Trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập tới thực tế những cuộc thương lượng, ngã giá để có thể vượt biên trái phép sang Trung Quốc tại khu vực Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Giấc mơ đổi đời khi vượt biên để làm ăn đã và đang ăn sâu vào tâm trí rất nhiều người dân thiếu nhận thức. Hám lợi tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang gây ra nhiều hiểm họa cho đất nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp. Hơn lúc nào hết, tội phạm tổ chức xuất nhập cảnh trái phép cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Giữa tháng 7/2020, khu cách ly tập trung Center Way (TP Móng Cái) có hơn 300 người đang thực hiện cách ly tập trung, trong đó có gần 200 người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở dọc biên giới bị các lực lượng chức năng bắt giữ, bàn giao.
Đặng Thu Ngân (SN 2002), quê tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu qua Trung Quốc bằng đường mòn trên Lạng Sơn từ tháng 5/2020 kể, đi đường rừng mất 7 tiếng. Bản thân Ngân cũng muốn về những đi được nửa đường rồi nên không về được nữa. Trong 7 tiếng leo núi không được nghỉ, không được ăn, không được uống. Qua hai ngày mới tới Trung Quốc do phải đợi người ta coi đường. Tromg lúc di chuyển Ngân đã xỉu mấy lần trên đường đi. Bản thân chưa làm gì hết đã bị bắt nên Ngân cảm thấy phí tiền bạc, thời gian”.
Ngoài nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, tình trạng người nhập cảnh trái phép trong thời gian gần đây còn đang gây ra tình trạng quá tải đối với khu cách ly Centerway Móng Cái. Khu cách ly tập trung này hiện có 60 phòng, theo quy định, sẽ có 6 người ở 1 phòng, nhưng hiện nay tổ công tác đã phải sắp xếp 10 người ở 1 phòng. Trong khi cơ sở vật chất như điện, nước ở đây xuống cấp nghiêm trọng, liên tục hỏng hóc đã gây ra tình trạng quá tải.
Ông Vũ Tiến Chung, tổ trưởng tổ công tác của TP Móng Cái tại khu vực cách ly tập trung Center Way cho biết, những người lao động tự do vượt biên qua đường mòn, lối mở tại các cặp cửa khẩu khu vực phía Bắc đa phần do nhận thức còn hạn chế nên chưa có ý thức chấp hành tốt về các quy định của pháp luật. Khi sang Trung Quốc bị lực lượng bên phía Trung Quốc xử lý về mặt hành chính, có những trường hợp bị tạm giữ đến 5-6 tháng. Sau khi về Việt Nam, những người này được động viên, và được đưa vào cách ly và được tuyên truyền tuyệt đối không được vi phạm về xuất, nhập cảnh trái phép nữa.
Thiếu tá Lục Chinh Đức, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Cổ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) cho biết, có rất nhiều vướng mắc vì những đối tượng nhập cảnh là người Trung Quốc và liên hệ với bên cơ quan Trung Quốc cũng rất khó khăn: “Việc tổ chức đưa dẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đó là những hành vi có tổ chức và bắt được đối tượng cầm đầu. Còn những trường hợp xảy ra trên địa bàn chúng tôi là những trường hợp nhập cảnh vào, có những trường hợp người ta còn đang chờ taxi, qua lời khai cũng không quen biết nhau nên không đủ cơ sở. Tất cả vụ việc đơn vị đều phối hợp với Công an tỉnh, Viện kiểm sát để phân loại tội phạm để nếu có dấu hiệu hình sự thì điều tra xác minh để xử lý hình sự, mặc dù rất quyết tâm, tuy nhiên, những sự việc vừa rồi đều không khởi tố được vì chưa đủ yếu tố cấu thành”.
Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm và nếu có tình tiết định khung tăng nặng sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, những vụ án xuất nhập cảnh trái phép cần được xét xử nghiêm minh để có sức răn đe. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta áp dụng pháp luật đã nghiêm minh chưa, tuyên truyền như thế nào? Đó chính là nút thắt trong tội danh xuất nhập cảnh trái phép.
Theo luật sư Hướng, nếu có hiện tượng lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tay cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép thì đầu tiên việc quản lý giáo dục của đơn vị ấy là yếu kém ngay trong chính nội tại của lực lượng, yếu về giáo dục cán bộ chiến sĩ về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, trách nhiệm, sau đó mới là vấn đề về vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự hoặc hành chính.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở thành phố Móng Cái do có hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Tối 24/7, Đà Nẵng phát hiện thêm 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Trước đó, ngày 18/7, Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện 27 người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Cùng thời gian này, vụ việc 21 người Trung Quốc lưu trú không khai báo trong 1 resort ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị phát hiện. Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, qua lời khai ban đầu của nhóm người Trung Quốc, họ nhập cảnh vào bằng đường bộ, lối mòn, lối mở. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ có hay không đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép và còn bao nhiêu đối tượng liên quan.
Trước thực tế này, sáng 25/7, trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo sớm khởi tố đối tượng đưa người vào Việt Nam trái phép. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng phải quán triệt nghiêm túc đến lực lượng biên phòng và đặt ra câu hỏi là số người nước ngoài này vào Việt Nam bằng cách nào, bằng đường nào?
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân, nhất là người dân khu vực biên giới biết được hành vi xuất, nhập cảnh trái phép không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, rủi ro và hậu quả khôn lường với bản thân, gia đình, xã hội và cả quốc gia, thì các lực lượng chức năng tuyến biên giới cần phải kiên quyết ngăn chặn và tập trung xử lý nghiêm minh các đối tượng tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Có như vậy, sự nỗ lực của cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid 19 mới không vô ích./.
PV/VOV-Đông Bắc