'Bão' tín dụng đen quét vùng cao Điện Biên

'Bão' tín dụng đen đã ngược ngàn, quét vào những bản làng vùng cao của tỉnh Điện Biên, khiến bất cứ ai vướng vào đều trở nên khốn đốn, tính mạng bị đe dọa.

 

Quay cuồng vòng xoáy, vay dễ - trả đến kiệt quệ

Lọt thỏm giữa không gian sầm uất, mang dáng dấp thị tứ tương lai với nhịp sống dần đô thị hóa của một khu vực trung tâm xã vùng cao Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) một “bóng ma” tín dụng đen trùm phủ lên những ngôi nhà, đặc biệt là các hộ nghèo, khiến đời sống người dân lao đao, nguyên nhân cũng vì nhẹ dạ...

Trong câu chuyện về những hoàn cảnh éo le được chính anh Lò Văn Công, Trưởng bản Na Hát, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông kể với chúng tôi đã dần “vén màn” bức tranh tối về đời sống của những người dân nghèo, nhẹ dạ. Anh Công kể: Người dân xã nhà và các xã lân cận như Luân Giói, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Háng Lìa… hầu như ai cũng biết Trì “cá” - người chuyên thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi. Dù các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo vẫn được triển khai tốt, song tại bản Na Hát nhiều năm qua vẫn có một số hộ dân vay vốn bên ngoài để trang trải cuộc sống, với số tiền vay từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, lãi suất thì "cắt cổ" từ 50 - 70%. Nhiều hộ nghèo không có khả năng chi trả đã bị siết nợ bằng những thứ có giá trị của gia đình là nhà ở hoặc đất sản xuất.

Một đối tượng cùng hung khí phục vụ hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.

 

“Phần vì nghèo, nhưng cái chính là thủ tục vay nhanh gọn. Tiền tươi thóc thật, “giải ngân” ngay chỉ sau một chữ ký hay cái điểm chỉ. Người ta vay tiền chi tiêu từ những việc như: Mua xe, ốm đau, làm ma chay, cỗ cưới… Số tiền vay từ vài triệu, đến vài trăm triệu đồng. Vay dễ, không ít người cứ "mơ mơ, màng màng" kéo nhau đi vay và mang ơn Trì "cá". Chỉ đến khi phải trả (thường là sau 1 năm), nhìn vào số tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” người ta mới giật mình tỉnh mộng. Khi ấy mọi của cải có giá trị trong nhà, thậm chí cả nhà cửa, đất đai đã lũ lượt về tay người đàn ông này” - anh Công cho hay.

Bản Bánh (xã Mường Luân) được xác định có hàng chục người dân đi vay nặng lãi. Trong căn nhà mới dựng lại của con trai, bà L.T.B ngậm ngùi tâm sự: "Nhà có việc lớn cần tiền, nên khi nghe người ta chỉ ra chỗ ông Trì vay dễ, tôi liền ra vay. Vì số tiền lớn nên tôi phải thế chấp nhà. 1 năm trôi qua, chỉ quẩn quanh với cây lúa, con gà làm gì có tiền tích góp đâu. Tiền vay thì lo việc hết rồi. Bị thúc đòi nợ quá, tôi sợ nên đành phải gán nhà, dựng lán để ở. Đợt vừa rồi mưa gió, lán dột phải sang nhà con trai ở nhờ”.

Tương tự, bị cuốn vào chiêu bài “thủ tục vay tiền nhanh gọn” lại đáp ứng được số tiền mình cần nên bà Nguyễn Thị L. đội 10, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) đã tìm đến địa chỉ là một cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính trên địa bàn để vay số tiền 140 triệu đồng với mục đích sửa nhà và đầu tư chăn nuôi.

“Tại đây tôi được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn và được “giải ngân” ngay trong ngày. Ðổi lại, tôi phải thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và căn nhà của gia đình. Chủ cơ sở cầm đồ giải thích: “Lãi suất chỉ cao hơn ngân hàng một chút, việc thế chấp sổ đỏ chỉ là thủ tục chứ không có nhu cầu lấy nhà đất... Ngoài tư vấn nhiệt tình, quảng cáo rầm rộ, các đối tượng cho vay còn khuyến khích nếu ai rủ thêm người vay tiền thì sẽ được trích “hoa hồng”. Từ đó, người này rỉ tai người kia khiến nhiều người biết, tìm đến địa chỉ trên để vay tiền, như: Chị Cà Thị B. ở xã Pom Lót, Trần Văn V. ở xã Noong Hẹt, Bùi Văn L. xã Noong Luống” - bà Nguyễn Thị L. tiết lộ.

Vay nhanh - nhận tiền nhanh… rồi cũng nhanh chóng đẩy gia đình bà L. lâm vào những chuỗi ngày không bình yên với chủ cơ sở cầm đồ. Bà L kể: Năm 2016, bà vay 140 triệu đồng nhưng đến năm 2019 tổng số tiền phải trả là trên 700 triệu đồng mà vẫn không hết nợ. Trong giấy vay tiền tuy không quy định lãi suất, nhưng mỗi tháng bà L. phải trả 9.600.000 đồng tiền lãi, nếu không trả đúng hạn sẽ bị phạt 5 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn. Nhận thấy gia đình bà L. không đủ khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiếp tục gợi ý vay tiền với hình thức “bốc bát họ”, cho vay thêm 30 triệu đồng để trả lãi của khoản vay cũ. Số tiền này không được rút ra mà phải trừ dần mỗi tháng 800 nghìn đồng cho đến hết. Số tiền vay bổ sung đó lại tiếp tục được cộng vào tiền gốc vay ban đầu. Cứ như thế, lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi gia đình làm nông, chăn nuôi nhỏ cả tháng chỉ thu nhập vài trăm nghìn đồng, làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ khiến gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ.

Quyết liệt trấn áp nạn tín dụng đen

Theo Công an tỉnh Điện Biên, Trì “cá” tên thật là Nguyễn Thế Trì (SN 1974), trú tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Đây là đối tượng có điều kiện về kinh tế, không đăng ký kinh doanh, nhưng tự đứng ra cho một số người dân trên địa bàn xã Mường Luân và các xã lân cận vay tiền với lãi suất cao, từ 104 - 189%/năm. Nhiều trường hợp thế chấp sổ đỏ vay tiền của Trì, sau do lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ phải chuyển nhượng sổ đỏ cho đối tượng này.

Sau một thời gian nắm bắt thông tin, Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá hoạt động “tín dụng đen” của Nguyễn Thế Trì. Vào giữa tháng 12/2020, lực lượng Công an đã tiến hành bắt giữ, khám xét nơi ở của Trì, đồng thời thu giữ nhiều vật dụng, tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Một góc bản nghèo xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) - Nơi có những hộ nghèo rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nạn tín dụng đen.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm gần đây, các loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh Điện Biên không ngừng gia tăng. Các đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh này để thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến tín dụng đen như cho vay nặng lãi, cầm đồ. Chiêu trò của các đối tượng thường nhằm vào sự nhẹ dạ cả tin của một số người, bà con dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết, không có tài sản thế chấp, thanh thiếu niên không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, tham gia cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện ma túy…; cho vay không thế chấp hoặc ngụy biện việc thế chấp chỉ là “thủ tục” song bản chất đó chính là cái bẫy mà khi sa vào không dễ gì thoát ra.

Thống kê từ năm 2019 đến đầu tháng 3/2021, Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, 13 đối tượng về các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Một số nhóm đối tượng từ các tỉnh, thành (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng…) cũng tìm cách móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn, nhằm thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh càng trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, với quyết tâm không để địa bàn trở thành điểm nóng của loại hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, lực lượng Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp trấn áp mạnh. “Lực lượng Công an khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia vào hoạt động cho vay nặng lãi để tránh tiền mất tật mang; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương”, thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng nhấn mạnh./.

 

“Nhà mình đang ở mà ngày nào chủ nợ cũng dẫn người đến xem nhà, ra giá bán nhà; thường xuyên cho mấy người xăm trổ đến chửi bới, thậm chí còn ăn ngủ tại gia đình cả tuần để thúc ép trả tiền. Có năm, mùng 4 Tết họ đến gây rối đòi tiền, không mở cổng thì họ trèo cổng vào, ngồi án ngữ giữa nhà. Không chỉ gia đình tôi mà những hộ vay chưa trả hết nợ cũng đều chung cảnh ngộ”.

Nguyễn Thị L. đội 10, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận