Phiên tòa xét xử vụ kiện Dự án Hòa Lân (Bình Dương): Tiếp nối những bất ngờ nơi công đường

Từ ngày 4 - 7/8 vừa qua, TAND quận 7, TP. HCM (Tòa Q7) mở lại phiên xử vụ kiện đòi 'Hủy kết quả đấu giá', đòi lại dự án Hòa Lân của Thiên Phú. Báo chí đã dùng những từ 'phiên tòa lịch sử', 'nhập nhằng', 'lạ đời', 'bất ngờ' để nói về vụ kiện này....

 

Xung quanh vụ kiện liên quan dự án Hòa Lân (Bình Dương): Những tư cách không thể chấp nhận

Bất ngờ từ nguyên đơn khởi kiện...

Nguyên đơn vụ kiện là Thiên Phú. Bất ngờ đầu tiên là Giám đốc Bùi Thế Sơn “tiết lộ” cho Kim Oanh biết, sau khi trúng đấu giá dự án Hòa Lân muốn yên ổn làm ăn thì phải “chia miếng bánh Hòa Lân” cho “người cầm cán cuộc chơi” đã bỏ tiền mua Thiên Phú nhưng chưa lộ diện. Do có đơn tố cáo, Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, kết luận nội dung tố cáo không có cơ sở và không hủy kết quả đấu giá.

Không khiếu nại Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp và dù biết kết luận này đã được Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng, nhưng Thiên Phú vẫn tiếp tục kiện đòi hủy kết quả đấu giá ra Tòa Q7. Tòa Q7 thụ lý và phong tỏa dự án.

Rồi Giám đốc Sơn bị CQĐT Bộ Công an bắt tạm giam cùng 2 Phó giám đốc Thiên Phú vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ của Kim Oanh trong quá trình chuyển giao dự án Hòa Lân.

Đến lúc này bà Hường và bà Châu (con dâu bà Hường) mới xuất hiện và bỏ tiền mua toàn bộ vốn của Thiên Phú từ tay 2 ông Sơn, Phú. Theo “tiết lộ” của ông Sơn, đây chính là người “cầm cán cuộc chơi”. Trước đó, ông Trọng, Kế toán Thiên Phú có đơn tố cáo bị giang hồ đe dọa phải ép chuyển nhượng phần vốn của mình tại Thiên Phú có liên quan đến ông Tuấn. Ông Tuấn là người được ông Sơn bổ nhiệm Phó Giám đốc, được ủy quyền đại diện tham gia vụ kiện.

Sau đó, ông Tuấn làm hồ sơ đề nghị thay đổi thành viên và người đại diện mới của Thiên Phú. Do Bộ Công an có văn bản yêu cầu, Sở KH&ĐT Bình Dương chưa công nhận tư cách 2 mẹ con bà Hường, có nghĩa thương vụ mua bán vốn chưa hoàn thành.

Đúng thời điểm này, từ trong trại tạm giam, ông Sơn có Đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Thiên Phú, hủy toàn bộ ủy quyền đối với ông Tuấn. Yêu cầu của ông Sơn tiếp tục được khẳng định khi thẩm phán Lê Thị Phơ vào tận trại giam để xác minh.

Để đối phó, 2 mẹ con bà Hường ủy quyền cho bà Quyên có Đơn đề nghị Tòa Q7 tạm dừng vụ án (chứ không đình chỉ vụ án như yêu cầu của ông Sơn) để chờ phán quyết của TAND tỉnh Bình Dương về vụ án 2 mẹ con bà Hường vừa khởi kiện ông Sơn, ông Phú về vụ mua vốn để được công nhận là “chủ mới” của Thiên Phú.

Trong 3 ngày xét xử, nguyên đơn tiếp tục tạo nhiều bất ngờ.

Về tư cách đại diện của bà Quyên, do vừa “kiêm” cả đại diện Thiên Phú và cho cả bà 2 mẹ con bà Hường, nên bị các bên yêu cầu Tòa Q7 xem xét tư cách bà Quyên. Kết quả, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu dừng phiên tòa. Về yêu cầu độc lập của bà Hường, bà Châu, do bà Quyên ký đơn nên cũng không có cơ sở chấp nhận. Tòa quyết định tiếp tục xét xử, việc đình chỉ hay tạm đình chỉ sẽ được xem xét trong quá trình xét xử.

Bà Đặng Thị Hồng Quyên (đứng) vừa là đại diện cho Thiên Phú, vừa đại diện cho bà Hường và bà Châu được tranh cãi gay gắt tại tòa

Thiên Phú đề nghị tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐĐG) năm 2017; hai hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú với Agribank; Biên bản thỏa thuận giữa Thiên Phú và Agribank về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015; hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và Agribank năm 2015; một phần hợp đồng thế chấp tài sản là dự án Hòa Lân và Agribank và hủy kết quả đấu giá…

Nguyên đơn tự nhận: “Quá trình ký kết các văn bản, Thiên Phú vi phạm pháp luật do không biết luật. Vì nợ ngàn tỉ nên ngân hàng bảo đưa tài sản nào thế chấp thì phải đưa. Ngân hàng yêu cầu ký thì phải ký. Đến đầu năm 2019, rà soát lại hồ sơ mới biết mình vi phạm nên khởi kiện”.

Trước sự vô lý này, phía bị đơn là Nam Sài Gòn, Agribank và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Kim Oanh, văn phòng công chứng đã đề nghị đình chỉ vụ kiện vì Thiên Phú không có tư cách khởi kiện, ông Sơn là người duy nhất có quyền và lợi ích hợp pháp đã rút đơn khởi kiện.

Thiên Phú tự nguyện bàn giao toàn bộ dự án gồm hồ sơ, tài sản cho ngân hàng để thu hồi nợ theo biên bản thỏa thuận. Biên bản này không có sự tham gia của Nam Sài Gòn, nên Thiên Phú kiện Nam Sài Gòn là vô lý.

Chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐĐG) chỉ có Agribank, Kim Oanh và Nam Sài Gòn; Thiên Phú có mặt với tư cách chứng kiến và theo thỏa thuận không có quyền lợi, nghĩa vụ trong HĐ; nên Thiên Phú không có quyền khởi kiện.

Điều 385 BLDS: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Thiên Phú không phải chủ thể giao kết HĐĐG nên không có quyền khởi kiện đòi hủy hợp đồng.

Trong HĐĐG, Thiên Phú chỉ phát sinh yêu cầu về dân sự nếu có căn cứ cho rằng văn phòng công chứng có vi phạm khi công chứng. Nhưng nếu khởi kiện thì Thiên Phú phải kiện văn phòng công chứng và thẩm quyền giải quyết không thuộc Tòa Q7.

Từ căn cứ trên, đại diện Nam Sài Gòn nhận định: “Tòa Q7 thụ lý xét xử sai thẩm quyền; thụ lý vụ án sai; không đúng đơn khởi kiện; xác định sai tư cách tố tụng đối với Nam Sài Gòn. Chúng tôi phản đối, bác bỏ toàn bộ những yêu cầu của Thiên Phú đối với Nam Sài Gòn”.

Đại diện Cty Kim Oanh cho rằng, biên bản thỏa thuận giữa Cty Thiên Phú và ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015 và hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và Agribank năm 2015 đã hết hiệu lực khởi kiện nên đề nghị tòa bác đơn.

Tiếp tục gây bất ngờ, Thiên Phú hỏi: Agribank có nhận được văn bản của Thủ Đức House về việc yêu cầu báo cáo tiến trình trả tiền của Kim Oanh và Thủ Đức House xin được mua dự án Hòa Lân và thanh toán một lần?.

Luật sư Trần Hê Rô, Công ty Luật Khai Sáng , Đoàn Luật sư TPHCM

Agribank phản bác, Thủ Đức House chỉ là đơn vị tham gia đấu giá và không trúng. “Chúng tôi không có nghĩa vụ phải báo cáo tiến trình sau khi đấu giá thành đến Thủ Đức House”. Thiên Phú vẫn cố: “Thủ Đức House có văn bản xin mua và thanh toán một lần thì được quyền ưu tiên, sao Agribank ưu ái cho Kim Oanh?”.

Agribank đáp trả: “Thủ Đức House không trúng đấu giá, sau lại đòi mua lại giữa chừng thì làm sao được ưu tiên. Tôi không hiểu tại sao Thiên Phú luôn đề cập đến Thủ Đức House, trong khi đến thời điểm này tòa không xác định Thủ Đức House là bên có quyền lợi, nghĩa vụ gì trong vụ án này?”.

Bất ngờ từ Chủ tọa phiên tòa

Sau 3 ngày xét xử căng thẳng tới mức HĐXX phải nhắc nhở các bên bình tĩnh, Chủ tọa cho biết sẽ xử tiếp vào ngày 13, 14/8. Diễn biến kéo dài này càng cho thấy sự khó hiểu của phiên xét xử sáng ngày 5/3 trước đấy. Xong phần hỏi – đáp, chủ tọa bất ngờ tuyên bố phiên xét xử ngừng, bởi lý do quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ có một buổi, còn việc xét xử lại kéo dài hơn dự kiến nên không sắp xếp được. Bị phản đối, Chủ tọa nói: “các đương sự cần thông cảm”. Luật sư Nguyễn Đình Thuận đánh giá: “Về nguyên tắc phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu đến khi kết thúc; chỉ bị dừng, tạm dừng, ngừng khi có lý do chính đáng như xuất hiện tình tiết, chứng cứ mới cần xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc vì sức khỏe. Tòa không thể ngừng vì lý do quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ có 1 buổi. Làm như vậy là vi phạm tố tụng”.

Diễn biến xét xử 3 ngày qua, liên quan đến hợp đồng tín chấp mà Thiên Phú vay vàng, Agribank bất ngờ khẳng định nội dung khởi kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Q7 nên sẽ không trả lời. Agribank công khai đề nghị HĐXX đình chỉ ngay yêu cầu này.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, tiếp tục tạo bất ngờ khi đề nghị Chủ tọa xác định tư cách tố tụng của Agribank trong vụ kiện? Trong thông báo thụ lý vụ án, các văn bản khác, Agribank được xác định là bị đơn. Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì lại xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình xét xử, Chủ tọa lại bảo Agribank là bên bị kiện?

Cũng bất ngờ, Chủ tọa trả lời: “việc xác định tư cách tố tụng của Agribank sẽ được tòa xác định và ghi nhận trong bản án, còn hiện nay đang trong giai đoạn hỏi đáp”.

Luật sư  Nguyễn Văn Quynh, Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Quynh cho rằng: “Chủ tọa trả lời như vậy là trái luật. Tư cách tố tụng của các đương sự phải được xác định trước khi đưa vụ án ra xét xử và tư cách này không thay đổi trong quá trình xét xử. Vụ án đang xử, Thiên Phú được xác định là nguyên đơn với các yêu cầu liên quan đến hợp đồng tín dụng, thế chấp đã được tòa thụ lý; nhưng Agribank chưa được xác định tư cách tố tụng; sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích, cũng như nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án”.

Luật sư Quynh đặt vấn đề: “Trước đây do Agribank đã có văn bản báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về khoản nợ của Thiên Phú, Bộ Tư pháp đã có Kết luận thanh tra về cuộc bán đấu giá này với khẳng định nhiều tố cáo không có cơ sở, Chính phủ cũng đã có ý kiến chính thức. Nói cách khác thẩm quyền của cơ quan hành pháp khi xử lý sự việc này đã “đụng trần” với các kết luận chính xác, khách quan. Phải chăng vì vậy tòa mới trả lời một cách “nước đôi” như vậy?”

Dự kiến ngày 13 và 14/8, Tòa Q7 sẽ tiếp tục phiên xử. Báo TNVN tiếp tục phản ánh vụ việc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận