'Đường ngược chiều' của tỷ phú trồng 'cây lạ'

Ở vùng đất Nà Tấu bao đời người dân chỉ sống nhờ vào cây lúa, cây ngô, bí đỏ, vậy nhưng anh Lò Văn Pâng lại 'một mình một kiểu' đưa dong riềng về trồng.

 

“Bán danh” gần, đi học cách làm ăn xa

Những ngày này, bà con ở xã thuần nông Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đang tất bật thu hoạch củ dong riềng. Trong xã, hầu như nhà nào cũng trồng loại củ có bột này, nhiều thì đến vài héc-ta, ít cũng mấy trăm mét vuông. Sở dĩ vậy, vì nhờ cây dong riềng mà không ít gia đình từ thiếu ăn đã vươn lên tạo dựng cuộc sống no đủ, khấm khá như ngày nay.

Vậy nhưng ít ai biết, người có công đưa cây dong riềng về bén duyên với vùng đất này lại là một thanh niên bản địa, người dân tộc Thái nổi tiếng “ăn chơi” - anh Lò Văn Pâng, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ. Anh Pâng đứng ra “đầu cơ” hàng chục héc-ta đất chỉ để trồng cây dong riềng, vận động bà con tham gia, cam kết bao tiêu sản phẩm củ và sẵn sàng bù lỗ nếu cây dong riềng không đem lại hiệu quả kinh tế như cây lúa, ngô nương.

Dong riềng - cây khởi nghiệp thành công của anh Pâng.

10 năm có lẻ bén duyên với dong riềng đã tạo dựng cho anh Pâng một gia sản “khủng” nhất nhì xã Nà Tấu. Ngôi nhà sàn bề thế, tọa lạc ngay bên Quốc lộ 279 với đầy đủ tiện nghi đắt tiền bên trong. Tại đây, anh Lò Văn Pâng kể về hành trình đưa cây dong riềng về vùng đất Nà Tấu: “Cũng xuất thân trong gia đình thuần nông nhưng tôi không chung suy nghĩ với những thanh niên cùng trang lứa. Nhìn những thửa ruộng, mảnh nương chỉ canh tác được 1 vụ rồi bỏ hoang cỏ mọc um tùm; bà con lam lũ, cày sâu cuốc bẫm quanh năm cũng chỉ thu được mấy bao thóc mà tôi xót xa, trăn trở phải trồng cây gì trên đất ấy để không chỉ đủ ăn mà phải giàu nữa. Vậy là tôi quyết định “khăn gói quả mướp” đi sang các tỉnh lân cận: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu… xem họ làm ăn thế nào. Ở đó, tôi thấy họ trồng bạt ngàn dong riềng và nhiều người làm giàu từ cây này; trong khi đất của họ có hạn, lại không màu mỡ bằng của mình…”

“Máu đi và hay đi để học hỏi kinh nghiệm trồng dong riềng, sang cả Trung Quốc tìm mua giống năng suất, nhưng bà con quê tôi lại không hiểu. Họ cứ bảo thằng Pâng lêu lổng ăn chơi, tôi bị mang cái tiếng đó cũng vì thế” - anh Pâng cười.

Nông dân Nà Tấu thu hoạch dong riềng.

Vất vả mang dong riềng về trồng trên đất Nà Tấu, ngay năm đầu tiên cây cho anh Pâng “củ ngọt” khi thu nhập được gấp 2 lần so với cấy lúa, ngô. Nhưng bà con vẫn bán tín bán nghi, ngóng xem anh làm gì với đống củ đó? Để chứng minh cách làm của mình, đầu năm 2014, anh Pâng lại lặn lội một mình sang Trung Quốc học hỏi cách chế biến dong riềng, từ khâu thu hoạch đến khâu chế biến ra thành phẩm (làm miến dong). Anh tự nhủ, họ làm được mình cũng sẽ làm được. Trở về, anh mang theo 5 tấn củ dong riềng giống, vận động nhân dân trong bản trồng nhưng nhiều người vẫn lắc đầu bảo: “Không ăn thay cơm được nên chẳng mặn mà”. Số ít người theo anh, sau 7 tháng trồng thử giống dong riềng Trung Quốc cho năng suất đạt 50 tấn/ha. Đúng như cam kết, anh Pâng thu mua củ cho bà con với giá 2.000 đồng/kg, bình quân đạt 100 triệu đồng/ha, cao hẳn 4 lần so với trồng lúa.

Hỏi anh, làm thế nào để kiên định đến cùng, anh Lò Văn Pâng nói: “Phải có niềm tin ở bản thân, dù gặp không ít khó khăn nhưng không bao giờ từ bỏ. Nhiều người bảo tôi gan lỳ cũng đúng, vì nghĩ đến công sức mình đi, tiền bạc đổ ra và hơn thế là sự đồng hành của vợ và người thân thì tôi phải kiên định để có ngày hôm nay để chí ít cũng giúp được bà con trong xã xóa đói, giảm nghèo”.

Giống dong riềng được bà con Nà Tấu trồng, hiện cho thu nhập gấp khá so với trồng ngô, lúa.

Hôm nay, nhắc lại cách làm kinh tế của anh Pâng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, Giàng A Chợ vẫn gật gù tâm đắc: “Không chỉ người dân mà cán bộ xã chúng tôi khi ấy cũng thán phục và bất ngờ trước cách nghĩ, cách làm của anh Pâng. Từ 1 vùng đất bà con quanh năm trồng lúa ngô mà vẫn đói, vẫn nghèo, thì hôm nay hơn 500ha dong riềng nguyên liệu đã đem lại thu nhập khá cho người dân. Đỉnh điểm như mùa dong riềng được giá nhất năm 2017, với giá bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con cũng lãi 120 triệu đồng/ha, cao gần 6 lần so với trồng lúa”.

Tạo danh “miến dong Nà Tấu”

Thấy trồng dong riềng thu nhập cao, đào củ tới đâu thương lái thu mua tới đó, khâu chăm sóc, bảo quản lại không phức tạp như thóc, ngô nên đến nay, 90% hộ dân ở Nà Tấu trồng dong riềng. Được bà con ủng hộ, tin tưởng, anh Pâng thêm vững tâm “làm lớn”. Anh ký cam kết với nhiều địa phương trong tỉnh, mở rộng diện tích trồng dong riềng và quy hoạch từng vùng nguyên liệu để đặt xưởng chế biến. Thời điểm năm 2016, cùng lúc anh mở 5 xưởng chế biến bột dong ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh. Mỗi xưởng có công suất sơ chế 200 tấn củ dong tươi mỗi ngày. Lúc đầu các xưởng tập trung sơ chế củ để đảm bảo tiến độ thu mua trong kỳ thu hoạch và chế biến ra bột thành phẩm, bán về dưới xuôi. Làm vậy, mỗi vụ dong anh Pâng cũng thu về gần 2 tỷ đồng.

Anh Lò Văn Pâng (đầu tiên trái) giới thiện quy trình sản xuất miến dong Nà Tấu.

“Thấy tôi làm được, nhiều gia đình ở Nà Tấu cũng đầu tư xưởng chế biến, khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm. Tôi quyết định chuyển hướng làm bài bản. Tôi phân tích: Bột dong riềng Điện Biên ngon nổi tiếng, hàm lượng tinh bột cao, giá bán cũng cao. Nếu bán tinh bột đã có lãi thì sản xuất miến dong càng lãi hơn. Tôi quyết định liên kết với các hộ trồng tại địa phương thành lập hợp tác xã, mở xưởng chế biến miến dong, mang thương hiệu của Nà Tấu” - anh Pâng chia sẻ.

Theo anh Pâng, miến dong Nà Tấu được sản xuất theo một quy trình chặt chẽ, sử dụng bột dong riềng trồng tại địa phương, được lọc qua nhiều lần nước, sau đó đun chín rồi đổ vào khuôn… Mọi khâu chế biến đều được làm thủ công nhưng rất sạch sẽ nên chất lượng miến thơm, dẻo, dai.

Sau những nỗ lực của “người đứng đầu” và các thành viên hợp tác xã, hiện sản phẩm miến dong Nà Tấu đạt tiêu chuẩn “3 sao” trong chương trình mỗi xã 1 sản phẩm của địa phương. Mong muốn phát triển thương hiệu sản phẩm này của anh Pâng chưa dừng lại ở đó. Anh rất kỳ vọng vào cậu con trai cả - em Lò Minh Phước, đang học chuyên ngành nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Nông nghiệp Việt Nam). “Có kiến thức, cháu sẽ về nối nghiệp tôi nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm miến dong Nà Tấu bay xa” - lời chia sẻ của anh Pâng khiến tôi chợt nhớ đến câu thành ngữ “Con hơn cha…”.

Hào hứng với cây “triệu đô” và dự án du lịch sinh thái

Khi cây dong riềng đã trở thành thế mạnh của xã Nà Tấu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình, anh Pâng lại nghĩ cách làm kinh tế mới. Lần này, anh đau đáu theo đuổi giấc mơ “hái tiền đô” từ cây mắc ca. Anh Pâng không chỉ cất công xuống Viện Giống cây nông nghiệp Việt Nam, nhờ các kỹ sư tư vấn cách trồng cây; mang mẫu đất xuống thuê họ xét nghiệm, phân tích các loại vi khoáng chất, còn mời họ lên tận Điện Biên thực hiện ghép mắt cho cây, tư vấn cách trồng, chăm sóc sao hiệu quả nhất.

Trồng bạt ngàn cây mắc ca trong khu du lịch sinh thái được anh Pâng kỳ vọng sẽ “hái” ra tiền.

Chia sẻ về dự án du lịch sinh thái, anh Pâng hào hứng nói: “Tôi đã tham khảo cách làm ở nhiều nơi khác và nghĩ nó rất thích hợp triển khai trên triền đồi Tằng Quái (huyện Mường Ảng) rộng hơn 50ha. Với lợi thế chỉ cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 30km, khí hậu mát mẻ quanh năm, thì đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách tham quan, nghỉ ngơi. 7 năm trước tôi bắt tay trồng 30ha mắc ca, kết hợp với trồng dong riềng dưới tán để thu lợi kép. Năm ngoái hơn 10ha mắc ca đã bói quả to, chất lượng tốt. Tôi cũng lên ý tưởng làm những con đường bê tông chạy vòng qua các quả đồi, trồng dãy dài luống hoa tam giác mạch, hàng cây hoa anh đào, hoa ban đợi ngày ra hoa. Cứ cách 200m tôi xây một ngôi nhà nhỏ với đầy đủ tiện nghi phục vụ các gia đình có nhu cầu đến nghỉ dưỡng, nấu ăn; hoặc muốn đặt cơm, tôi cũng sẵn sàng phục vụ các món ăn dân tộc. Với chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng mà cả nhà được nghỉ ngơi vui vẻ, hòa mình với thiên nhiên… Tôi tính toán thế, nhiều người cho tôi là mạo hiểm nhưng chỉ vài năm nữa mọi thứ được định hình, đưa vào khai thác thì chắc chắn “hái” ra tiền đấy!” - anh Pâng nói vẻ tự tin.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, quyết đoán trong cách làm, ở địa phương anh Pâng được bà con dân bản rất nể phục. Nói về anh Pâng, ông Lò Văn Nọi, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu không ngớt lời khen: “Anh Pâng này giỏi thật đấy, hết mang cây dong riềng về làm giàu cho dân bản lại bày cách cho dân trồng, sẵn sàng nhận bao tiêu sản phẩm, sát cánh cùng người dân, không năm nào cậu ấy để cho dân mất mùa, thua lỗ. Bây giờ chúng tôi cứ thấy anh ấy làm gì là làm theo thôi”./.
 

Từ có duyên với “cây lạ” đã đưa anh Pâng trở thành tỷ phú đất Điện Biên khi còn rất trẻ và vinh dự nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013; Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc, năm 2019.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận