Tại một số cuộc thi khởi nghiệp, không ít dự án của sinh viên nhận được quan tâm đầu tư nguồn vốn của tổ chức, doanh nghiệp để phát triển ý tưởng thành hiện thực.
Vài năm trước, Nguyễn Hữu Tuấn, hiện là sinh viên năm 4 ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Nông Lâm TP.HCM ấp ủ ý tưởng đưa cây sâm từ trên núi xuống trồng ở đồng bằng. Lúc đó, bạn bè bảo Tuấn là kẻ gàn dở. Để chứng minh ý tưởng của mình khả thi, Tuấn đã nhập một giống sâm từ Hàn Quốc về trồng ngay trước phòng trọ và sâm nảy mầm. Sau đó, Tuấn thử trồng giống sâm Ngọc Linh của Việt Nam bằng phương pháp khí canh, một phương pháp mới từ các tài liệu nghiên cứu tại Hàn Quốc. Thấy được sự đam mê của Tuấn, các thầy cô trong khoa đã hỗ trợ, giúp Tuấn thực hiện ý tưởng này và kết quả là đã cho ra đời những mầm sâm đầu tiên trong phòng thí nghiệm của Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Năm 2019, Nguyễn Hữu Tuấn đem cây sâm với dự án "Trồng sâm bằng phương pháp khí canh" đi dự Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can và đạt giải cao nhất. Hiện dự án của Tuấn đã gia nhập Vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của nhà trường. Tuấn cũng đang lên kế hoạch đưa phôi giống từ phòng thí nghiệm ra trồng ngoài môi trường tự nhiên ở đồng bằng để cho sản phẩm thực sự. Tuấn chia sẻ: Sâm ở Hàn Quốc trồng được, tại sao sâm Việt Nam không trồng được. Thay vì ở môi trường, vị trí địa lý đặc biệt thì sâm Ngọc Linh trên núi, chúng ta có thể đưa về đồng bằng được bằng công nghệ trồng sâm bằng khí canh và thủy canh. Thầy cô của khoa công nghệ thực phẩm, thầy cô khoa cơ khí, những thầy cô hỗ trợ cho em về kỹ thuật và máy móc, cả Vườn ươm tạo doanh nghiệp của trường nữa”.
Cũng như Hữu Tuấn, với đam mê trong ngành học mà bản thân đang theo đuổi, Phạm Đình Long Nhật, sinh viên năm 2, ngành Điện tử Chất lượng cao, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có ý tưởng chế tạo pin năng lượng mặt trời bằng vật liệu hữu cơ. Long Nhật đã nghiên cứu, thử nghiệm trên nhiều loại cây, củ khác nhau, và phát hiện ra dâu tây, củ dền, thanh long đỏ… có khả năng chiết xuất để trở thành vật liệu dẫn điện. Sau đó, dùng vật liệu này chế tạo ra pin năng lượng mặt trời thì chi phí có thể giảm từ 2 - 3 lần so với phương pháp truyền thống.
Vậy là Dự án “Pin năng lượng mặt trời hữu cơ trong suốt” của Long Nhật ra đời và sẽ có mặt tại Vòng chung kết "Schneider Go Green Viet Nam 2021" - Cuộc thi Tìm kiếm dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng xanh do Schneider Electric Việt Nam tổ chức. Nhóm của Nhật cũng đang hoàn thiện ý tưởng để sớm ra mắt các sản phẩm đầu tiên như pin dự phòng cho điện thoại, thiết bị trữ điện cho các hộ gia đình từ những vật liệu hữu cơ này. Nhưng muốn làm được như vậy, Long Nhật cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính nhà trường và các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. “Em muốn phát triển ngành năng lượng của Việt Nam. Và em may mắn có được những người bạn và nhiều thầy cô luôn đồng hành. Ở tuổi của em, đa số các bạn đang học về đại cương cơ bản, em cũng mong muốn sẽ có một đội nhóm mạnh hơn, tiếp cận đến nhiều chuyên gia hơn để thúc đẩy, hỗ trợ dự án này đi nhanh hơn”.
Nhiều năm đồng hành và hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ, các giảng viên và nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp khả thi để ý tưởng đó có thể trở thành những dự án bài bản, triển khai được trên thực tế. Bởi sinh viên có ý tưởng và khởi nghiệp thành công thì vừa củng cố được kiến thức đã học vừa tạo việc làm cho mình và bạn bè. Đại học Nông lâm TP.HCM chủ động xây dựng Vườn ươm tạo doanh nghiệp từ rất sớm và đã trở thành cầu nối giữa sinh viên - giảng viên hướng dẫn - chuyên gia và doanh nghiệp. Từ đây, đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực và đã thành công.
Theo nhiều chủ doanh nghiệp, đưa dự án từ phòng thí nghiệm vào thực tế sản xuất là cả một quá trình, đòi hỏi tính bền bỉ và nguồn lực vững mạnh. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ vốn, đồng hành với sinh viên và nhà trường để phát triển nhưng chính sinh viên cũng phải tự hoàn thiện thêm các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên ngành. Bà Nguyễn Thị Hồng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu và Công nghệ Hải Nhật cho biết, bên cạnh hiểu và giỏi về kỹ thuật thì biết cách vận hành, quản trị tốt là những điều mà sinh viên nên quan tâm.
Điểm mạnh lớn nhất của sinh viên khởi nghiệp là sáng tạo, có quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy nhiên để tiến tới thành công, sinh viên cần học hỏi và tiếp thu những kiến thức ngoài chuyên môn và các kỹ năng mềm. Điều quan trọng hơn nữa là sinh viên khởi nghiệp cần được hỗ trợ từ chính nhà trường và doanh nghiệp./.