Sự việc Công ty Mobile Caro dưới góc nhìn của luật sư

'Với số tiền Công ty Mobile Caro đã lừa đảo lên tới 4,7 tỷ đồng, thì người phạm tội phải chịu mức hình phạt quy định tại Khoản 4 là bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân', đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Tranh tụng - Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên.

 

Các hoạt động của Công ty Mobile Caro có những biểu hiện gì của việc vi phạm pháp luật không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Tranh tụng - Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Công ty cổ phần Mobile Caro (Mobile Caro) được biết đến với mục đích thành lập là đưa ra thị trường các ứng dụng công nghệ bằng điện thoại thông minh giúp cho giao thông đi lại thuận tiện hơn, tránh tắc đường và giúp cho người dân có thêm thu nhập từ việc tải ứng dụng qua hệ thống. Đằng sau mục đích nhân đạo, cao cả đó thì công ty này còn có các chiêu trò để dụ dỗ khách hàng, học viên đóng tiền đặt cọc để giữ chỗ quản lý với mức thấp nhất là 100.000.000 đồng thông qua các hoạt động mời khách hàng tham gia vào các buổi hội thảo chia sẻ kiến thức sống, trở thành quản lý của công ty và được chia sẻ lợi nhuận.

Những hoạt động đó của Mobile Caro đã vi phạm pháp luật lao động về việc cấm những hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Cụ thể là vi phạm khoản 2, Điều 20 Bộ Luật lao động năm 2012: “2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”. Theo đó, Mobile Caro đã yêu cầu những học viên của mình phải đóng tiền cọc để giữ chỗ làm quản lý, tức là yêu cầu học viên thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền để thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động sau này với chức vụ là quản lý đã vi phạm pháp luật lao động.

Thưa ông, việc Công ty Mobile Caro tự ý huy động và chiếm dụng tiền của nhiều người như báo chí phản ánh có phạm luật không?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như: Vốn góp ban đầu của các chủ sở hữu đóng góp; Huy động vốn từ lợi nhuận không chia cho thành viên để tái đầu tư; Huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu hay cổ phiếu; Huy động vốn từ tín dụng thương mại (Nợ tiền hàng giữa các doanh nghiệp với nhau); Huy động vốn từ vốn vay tín dụng Ngân hàng hoặc vốn vay của cá nhân, tổ chức khác.

Như vậy, trong tất cả các hình thức huy động vốn không có cách thức nào là thu tiền đặt chỗ cho chức vụ quản lý từ người lao động. Do đó, đơn thuần việc thu tiền của người lao động để đặt chỗ đã là vi phạm pháp luật, chưa kể đến những dấu hiệu bất thường như báo chí đã đăng tải vừa rồi.

Một buổi hướng dẫn tuyển người của bà Hiền tại văn phòng số 1 Võ Chí Công, Hà Nội. Ảnh do người dân cung cấp

Có thể thấy, công ty này đã đào tạo ra những chuyên gia để chia sẻ, hướng thiện và sau đó là thu tiền của những cá nhân tiềm năng. Đặc biệt họ còn tự cho mình là thần tài, đến với nạn nhân với tâm thế “ban – cho – chơi”. Đây là sự coi thường pháp luật và lừa đảo trắng trợn của ban lãnh đạo công ty này.

Trong trường hợp này, nếu Mobile Caro thực hiện huy động vốn, đưa ra những lời lẽ, hứa hẹn không đúng với thực tế để tạo sự tin tưởng, nhầm lẫn cho cá nhân khác nộp tiền vào công ty thì công ty này đã có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoặc trong trường hợp coi khoản tiền mà các nạn nhân gửi vào công ty này là một khoản vay thì công ty lại có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì theo những lời của bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, người nắm giữ 95% cổ phần Mobile Caro, bà Hiền sẽ trả lại tất cả khoản tiền của những người đã nộp trước ngày 11/03/2019, thời gian trả là ngày 01/10/2019, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai nhận được khoản tiền đó.

Như vậy, tùy theo hoàn cảnh, sự việc cụ thể thì công ty/ ban lãnh đạo công ty này có thể bị xử lý hình sự về một trong hai tội danh trên. Cần phải có sự vào cuộc của Cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ những sai phạm của công ty này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, lãnh đạo và những người liên quan của Mobile Caro có bị xử lý theo luật hình sự hay không?

Như tôi đã trình bày ở trên, tùy theo tình tiết của vụ việc mà các lãnh đạo, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử phạt với mức phạt cao nhất lên đến chung thân.

Với số tiền của Mobile Caro đã lừa đảo lên tới 4,7 tỷ đồng, thì người phạm tội phải chịu mức hình phạt quy định tại Khoản 4, theo đó, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tương tự với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175, Bộ luật hình sự 2015, với số tiền chiếm đoạt lớn như vậy, lãnh đạo, người thực hiện phạm tội cũng sẽ chịu mức án là từ 12 năm đến 20 năm tù.

Theo nguồn thông tin mà báo chí phản ánh thì Bà Hiền có nói: "... Chị sẽ chơi luật khác vì chị là người đưa ra luật chơi, mọi người phải tuân thủ theo luật chị quy định... ”. Luật sư nhận định, đánh giá gì về câu nói này dưới góc nhìn của pháp luật ?

Thực tế, theo Quy định tại Luật Doanh nghiệp hay Bộ luật Lao Động, việc có một “Luật” của nội bộ doanh nghiệp là điều được pháp luật cho phép. Đó là những bản Điều lệ của công ty được coi là Luật Doanh nghiệp riêng của công ty; hay Thỏa ước lao động tập thể được coi là Bộ luật lao động chi tiết của công ty. Tuy nhiên tất cả các “Luật riêng” này đều phải được xây dựng trên cơ sở của pháp luật hiện hành chứ không phải là công ty có thể xây dựng bất kỳ điều luật nào họ muốn.

Ông Đạo tuyển người, ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp

Trong trường hợp bà Hiền muốn “chơi” theo Luật riêng của mình đặt ra mà vi phạm Luật doanh nghiệp hay thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự thì tùy thuộc vào những hành vi cụ thể mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu “Luật” của bà Hiền mà có sự phức tạp, có sự tổ chức, sắp xếp chuyên nghiệp, phân công vai trò thì đó còn là tình tiết tăng nặng để xem xét truy cứu mức hình phạt nặng hơn trong khung hình phạt.

Theo ông, người dân phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi của mình?

Trước hết, người dân cần phải tự chủ động bảo vệ mình bằng cách thỏa thuận, yêu cầu Mobile Caro trả lại cho mình số tiền là 100.000.000 đồng. Nếu Mobile Caro vẫn kiên quyết không trả số tiền đó và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì người dân phải kịp thời trình báo sự việc đến cơ quan công an và các cơ quan có thẩm quyền khác, để các cơ quan này kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, để được các cơ quan có thẩm quyền thụ lý xem xét, người dân cần phải cung cấp đầy đủ các chứng cứ chứng minh cho thiệt hại, khoản tiền mà bạn bị chiếm đoạt. Mọi người có thể tự mình chủ động tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ thông qua các giấy tờ như giấy giao nhận tiền, biên lai thu tiền, hợp đồng lao động (nếu có), các đoạn ghi âm, video có khả năng chứng minh có dấu hiệu phạm tội.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận