UBND huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp (DN) cả về số lượng lẫn chất lượng và trở thành điểm sáng trong phát triển doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
“Đột phá” trong phát triển doanh nghiệp …
Phát huy truyền thống của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hiện nay Thọ Xuân đang trở thành vùng “đất vàng” cho các nhà đầu tư. Với nội lực mạnh mẽ cùng ngoại lực là những vận hội mới đang rộng mở, những năm gần đây Thọ Xuân đã có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.
Cùng với sự phát triển về số lượng, quy mô hoạt động, năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong huyện được nâng lên. Doanh thu, số lượng lao động và chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước của các DN huyện Thọ Xuân luôn tăng trưởng hằng năm. Một số DN trong huyện tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và đạt được nhiều kết quả khả quan, thu hút thêm nhiều lao động trên địa bàn và các huyện lân cận.
Những DN sau khi thành lập đã đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều lao động địa phương như: Dự án sản xuất và lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú; Dự án nhà máy sản xuất gạch không nung, xưởng cán tôn, nhà hàng dịch vụ thương mại hỗn hợp tại xã Nam Giang; 2 dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xã Tây Hồ...
Ông Trần Lê Giang, đại diện Công ty cổ phần nông sản Phú Gia tại thôn Hố Dăm, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân cho biết, dự án của công ty nằm trên tổng diện tích 16,4 ha. Dự án có 8 khu nhà gà đẻ trứng, 4 khu nhà hậu bị, nhà máy ấp trứng công suất hơn 40 triệu gà con/năm và hệ thống các công trình phụ trợ khác. Hệ thống ăn uống tự động 100%. Dự án được xây dựng theo công nghệ hiện đại của Hunggary. “Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương đã giúp công ty sớm hoàn thiện các thủ tục hành chính, sớm có mặt bằng sản xuất… Vì thế, khai dự án của công ty được triển khai nhanh và hiệu quả” – ông Trần Lê Giang khấn khởi nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trại gà giống Xuân Phú của công ty đi vào hoạt động ngày 15/10/2018, đến nay có trên 60 nghìn con gà, trong đó gà đẻ trứng là hơn 30 nghìn con. Trại gà đã giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng, tùy thuộc vào vị trí và năng suất lao động.
Còn ông Bùi Đức Vượng, Giám đốc Công ty Á Mỹ Thọ Xuân cho biết, trước đây ban lãnh đạo công ty có ý định triển khai đầu tư dự án sản xuất gạch với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trên diện tích 6,7ha; dự kiến giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Khi thuyết minh về dự án, tìm mặt bằng sản xuất, công ty đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ huyện Thọ Xuân nên dự án sớm đi vào hoạt động. Cụ thể, gia đoạn 1 của dự án dược khởi công vào quý II năm 2017, với diện tích 3,5 ha. Đến quý II năm 2018, nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất 50 triệu viên gạch/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 120-130 lao động địa phương, mức lương dao động 4-5 triệu đồng/người.
Là cả quá trình nỗ lực không mệt mỏi
Để có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển doanh nghiệp riêng là do huyện Thọ Xuân đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ huyện đến cơ sở. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 10/4/2017 về đẩy mạnh phát triển DN trên địa bàn huyện đến năm 2020; UBND huyện có Quyết định 218/QĐ-UBND, ngày 6/2/2017 về thành lập tổ xây dựng Đề án phát triển DN trên địa bàn huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2017-2020.
Trước hết, huyện Thọ Xuân luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh cá thể và cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích và quyền lợi khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; ban hành kịp thời các văn bản liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của DN. Đài truyền thanh huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phát triển DN.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN theo Đề án của UBND huyện về “Phát triển DN trên địa bàn huyện Thọ Xuân giai đoạn 2017 – 2020” mang lại hiệu quả rõ rệt. UBND huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Sở KH - ĐT, hoàn thành 5 lớp khởi sự DN, 02 khóa bồi dưỡng doanh nhân
Còn theo đề án Đề án “Phát triển DN trên địa bàn huyện Thọ Xuân giai đoạn 2017 – 2020”, từ năm 2017 UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ đối với các DN thành lập mới như sau: Hỗ trợ chi phí thành lập DN là 1 triệu đồng/DN; 1 năm lệ phí môn bài theo quy, hỗ trợ chi phí mua chứng thư số phục vụ cho việc khai thuế và nộp thuế qua mạng cho DN thành lập mới.
Cụ thể, năm 2017, UBND huyện đã hỗ trợ chi phí theo chương trình cho 56 DN mới thành lập với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 312.527.000 đồng; 6 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ cho 61 DN với tổng kinh phí hỗ trợ là 354.907.000 đồng.
Để giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN, UBND huyện Thọ Xuân thường xuyên tổ chức giao ban, tăng cường hoạt động, tư vấn cho hộ sản xuất, kinh doanh như: xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; lựa chọn mô hình DN phù hợp với cơ chế, chính sách của Trung ương, của Tỉnh và Huyện...
Huyện rất quan tâm thực hiện các chương trình gặp gỡ, đối thoại với các DN thành lập mới, sử dụng mọi diễn đàn để các chủ DN trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động, như: Đề nghị tạo điều kiện để các DN được tiếp cận các nguồn vốn vay, phục vụ sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để các DN được đảm nhận các công trình trên địa bàn; tạo điều kiện để các DN được thuê, thầu mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các DN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn cũng như giao đất lâu dài để DN yên tâm sản xuất. Những kiến nghị, đề xuất của các DN đã được Thường trực UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ngành của huyện kịp thời giải đáp.
Bên cạnh đó, huyện Thọ Xuân còn tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho DN bằng các giải pháp như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, DN. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đầu tư, đất đai, huyện hỗ trợ các DN trong công tác GPMB, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định và kế hoạch.
Đồng thời, cung cấp kịp thời các thông tin về các cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện để các DN nắm bắt xúc tiến đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu nhằm thu hút các DN có tiềm lực đầu tư vào địa bàn huyện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ; kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng thực hiện.
Đặc biệt huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp Lam Sơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào huyện.
Từ khóa: Thọ Xuân; Á Mỹ; Thọ Xuân điểm sáng; Thọ Xuân phát triển; Thọ Xuân đột phá
Năm 2017, huyện Thọ Xuân thành lập mới được 126 DN, với tổng số vốn đăng ký 314,96 tỷ đồng, đạt 105% KH tỉnh giao, bằng 237,7% cùng kỳ năm 2016. Nâng tổng số DN được thành lập trên địa bàn huyện đến hết năm 2017 là 519 DN. Trong đó có 452 DN đang hoạt động, đạt khoảng 20,7 DN/10.000 dân (gấp 1,6 lần so với năm 2016) |
Năm 2018, huyện Thọ Xuân được tỉnh giao thành lập mới 200 DN. Đến ngày 12/10/2018, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã thành lập mới 157 DN, đạt 72,22% KH huyện giao, đạt 78,5% KH tỉnh giao. Trong đó DN thành lập trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng chiếm khoảng 84% tổng số DN thành lập mới |