Chuyện Hancorp Plaza

Chung cư Hancorp Plaza Làng Quốc tế Thăng Long đưa vào sử dụng từ tháng 7/2012,

 

“Cuộc chiến tầng hầm” chưa có hồi kết, khổ dân

Năm 2018, Báo Tiếng nói Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh tranh chấp quyền sử dụng tầng hầm tòa nhà Hancorp Plaza. Sau loạt bài viết, BQT tòa nhà và dân cư đã “đòi” được hơn 11 tỷ đồng kinh phí Quỹ Bảo trì, giữ ổn định phí trông giữ xe ô tô (1 triệu đồng /xe/tháng), xe máy (50.000đ/xe/tháng) tại tầng hầm và phí dịch vụ ở mức 5.500đ/m2/tháng. Riêng vấn đề quyền sở hữu tầng hầm đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Hợp đồng mua bán ghi: “Nơi để xe là diện tích sử dụng, sở hữu chung”, nhưng CĐT cho rằng tầng hầm là do họ đầu tư kinh phí xây dựng... Vì chưa giải quyết được vấn đề sở hữu tầng hầm nên ngày 15/2/2017, đơn vị được Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) lựa chọn thay thế Xí nghiệp Dịch vụ đô thị và nhà ở (nay là Công ty Dịch vụ đô thị Hancorp), làm đơn vị cung cấp dịch vụ cho tòa nhà đã không thể vào tiếp quản. Đến nay, vẫn có chủ hộ vin cớ chưa giải quyết được quyền sở hữu tầng hầm, để không nộp phí trông xe khiến tòa nhà trở thành điểm nóng về ANTT của thành phố.

Cư dân chung cư Hancorp Plaza Làng Quốc tế Thăng Long vẫn chưa thể an cư.

Ngày 19/12/2018, HNNCC bầu BQT khóa mới. Ngày 29/12/2019, BQT đã chọn trong số 4 đơn vị tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ thông qua biểu quyết dân cư, chọn Công ty CP Dịch vụ đô thị Hancorp tiếp tục cung cấp dịch vụ cho tòa nhà, nhưng đến nay, sau gần một năm, BQT vẫn không thể ký Hợp đồng với đơn vị này. Nhiều chủ sử dụng lấy lý do đó để không nộp phí dịch vụ.

Chung cư Hancorp Plaza Làng Quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy là Tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng, gồm hai tòa tháp Đông và Tây, có 259 căn hộ, 13 tầng văn phòng và 4 tầng thương mại, siêu thị, chủ đầu tư (CĐT) là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Theo một số dân cư am hiểu pháp luật, có nhiều vấn đề cần làm rõ trong hoạt động của BQT. Cụ thể như sau:

- Sau khi HNNCC tháng 12/2018 bầu BQT nhiệm kỳ mới được một thời gian, đã có 2 thành viên xin thôi tham gia BQT vì lý do cá nhân. Số thành viên thiếu khuyết này đã không được bầu bổ sung.

- Ngày 27/5/2019, Trưởng BQT xin từ chức “vì lý do cá nhân”, ủy quyền cho Phó ban điều hành mọi hoạt động của BQT cho đến HNNCC gần nhất bầu trưởng ban mới. Thế nhưng, tại HNNCC ngày 29/12/2019, tức là hơn 7 tháng sau khi từ chức, ông Trưởng ban bất ngờ quay lại điều hành.

Điều 26, mục 2 Thông tư 02/TT-BXD ngày 15/02/2016 về “Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư” quy định: Thành viên BQT không tham gia các hoạt động của BQT trong 6 tháng liên tiếp ...” thì bị miễn nhiệm, bãi miễn.

- Theo đại diện CĐT, ngày 26/12/2019, CĐT đã gửi đến BQT báo cáo ngày 19/8/2019, do Cty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam, thành viên Hãng Kiểm toán Quốc tế Moore Global Network thực hiện, cho thấy diện tích phần khối 3 tầng (trung tâm thương mại) là đất thuê, trả tiền hằng năm, là tài sản của CĐT, không phân bổ giá trị đầu tư vào giá bán căn hộ. Báo cáo kiểm toán này đã không được BQT công bố cho dân cư biết tại HNNCC cũng như trên các phương tiện truyền thông nội bộ.

- Biên bản HNNCC ngày 29/12/2019 không phản ánh đầy đủ diễn biến hội nghị... Ngày 06/1/2020, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, là người có mặt dự hội nghị, đã bút phê ý kiến chỉ đạo vào biên bản: “Đề nghị hoàn thiện biên bản, ghi rõ diễn biến, bổ sung đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, bổ sung chữ ký của các thành phần tham  dự tại cuộc họp gồm: đại diện chủ đầu tư, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Hancorp; đại diện Công an phường (CSKV); đại diện Tổ dân phố, đồng chí Bí thư Chi bộ số 3”.

Tương lai ra sao?

Theo quyết định của BQT, đến ngày 1/10/2020, đơn vị cung cấp dịch vụ, quản lý vận hành mới sẽ vào tiếp quản Hancorp Plaza. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cư dân vẫn chưa biết nội dung hợp đồng dịch vụ giữa 2 bên. Trong tình trạng như vậy, điều gì sẽ xảy ra với dân cư Hancorp Plaza, an ninh trật tự, chất lượng dịch vụ có bảo đảm?

Phía CĐT cho biết sẽ kiên quyết không bàn giao phần diện tích vùng lõi tầng hầm cho BQT và đơn vị cung cấp dịch vụ mới, vì lý do: Đây là tài sản Nhà nước giao cho Tổng công ty quản lý.

Phía BQT và dân cư cho rằng phải làm theo HĐMB: “Nơi để xe là diện tích sử dụng, sở hữu chung”, BQT đại diện cho dân cư có toàn quyền quản lý thu chi từ diện tích này.

Để giải quyết cuộc tranh chấp đã kéo dài nhiều năm này, chính quyền các cấp từ phường, quận đến thành phố và cả Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ đã phải nhiều lần vào cuộc trả lời đơn thư của dân cư. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức, phân xử. Cuối cùng, dân cư nhận được câu trả lời, chỉ còn cách đưa nhau ra Tòa án.

Chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương cần quan tâm đến tình hình ở chung cư này, kẻo “cái sảy lại nảy cái ung”. Dân cư chỉ muốn được yên ổn, mọi việc phải minh bạch, chính quyền càng không muốn để xảy ra mâu thuẫn, trở thành “điểm nóng” về ANTT tại Thủ đô./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận