Không giống như Tết té nước của người dân tộc Lào ở Điện Biên hay những vùng miền khác trên cả nước được tổ chức vào trung tuần tháng 4 có tên gọi Bun huột nặm, Tết té nước của người Lào ở Tam Đường, Lai Châu lại được tổ chức vào trung tuần tháng 11 với tên gọi Bun vốc nặm.
Khác biệt Bun vốc nặm
Không chỉ với người Lào sinh sống tại Việt Nam mà với cả người Lào sinh sống tại Lào và nhiều nơi trên thế giới, Tết té nước luôn là lễ hội quan trọng nhất, lớn nhất và là Tết chính trong năm. Ở nước bạn Lào, Tết té nước được tổ chức từ ngày 14 - 16/4 với tên gọi Bumpimay. Ở Điện Biên và một số vùng thuộc Tây bắc Việt Nam, Tết té nước của người dân tộc Lào được tổ chức từ ngày 13 - 15/4 với tên gọi Bun huột nặm. Chỉ duy nhất người dân tộc Lào ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu mới tổ chức Tết té nước diễn ra vào một ngày trung tuần tháng 11 hằng năm với tên gọi Bun vốc nặm.
Cũng giống như Bun huột nặm, Bun vốc nặm của người Lào ở Nà Tăm, Tam Đường, Lai Châu mang ý nghĩa tẩy rửa “môn thín” những điều xui xẻo, không may trong một năm cũ (tính theo mùa vụ), đón năm mới với những điều tốt đẹp, may mắn. Trong lễ hội, người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Ngoài ra, Lễ hội Té nước chính là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu vụ gieo trồng mới.
Đã gần 80 tuổi nhưng trong đôi mắt già nua, mờ đục của cụ Lò Văn Kẻo (bản Phiêng Giằng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường) vẫn ánh lên vẻ rộn ràng khi kể về Bun vốc nặm thời còn trai trẻ: Bun vốc nặm ngày trước vui lắm, vui hơn bây giờ. Ngày trước, người dân tự tổ chức Bun vốc nặm, các gia đình trong bản đóng góp cùng làm tết chung khi mùa màng đã xong, có gạo mới, cơm mới thì làm Bun vốc nặm để tạ ơn trời đất, cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng lại tốt tươi, con người khỏe mạnh, gia súc đầy nhà… tất cả già trẻ, trai gái dù đi đâu làm ăn cũng đều phải về nhà đón tết Bun vốc nặm.
Cụ Kẻo cho biết, Bun vốc nặm là Tết của người Lào, nhưng trong lễ hội, tất cả cộng đồng các dân tộc đều được tham gia, và chủ lễ không phải là các “mo bản”, “then bản” hay già làng mà là các nam nữ thanh niên trong bản. Các cô gái Lào xúng xính nổi bật trong trang phục truyền thống với những hoa văn tinh xảo, miệng cười tươi. Họ cùng nhau đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt... bắt chước tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi đến các nhà xin nước, xin lộc trời; ra sông té nước vào nhau với những hành động mang tính phồn thực, nhằm gợi ý cho trời đất để mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu...
Nguy cơ mai một
Bun vốc nặm của người Lào ở Tam Đường, Lai Châu mang nét văn hóa riêng, đặc sắc như vậy nhưng đáng tiếc, do những biến đổi của lịch sử, điều kiện sinh sống và nhiều yếu tố khách quan mà đã nhiều năm không được tổ chức.
Cụ Kẻo ngậm ngùi chia sẻ: Ngày trước, Bun vốc nặm là Tết lớn nhất của người Lào. Nhưng đã mấy chục năm rồi, không còn nhớ nữa, từ ngày còn giặc Pháp, đời sống khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói quá nên người dân không làm Tết nữa. Đến sau này thì theo cả nước, người Lào ở Nà Tăm cũng lấy Tết Nguyên đán làm Tết chính. Bun vốc nặm cứ thế mà dần dần mất đi.
Được biết, tháng 11/2008, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu cùng với UBND huyện Tam Đường đã tổ chức phục dựng lễ hội Bun vốc nặm của dân tộc Lào tại xã Nà Tăm. Việc phục dựng lễ hội này được kịch bản hóa với nhiều can thiệp có phần chủ quan nên lễ hội Bun vốc nặm khi ấy đã ít nhiều biến tấu so với nguyên bản.
Đến năm 2012, một lần nữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu cùng với UBND huyện Tam Đường phục dựng Bun vốc nặm tại bản Phiêng Giằng, xã Nà Tăm với những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lào tại địa phương.
Như nhiều nghi thức lễ hội khác, Tết Bun vốc nặm đã được phục dựng gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ được tổ chức tại một lán do dân bản dựng trên bãi rất rộng bên bờ suối gần bản, có mục đích cúng cầu, kêu gọi thần linh về chứng giám, cầu cho mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc… với các lễ vật cũng như xôi màu, gà, ngan, thóc, nước, rượu… Sau phần lễ cúng, các già làng, trưởng bản và nam nữ thanh niên đi thành hai hàng, mở đầu là hai người đánh trống và đánh chiêng, những người khác thì đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… giả làm tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi tiến về 3 gia đình văn hóa tiêu biểu của xã hát xin nước, xin lộc trời… Chủ nhà thay mặt bà con hát xin với thần linh cho mưa đúng thời vụ, cây cối sinh sôi nảy nở, không bị sâu bệnh phá hoại… Hát xong, chủ nhà cầm muôi, gáo, múc nước ở trong một cái chum để sẵn ngay đầu nhà, té đều vào đoàn xin nước trong tiếng cười vui vẻ của cả khách lẫn chủ nhà.
“Bun vốc nặm cũng là dịp để trai gái hẹn hò, dựng vợ gả chồng. Sau lễ hội, trai gái tham gia té nước chia làm 2 đội ra bờ suối, 1 bên nam, 1 bên nữ, vừa té nước vừa nói chuyện giao duyên. Đôi nào ưng nhau thì sau lễ hội, người con trai sẽ nhờ người già trong nhà đến xin cưới, vui lắm”. Cụ Lò Văn Kẻo |
Phần “lễ” được kéo dài khi bà con cùng kéo nhau ra suối và té nước vào nhau khiến mọi người tham gia đều ướt sũng, theo quan niệm của dân tộc Lào, trong Tết Bun vốc nặm, người càng ướt càng gặp nhiều may mắn… Sau phần té nước đầy hào hứng, mọi người trở lại nơi tổ chức lễ hội cùng thưởng thức các món ẩm thực truyền thống như cơm lam, xôi màu, bánh chưng gù…
Đến chiều, trên bãi đất bên bờ suối nơi tổ chức lễ hội, phần hội mới chính thức bắt đầu với các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, cùng với các hoạt động dân ca dân vũ, múa xòe, hát đối… Các bản cử những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, khéo léo, xinh đẹp nhất ra đua tài. Trong tất cả các hoạt động, người dân từ các nơi khác đến đều có thể giao lưu, cùng tham gia hát, múa, vui chơi… Lễ hội khép lại với phần ném còn hào hứng dành cho tất cả mọi người không phân biệt địa vị xã hội, già trẻ, gái trai, dân tộc... Khi ông mặt trời từ từ xuống núi cũng là lúc Bun vốc nặm kết thúc, trai gái các bản bịn rịn giã từ hẹn gặp lại nhau ở mùa hội năm sau…
Nhưng đáng tiếc, từ sau lần phục dựng này cho đến nay đã gần 10 năm, Bun vốc nặm không được tổ chức thêm lần nào nữa. Điều khiến người dân bản Phiêng Giằng, xã Nà Tăm thêm phần day dứt, đó là Tết té nước Bun huột nặm của người Lào ở tỉnh Điện Biên, cách đó không xa đã được công nhận là Di sản văn hóa Quốc gia từ lâu và được tổ chức hằng năm. Mỗi năm, vào dịp tháng tư, nhiều người ở Nà Tăm thường đi tham dự Bun huột nặm ở Điện Biên mang theo nỗi niềm nhung nhớ về Bun vốc nặm./.
“Bun vốc nặm là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Lào. Thông qua lễ hội này có thể thấy dân tộc Lào là cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời. Lễ hội này tôn tạo thêm nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Lai Châu, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Lâu nay lễ hội bị bỏ quên là điều đáng tiếc, việc phục dựng lễ hội này sẽ là tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế du lịch địa phương”. Ông Lù Văn Trân, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đường
|