Quản lý đất đai vùng bãi bồi Kim Sơn: Những khó khăn, bất cập cần sớm có lời giải

Nhiều công trình lán trại, nhà ở, bể nuôi hàu... mọc lên trái phép trên đất công, gây khó khăn cho huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong công tác quản lý đất đai.

 

Những năm qua, người dân thuộc các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và người dân ở những địa phương khác đổ về bãi bồi thuộc đê Bình Minh 2, đê Bình Minh 3 hình thành nên những vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS ) tự phát. Nhiều công trình lán trại, nhà ở, bể nuôi hàu... mọc lên trái phép trên đất công, gây khó khăn cho tỉnh Ninh Bình khi có nhiều dự án lớn cần triển khai, gây khó khăn cho huyện Kim Sơn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Nỗi lo trên vùng đất “ba không”

Cũng chính bởi phát triển tự phát mà nhiều hộ dân hiện nay đang thấp thỏm, lo lắng khi chính sách quản lý đất đai của nhà nước có sự thay đổi; nay mai tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện những dự án lớn trên chính vùng đất mà người dân đang NTTS.

Anh Trần Văn Cảnh, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn cho hay, diện tích bãi bồi mà gia đình anh đang sử dụng thuộc diện 3 không (không có mốc phân định ranh giới; không quy hoạch chi tiết; không bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính), trong khi đó vùng đất này được tỉnh Ninh Bình dự kiến thực hiện nhiều dự án lớn như: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Ðáy; xây dựng khu NTTS theo hướng công nghiệp; dự án xây dựng cảng biển...

Anh Lê Sỹ Thiên đang tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm.

Cùng chung cảnh ngộ như anh Cảnh, anh Trần Văn Quyền, xã Cồn Thoi, Kim Sơn, tâm sự, gia đình anh ra vùng bãi bồi Bình Minh 2 để NTTS đã rất lâu rồi, nhờ chăm chỉ lao động mà gia đình anh cũng có của ăn của để. Thế nhưng, diện tích đất bãi bồi mà gia đình anh Quyền đang NTTS cũng thuộc diện “3 không”. Anh Quyền tâm sự thêm, trước đây chính quyền ký hợp đồng nhưng rồi lại không ký hợp đồng, sau đó lại ký hợp đồng một năm thì người dân không ký vì thời hạn quá ngắn.

Anh Quyền cũng cho hay, một số hộ NTTS khi tiến hành xây mới, mở rộng công trình nuôi hàu thì cán bộ của xã và huyện làm việc, lập biên bản, sau đó công trình bị tháo dỡ.

Có mặt tại cầu C61, xã Kim Đông, phóng viên chứng kiến anh Lê Sỹ Thiên, con rể ông Lại Thế Hạnh đang tiến hành tháo dỡ công trình. Trò chuyện với phóng viên, anh Thiên cho hay, được chính quyền tuyên truyền, giải thích công trình nằm sát chân đê Bình Minh 2 nên gia đình anh tháo dỡ công trình vi phạm này.

Do chính sách quản lý đất đai của nhà nước thay đổi, thông tin về tỉnh Ninh Bình thực hiện nhiều dự án lớn trên vùng đất bãi bồi khiến người dân thấp thỏm, lo lắng, không dám đầu tư lớn cho nuôi trồng thủy sản.

Bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro cho dân

Từ năm 2010, tỉnh Ninh Bình dự kiến triển khai nhiều dự án lớn: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Ðáy; xây dựng khu nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; dự án xây dựng cảng biển... trên vùng đất bãi bồi của huyện Kim Sơn. Năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Kim Sơn đã thông báo tạm dừng ký hợp đồng đối với các hộ nuôi trồng thủy sản.

Công trình sai phạm bị đình chỉ, chính quyền vận động người dân tự nguyện hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu.

Bên cạnh đó, để bảo đảm sự quản lý nhà nước, thực hiện quy hoạch chi tiết xác định khu vực nào làm công nghiệp, khu vực nào NTTS, giúp người dân tránh được những rủi ro, huyện Kim Sơn đã tăng cường công tác quản lý đất đai vùng bãi bồi, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chủ trương, chính sách của tỉnh. Theo đó, đối với việc quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển phạm vi từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 bàn giao cho huyện, UBND huyện Kim Sơn, yêu cầu: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giữ nguyên hiện trạng diện tích đất NTTS, đất có mặt nước ven biển đã được hợp đồng trước năm 2015. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật: Đào, đắp, san lấp mặt bằng, mua bán chuyển nhượng, cho thuê đất NTTS, xây dựng các công trình. Khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, Nhà nước không thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đào, đắp, san lập mặt bằng, mua bán chuyển nhượng, cho thuê đất và các công trình xây dựng trái pháp luật. Thêm nữa, các đơn vị chức năng của huyện cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị Đồn Biên phòng Kim Sơn, UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải kiểm tra hiện trường, phát hiện lập biên bản đình chỉ và yêu cầu giải tỏa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

Từ việc huyện Kim Sơn tăng cường công tác quản lý đất đai, tuyên truyền nên đã có nhiều hộ dân tự nguyên cam kết với các nội dung trên, nhưng vẫn có một số hộ khác vẫn tiếp tục có các hành vi vượt lập mặt bằng, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất công mà huyện đang quản lý. Thêm nữa, việc dừng ký hợp đồng từ năm 2010 đến tháng 8/2013; và nhiều dự án lớn của tỉnh Ninh Bình chưa triển khai cũng làm cho công tác quản lý đất đai vùng bãi bồi trở nên khó khăn hơn khi nhiều hộ dân lợi dụng thời điểm này để lập đất làm đầm, xây ao nổi; xây dựng công trình nuôi giống hàu, nuôi ngao… Tháng 10/2013, khi tỉnh Ninh Bình có văn bản số 316/UBND-VP3, đồng ý cho huyện Kim Sơn ký hợp đồng với các chủ NTTS với thời hạn là một năm, thì nhiều chủ lại không ký vì thời hạn hợp đồng quá ngắn.

Theo kết quả rà soát của huyện Kim Sơn, vùng bãi bồi từ đê Bình Minh II, đê Bình Minh III, đến Cồn Nổi có 1.127 chủ sử dụng đất, tăng 88 chủ sử dụng đất so với năm 2014. Có 139 chủ đầm ký hợp đồng tận thu đánh bắt hải sản; 335 chủ đầm tùy tiện chuyển nhượng đầm không thông qua cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà nước sẽ không bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và các công trình xây dựng trái pháp luật.

Riêng năm 2019, huyện xác định được 96 trường hợp vi phạm ở vùng bãi bồi. Hành vi sai trái chủ yếu là lấn chiếm đất, vượt lập đất làm biến dạng mặt bằng; tự ý xây dựng công trình trái phép. Hiện nay, khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi không có trường hợp nào xây dựng nhà kiên cố.

Về thông tin huyện Kim Sơn “đẻ” ra một cấp hành chính mới, theo tìm hiểu của phóng viên sự thật không phải như vậy. Toàn bộ diện tích bãi bồi giáp 3 xã Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung là đất công do UBND huyện Kim Sơn quản lý. Giữa năm 2019, UBND huyện Kim Sơn thành lập “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”, Tổ công tác đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt chức năng quản lý, tuyên truyền, vận động người dân vùng bãi bồi thực hiện đúng quy định pháp luật.

Cần sớm có lời giải

Từ việc NTTS tự phát, thấy cái lợi trước mắt, nhiều hộ dân đã lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép, đặt các cơ quan chức năng huyện Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình giải quyết sự việc đã rồi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Kim Sơn đang sớm hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi; hoàn thiện quy hoạch, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt quy hoạch chung và chi tiết xây dựng đô thị Cồn trong năm 2020, theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để phân định rõ đâu là đất NTTS, đâu là đất công nghiệp… Trên cơ sở này, các cấp chính quyền mới có thể tiến hành quản lý các hộ NTTS khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng cho thuê đất…

Thêm nữa cũng nhiều ý kiến cho rằng, để công tác quản lý cơ sở được tốt hơn, UBND huyện Kim Sơn, UBND tỉnh Ninh Bình nên báo cáo, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh đất đai vùng bãi bồi theo hướng mở rộng địa giới hành chính diện tích các xã ven biển Kim Hải, Kim Trung, Kim Ðông ra vùng bãi bồi.

Trong thời gian này, UBND huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung và lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm; đặc biệt các trường hợp chuyển nhượng đất vượt lập để sử dụng vào mục đích xây nhà ở.

Quốc Hưng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận