Những 'hiệp sĩ' trong đêm

Trong 2 năm qua, bất kể ngày mưa, nóng hay giá rét, thành viên nhóm 'Cứu hộ Hà Nội' đã hỗ trợ hàng chục nghìn trường hợp hỏng xe, gặp sự cố trên đường giữa đêm

 

Gấp gáp đêm cứu hộ

          “Alo, đường Triều Khúc hả?. Số nhà bao nhiêu?. Xe gì?. Xịt lốp hả?. Lốp trước hay sau? Biển số xe bao nhiêu?. OK, chúng tôi sẽ tới ngay” – Vũ Đăng Dũng, sinh viên Đại học Kiến trúc nói dứt khoát. Sau cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại, Vũ Đăng Dũng, thành viên nhóm “Cứu hộ Hà Nội” đứng dậy, khoác vội chiếc áo rồi nói với tôi: “Hai anh em đi thôi, có một ca ở gần đây!”.


Vũ Đăng Dũng (đeo thẻ) đang vá xe cho anh Phạm Đoàn trên phố Triều Khúc. Ảnh: Thành Công

          Chiếc xe chở tôi và Dũng rời quán trà ở góc phố Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân, nơi những thành viên nhóm “Cứu hộ Hà Nội” trực cứu hộ mỗi ngày từ 23h đến 2-3h sáng hôm sau, hướng về phía phố Triều Khúc. Vừa lái xe, Dũng vừa nói với tôi: “Thủng săm anh ạ, ca này đơn giản thôi, xe Wave nên dễ”.


Phạm Quý và Vũ Dương cứu hộ xe trong đêm mưa. Ảnh: NVCC

          Đến gần cuối đường Triều Khúc, tôi và Dũng gặp 2 bạn trẻ và chiếc xe thủng săm đang đỗ bên đường. Sau trao đổi nhanh với chủ xe, Dũng nhanh chóng vào việc một cách thành thạo với bộ đồ nghề gọn nhẹ được chuẩn bị sẵn trong cốp xe. Một miếng vá do đinh ghim đâm thủng săm được hoàn thành nhanh gọn trong vòng chưa tới 10 phút.

          “Em cảm ơn anh, anh cho em gửi tiền”, cậu thanh niên chủ xe tên Phạm Đoàn, người Nam Định, thợ vẽ tường tại Hà Nội phải hỏi tới lần thứ 2 thì Dũng mới để ý trả lời vì đang mải xếp lại đồ nghề: “10 nghìn đồng thôi, anh em làm tình nguyện, chỉ lấy tiền miếng vá thôi, công xá không tính” – Dũng nói.

          Đoàn bất ngờ bởi vào đêm khuya mà khoản chi phí cứu hộ lại quá rẻ mạt, cậu luống cuống cảm ơn rồi rút vội chai nước dúi vào túi đồ của Dũng: “Vậy anh cầm chai nước uống cho đỡ khát”.

Chiếc xe chở tôi và Dũng tiếp tục chuyển bánh, lần này 2 anh em lại đến một địa chỉ khác trên phố Nguyễn Xiển, nơi có cuộc gọi cứu hộ vừa gọi tới đường dây nóng.

0h30 sáng, khi tôi và Dũng vừa về tới điểm tập kết thì cũng là lúc Phạm Thị Minh Hằng, nhân viên bán hàng siêu thị, một nữ thành viên tích cực của nhóm vừa trở về sau khi hoàn tất ca cứu hộ trên cầu Vĩnh Tuy. Hằng chia sẻ: “Trước đây, em chạy Grap bike. Một lần bị hỏng xe trong đêm, được các thành viên nhóm “Cứu hộ Hà Nội” giúp đỡ miễn phí, em thấy rất may mắn và nhận ra niềm vui của công việc giúp đỡ những người khác lúc khó khăn. Từ đó, em dần tiếp cận và xin tham gia nhóm, được các thành viên nhóm tập huấn kỹ năng cứu hộ, sửa xe đơn giản như vá săm, thay săm, thay buzi… rồi tham gia cứu hộ đêm cùng mọi người”.

Nhóm “hiệp sĩ” tình nguyện

Nhóm “Cứu hộ Hà Nội” chính thức được thành lập năm 2016, với khoảng chục thành viên, gồm những thanh niên có chung ý tưởng muốn được giúp đỡ những người đi xe trên đường, không may bị hỏng xe lúc đêm hôm, vào thời điểm rất khó để tìm thợ hay cửa hàng sửa chữa, để hỗ trợ mọi người trong những lúc khó khăn nhất.


Phạm Thị Minh Hằng là một trong những “Hiệp sĩ” hoạt động tích cực của nhóm “Cứu hộ Hà Nội”.  Ảnh: NVCC

Đến nay nhóm “Cứu hộ Hà Nội” hiện có khoảng trên 30 thành viên, trong đó có khoảng 10 thành viên thường trực. Trong 2 năm qua, bất kể ngày mưa, nóng hay giá rét, các thành viên trong nhóm đã hỗ trợ hàng chục nghìn trường hợp bị hỏng xe, gặp sự cố trên đường giữa đêm khuya.

Những trường hợp nhận sự hỗ trợ từ nhóm “Cứu hộ Hà Nội” thường là những người đi xe bị thủng săm, hỏng lốp, hết xăng… giữa đường. Dù là xe máy, xe đạp hay xe ba gác, hễ biết thông tin có người cần giúp đỡ, là các thành viên trong đội lại sẵn sàng lao đi hỗ trợ. Có trường hợp phải đi xa 15-20km, các thành viên nhóm cứu hộ cũng không quản ngại vất vả. Trường hợp xe bị hỏng nặng, cần thợ tay nghề cao, nhóm sẽ hỗ trợ người bị nạn đẩy xe đến địa chỉ sửa xe, hoặc giúp gửi xe vào nơi an toàn…

Trò chuyện với các thành viên trong nhóm, chúng tôi được biết, tất cả mọi người tham gia đội “Cứu hộ Hà Nội” đều là tình nguyện. Họ là công chức, người bán hàng, sinh viên, lái xe ôm… Các bạn đến từ nhiều nơi như Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa… Anh Nguyễn Quý, một thành viên tích cực của nhóm chia sẻ: “Để đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích của nhóm là hỗ trợ những người gặp khó khăn, các thành viên trong nhóm luôn tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của nhóm, không lấy dư bất cứ đồng nào trái với quy định. Để người gặp nạn yên tâm, không bị một số đối tượng xấu lừa, khi tham gia cứu hộ, các thành viên đi xe có gắn logo của nhóm, mặc áo phản quang và có thẻ xác nhận thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội””.

Điều đặc biệt, có nhiều bạn vì cảm phục công việc mà nhóm đang làm nên đã tình nguyện xin vào nhóm “Cứu hộ Hà Nội” để cùng được tham gia giúp đỡ người khác.

Đã có trường hợp thành viên của nhóm gặp rủi ro, bị tai nạn lao động khi đi cứu hộ. Đáng ngại nhất là bị đe dọa, chửi bới, bị một số người đến gây sự, thậm chí dọa đánh vì họ cho rằng nhóm đang “cướp” mối làm ăn của họ. Có lần nhận được thông tin đi giúp đỡ, sau khi nhóm thay săm giúp xong thì họ “bùng”, không trả tiền mua săm… Thậm chí có nhiều người gọi nhóm nhờ cứu hộ nhưng lại nghĩ nhóm đang “làm kinh tế” nên tỏ thái độ hách dịch, quát tháo… Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng những “hiệp sĩ” của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” vẫn không nản chí, vẫn kiên trì, bền bỉ hằng đêm giúp đỡ người gặp nạn trong đêm.

Tình người trong đêm

          Nhịp sống đêm Hà Nội chậm hơn, nhưng vẫn mang vẻ rộn ràng, tấp nập của một đô thị đang phát triển bởi vậy mà công việc tình nguyện của các thành viên nhóm “Cứu hộ Hà Nội” cũng ngày một nhiều hơn, vất vả và phải hy sinh nhiều hơn.

Nhấp ngụm trà nóng để chống lại cái giá rét của Hà Nội, Vũ Đăng Dũng chỉ vào vết thương còn chưa lành trên cằm, chia sẻ: “Mấy hôm trước em nhận 1 ca ở phía sau trung tâm The Garden Mễ Trì. Đến nơi, do lốp xe ga hơi cứng, em bị trượt tay khi móc và bị cái móc lốp dài 30cm bật ngược vào mặt. Vết thương nhỏ khoảng 1cm nhưng hơi sâu nên máu chảy nhiều. Bạn hỏng xe đã chạy đi mua băng urgo giúp em cầm máu và gọi thêm hỗ trợ nhưng hôm đấy nhiều ca hỗ trợ quá, lại thiếu người nên em vẫn tiếp tục làm. Vá xong lốp thì vết thương vừa cầm máu lại vỡ ra, máu chảy tong tong. Sau lại có người gọi hỗ trợ ở Đình Thôn, ngay gần đấy nên em lại qua sửa tiếp, đến tận sáng hôm sau, khi về nhà em mới có thời gian để băng cẩn thận lại vết thương…”

Câu chuyện của Nguyễn Quý là một ca cứu hộ trên đường Võ Chí Công, khi Quý và Vũ Dương nhận ca này thì trời mưa rất to. Đến hiện trường, Quý và Dương thấy người bị hỏng xe đứng giữa trời mưa. Hỏi chuyện, cả Quý và Dương đều xúc động khi biết người bị hỏng xe đứng chờ dưới mưa vì sợ đội cứu hộ đến sẽ không tìm thấy.

Gần 3h sáng, đêm Hà Nội cuối thu lạnh buốt nhưng những thành viên nhóm “Cứu hộ Hà Nội” vẫn vui vẻ ngồi trực nơi quán trà vỉa hè góc phố Khuất Duy Tiến. Họ kiên nhẫn chờ đợi những cuộc gọi, bởi họ biết rằng khi trời chưa sáng sẽ vẫn còn những “khổ chủ” với những chiếc xe bỗng dưng “dở chứng”./.

“Xe nào hết xăng thì mua xăng giúp, xe nào thủng săm thì nhóm hỗ trợ vá mới mức phí chỉ 10.000 đồng, nếu thay săm hoặc thay buzi thì thu từ 35.000 đến 50.000 đồng tùy loại xe... Đây hoàn toàn là mức giá chi phí vật tư sửa chữa, không hề có tiền công hay chi phí xăng xe đi lại của tình nguyện viên”, Vũ Đăng Dũng.

Đường dây nóng của nhóm “Cứu hộ Hà Nội”: 0934343427

 

Bình luận

  • Lê Ngọc Tuấn 29/11/2018 14:08:46
    Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn. Đâu cần đao to búa lớn gì, lý tưởng của thanh niên bắt đầu ngay từ cuộc sống!
  • Linh Nguyen 29/11/2018 12:41:56
    Bài viết rất hay.
  • Đầu 1 Cuối