Giả mạo Công an để lừa đảo: Hành vi ngày càng táo tợn

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lợi dụng niềm tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.

 

Ngày càng có nhiều vụ giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, niềm tin của người dân vào ngành công an từ đó đưa ra các hứa hẹn như giúp đỡ xin việc vào một ngành nghề cụ thể nào đó như: xin học tại các trường thuộc lực lượng công an nhân dân hoặc xin giảm án trong các vụ án hình sự. Từ đó, chiếm đoạt tiền, tài sản của người bị hại.

Người dân bị lừa một phần do thiếu hiểu biết

Mới đây, ngày 30/8, Công an quận 11, TPHCM cho biết đang tạm giữ Trần Hữu Sơn (41 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, khuya ngày 28/8, Sơn và Thái mặc quân phục cảnh sát, mang theo súng ngắn và lái ôtô biển xanh 80B đến nhà bà T. trên đường Nhật Tảo (phường 7, quận 11). Lúc này, cả 2 xưng là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) yêu cầu khám xét và đọc lệnh bắt bà T. Hàng xóm xung quanh nghi ngờ nên gọi điện báo công an địa phương.

Hai đối tượng tại cơ quan điều tra.

Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, các vụ án giả danh công an lừa đảo không phải ít, nhưng trong vụ án này, các đối tượng rất tinh vi và bí hiểm hơn ở chỗ, các đối tượng đã làm giả hoàn toàn các loại giấy tờ như thẻ ngành, thẻ công tác, thậm chí biển số xe,... Làm cho cho nạn nhân dễ bị mắc bẫy. Qua đó, cho thấy sự chuẩn bị của các đối tượng là rất công phu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo thành công của vụ án.

Từ các vụ án như trên, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, việc các đối tượng hay giả mạo công an để lừa đảo vì người dân tin tưởng cơ quan công an, khi có người mặc quân phục đến, họ nghĩ đó là cơ quan thực thi pháp luật nên dễ dàng tuân theo yêu cầu đối tượng đặt ra.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người không nắm được quy trình, quy tắc bảo vệ pháp luật của các cơ quan mà sẵn sàng cung cấp thông tin, thậm chí là chuyển tiền qua điện thoại.

Theo chia sẻ PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, khi cơ quan công an đến làm việc phải có một tổ công tác. Khám xét nhà phải có người làm chứng như, tổ dân phố, hàng xóm, công an khu vực và tất cả các hoạt động đều lập biên bản, không được thu tiền tại chỗ. Tiền nộp phạt phải đến cơ quan chức năng. Việc lập biên bản có người làm chứng, chứ không được phép tùy tiện vào nhà dân, trừ trường hợp phạm pháp, bắt quả tang. Và đã là phạm pháp, bắt quả tang, theo Đại tá Thìn ai cũng làm được chứ không riêng gì công an.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất trong các vi phạm để đối tượng giả danh công an, lừa đảo thành công, theo Đại tá Thìn, đa phần nạn nhân có sai phạm, tội phạm như đi đường xe không có gương, không đội mũ bảo hiểm,... hoặc trong kinh doanh có trốn thuế, hoặc mâu thuẫn,... nhỏ hoặc lớn. Cho nên khi các đối tượng này giả công an, nạn nhân có sức ám thị lớn và tin cậy.

Liên quan đến vụ án trên, dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, hành vi của hai đối tượng được thực hiện với mục đích chiếm đoạt tài sản của bà T. Việc chiếm đoạt tài sản của bà T chưa thực hiện được là nằm ngoài ý thức của hai đối tượng (do bà T kêu to lên hàng xóm nghi ngờ báo với công an địa phương). Tuy hai đối tượng chưa thực hiện được việc chiếm đoạt tài sản của người bi hại nhưngtheo luật sư Hiển:  Hành vi của hai đối tượng này đã có dấu hiệu cấu thành “Tội cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170- Bộ Luật hình sự. Theo đó, Điều 170 - Bộ Luật hình sự quy định: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Trong vụ việc này, hai đối tượng Sơn và Thái đã sử dụng “thủ đoạn khác” là giả danh cảnh sát hình sự thông qua việc sử dụng trang phục, phù hiệu, quân hàm cảnh sát, xe ô tô biển kiểm soát ngành công an, sử dụng lệnh bắt giả để uy hiếp tinh thần của bà T, làm cho bà T hoảng sợ với mục đích chiếm đoạt tài sản của bà T. Tuy nhiên, các đối tượng chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản như mục đích ban đầu do hàng xóm của bà T đã phát hiện kịp thời và gọi công an địa phương tới xử lý.

Giấy tờ giả của các đối tượng.

Theo đó, tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

Vì vậy, ngoài việc có thể bị xử lý hình sự đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hai đối tượng Sơn và Thái có thể bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng công an nhân dân theo khoản 1, Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 500.000,đ đến 1.500.000đ.

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý trang phục ngành

Vụ việc này một lần nữa cho thấy việc lợi dụng uy tín của ngành công an, lợi dụng sự tin tưởng của quần chúng nhân dân vào ngành công an để thực hiện các hành vi phạm tội đang có chiều hướng gia tăng, gây phức tạp về an ninh, trật tự cho xã hội. Vì vậy, cần có những giải pháp triệt để nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, giúp nhân dân nhận diện, phát hiện các hành vi tội phạm giả danh công an. 

Đại tá, Phó giáo sư Đỗ Cảnh Thìn.

Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý trang phục, phù hiệu ngành công an nhân dân, xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng trang phục, phù hiệu của ngành công an, sản xuất, mua bán trang phục giả của ngành công an nhân dân, tránh việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Về phía người dân, theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó... Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân.

Khi có bất kỳ cơ quan, đơn vị nào đến kiểm tra, việc đầu tiên người dân cần bình tĩnh, quan sát xem các hành vi kiểm tra của đối tượng. Về phía bản thân phải nhớ lại xem mình có làm gì sai phạm không. Cùng với đó, xem xét việc làm của người đang thực hành công vụ có đúng đắn về mặt giấy tờ, tác phong, thời gian, không gian. Chẳng hạn không được khám xét trong đêm, nam khám nam, nữ khám nữ. Khi họ tiến hành, yêu cầu, đặc biệt liên quan đến tài sản có đúng trình tự thủ tục, có người chứng kiến như dân phố, công an khu vực? Thấy dấu hiệu bất thường phải kéo dài thời gian, kịp thời báo động đến cơ quan bảo vệ, người xung quanh để đảm bảo an toàn cho bản thân, bảo toàn được tài sản./. 

Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận