Đê điều Hà Nội - Nỗi lo trước mùa mưa bão

Hà Nội luôn là một trong những 'điểm nóng' nhất về vi phạm đê điều, khi chiếm khoảng 10% số vụ vi phạm trên cả nước.

 

Thống kê cho thấy, Hà Nội luôn là một trong những “điểm nóng” nhất về vi phạm đê điều, khi chiếm khoảng 10% số vụ vi phạm trên cả nước. Trong đó, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng, xe quá tải đang là thách thức lớn đối với Hà Nội trong việc bảo đảm an toàn đê điều trước mùa mưa bão.    

Từ lâu, đê sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên luôn là “điểm nóng” về vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão. Đó là thực trạng tập kết vật liệu xây dựng ven đê, xe quá tải hoạt động ngày đêm. Ông Hồ Văn Quân, trú tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín bức xúc, việc nhiều điểm trên mặt đê sông Hồng xuống cấp, lại phải “cõng” thêm từng đoàn xe tải nặng càng làm cho tuyến đê xuống cấp nhanh chóng. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân thành phố, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, nhưng không được xử lý. “Người dân rất bức xúc việc xe chở vật liệu hoành hành trên đê…”, ông Hồ Văn Quân cho hay.

Dọc sông Hồng có hàng chục bãi tập kết cát được hút từ dưới lòng sông lên. (Ảnh: KT)

Tương tự dọc các tuyến sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, Cà Lồ qua địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp những đoạn đê, tuyến kè, bờ sông đang bị uy hiếp do những vi phạm. Theo Chi cục đê điều và phòng, chống lụt bão thành phố Hà Nội trên các tuyến đê Vân Cốc, tả Đuống, hữu Hồng, hữu Cầu vẫn còn 4 vị trí đê điều trọng điểm gồm: Cụm công trình cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); cụm công trình đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (huyện Đông Anh); cụm công trình cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) và cụm công trình đê, kè, cống trên đê hữu Cầu (huyện Sóc Sơn). Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 116 vụ vi phạm pháp luật đê điều, nhưng số vụ được xử lý rất ít.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục đê điều và phòng, chống lụt bão thành phố Hà Nội cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thành phố có 205 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng thuộc các tuyến đê…”.

Nhằm đảm bảo hệ thống đê điều, phòng chống lụt bão năm nay, ngành chức năng Hà Nội đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm các vi phạm, ngăn chặn các vụ việc phát sinh. UBND thành phố cũng vừa phê duyệt kế hoạch thu, chi quỹ phòng, chống thiên tai năm 2020.

Theo đó, Hà Nội dự kiến chi 30 tỷ đồng cho các hoạt động ứng phó, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai có tính chất đột xuất; chi gần 145 tỷ đồng cho các hoạt động ứng phó, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai khi tình huống sự cố, thiên tai vượt dự kiến và hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Năm 2019, thành phố cho triển khai 25 dự án cấp bách các công trình đê điều thủy lợi…”.

Rõ ràng, tình trạng khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, sự hoành hành của xe tải hạng nặng tại nhiều tuyến đê đang là thách thức đối với Hà Nội trong mùa mưa bão…/.

Huy Nam/VOV1

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận