Thư viện lưu động về buôn

Những chuyến xe Thư viện lưu động, Tủ sách lớp học, Thư viện về buôn… giúp người dân, học sinh ở các buôn làng Tây Nguyên tiếp cận gần hơn với kho tàng trí thức

 

Hành trình “Ánh sáng tri thức” của Thư viện lưu động

Ngày thứ bảy nhưng khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk lại nhộn nhịp hơn cả ngày đi học. Từ sáng sớm, học sinh đã có mặt đông đủ, hồ hởi xếp hàng tham gia chương trình Thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”. Đây là hoạt động do đội xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh Đắk Lắk tổ chức thường xuyên tại các trường học trong tỉnh.

Tham gia chương trình, các em không chỉ được đọc nhiều loại sách báo dành cho thiếu nhi, mà còn được tham gia nhiều trò chơi, đố vui có thưởng, xem phim về khoa học. Đặc biệt, cuộc thi “Rung chuông vàng” thu hút rất đông học sinh tham gia. Các hoạt động được bố trí dưới tán cây, gần chiếc xe “Thư viện lưu động đa phương tiện”. Đây là loại xe tải, trong đó thùng xe được thiết kế trang bị đầy đủ như một thư viện thu nhỏ với rất nhiều sách báo các loại, có máy tính kết nối Internet, ti vi và các thiết bị ngoại vi.

Nhà truyền thống và Thư viện trường THCS Y Ngông Niê Kđăm, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M'gar được xây dựng theo hình dáng nhà dài của người Êđê tại chỗ, đặt trong khuôn viên trường học.

Em H Ru Vi Niê, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, háo hức kể, đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình vui và hào hứng như vậy. Không chỉ được nhận quà, em còn được thoải mái đọc những cuốn sách mình yêu thích, được hướng dẫn trồng hoa sen đá và được tặng một chậu sen đá tự trồng về để chăm sóc. H Ru Vi Niê bảo em sẽ tự mình chăm cây sen đá mỗi ngày.

Từ năm 2019, Đắk Lắk là 1 trong 31 tỉnh, thành trên cả nước được nhận xe từ chương trình “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Vingroup triển khai. Quá trình sử dụng, Thư viện tỉnh Đắk Lắk đã chủ động lắp đặt thêm wifi trên xe để bạn đọc có thể truy cập internet, tra cứu, tìm kiếm thông tin. Anh La Quốc Tùng Lâm, cán bộ Thư viện tỉnh Đắk Lắk cho biết, mỗi lần đi phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, nhóm gồm 3 thành viên sẽ xây dựng chương trình cụ thể phù hợp với từng địa bàn. Các thành viên sẽ tìm hiểu trước về địa điểm đến, mặt bằng kiến thức của học sinh và người dân để lựa chọn hình thức hoạt náo và thiết kế các trò chơi, câu đố phù hợp.

Trong hơn 1 năm qua, xe thư viện lưu động đã thực hiện hơn 40 hành trình Ánh sáng tri thức đến các trường học, buôn làng vùng khó khăn, phục vụ hàng chục nghìn lượt người đọc. Đều đặn mỗi tuần, bất kể ngày nắng hay mưa, xe thư viện lưu động sẽ luân phiên đi đến các điểm trường hay các buôn, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa. Trên xe có từ 2.000 đến 2.500 bản sách đủ các loại phù hợp với mọi đối tượng người đọc. Tại mỗi điểm đến, trong vòng 3 - 4 tiếng đồng hồ diễn ra hoạt động, xe thư viện lưu động đã góp phần giúp người dân và học sinh tiếp cận với nguồn sách báo và công nghệ thông tin, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, đặc biệt là tạo niềm vui thích cho các em học sinh trong học tập, giải trí, tìm tòi những kiến thức mới.

Các học sinh hào hứng với chiếc xe Thư viện lưu động.

Tủ sách lớp học - cựu học sinh chung tay vì đàn em

Một hoạt động khác cũng đang góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc ở các buôn làng trong huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đó là dự án Tủ sách lớp học. Đây là dự án do anh Nguyễn Hồ Dũng (hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức) và một nhóm cựu học sinh thực hiện từ năm 2017 với mục tiêu tiếp nối, lan tỏa chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập. Các thành viên tham gia dự án thuộc nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, nhưng có chung ý tưởng lan tỏa văn hóa đọc hướng về ngôi trường mình từng học. Với hình thức vận động quyên góp bằng sách cũ hoặc tiền mặt để đặt mua sách từ nhà xuất bản, tính đến tháng 11/2020, dự án “Tủ sách lớp học” đã xây dựng được 132 tủ sách, trao gần 7.000 cuốn sách cho 9 trường tiểu học và THCS tại 7 xã và thị trấn của huyện Cư M’gar với gần 3.000 học sinh đang được hưởng lợi.

Từ những Tủ sách lớp học được trang bị, các trường đã linh hoạt tổ chức hình thức đọc sách phù hợp. Đối với các trường cấp THCS, vì thời gian đọc trên lớp khá hạn chế nên học sinh có thể đăng ký mượn sách về nhà. Còn đối với học sinh cấp tiểu học, các trường có bố trí tiết học thư viện, giờ đọc sách nên Tủ sách lớp học đã phát huy được hiệu quả, giúp các em có thể vừa đọc trong giờ học, giờ ra chơi và có thể mượn về nhà. Một số trường còn thiết kế phòng đọc đẹp mắt, trang trí những hình ảnh vui nhộn để kích thích học sinh đến đọc.

Bà H Nhap Mlô, thành viên nhóm dự án Tủ sách lớp học tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar chia sẻ, nhận thấy những lợi ích thiết thực của dự án đối với các cháu học sinh tại địa phương, bà đã tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động của nhóm và vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ cùng tham gia chương trình, nhắc nhở con cháu mình tích cực đọc sách, tìm hiểu các tri thức từ sách hơn là dành nhiều thời gian chơi các trò chơi trên điện thoại. Còn theo chị Hồ Thị Sen, giáo viên trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, từ hiệu quả chương trình khi triển khai tại chính ngôi trường mình đang dạy, chị tiếp tục kêu gọi nguồn lực để phát triển tủ sách tại các thôn, buôn trong xã để mọi lúc, mọi nơi các em đều có sách để đọc.

Khi có tủ sách về trường, các thầy cô đã xây dựng các chương trình đọc sách, lồng ghép tiết đọc thư viện để khuyến khích học sinh đọc sách.

Thư viện về buôn - Dự án từ những tấm lòng thiện nguyện

Sau thời gian gắn bó với hoạt động của Đường sách cà phê và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh Phạm Thanh Tuấn (Giám đốc Công ty Xã hội Bồ Công Anh) đã khởi xướng dự án “Thư viện về buôn”. Anh Tuấn chia sẻ, trong quá trình thiện nguyện về các buôn làng, nhận thấy trẻ em vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để đọc sách, với suy nghĩ “sách phải được mang đến nơi cần sách”, anh dành nhiều thời gian đi xin sách để hiện thực giấc mơ “phủ sóng” thư viện đến tận các buôn làng. Tuy nhiên, khi nhận thấy đây không phải là cách làm hiệu quả, lâu dài, anh Tuấn nghĩ ngay đến cộng đồng khởi nghiệp, và ý tưởng của anh được mọi người nhiệt tình ủng hộ.

“Các em thích đọc và đỡ nghịch ngợm trong giờ ra chơi hơn. Qua theo dõi sổ mượn đọc, nhận thấy các em học sinh dân tộc thiểu số mượn rất nhiều sách. Điều đó chứng tỏ các em rất thích đọc, chỉ là không có điều kiện thôi”.

Chị Nguyễn Thị Hường, cán bộ thư viện trường THCS Ngông Niê Kđăm, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M'gar.

Từ tháng 9/2019, Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột bắt đầu tổ chức “Phiên chợ Xanh - Tử tế” định kỳ vào tuần cuối cùng mỗi tháng. Đây không chỉ là không gian để cộng đồng khởi nghiệp Đắk Lắk trưng bày, giới thiệu, thương mại sản phẩm mà tại mỗi phiên chợ, các chủ gian hàng sẽ trích 10% lợi nhuận để góp mua sách. Tại các gian hàng “Đổi sách, truyện cũ lấy bơ sáp, rau sạch, sen đá” người mua mang sách, truyện cũ để đổi lấy trái cây, rau sạch. Ngoài ra, ban quản lý dự án còn tổ chức triển lãm ảnh, bán đấu giá tác phẩm gây quỹ và trích lợi nhuận từ hoạt động của Công ty Xã hội Bồ Công Anh để xây dựng nguồn kinh phí cho dự án. Trong năm 2019, đã có 5 thư viện về buôn với hơn 1.600 đầu sách được trao tặng cho 5 địa điểm tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar, Krông Bông và Ea Hleo của tỉnh Đắk Lắk. Mỗi lần Thư viện về buôn, dự án trao tặng từ 300 đến 1.000 đầu sách các loại, đồng thời kết hợp với các nhóm thiện nguyện hay xe Thư viện lưu động tỉnh Đắk Lắk để tặng sách, cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Nặn tò he, tái chế chai nhựa, trò chơi dân gian, thiếu nhi vẽ tranh, lớp học về lòng biết ơn... Các hoạt động trải nghiệm này được kết hợp xoay quanh không gian đọc sách nhằm tạo niềm say mê, hứng khởi cho các em học sinh, giúp các em thích đến thư viện hơn và qua đó hình thành niềm yêu thích đọc sách. Đây sẽ là nguồn cảm hứng và là cầu nối để lan tỏa văn hóa đọc theo cách thức thực tế, gần gũi và phù hợp với điều kiện tại địa phương./.

Năm 2020, Thư viện về buôn triển khai 20 thư viện tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum. 

             

 

Bình luận

    Chưa có bình luận