Xung quanh vụ kiện dự án Hòa Lân (Binh Dương): Tiếp tục những dấu hiệu vi phạm?

Bên cạnh sự kiện tụng dai dẳng, gây sức ép, thậm chí 'chơi bẩn' của lãnh đạo Cty Thiên Phú, không thể không đặt câu hỏi về những dấu hiệu vi phạm tố tụng của Thẩm phán TAND quận 7 (Tp HCM) kể từ khi thụ lý vụ án theo đơn kiện của Cty Thiên Phú, gây thiệt hại cho Cty Kim Oanh...

 

Những người liên quan đáng ngờ?

Lộ “chiêu bẩn” từng được Giám đốc Thiên Phú hé lộ.

Như TNVN đã có loạt bài phản ánh, Dự án KDC Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương), từng là của Cty Thiên Phú. Sau 15 năm “đắp chiếu”, sa vào nợ xấu, Cty Thiên Phú buộc phải chủ động ký Biên bản bàn giao dự án Hòa Lân để Agribank Chợ Lớn toàn quyền tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Phải trải qua 13 phiên đấu giá mới có người mua, và Cty Kim Oanh là đơn vi trúng đấu giá với giá mua là 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, sau khi nợ xấu được giải, thay vì tạo điều kiện cho Cty Kim Oanh tiếp tục đầu tư, triển khai dự án, thì Cty Thiên Phú lại làm ngược lại.

Lý giải động cơ “trở mặt” của Cty Thiên Phú, chính ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Cty Thiên Phú đã từng “hé lộ” cho Giám đốc Cty Kim Oanh biết, rằng dự án Hòa Lân bây giờ như miếng bánh quá ngon, nên Kim Oanh phải biết điều, phải chia cho mỗi bên một tý, nếu muốn yên thân làm ăn. Và “người cầm cán” trong vụ này không phải là ông Sơn, hay ông Tuấn Phó Giám đốc Cty Thiên Phú, mà là người đàn bà đứng đằng sau chi tiền mua Cty Thiên Phú. Kim Oanh muốn ông Sơn ký bãi nại, rút đơn kiện của Cty Thiên Phú thì phải đi gặp người “cầm cán”, chứ ông Sơn tuy là Giám đốc nhưng không có thực quyền.

Thực tế, sau khi trúng đấu giá, Cty Kim Oanh đã đầu tư vào dự án hơn 1500 tỷ, bao gồm tiền mua đấu giá, tiền giải phóng mặt bằng và tiền trả lãi cho Agribank. Tuy nhiên, mọi việc lập tức ách tắc khi Cty Thiên Phú bắt đầu gây khó dễ một cách bài bản. Đầu tiên là Thiên Phú làm đơn kiện tới Thanh tra Bộ Tư pháp, đòi hủy kết quả đấu giá.

Thanh tra Bộ Tư pháp đã có Kết luận thanh tra, khẳng định: Không có cơ sở để hủy kết quả đấu giá. Sau đó, Bộ Tư pháp còn có báo cáo kết quả thanh tra vụ đấu giá này lên Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp có hiệu lực, Cty Thiên Phú không có khiếu nại gì, tưởng vụ “gây khó” chấm hết.

Nhưng không, Thiên Phú tiếp tục làm đơn khởi kiện ra TAND quận 7, TP HCM. Quá trình thụ lý đơn khởi kiện của Thẩm phán Lê Thị Phơ đã bị nhiều tờ báo nêu nhiều dấu hiệu bất thường từ tốc độ thụ lý nhanh khó tưởng, vi phạm thẩm quyền giải quyết, đến việc ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại rất lớn cho Cty Kim Oanh. Cùng với Cty Kim Oanh, Agribank Việt Nam cũng phản ứng và có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ, TANDTC, VKSNDTC... khẳng định việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận 7 là không đúng, “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Kim Oanh, cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của gribank”.

Tuy nhiên, dù Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận và đã được Thủ tướng chấp thuận, nhưng đơn kiện đòi “hủy kết quả đấu giá” của Cty Thiên Phú vẫn được TAND quận 7 (TP HCM) thụ lý giải quyết hơn1 năm qua, khiến dư luận không hiểu Tòa sẽ tuyên như thế nào, liệu có xung đột với Kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp đang có hiệu lực pháp luật?

Một điều trớ trêu cho Cty Thiên Phú là ngày 11/3/2020, tòa đang xét xử thì phải hoãn do có một đương sự được xác định liên quan dịch Covid-19. Sau đó, chính Giám đốc Thiên Phú tự lột mặt nạ khi bị khởi tố hình sự.

Ngày 29/3/2020: Cơ quan CSĐT - BCA đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bắt tạm giam 3 lãnh đạo Cty Thiên Phú

Theo thông báo của Bộ Công an, ngày 27/3, Giám đốc Thiên Phú là Bùi Thế Sơn và hai vị Phó Giám đốc là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng bị CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ba người này đã lập khống danh sách đền bù liên quan đến Dự án Hòa Lân để lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng tiền đền bù của Cty Kim Oanh, đơn vị trúng đấu giá dự án Hòa Lân. Sau khi cả dàn lãnh đạo bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt tiền của Cty Kim Oanh, Cty Thiên Phú chỉ còn ông Nguyễn Văn Tuấn là người mới được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. Tuy nhiên, ông này vẫn bền bỉ theo đuổi vụ kiện nhằm tiếp tục gây khó dễ cho Cty Kim Oanh.

Ngày 10/4, Cty Thiên Phú có đơn gửi đến TAND quận 7 yêu cầu đưa hai cổ đông mới tham gia phiên tòa với tư cách là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Theo đơn, ngày 23/3, hai thành viên Cty là ông Sơn, sở hữu phần vốn góp trị giá 89,1 tỷ (tương đương 99% vốn điều lệ) và Trương Thành Phú, sở hữu phần vốn góp 900 triệu (tương đương 1% vốn điều lệ) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho hai người khác. Một là bà Phạm Thị Hường (ngụ số 18B, đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhận chuyển nhượng từ ông Sơn phần vốn góp 89,1 tỷ. Hai là bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (cùng ngụ địa chỉ, là con dâu bà Hường) nhận chuyển nhượng từ ông Phú phần vốn góp 900 triệu.

Ngày 27/3 và ngày 6/4, Thiên Phú đã nộp hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và thay đổi thành viên Cty đến Sở KH&ĐT Bình Dương. Ngày 22/4/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT Bình Dương) có văn bản gửi TAND quận 7, cho biết việc chưa thực hiện đăng ký thay đổi cho đến khi có ý kiến mới của CQĐT Bộ Công an.

Thế nhưng trong đơn yêu cầu do ông Tuấn, Phó Giám đốc Cty Thiên Phú ký, vẫn cho rằng bà Hường và bà Châu là hai cổ đông mới nên tòa phải cho hai người này tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện mà tòa đang giải quyết.

Đến đây, căn cứ vào nội dung ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Cty Thiên Phú khi chưa bị bắt “hé lộ” thì người “cầm cán” cuộc chơi, gây khó dễ suốt hơn 2 năm nay cho Cty Kim Oanh sau khi trúng đấu giá phải chăng là bà Hường và bà Châu?

TAND Quận 7 tiếp tục có dấu hiệu vi phạm tố tụng?

Trước những diễn biến đáng ngờ mới đây, Tập đoàn Kim Oanh, đã có văn bản phản đối một số vấn đề tố tụng liên quan đến HĐXX.

Thứ nhất, Tập đoàn Kim Oanh cho rằng HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa là không đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Vì vào các ngày 5/3, 10/3 và 11/3/2020, phiên tòa đang trong quá trình xét xử. Việc một đương sự liên quan đến dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Do đó, theo khoản 1, Điều 259 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì HĐXX phải ra quyết định “tạm ngừng phiên tòa” mới đúng.

Thứ hai, HĐXX vi phạm thời gian mở lại phiên xét xử. Dù là hoãn hay tạm ngừng phiên tòa thì thời hạn luật định đều không quá 1 tháng. Như vậy, phiên xử tiếp theo phải được mở lại trước ngày 11/4, nhưng đến nay HĐXX vẫn chưa mở lại.

Thứ ba, việc HĐXX quay lại mở Phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là vi phạm tố tụng. Căn cứ điểm g, khoản 2, Điều 203 Bộ Luật Tố tụng Dân sự thì Phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là giai đoạn chuẩn bị xét xử. Đến nay, vụ án đang trong giai đoạn xét xử và bị hoãn (thực tế phải tạm ngừng mới đúng) nên không có căn cứ để quay ngược lại giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Thứ tư, dù Sở KH&ĐT Bình Dương chưa thực hiện đăng ký thay đổi (về việc có 2 người mua phần vốn góp), nghĩa là pháp luật chưa công nhận, nhưng ngày 28/4/2020, thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn ký công văn gửi bà Châu và bà Hường, yêu cầu hai người này gửi văn bản ý kiến về các yêu cầu khởi kiện của Cty Thiên Phú, đồng thời triệu tập hai người này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Phản đối công văn ngày 28/4 kể trên của thẩm phán Phơ, văn bản của Tập đoàn Kim Oanh nêu rõ: “Đến thời điểm này, pháp luật chưa công nhận bà Hường và bà Châu là thành viên góp vốn của Thiên Phú. Hơn nữa, theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật TTDS thì bà Hường và bà Châu không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Thiên Phú, bị đơn là Agribank, công ty đấu giá và bên trúng đấu giá là Kim Oanh. Nếu thẩm phán Phơ xác định bà Hường, bà Châu là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; thì tại sao trước đây không đưa ông Nguyễn Thành Phú – một thành viên góp vốn của Thiên Phú vào làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan?”.

Vụ tranh chấp dự án Hòa Lân ngày càng lộ diện những sự việc bất thường, khó hiểu, đáng ngờ. Đáng ngờ nhất, là trước khi ông Giám đốc Sơn bị bắt 4 ngày, Thiên Phú không còn bất cứ dự án, tài sản nào và đang nợ hàng trăm tỷ đồng, tại sao vẫn có người “nhảy vào” mua 100% vốn góp công ty với giá 90 tỷ. Và bây giờ, theo như những gì ông Giám đốc Sơn “hé lộ” trong băng ghi âm trước khi bị bắt, đã xuất hiện hai người đàn bà đòi và được tòa chấp nhận cho tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” mặc Tập đoàn Kim Oanh phản đối?

Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tiếp theo của vụ kiện rất đáng chú ý này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận