Ninh Hiệp - Gia Lâm: Thủ đoạn biến đất không tranh chấp thành đất tranh chấp

Chuyện nhập nhèm đất đai ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm do xã bán đất trái thẩm quyền, Chủ tịch UBND xã 'nuốt lời' ký 02 kết luận 'đá nhau' làm cho 02 gia đình càng mâu thuẫn. Khiếu kiện vì thế kéo dài 'kỷ lục' sẽ khó có hồi kết thúc (!?).

 

Nhập nhèm đất đai tại Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội:

Bài 2 - Thủ đoạn biến đất không tranh chấp thành đất tranh chấp

Câu chuyện nhập nhèm đất đai ở Ninh Hiệp xảy ra do xã bán đất trái thẩm quyền, do cán bộ “nuốt lời“, đã tiếp tay cho những kẻ tham lam biến đất của riêng không tranh chấp thành đất tranh chấp. Quan điểm của lãnh đạo xã trước đây rất rõ ràng, nhưng thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp ký 02 kết luận “đá nhau” làm cho 02 gia đình càng mâu thuẫn. Khiếu kiện vì thế kéo dài “kỷ lục” từ 1992 đến nay chưa có hồi kết (!?).

Tranh chấp do xã bán đất trái thẩm quyền

Ông Nguyễn Khắc Tiệm được thừa kế ngôi nhà thời của dòng họ Nguyễn Khắc có từ năm 1873 (là đất thổ cư) đến nay đã trên 150 năm tại thửa số 30, tờ bản đồ số 15, ở thôn 6, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội), tổng diện tích là 348m2, bao gồm cả lối đi ra trục đường làng.

Năm 1989, UBND xã Ninh Hiệp bán đất trái thẩm quyền khu Giếng Điếm Kiều của làng cho 2 nhà: Bán cho ông An ½ khu Giếng và bán cho ông bà Đính (bố, mẹ bà Minh) số ½ còn lại. Đất nhà cụ Đính mua sát với ngõ đi nhà ông Nguyễn Khắc Tiệm.

Bức họa dựng lại Giếng Điếm Kiều (đất công) xã đã bán trái thẩm quyền cho bà Minh đẫn đến tranh chấp với ngõ đi riêng của nhà ông Tiệm

Đến năm 2014, ông Tiệm đi xin chữ ký của các hộ liền kề để làm thủ tục hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất thì 6 hộ vui vẻ ký. Riêng hộ gia đình bà Minh không ký, cho rằng ngõ đi của nhà ông Tiệm là ngõ đi chung. Trước đó, năm 1992, bà Nguyễn Thị Minh đã có đơn đòi quyền lợi đi chung ngõ của gia đình ông Tiệm.

Vậy thực tế có phải là ngõ đi chung, hay bà Minh cố tình “tranh chấp”?

Ngày 12/6/1995, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Vĩnh Oánh ghi bút phê xác nhận vào “Đơn đề nghị giải quyết đảm bảo quyền thừa kế hợp pháp của ông Tiệm” với nội dung: “Từ trước đến nay, gia đình ông Tiệm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất thổ cư, bảo gồm cả ngõ đi, tổng cộng là: 348m2”.

Ông Nguyễn Văn Thời - nguyên Phó Chủ tịch xã cho biết: “Từ năm 1987 đến năm 1994, tôi làm Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Công an xã Ninh Hiệp. Trong thời gian này, UBND xã thanh lý đất vườn Giếng Điếm Kiều. Phần đất này cách ngõ đi nhà cụ Du (bố ông Tiệm) một rãnh thoát nước 70cm. Khi Ủy ban thanh lý đã giao phần đất cạnh rãnh nước cho bà Đính. Sau một thời gian, gia đình bà Đính làm nhà và mở cổng về phía ngõ của nhà cụ Du, gia đình cụ Du không đồng ý và có đơn gửi lên xã… Ông Quyền - Chủ tịch xã và ông Bảo - Phó Chủ tịch xã trực tiếp giải quyết, Ủy ban xã đã có kết luận: “Ngõ đi của nhà cụ Du không phải “tiểu lộ đồng hành” mà thuộc quyền sử dụng đất của gia đình cụ Du (bố ông Tiệm)”. UBND xã đã buộc gia đình bà Đính phải bịt cửa đi ra phần ngõ của nhà cụ Du, gia đình bà Đính đã chấp hành. Tôi khẳng định nội dung trên vì các cán bộ ở địa phương và nhiều người dân ở xã đều biết”.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (67 tuổi) - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 6, cũng là cán bộ thu Thuế sử dụng đất cho biết: “Nhà cô Minh đã được đo đạc làm sổ đỏ (bằng máy), đã có sổ, thu thuế theo sổ. Ngõ là của riêng nhà thờ các cụ nhà ông Tiệm. Trước đây còn cách cái rãnh nước, tại sao chính quyền không giải quyết cho ổn định địa phương? Nếu chính quyền không giải quyết dứt điểm thì an ninh trật tự thôn, xóm không ổn định và mất đoàn kết ở địa phương. Việc thanh lý bán đất khu Giếng này, thời điểm đó tôi không hề biết. Sau này mới biết, tôi mới thu thuế đất của chị Minh”.

Ông Lý Duy Nghiêm (74 tuổi) - nguyên Trưởng thôn 6 (có 5 khóa từ 2001 - 2015): “Trước đây là khu đất công của thôn xóm. Xung quanh Giếng với khu đất nhà ông Tiệm là rãnh thoát nước và các bờ. Cổng nhà cụ Du (bố ông Tiệm) có để một cái cối giã gạo cho nhiều gia đình nghèo đến giã gạo nhờ. Còn về khu đất Giếng khi thanh lý, ông Nguyễn Đức Long đứng ra mua cho ông Nguyễn Đức An; Vợ chồng cụ Đính mua cho cô Minh ½ khu đất này. Khi thanh lý, các cụ trong thôn không biết, chỉ đến khi họ xây dựng nhà thì mọi người mới biết. Trong khi nhiều người có công với nhân dân thì lại không được thanh lý khu đất này. Trước đó, cán bộ thôn không được tham ra hòa giải. Đến mãi năm 2014, xã mới mời cán bộ thôn xóm lên xã làm công tác hòa giải. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm bảo vệ cái đúng pháp luật và thực tế. Tôi khẳng định, cái cổng nhà cụ Du có từ trước, có xây gạch xung quanh khu Giếng”.

Các cán bộ qua các thời kỳ đều phản đối việc bà Minh đòi được hưởng quyền lợi sang ngõ đi nhà ông Tiệm. Và khẳng định cái ngõ này là của riêng nhà cụ Du (bố ông Tiệm) chứ không phải là ngõ đi chung.

Họ hàng cũng không ủng hộ việc cố tình tranh chấp

Ngồi trước máy ghi âm của phóng viên Báo TNVN, ông Nguyễn Văn Đại (69 tuổi) - Bí thư Chi bộ Thôn 6, kiêm Trưởng Ban MTTQ, cũng là nguyên Trưởng thôn 6, cho biết: “Đó là ngõ độc đạo của gia đình ông Tiệm, chứ không có chuyện là đường đi chung. Quan điểm chỉ đạo của thôn, xóm là phải bảo vệ cái đúng. Năm 1992, cô Minh mở cửa sang nhà ông Tiệm, anh Nguyễn Văn Quyên - Chủ tịch xã và anh Nguyễn Văn Thời - Phó Chủ tịch xã đã cưỡng chế không cho mở cửa rồi. Cô Minh không có cơ sở gì để đòi hỏi quyền lợi về cái ngõ đi này. Chi bộ cũng rất bất bình về những việc của thôn, xóm không được giải quyết dứt điểm, nhiều đảng viên cũng có ý kiến việc mâu thuẫn đã quá rõ ràng mà sao không được giải quyết?”.

Ông Nguyễn Huy Sáu (82 tuổi) - là người hàng xóm với cả gia đình nhà ông Tiệm và bà Minh: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở đất này. Khu đất Giếng (nhà cô Minh mua) cao hơn ngõ nhà cụ Du. Tôi là em họ anh Đính bố cô Minh. Ngõ là của riêng gia đình cụ Du (bố anh Tiệm). Nhiều người được xã mời họp đều khẳng định ngõ của cụ Du. Xã đã công bố ngõ là của gia đình cụ Du không được ai có ý kiến gì nữa. Cán bộ xã ít tuổi cứ nói và phát biểu là “tiểu lộ đồng hành” bà con không đồng tình”.

Bà Cao Thị Bích (68 tuổi), hàng xóm liền kề phía bên phải ngõ nhà ông Tiệm, giãi bày: “Chồng tôi là anh họ ông Đính bố cô Minh. Ngõ là của cụ Du. Cô Minh mua đến đâu thì sử dụng đến đó, không thể đòi hỏi quyền lợi của gia đình ông Tiệm, cụ Du được. Từ trước đến giờ, tôi vẫn không thay đổi quan điểm. Cô Minh muốn đi thì phải hỏi ông Tiệm. Cô Minh có lần bảo tôi ký vào đơn kiện nhưng tôi từ chối. Cô Minh còn bảo “Cháu mà kiện được thì bác cũng được mở ra ngõ”. Tôi không thể làm thế được. Tôi không tán thành cô Minh làm việc này”.

Sổ đỏ của gia đình bà Minh thể hiện rất rõ: Thửa đất số 56, tờ bản đồ 14, địa chỉ thôn 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội có diện tích 72m2, không có diện tích sử dụng chung. Thửa đất này nằm ở phía bên trái ngõ vào nhà thờ của ông Tiệm.

Sổ đỏ nhà bà Minh thể hiện không có diện tích sử dụng chung.

Vụ việc “cố tình” tranh chấp này, bà Minh đã 02 lần gửi đơn đến TAND huyện Gia Lâm khởi kiện “Đề nghị Tòa tuyên ngõ đi đang tranh chấp là đất công”. Nhưng cả 2 lần TAND huyện Gia Lâm sau khi xem xét đơn của bà Nguyễn Thị Minh thấy yêu cầu của bà Minh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa căn cứ vào Điểm đ, Khoản 1, Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự trả lại đơn khởi kiện cùng tài liệu và chứng cứ kèm theo cho bà Nguyễn Thị Minh.

Cũng chính từ những quan điểm của các tổ chức đoàn thể, các cán bộ thôn, xóm qua các thời kỳ cùng các “bô lão” là nhân chứng để UBND xã Ninh Hiệp ra Kết luận số: 58/KL-UBND ngày 12/01/2017 và kết luận: “Căn cứ vào thông tin, tài liệu, bằng chứng được thu thập trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, những đánh giá đối với những tài liệu, bằng chứng nêu trên, UBND xã kết luận việc bà Nguyễn Thị Minh tố cáo ông Nguyễn Khắc Tiệm có hành vi lấn chiếm, tự ý làm cửa sắt, bịt lối đi chung tại Ngõ Giếng Điếm Kiều từ năm 2009 để sử dụng là chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết” - ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch xã Ninh Hiệp ký.

Vì sao Chủ tịch xã “nuốt lời”?

Sau 734 ngày (12/1/2017 - 16/1/2019), chính ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp ký Kết luận số 13/KL-UBND ngày 16/01/2019 ngược lại với kết luận trước đó hơn 2 năm, rằng: “Việc bà Minh Tố cáo ông Nguyễn Khắc Tiệm có hành vi lấn chiếm đất công, tự ý làm cửa sắt, bịt lối đi chung tại Ngõ Giếng Điếm Kiều để sử dụng là có cơ sở”.

Vì sao ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp có quan điểm trái ngược với chính ông trong bản Kết luận số 13 này?

Hai bản Kết luận (số 58 và số 13) trái ngược nhau của cùng một ông Chủ tịch xã - Nguyễn Văn Tuấn ký.

Có 2 khả năng xảy ra. Một là, do trình độ năng lực không nhận thức được rõ vấn đề, không hiểu đúng về pháp luật. Hai là, do đã có sai phạm “dính chàm” nên dễ bị điều khiển, nên bảo sao làm vậy, bất chấp đúng sai.

Song, hành pháp không phải là chuyện nói thế nào cũng được. Về những nhận định này, Báo TNVN sẽ phân tích trong kỳ báo tiếp theo, nhưng có thể thấy rằng, một cán bộ xã - công bộc của dân có quan điểm trái ngược về một vấn đề thì thật là làm khổ nhân dân, làm mất đi “thị uy - chuẩn chỉ” của người cán bộ. Những quyết định tiền hậu bất nhất đã đẩy cuộc sống của người dân vào thế bất ổn, tình hình càng thêm phức tạp, việc khiếu kiện sẽ không có hồi kết - niềm tin của người dân đối với chính quyền cơ sở bị giảm sút nghiêm trọng.

Ông Lý Duy Kỳ (64 tuổi) - hiện là Trưởng thôn 6 Ninh Hiệp buồn bã, trải lòng: “Tôi mới được bầu từ 12/2019. Thôn chưa có buổi làm việc nào với xã, với cô Minh. Tôi hoàn toàn đồng ý với lãnh đạo thôn qua các thời kỳ trước đây. Đề nghị Ủy ban xã xem xét và kết luận rõ ràng, giải quyết dứt điểm khu đất của nhà ông Tiệm”./.

Quốc Hưng – Báo TNVN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận