc ruột miền Trung./.

Từ ngày 18/9 (bão số 5) đến 15/11/2020 (bão số 13), các tỉnh miền Trung đã hứng chịu 8 cơn bão và nhiều đợt mưa lũ lớn, làm 249 người thiệt mạng và mất tích, 705 người bị thương, 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái và gần 500.000 lượt nhà nhấn chìm trong lũ, thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng.

 Trong điều kiện lực lượng phóng viên quá mỏng (9 phóng viên, trong đó 2 nữ phóng viên có con nhỏ) nên từ Giám đốc, Phó Giám đốc đến tất cả phóng viên, nhân viên hành chính đều phải ra hiện trường đưa tin về bão lũ. Lãnh đạo cơ quan còn huy động cán bộ, biên tập viên Phòng Tiếng Dân tộc tăng cường nhân lực trực tin bài cho phóng viên. Nhờ đó, CQTT khu vực miền Trung đã cập nhật nhanh chóng, đầy đủ, chi tiết tình hình thực tế về bão, lũ, các vụ sạt lở núi ở miền Trung.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận