Dự án đường dây 500KV Vĩnh Tân- rẽ Sông Mây: Kiểm toán 'lật tẩy' nhiều sai phạm

Kiểm toán Nhà nước đã 'lật tẩy' nhiều sai phạm khó hiểu tại Dự án đường dây 500KV Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên.

 

Báo cáo kiểm toán Dự án đường dây 500KV Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên của Kiểm toán Nhà nước đã lật tẩy” nhiều sai phạm khó hiểu tại dự án này.

Sai phạm và bất ổn

Dự án đường dây 500KV Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên được thực hiện bởi Tổng Cty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án các công trình Điện miền Nam. Dự án nhằm mục đích góp phần giải phóng công suất Trung tâm Điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận hòa vào hệ thống điện Quốc gia. Trước mắt, truyền tải công suất nhà máy điện Vĩnh Tân 4 thuộc TTĐL Vĩnh Tân vào hệ thống điện Quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam, tạo liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ. Quy mô dự án cũng góp phần mở rộng ngăn lộ, lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn lộ đường dây 500kV (ngăn B07 và B09) tại trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân.

Là dự án cấp nhóm A, công trình cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư được phê duyệt 5.333 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là huy động và vốn vay thương mại NEXI (bảo lãnh Chính phủ). Trong đó chi phí xây dựng chiếm khoảng 3/5 tổng chi phí; các chi phí thiết bị hơn 120 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 319 tỷ đồng; quản lý dự án hơn 26 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 88 tỷ đồng; chi phí khác hơn 376 tỷ đồng; chi phí dự phòng của dự án hơn 1.378 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí lớn, nhưng lại được cho là khó định lượng chính xác.

Một đoạn tuyến đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, đơn vị đang xác định chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá 2014 - 2018 là 28,5% dựa trên chỉ số giá xây dựng của khu vực TP.HCM là chưa đúng với địa bàn xây dựng. Sau khi tính lại, tổng mức đầu tư công trình giảm gần 412 tỷ đồng, tức dự phòng cho yếu tố trượt giá chỉ là 15,75%.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), KTNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Theo đó, tại các huyện của tỉnh Bình Thuận, kinh phí hội đồng đền bù theo Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Thông tư 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB có trách nhiệm lập dự án chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án theo quy định nếu kinh phí lớn hơn 2%. Nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán đơn vị chưa cung cấp hồ sơ, pháp lý, dự án làm căn cứ phê duyệt tỷ lệ 3% và 5%. Tại tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm kết thúc kiểm toán đơn vị cũng chưa cung cấp hồ sơ, pháp lý, dự toán làm căn cứ phê duyệt tỷ lệ  3,5% cho các huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom và Vĩnh Cửu với tổng trị giá 15.261 triệu đồng.

Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ khác về thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với 2 mức hỗ trợ khác với giá trị trên 62 tỷ đồng. Thực tế, KTNN chỉ ra, các hộ dân được chi trả tiền hỗ trợ 50% giá đất không thuộc các nhóm đối tượng được quy định của UBND tỉnh Đồng Nai. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (30/9/2019), Ban QLDA chưa cung cấp cơ sở pháp lý, nguyên nhân phương pháp tính mức hỗ trợ 20% đơn giá nhà theo ý kiến đề xuất tại cuộc họp giữa Sở Xây dựng và các sở ngành ngày 06/6/2018. Các hồ sơ thanh quyết toán chi phí đền bù khác còn thiếu nhiều.

Chủ đầu tư báo cáo phần chi phí đầu tư là hơn 2.782 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra, chi phí xây dựng kiểm toán kết luận thực tế thấp hơn. Khoản chênh này nằm ở chỗ sai đơn giá, cụ thể là sai đơn giá lắp dựng cột thép của Phụ lục hợp đồng. Một khoản lớn nằm trong chi phí xây dựng cũng ghi sai do nghiệm thu thanh toán khối lượng thép móng chưa đúng với bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công. Đơn vị thanh toán 1 hạng mục kè móng theo giá trị hợp đồng, nhưng thực tế đã thay đổi thiết kế. Ngoài ra, chủ đầu tư khi thực hiện thi công giảm khối lượng so với thiết kế kỹ thuật nhưng vẫn thanh toán cho toàn bộ khối lượng theo thiết kế ban đầu.

Kiểm toán cũng chỉ rõ, EVNNPT phê duyệt dự án trong khi nguồn vốn của dự án mới nêu dự kiến, phương án tài chính với đơn vị tư vấn lập 3 phương án là chưa phù với với quy định khoản 5, Điều 7 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Làm trước khi được duyệt, tiến độ vẫn chậm

Kiểm toán tính đến ngày 30/9/2019, qua thống kê của KTNN cho thấy, gần như toàn bộ khâu thực hiện dự án của EVN và ENVNPT đều có vấn đề như: Công tác lập, phê duyệt dự án; công tác khảo sát, thiết kế, dự án toán; công tác lựa chọn nhà thu; công tác quản lý và thực hiện hợp đồng; công tác quản lý chi phí đầu tư, quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, chấp hành các chế độ tài chính và kế toán...

EVNNPT phê duyệt đầu tư Dự án trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh là chưa phù hợp với quy định Luật Bảo vệ môi trường của Quốc hội, Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Công tác khảo sát, vạch tuyến dự án chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải khảo sát bổ sung đoạn tránh khu công nghiệp Dofico và đoạn đấu nối với ĐD 500kV Sông Mây – Tân Uyên với giá trị gần 3 tỷ đồng. Không những thế còn tính sai một số nội dung, làm tăng dự toán các gói thầu khi lập dự toán. Cụ thể là gói thầu số 3, trọng lượng thép cột tính toán bao gồm cả khối lượng mạ kẽm không đúng với hướng dẫn tại định mức sản xuất kết cấu thép mạ kẽm nhúng nóng các công trình điện ban hành theo quy định của Bộ Công Thương với giá trị 20,57 tỷ đồng.

Một đoạn tuyến đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.

Tiếp đến gói thầu số 4, chủ đầu tư phê duyệt đơn giá vận chuyển sử dụng đơn giá bình quân của các dự án thuộc khu vực khác như Dự án Thái Bình – Tiền Hải – Trực Ninh, Dự án Duyên Hải – Mỏ cày, Dự án Vũng Áng – Ba Đồn là không phù hợp với khu vực thuộc dự án. Tại gói số 7 xây lắp đường dây, dự toán gói thầu tính sai hơn 46,4 tỷ đồng.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, KTNN chỉ rõ hồ sơ mời thầu các lô của gói thầu xây lắp số 7 khi chưa có bản vẽ thi công đã mời thầu dựa trên khối lượng thiết kế kỹ thuật. Đến khi phát hiện ra sai sót về khối lượng chi tiết công tác xây móng, giảm khối lượng lắp cột, khối lượng bản vẽ thi công giảm so với khối lượng bản vẽ kỹ thuật, chủ đầu tư chưa giảm trừ thanh toán đối với nhà thầu đến thời điểm kiểm toán. Trong khi, đơn vị đã ký các phụ lục hợp đồng thuộc gói thầu số 7 với các nhà thầu để giảm giá trị tương ứng với kết quả kiểm toán.

Quá trình thực hiện hợp đồng dự án, do khối lượng cột thép hoàn công giảm so với khối lượng trong hồ sơ mời thầu, Ban QLDA đã đàm phán điều chỉnh giá trị hợp đồng của Lô 7.6 thuộc gói thầu số 7, giá trị điều chỉnh giảm tương ứng với giá trị lắp dựng cột thép do giảm khối lượng cột thép (vật tư A cấp). Nhưng các lô khác còn lại thuộc gói thầu này chưa đàm phán điều chỉnh giảm.

Trong quá trình nghiệm thu, do đơn vị vẫn đang nghiệm thu thanh toán sai khối lượng một số công tác dẫn đến Thanh tra Bộ Xây dựng giảm trừ 886 triệu đồng. Quá trình nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu còn chưa chuẩn xác dẫn đến qua kiểm toán giảm trừ giá trị các gói thầu hơn 26 tỷ đồng.

Tiến độ toàn dự án chậm 9 tháng so với quy định trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do chậm tiến độ tại các gói thầu xây lắp bị ảnh hưởng GPMB. Nhiều gói thầu nhỏ thậm chí chậm 20 tháng.

Với hàng loạt tồn tại trên, chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải điều chỉnh toàn bộ sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán; Kiểm toán cũng kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý tài chính kế toán. Đặc biệt chủ đầu tư cần cung cấp giấy tờ, tài liệu bổ sung liên quan những sai sót lớn về vốn và chi phí tài chính khi thực hiện dự án và kiểm điểm người có trách nhiệm./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận