Chuyện uẩn khúc ở Diệu Nam Phật Đường

'Độc nhất vô nhị' là cách gọi chính xác cho chùa Diệu Nam, còn gọi là Diệu Nam Phật Đường ở vào thời điểm này về mọi nhẽ...

 

“Độc nhất vô nhị” là cách gọi chính xác cho chùa Diệu Nam, còn gọi là Diệu Nam Phật Đường ở vào thời điểm này về mọi nhẽ. Bởi đây là ngôi chùa Đại đạo Tam giáo đồng nguyên (Minh Sư đạo) còn lại duy nhất ở Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, ngôi chùa cũng là công trình duy nhất chưa bị giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai II, đoạn Minh Khai - Đại La, hiện đang được nhà thầu tích cực thi công.

Chùa có “ngáng chân” dự án?

Nhiều người tham gia giao thông trên tuyến phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong những ngày qua không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một ngôi chùa vẫn nằm đơn độc, yên vị giữa ngổn ngang gạch đá và những hạng mục thi công dang dở tại công trường thi công đường vành đai II, đoạn phố Minh Khai - Đại La. Đây là ngôi chùa Đại đạo Tam giáo đồng nguyên (Minh Sư đạo) còn lại duy nhất ở Thủ đô Hà Nội, tọa lạc tại số 60 phố Đại La.

Hiện trạng chùa Diệu Nam tại địa chỉ số 60 phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh chụp ngày 28/10/2020). Ảnh: T.C

Bà Phạm Thị Là, trụ trì chùa, cho biết: “Chùa Diệu Nam là cơ sở tôn giáo do các tu sĩ Nam tông Minh Sư đạo xây dựng năm 1930, trực thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo - Tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận theo quyết định số 196/QĐ-TGCP ngày 1/10/2008. Chùa Diệu Nam được Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo giao cho bà Phạm Thị Là làm trụ trì, quản lý tài sản, duy trì việc thờ cúng tín ngưỡng tôn giáo Minh Sư đạo tại Đạo lệnh số 31/BTS-ĐL từ ngày 28/5/2009.

Sở dĩ có chuyện ngôi chùa đơn độc nằm “ngáng chân” dự án đường vành đai II như vậy là bởi hiện đang có tranh chấp quyền thụ hưởng khoản tiền bồi thường thu hồi đất phục vụ dự án.

Khi đến tìm hiểu, PV Báo TNVN được biết, những người trong chùa hoàn toàn ủng hộ việc di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường vành đai II. Tuy nhiên, vì còn tranh chấp trong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết, nên chính quyền địa phương hiện đang “treo” khoản tiền bồi thường này vào một tài khoản ngân hàng, và việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện được do nhà chùa không có kinh phí.

Tranh chấp quyền thừa kế

Theo tìm hiểu của phóng viên, chùa Diệu Nam được xây dựng năm 1930, do công của các Cô thái: Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An, Sầm Thị Vượng, Ngô Thị Toàn và Đỗ Thị Tỉnh. Ngày 12/12/1957, các vị sư tổ của Giáo hội Phật đường Nam Tông đã để lại di chúc với nội dung: “Chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố, bán chác. Sau khi chúng tôi qua đời thì ngôi chùa ấy sẽ giao cho 5 người đệ tử chúng tôi là: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Vi, Nguyễn Thị Bằng, Hoàng Thị Yến, Trịnh Thị Lương. Cả 5 người này sẽ thay thế cho chúng tôi trông nom, gìn giữ, tu bổ chùa, chăm lo thờ cúng Phật Tổ; ngoài 5 người ấy ra, các cháu của chúng tôi không ai được dự quyền vào công việc của chùa… Sau này đệ tử chúng tôi già yếu đi cũng sẽ chọn 5 người đệ tử khác để giao lại quyền và công việc của chùa, vĩnh viễn để làm nơi thờ cúng không được bán đi hoặc đem cầm cố”.

Chùa Diệu Nam là ngôi chùa Đại đạo Tam giáo đồng nguyên (Minh Sư đạo) còn lại duy nhất ở Thủ đô Hà Nội

Năm 1990, trong quá trình tu tập tại chùa, Cô thái Hương và Cô thái Lương xảy ra mâu thuẫn, vì vậy, Cô thái Hương đề nghị tòa án phân chia làm đôi. Ngày 8/5/1992, TAND quận Hai Bà Trưng ra bản án sơ thẩm số 21/DSST phân chia chùa Diệu Nam, nhưng cả 2 cụ đều kháng cáo.

Đến ngày 7/8/1992, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS, quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu 1/2 chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia, để sử dụng chung. Vụ việc sau đó được kháng nghị xem xét theo trình tự tái thẩm.

Ngày 16/8/1992, cụ Hương có di chúc lại phần thừa kế của mình cho đệ tử là Lê Thị Loan, lúc này đang tu hành tại chùa Diệu Nam. Ngày 25/4/1995, cụ Lương có di chúc lại phần thừa kế cho sư cụ Thích Đàm Mến, lúc này đang trụ trì chùa Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Cũng trong bản di chúc quyền thừa kế được lập tháng 8/1992, cụ Hương khẳng định bà Lê Thị Loan, 43 tuổi (ở Thụy Dương, Thái Thụy, Thái Bình) là đệ tử, đã tu hành được 10 năm. Trong văn bản này, cụ Hương thể hiện ý chí, nguyện vọng, bà Lê Thị Loan sẽ có quyền thừa hưởng toàn bộ bất động sản và nhà ở, một nửa diện tích sử dụng trong chùa Diệu Nam mà tòa đã chia cho sư cô Thái Hương; đệ tử Lê Thị Loan sẽ tiếp tục theo cụ Hương hành trì, lễ bái tại chùa này và quyền thay cụ Hương giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chùa.

Trong khi bà Phạm Thị Là là trụ trì chùa Diệu Nam thì bà Lê Thị Loan lại là đệ tử của cụ Hương, thay mặt cụ Hương giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chùa theo di chúc. Rõ ràng, ai cũng có cái lý của mình.

Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT, theo đó xác định: “Bản di chúc của các Cô thái: Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An, Sầm Thị Vượng, Ngô Thị Toàn và Đỗ Thị Tỉnh có giá trị pháp lý là có căn cứ. Theo nội dung bản di chúc, có đủ căn cứ để xác định ý chí của các cụ là giữ ngôi chùa vĩnh viễn làm nơi thờ cúng và các đệ tử đời sau chỉ được trông nom, gìn giữ, tu bổ… và cũng đã chỉ rõ người quản lý di sản là các đệ tử nối dõi, con cháu các cụ cũng không được can dự vào việc quản lý chùa. Do đó, lẽ ra Tòa án không được phân chia thừa kế chùa Diệu Nam”.

Cũng trong Quyết định tái thẩm, nêu rõ: “Tại Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định về nguồn gốc đất: “Chùa Diệu Nam thuộc thửa đất số 218 và 219, tờ bản đồ 5H-II-15 (lập năm 1996), phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, có nguồn gốc ở vị trí tương đối tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 38 (lập năm 1960) khu Bạch Mai. Theo kết quả xác nhận của cơ quan quản lý đất đai tại công văn nêu trên thì đất của chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa từ năm 1960”.

Do đó, Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT đã “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội, và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định 3168/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng vành đai II tại chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng.

Như vậy, việc quận Hai Bà Trưng phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng vành đai II tại chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng liệu có đúng?.

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vụ việc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận