Đi 'mở đất' trên biên giới Hà Giang

Giữa thời bình hôm nay, những người lính công binh vẫn miệt mài hát vang 'Bài ca mở đất' trên miền biên giới Hà Giang.

 

Hơn 40 năm sau chiến tranh biên giới (năm 1979), Hà Giang hiện vẫn là tỉnh có diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật liệu nổ lớn nhất trên địa bàn Quân khu 2. Các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn và Mèo Vạc còn hàng chục nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm, tập trung ở tuyến biên giới Việt - Trung.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Công binh, Quân khu 2 về việc đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn (RPBM), vật liệu nổ, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước, thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Ðiện Biên đã tăng cường Đại đội Công binh 17, với hơn một trăm cán bộ chiến sĩ lên tham gia nhiệm vụ RPBM thuộc địa bàn biên giới xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Làm nhiệm vụ ở nơi gian khó, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng những cán bộ, chiến sĩ công binh quyết tâm bám trụ để xới từng tấc đất, rà từng quả bom, mìn, nhanh chóng trả lại màu xanh cho những “vùng đất chết”.

Lính công binh trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ đặc biệt

Địa bàn thực hiện nhiệm vụ của Đại đội Công binh 17 là xã biên giới Thanh Thủy - vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, đồi núi hiểm trở, địa hình cheo leo. Đây cũng là vùng đất phải hứng chịu ảnh hưởng khốc liệt bởi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979-1991). Lượng bom, mìn, vật liệu nổ hiện còn sót lại tương đối lớn, quá trình tìm kiếm, tháo gỡ xử lý gặp nhiều khó khăn… Xác định khi được tăng cường nhiệm vụ tại đây, 100% các cán bộ, chiến sĩ đều giữ vững lập trường, tư tưởng kiên định, phát huy chuyên môn, nghiệp vụ giỏi.

Trên đường hành quân.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đào, Trưởng ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: RPBM, vật liệu nổ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trọng trách lớn thể hiện nghĩa tình tri ân với những đồng đội đã hy sinh, mà đó còn là một nhiệm vụ đặc biệt thời bình của những cán bộ, chiến sĩ công binh trong vấn đề khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân vùng biên giới. Xác định quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tiềm ẩn những khó khăn hiểm nguy, để kịp tiến độ và bảo đảm an toàn, đơn vị đã tổ chức lại biên chế của Ðại đội 17, phân thành 7 đội phụ trách RPBM. Đơn vị lựa chọn kỹ lưỡng những đoàn viên, thanh niên ưu tú, có lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên định tập trung huấn luyện trở thành chiến sĩ công binh có nghiệp vụ giỏi trong phát hiện, dò gỡ, hủy nổ vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh dọc tuyến biên giới và trên địa bàn của đơn vị được phân công phụ trách.

Ngày ngày những người lính công binh kiên trì bám địa bàn, âm thầm phát quang, xén đất… Mọi thao tác đều được thực hiện rất thận trọng, đặc biệt ở những vị trí máy dò phát tín hiệu có mìn, vật nổ dày đặc...

Bom mìn, vật liệu nổ tìm thấy trên biên giới Hà Giang.

Thiếu tá Đào kể: Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cả đơn vị ở nhờ nhà dân. Song song với làm công tác chuyên môn, đơn vị triển khai hậu cần tại chỗ, tăng gia gà, vịt, trồng rau xanh ngắn ngày để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi, chăm lo sức khỏe cho bộ đội. Khó nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt, trên đồi núi nhiều muỗi, vắt; nước sạch khan hiếm, các cán bộ, chiến sĩ phải đi mấy cây số mới tìm được nguồn nước trên đỉnh núi, sau đó dùng đường ống dẫn về bể lọc, xử lý mới dùng được cho sinh hoạt… Những buổi hành quân bộ mấy chục cây số, những bữa cơm vội hay những giấc nghỉ trưa chóng vánh tại lán thực địa cũng chẳng hiếm…

Dẫu khó khăn, gian khổ nhưng điều đó lại tiếp thêm động lực để chiến sĩ công binh - Lò Văn Nam, Ðại đội Công binh 17 quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ: “Lính công binh không sợ gian khổ, hy sinh, dù có khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, miễn là đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhân dân. Và đây là nhiệm vụ đặc biệt rà phá giải phóng diện tích đất để tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ nên chúng tôi sẽ cố gắng ngày đêm nhanh chóng giải phóng mặt bằng phục vụ công tác chính sách hậu phương quân đội”.

Thu phục… “thần chết”

Sáng sớm giữa những ngày đông giá rét, khi mọi vật vẫn đang chìm trong tầng tầng, lớp lớp sương mù, những người lính công binh với đầy đủ quân tư trang, đồ bảo hộ bắt đầu tiến vào rừng sâu, thực hiện hành trình thu phục những “thần chết” còn lẩn khuất trong lòng đất.

Phút giây “cân não” khi đối diện với “quả nổ”.

Thiếu úy Phạm Hồng Sơn, Đại đội 17 Công binh, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên kể lại: Quy trình làm nhiệm vụ, chúng tôi được chia thành từng tổ. Người đi trước thực hiện các quy trình phát - thuốn - xắn để khảo cứu đánh giá số lượng, chủng loại vật cản, rút kinh nghiệm cho toàn đội và hình thành tuyến an toàn cho các tổ phía sau.

Với các thiết bị bảo hộ không thể thiếu là áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm, thiết bị dò máy… các chiến sĩ cẩn trọng đưa cần câu tre lùa vào khe, kẽ của từng tán cây, bụi cỏ, hang đá… Khi máy dò phát tín hiệu có mìn, vật nổ, người đi sau cắm cờ định vị. Chiếc cọc định vị đầu tiên cắm xuống, chiến sĩ đi kế sau dùng thuốn tiếp tục xác định lại vị trí tín hiệu, cầm dao nhọn xắn từng nhúm đất nhỏ để tìm kiếm.

Khi “quả nổ” lộ diện là lúc người lính công binh trải qua những giây phút “cân não” để thu phục chúng bằng sự cảm nhận tinh tế của đôi mắt, sự khéo léo của đôi bàn tay, óc phán đoán ước lượng cự ly, độ nông, sâu của vật cản… Nhất cử nhất động của các anh bắt buộc phải cẩn trọng và tập trung cao độ. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc vài giây thiếu tập trung thì mỗi người họ sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm, thậm chí phải trả giá bằng cả máu và tính mạng.

Bom mìn, vật liệu nổ tìm thấy trên biên giới Hà Giang.

“Theo nguyên tắc, khi dò thấy bom, mìn, các chiến sĩ phải báo cáo để cán bộ trực tiếp xử lý. Với những loại mìn thông thường thì xử lý khá gọn nhẹ, tháo gỡ ngòi nổ, đưa về nơi tập kết là xong. Nhưng nguy hiểm nhất là gặp phải 2 loại mìn bộ binh: 652A và 652B, tuy giống nhau nhưng nguyên lý nổ khác nhau. Nếu là mìn 652A thì xử lý tại chỗ, nhưng loại 652B có thể phát nổ ngay (phạm vi sát thương 2m), bởi vậy phải có phương án xử lý riêng. Cũng có những trường hợp chúng tôi gặp “mìn lạ” không có trong giáo án thì sẽ tiến hành xử lý nổ ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, dù là loại mìn nào thì điều cần nhất là chiến sĩ phải bình tĩnh, tự tin, vận dụng kiến thức đã được huấn luyện để xử lý”, thiếu úy Sơn chia sẻ.

Dù khó khăn hiểm nguy, nhưng mỗi người lính công binh không được phép nản lòng, bởi họ hiểu hơn ai hết giá trị của 2 tiếng hòa bình hôm nay - đó cái giá mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ.

Ông Nguyễn Đức Dân ở xã Thanh Thủy là một trong số nhiều nạn nhân không may mắn khi vĩnh viễn bị mất đi đôi bàn tay. Quá trình làm nương, ông đã cuốc phải quả mìn còn sót lại từ chiến tranh. “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, giờ đây ông Dân - người trụ cột gia đình luôn cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình. Nỗi lo sợ, bất an luôn thường trực và cả sự ám ảnh đến ngất đi mỗi lần ông nghe thấy đâu đó vang lên tiếng nổ oan nghiệt…

“Bây giờ có bộ đội công binh lên rà phá bom mìn, làm sạch đất, chúng tôi ở và làm kinh tế cũng yên tâm. Chúng tôi rất phấn khởi và cảm ơn những người lính công binh rất nhiều” - ông Dân bày tỏ. Nỗi ám ảnh của ông Dân cũng như nhiều người dân về bom mìn trên mảnh đất mình đang sinh sống dường như đã được cởi trói nhờ sự quyết tâm bám trụ của những người lính công binh./.

Sau thời gian hơn 8 tháng tăng cường (từ tháng 4 đến nay) thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã Thanh Thủy, đơn vị đã RPBM, làm sạch an toàn được hơn 80/80ha diện tích được giao; thu gom trên 2 tấn mìn các loại, với hơn 3.000 quả đạn pháo, đạn cối và tiến hành hủy nổ tại chỗ an toàn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận