Lúa quý giữa đại ngàn

Canh tác trên non cao, giữa đại ngàn thung sâu giúp bà con người Jrai, Bahnar ở Gia Lai giữ được một số giống lúa quý thuần chủng…

 

Tháng 11, khi mùa mưa cơ bản đã dứt cũng là lúc bà con người Jrai, Bahnar ở Gia Lai bắt tay thu hoạch lúa nương. Canh tác trên non cao, giữa đại ngàn thung sâu, sự cách biệt với môi trường sản xuất đại trà giúp bà con nơi đây còn giữ được một số giống lúa quý thuần chủng…

Độc đáo lúa nếp đỏ, nếp đen Ia Kreng

Để đến được xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, Gia Lai) lần tìm giống lúa nếp đen, nếp đỏ nức tiếng, chúng tôi phải di chuyển gần 60km từ trung tâm TP. Pleiku và vượt qua con đèo quanh co dài hơn chục km. Ia Kreng nằm chon von trên đỉnh đèo. Nơi đây bốn mùa tươi mát với ngàn xanh và gió trời, phía dưới thung lũng là cả một vùng rộng lớn thuộc huyện Chư Păh.

Nếp đỏ, nếp đen là giống lúa truyền thống của người Jrai hiện đã mất bóng tại nhiều buôn làng của người Jrai ở Gia Lai. Thế nhưng, với một nơi tách biệt như Ia Kreng thì giống lúa này gần như chưa hề bị lai tạp nhờ lối canh tác khá dị biệt.

Lúa nếp than được trồng trên những mảng đồi cheo leo. Bà con Bahnar làm ruộng bậc thang để giữ lại nước mưa cho cây lúa lớn.

Giữa lưng đồi hun hút gió, chúng tôi bắt gặp một đám lúa nếp đen đã ngả màu xám tro. Một nhóm phụ nữ đang lặng lẽ, tỉ mẩn dùng tay tuốt những bông lúa rẫy. Những thân lúa rẫy cao ngang tầm ngực người, lá lúa to bản và cứng, chĩa thẳng lên bầu trời như mũi giáo. Xòe đôi bàn tay chằng chịt những đường chỉ đen kịt, lớp da mốc thếch, chai sạn, chị Rơ Châm Loan (làng Dip, xã Ia Kreng) nói như phân bua: “Tay chai rồi, thóc không làm đau được”. Năm nay thời tiết không thuận, 2 sào lúa rẫy gia đình chị chỉ thu được chừng 4 bao thóc (khoảng 2 tạ). Người Kinh hỏi mua từ lúc lúa chưa kịp thu hoạch nhưng nhà chị trồng ít, lại mất mùa nên chỉ giữ lại để ăn, phòng mùa giáp hạt.

Xã Ia Kreng hiện có 525 hộ, phần lớn là người Jrai, sinh sống tại 3 làng quanh khu vực lòng hồ công trình Thuỷ điện Sê San 3: Díp, Doch 1 và Doch 2. Ở Ia Kreng, điều đặc biệt là bà con vẫn giữ lối canh tác truyền thống bao đời nay của người Jrai. “Nhà mình có mấy đám rẫy tốt lưng chừng núi chuyên dành trồng lúa. Ở Ia Kreng, bà con chỉ trồng 1 - 2 năm liên tục, sau đó sẽ cho đất nghỉ. Đất bỏ hoang 1 - 2 năm sẽ quay lại phát dọn trồng lại. Lúa nhà mình không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật. Trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu mà con sóc, con chuột trên rừng cũng phá mất nhiều lắm”, chị Loan cười rôm rả tiếp chuyện, đôi tay vẫn nhẹ nhàng lần theo từng nhánh lúa, kiên nhẫn tuốt từng nhúm nhỏ hạt thóc bỏ vào chiếc gùi đeo trước ngực.

Bà Hyơih sàng nong gạo nếp nương Bar Tơh trước khi đưa đi cất trữ để dùng dần.

Anh Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho hay: “Nếp đen nay đã dần hiếm ở nhiều buôn làng Jrai. Canh tác theo lối truyền thống, Ia Kreng lại tách biệt hàng chục km đường chim bay với các khu dân cư khác và được bao bọc bởi bao lớp cây rừng nên xét theo mặt nào đó, sản phẩm thóc lúa của bà con thu được khá “organic”. Đây là giống lúa cạn, lớn chủ yếu nhờ nước trời nên được trồng từ đầu mùa mưa (tầm tháng 5 dương lịch) và thu hoạch khi mùa mưa kết thúc (tháng 11 dương lịch). Tiếc là, năng suất thấp nên chẳng đủ ăn. Trung bình, mỗi hecta lúa nếp đen chỉ cho thu khoảng 2 - 2,5 tấn”.

Cũng theo anh Tâm, sở dĩ có tên gọi lúa nếp đen là bởi hạt thóc sau khi đem xay xát hoặc giã sẽ cho ra những hạt gạo có màu đỏ sậm pha tím (tương tự như màu gạo nếp cẩm). Có nơi người Jrai gọi là nếp than. Hạt gạo nếp đen to tròn, khi nấu toả hương rất thơm, hạt cơm dẻo vừa. Trước đây, nếp đen là loại gạo ăn hằng ngày của người dân Ia Kreng. Năng suất thấp nên hầu như năm nào người dân Ia Kreng cũng phải đối mặt với mùa đói giáp hạt. Sau này, khi giao lưu với người Kinh, trong xã lại có hàng quán buôn bán, gạo trắng được người Kinh đưa lên để đổi lấy măng le, thú rừng, mì và các loại nông sản khác thì người Ia Kreng mới dần làm quen với cơm gạo tẻ như bây giờ.

Những mảng lúa rẫy của bà con người Bahnar ở Gia Lai lọt thỏm giữa rừng núi bao quây.

Có giá trị hơn lúa nếp đen là giống lúa nếp đỏ. Cơm nếp đỏ có màu tươi hơn so với nếp đen. Theo anh Tâm, đây là giống lúa thượng hạng của người Jrai ở Ia Kreng. Hương vị thơm ngon hơn hẳn, năng suất lại thấp hơn nên lúa nếp đỏ rất quý. “Cả xã hiện nay còn duy trì khoảng 20ha lúa nếp đen và lúa nếp đỏ mỗi năm. Gạo đặc sản nên người làng thường dùng tiếp đãi khách quý”, anh Tâm chia sẻ.

Thơm hương lúa nếp Đk Sơ Mei

Ở Đắk Sơ Mei - một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), bà con người Bahnar vẫn còn lưu giữ giống lúa quý: Nếp nương. Theo tiếng Bahnar, giống lúa này có tên gọi là Bar Tơh, nghĩa là nếp than. Nếp nương của bà con có đặc trưng hạt to mẩy; ngay cả cây lá, hạt thóc cũng đều tỏa mùi thơm nhẹ của lúa nếp.

Những mảng nương lúa rẫy được trồng tách biệt với cây trồng khác nên không bị lai tạp.

Tháng 3, tháng 4, khi bầu trời còn là chuỗi ngày ngột ngạt, nắng cháy là lúc người Bahnar ở Đắk Sơ Mei chuẩn bị đất để trồng lúa nếp nương. Lúc này, đất đã ngơi nghỉ gần 4 tháng kể từ vụ thu hoạch trước. Nắng gió mùa khô Tây Nguyên đủ làm khô sạch mầm bệnh và đất có thời gian tự “phục hồi sức khỏe” bằng lớp chất mùn từ cỏ cây mùa vụ trước để lại. Tháng 5, những trận mưa đầu mùa rủ nhau trút xuống, làn nước tươi mát nhanh chóng làm thức tỉnh mầm cây trong đất. Đó cũng là thời điểm phù hợp nhất để giống lúa nếp nương nảy mầm.

Người Đắk Sơ Mei coi Bar Tơh là giống cây quý, bởi nếp nương được dùng để làm cốm, nấu cơm lam và đặc biệt là ủ thành món rượu cần thượng hạng mỗi dịp làng có hội. Bởi vậy, trong gia đình nào cũng phải có ít gạo Bar Tơh và dành phần đất nhất định để trồng và lưu giữ giống lúa quý này. Bà Hyơih (làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei) tiết lộ: Năm nay, nhà bà dành hẳn một vạt lớn ở tít trên cánh đồng Đắk Klong, cách làng 2 tiếng đi bộ để trồng Bar Tơh. Nhờ vậy, đợt rồi bà gặt được ngót 20 bao thóc. Còn hộ già Rao, trú tại Đê Tul, xã Đắk Sơ Mei năm nào cũng trồng một thửa nếp nương trên mảnh rẫy nằm lọt thỏm giữa đám mì, ngô trên đồi cao. Già Rao phải trồng tách biệt lúa nếp với những loại lúa khác để giữ cho nếp không bị lai tạp, giảm mất độ thơm ngon. Năm nay, thửa ruộng nếp nương rộng hơn 1 sào của gia đình già Rao chỉ thu được vỏn vẹn 4 bao thóc.

Bà con người Bahnar ở Gia Lai phấn khởi khi lúa nương trổ bông to mẩy, hứa hẹn mùa bội thu.

Nếp nương thơm dẻo nhưng chứa đầy “chất thép”: Nảy mầm trong tiết trời giao mùa nắng - mưa, lớn lên giữa chốn đồi cao phủ đầy nắng gió và chẳng cần chăm bón gì nhiều. Bộ rễ lúa chỉ đủ bám lấy lớp mỏng trên bề mặt đất nên người Bahnar phải trồng lúa nếp nương vào mùa mưa. Cây lúa lớn lên bằng nước trời và hút dưỡng chất có trong lớp đất bề mặt. “Suốt từ khi trồng đến thu hoạch, con người chỉ phải bỏ công làm 2 đợt cỏ. Người Bahnar dùng một loại liềm đặc biệt để làm cỏ. Cỏ được vo thành từng búi nhỏ và tủ quanh gốc. Khi hoai mục, cỏ sẽ cung cấp nguồn dưỡng chất cho lúa”, bà Hyơih cho hay.

Lúa nếp nương rất ngon nhưng năng suất thấp nên hầu như người làng chỉ trồng đủ ăn và để duy trì giống lúa quý, chưa sản xuất theo quy mô hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đắk Sơ Mei cho biết: Nhận thấy giá trị của giống lúa nếp nương Bah Tơh, một vài năm gần đây, Hội đã đứng ra vận động chị em đưa loại gạo này đến trưng bày và bán tại một số lễ hội, sự kiện du lịch của địa phương. Gạo đưa ra đến đâu bán hết đến đó với mức giá khoảng 25 ngàn đồng/kg. Chị em còn ủ nấu cơm lam bán phục vụ du khách tới tham quan. “Chúng tôi kỳ vọng giống lúa này sẽ vượt ra khỏi giới hạn chỉ sử dụng trong những dịp lễ, tết hoặc phục vụ nhu cầu đơn lẻ ở mỗi gia đình mà có thể trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng đem lại thu nhập cho bà con Đắk Sơ Mei”, bà Hiếu chia sẻ./.

Người Bahnar trước đây có phong tục cúng lúa mới trước mỗi độ thu hoạch. Lễ vật là món cốm nếp nương. Khi lúa vừa chín tới, những bông lúa to đẹp nhất trên nương sẽ được chọn để đem về làm cốm. Cốm và rượu sẽ được mang lên nương, mời thần lúa rẫy về ăn và chứng giám. Sau đó, mọi người chia nhau thưởng thức cốm và uống rượu cần trước khi bước vào mùa thu hoạch./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận