Chuyện bảo vệ di sản của những 'Cung văn đại thụ'

Những nghệ nhân hát Văn của đất Hà thành lặng lẽ làm nghề, lặng lẽ bảo tồn loại hình nghệ thuật hát Văn độc đáo.

 

Không ồn ào, phô trương, những nghệ nhân hát Văn của đất Hà thành lặng lẽ làm nghề, lặng lẽ bảo tồn loại hình nghệ thuật hát Văn độc đáo trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo cách riêng của mình, đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng.

“Cung văn đại thụ” của Thủ đô

9 giờ tối, trời Hà Nội dần về khuya đem theo cái rét ngọt đầu đông. Đó cũng là lúc nghệ nhân Bùi Quốc Thi - người được coi là “cung văn đại thụ” trong làng chầu văn hiện nay ở Hà Nội - vừa biểu diễn xong. Chưa kịp lót dạ bữa tối, nhưng trên đường về, ông vẫn say sưa trò chuyện với tôi về nghệ thuật hát văn. Ông bảo: “Hát văn đã gắn liền với cuộc sống và in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ thời xưa cho tới nay. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu không thể thiếu được hát văn. Hát văn mang một âm hưởng nhất định trong tín ngưỡng dân gian. Hát văn đã động viên được tinh thần của nhân dân trong lao động và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát chầu Văn ở Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, từ nhỏ, ông đã bắt đầu học hát văn. Được cha là cụ Bùi Quốc Oanh - đội trưởng đội văn nghệ thị trấn Vân Đình rèn giũa, lại có năng khiếu bẩm sinh nên ông học rất nhanh và sớm cảm nhận được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 14, 15 tuổi, chàng thiếu niên Bùi Quốc Thi đã tự mình đi hát tại các đền phủ gần nhà. Yêu nghệ thuật hát văn từ nhỏ nên khi lớn lên, lên đường nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng ở TP.HCM, trong thời gian rảnh rỗi, chàng trai Bùi Quốc Thi thường tranh thủ tìm đến các nghệ nhân ở TP.HCM để học hỏi.

Từ năm 1982 cho đến nay, ông sáng tác nhiều bài hát văn, đi biểu diễn hội văn nghệ, tham gia thi hát chầu văn ở nhiều nơi. Những bằng khen và giải thưởng của ông đã treo kín nhà. Như một duyên nghề, năm 2011, ông bắt đầu tham gia Câu lạc bộ hát chầu Văn Việt Nam, là thành viên của ban đào tạo của CLB. Năm 2013, ông làm chủ nhiệm CLB hát chầu văn Xứ Đoài. “Khi sinh hoạt tại những CLB này, được giao lưu và học hỏi nhiều nghệ nhân dân gian, tôi có điều kiện trau dồi vốn tri thức âm nhạc dân gian”, nghệ nhân Bùi Quốc Thi trải lòng. Bởi thế, ông là một trong số rất ít người trình diễn được tất cả làn điệu hát chầu văn 36 giá đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu. Những bản văn và các làn điệu được nghệ nhân Thi diễn xướng thuần thục, mang đậm nét dân gian dâng văn thờ tại các đền phủ, những nơi tổ chức nghi lễ diễn xướng hầu đồng.

Nếu từng được nghe nghệ nhân Thi thực hành diễn xướng hát văn, người nghe sẽ thấy lời hát luôn sáng tạo, ngón đàn câu hát xuất thần, người hầu đồng nhập vai các vị thánh được huyền ảo, người nghe được đi vào cõi tâm linh, thấy thanh thản, nhẹ nhàng, trút hết được nỗi ưu phiền trong cuộc sống. Nghệ nhân Bùi Quốc Thi cho hay: “Hát văn trong diễn xướng rất phức tạp vì tính cách của các thanh đồng, các vùng miền rất khác nhau. Trong diễn xướng, tôi đã nhanh nhạy và sáng tạo để thể hiện được tâm trạng của người hầu đồng. Bởi vậy, tôi đã thuyết phục được người nghe khi hầu đồng”.

Để đưa những giá trị của chầu văn đến với đông đảo khán giả thuộc mọi tầng lớp nhân dân, nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật, các đêm diễn quần chúng ở làng Vân Đình. Năm 2017, ông dàn dựng và đưa lên sân khấu trích đoạn giá ông Hoàng Mười, Cô đôi thượng ngàn nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ông còn đi diễn xướng hầu đồng tại đền mẫu Thoải Gia Lâm, Hà Nội để phòng di sản, Sở Văn hóa TP Hà Nội làm tư liệu tín ngưỡng thờ mẫu của TP. Hà Nội.

Tham gia biểu diễn tại nhiều cuộc thi, hội diễn, cùng với đó là sáng tác những bài hát văn, NNƯT Bùi Quốc Thi đã được tặng nhiều bằng khen, giải thưởng. Trong một hoạt động kết nối văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - Thái Lan, ông đã được chứng nhận tấm gương sáng tiêu biểu trong hoạt động này.

Quá trình làm nghề và tham gia các hoạt động trong CLB, nghệ nhân Bùi Quốc Thi nhận thấy nghệ thuật hát Văn được nhiều người ưa thích, ông đã quyết định mở lớp dạy hát Văn. Từ năm 1998 tới nay, nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã mở nhiều lớp dạy học hát chầu Văn, truyền dạy những làn điệu hát văn cổ và kỹ năng đàn nguyệt cho các học trò và hội viên để bảo tồn di sản văn hóa dân gian Việt Nam. “Các học trò và các hội viên rất hăng say học tập, rèn luyện những kỹ năng thể hiện các làn điệu hát văn cổ mà tôi đã truyền dạy. Những học trò theo học đến nay, có học trò là cung văn giỏi có tiếng trong vùng”, nghệ nhân Bùi Quốc Thi chia sẻ.

Ngoài hát văn, nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn rất giỏi các nhạc cụ dân gian như: đàn nguyệt, đàn Tam, Tứ, Hồ nhị, trống phách. Năm 2015, ông được phong tặng nghệ nhân ưu tú của TP. Hà Nội.

 

Người có giọng hát Văn bẩm sinh hiếm có

Cùng sinh hoạt trong CLB hát chầu văn Xứ Đoài, nghệ nhân Hoàng Thị Nga là một giọng hát chầu văn hiếm hoi được khen là “ở miền Bắc, có lẽ không ai vượt qua được về nhịp phách và giọng hát thổ, đúng lề lối hát Văn truyền thống”.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nga cho hay: “Bố tôi hát Văn, hát tuồng rất hay. Ông thường được các xã mời đi biểu diễn hát ở chùa, hội, đền hoặc cá nhân mời về đền phủ hát. Có lẽ do được thừa hưởng năng khiếu và sự đam mê từ bố nên tôi cũng đam mê hát văn từ nhỏ. Vì mê hát văn mà năm 1993, khi cùng chồng con về Hà Nội sinh sống, tôi đã dứt nghề kinh doanh để được đi hát văn dù thù lao ngày ấy không được là bao”.

Nói về cái duyên và nghiệp đã khiến bà gắn bó với hát Văn, nghệ nhân Hoàng Thị Nga kể: “Trong một lần đi hát, một nghệ sĩ phát hiện tôi có giọng hát thổ - một giọng hát hay và hiếm trong hát Văn - và khuyên tôi nên chuyển sang hát Văn hầu đồng. Vậy là tôi tìm tới lớp học hát văn của nghệ sĩ Phạm Thị Lệ Mỹ - diễn viên hát chèo của Đoàn chèo Hà Nội. Trong số 20 học sinh, tôi là học sinh tiêu biểu được cô khen vì có giọng hát bẩm sinh kết hợp với kỹ thuật cao trong lối hát”.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nga - người sở hữu giọng hát Văn hiếm có

Bà chăm chỉ khổ luyện và chuyên tâm học tập từng câu chữ, cách lấy hơi, nhả hạt. Để hát có hồn hơn, bà còn tìm hiểu ý nghĩa về câu chữ, chủ đề trong bài hát. Có giọng hát hay bẩm sinh, bà còn tiếp thu rất nhanh khi học về bộ gõ, được các thầy cô cho đi thực tập ở các đền phủ. Bởi vậy, bà đã nắm bắt được kinh nghiệm của một canh hầu, giá hầu có tuần tự, thể hiện nhịp nhàng, thuần thục. Khi tham gia CLB hát chầu văn xứ Đoài, được học hỏi từ các nghệ nhân tiền bối, bà đã nhận thức và trau dồi được lối hát văn cổ kính, đúng chuẩn mực.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nga chia sẻ: “Tôi đam mê hát văn bởi Văn ca thánh mẫu rất phong phú, ý nghĩa sâu thẳm, dạy con người hướng đến cái thiện, nhớ về cội nguồn, ca ngợi anh hùng đánh giặc, cứu dân cứu nước, giúp người nghe phấn chấn về tư tưởng, tinh thần”.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nga (thứ 4, từ phải qua) trong lớp dạy hát chầu văn.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nga đã được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc đóng góp trong xây dựng và phát triển CLB hát chầu Văn xứ Đoài (2013 - 2019). Hiện nghệ nhân Hoàng Thị Nga đang được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Đam mê hát văn bao nhiêu, nghệ nhân Hoàng Thị Nga càng mong muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống này bấy nhiêu. Bởi thế, chỉ cần có người đến bày tỏ niềm yêu mến và muốn theo học hát Văn là bà không ngại ngần truyền dạy. “Hát văn hay thì phát âm phải tròn vành rõ chữ, theo lề lối, bài bản, chứ hát văn giờ biến tướng nhiều lắm, đưa cả cải lương, quan họ vào. Tôi đem hết tâm huyết để truyền lại cho học trò lối hát chuyên nghiệp, cả kiến thức về bộ gõ, ý nghĩa của ca từ, những hiểu biết về địa danh và nhân vật trong bài hát hoặc trong giá hầu, về tầm quan trọng của người hát khi diễn xướng lễ nghi hát văn hầu thánh mẫu, truyền lại cả những tri thức và đạo đức nghề nghiệp”, nghệ nhân Hoàng Thị Nga bày tỏ.

Dù dạy hát miễn phí, nhưng nghệ nhân Hoàng Thị Nga làm với tất cả tâm huyết của mình. Bà đã mời các nghệ nhân gạo cội đến dạy cho học viên về nhạc cụ. “Tôi chỉ có mong ước nghệ thuật hát văn truyền thống không bị mai một, lưu truyền được bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Việt”, bà tâm sự.

Cảm nhận được tấm lòng của bà, nhiều học sinh đã chia sẻ thấy may mắn khi được một nghệ nhân có giọng hát Văn ấm áp, nảy hạt, luyến láy trầm bổng, hát lối văn cổ tuyệt vời với nhịp phách chắc chắn truyền dạy tận tình, dễ hiểu. “Không những dạy hát chầu văn miễn phí, nghệ nhân Hoàng Thị Nga còn tạo điều kiện về chỗ ăn chỗ ở cho những học viên ở xa đến. Một người vừa có tài vừa có tâm như bà thật hiếm”, học viên Nguyễn Thị Hiếu cho hay./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận