Viết tiếp bài 'Nguyên bí thư xã phá rừng kiểm lâm xử phạt theo kiểu 'nương tay': Chính quyền và cơ quan chức năng 'đá bóng' trách nhiệm

  • 29/04/2020 16:15:08
  • Mạnh Chi - Vân Hồng
  • Pháp luật
  • 0

Gần 15 mét khối gỗ thông bị khai thác, thất thoát không thu hồi được...

 

Gần 15 mét khối gỗ thông bị khai thác, thất thoát không thu hồi được, trong khi chính quyền xã Quảng Sơn và Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Còn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình lại cho đó không phải là phá rừng?

“Cha chung không ai khóc” và lời phán của Phó Giám đốc sở

Trong số báo 15, ngày 9/4/2020, Báo Tiếng nói Việt Nam đăng bài “Nguyên bí thư xã phá rừng kiểm lâm xử phạt theo kiểu “nương tay”. Nội dung bài báo phản ánh sự việc phá rừng thông trái phép xảy ra ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Người vi phạm là ông Trần Ngọc Huyên, nguyên là Bí thư, nguyên Chủ tịch xã Quảng Sơn.

Ngay sau khi Báo TNVN phản ánh, lãnh đạo thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm. Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo cấp uỷ chính quyền phải làm rõ trách nhiệm của ai thì xử lý nghiêm túc, như ông Huyên là đảng viên, ngoài trách nhiệm công dân còn phải chịu kỷ luật về mặt đảng nữa”, ông Thọ nói.

Đồng thời, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có văn bản số 356/CCKL-TTPC, ngày 10/4/2020, chỉ đạo Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn báo cáo sự việc.

Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 13/4/2020, Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn đã có Báo cáo số 39/BC - KL báo cáo vụ việc. Một lần nữa Hạt kiểm lâm khẳng định hành vi của ông Huyên là phá rừng trái pháp luật, mức xử phạt được xác định dựa vào diện tích rừng bị phá và hiện trạng rừng. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là Hạt kiểm lâm cho rằng: ‘Tháng 11/2019 ông Huyên thuê người vào cắt, phát rừng UBND xã Quảng Sơn và kiểm lâm địa bàn đã phát hiện và đình chỉ kịp thời, không có chuyện “ngang nhiên phá rừng””. Cứ cho rằng Hạt kiểm lâm Ba Đồn và UBND xã Quảng Sơn đã kịp thời phát hiện và đình chỉ hành vi phá rừng của ông Huyên, nhưng dư luận không khỏi bức xúc, nghi ngại khi 15 mét khối gỗ tại sao “không cánh mà bay”? Trong báo cáo Hạt kiểm lâm tiếp tục lấp liếm, che giấu sự thật, không báo cáo khối lượng gỗ là gần 15 mét khối đã bị khai thác.

: Gần 15 mét khối gỗ thông do ông Trần Ngọc Huyên khai thác trái phép bị thất thoát, nhưng chính quyền xã Quảng Sơn cho rằng không còn manh mối điều tra nên không thể thu hồi lại được.

Trả lời về vấn đề này, Hạt kiểm lâm Ba Đồn cho rằng, số gỗ bị chặt tại hiện trường là gỗ rừng trồng, có nguồn gốc hợp pháp, là tài sản sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm chủ sở hữu (đại diện là UBND xã Quảng Sơn), nó thuộc loại tài sản của Dự án sử dụng vốn Nhà nước, vì vậy trách nhiệm thu gom, tận thu thuộc về UBND xã Quảng Sơn.

Còn ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, hiện tại đang tiến hành làm rõ trách nhiệm theo chỉ đạo của cấp trên. Nhưng lượng gỗ ở đó là không có nữa đâu, chỉ còn lại ngọn ngành lèo quèo thôi. Vì vượt quá thẩm quyền nên đề nghị kiểm lâm xử lý.

Ông Huyển phân trần thêm, giá như lúc đó Hạt kiểm lâm thực hiện xử phạt hành chính và song song với đó là yêu cầu trồng lại rừng, đồng thời thực hiện bồi thường, thu gom luôn, chứ họ không có động thái đấy nên bây giờ không có cơ sở gì để quay trở lại xử lý vụ việc.

Trả lời phóng viên về nội dung báo cáo phản hồi của Hạt kiểm lâm Ba Đồn, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Bình khẳng định báo cáo như thế là đúng, không có gì sai?

Xử lý, giải quyết vụ việc trái pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền lại coi “đó không phải việc của mình”, “cha chung không ai khóc” thì việc để thất thoát tài sản Nhà nước là điều dễ hiểu. Rừng mà ông Huyên chặt phá là rừng được trồng theo Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1992, với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc. Và cứ theo cách quản lý và xử lý như UBND xã Quảng Sơn và Hạt kiểm lâm Ba Đồn thì không biết đến bao giờ “đất trống mới được phủ xanh”.

Trong khi kiểm lâm và chính quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình lại cho rằng, vụ việc không có gì nghiêm trọng, và đó không phải là phá rừng, mà là chuyển đổi rừng chưa đúng thủ tục. “Đây mình khoan nói phá rừng, mà đây là chuyển đổi rừng đó để trồng thôi chứ đừng nói phá. Phá là phá những rừng tự nhiên để khai thác với khối lượng quy mô lớn, còn đây là chuyển đổi rừng mà chưa đúng thủ tục”, ông Mai Văn Minh khẳng định.

Phát ngôn của ông Minh khác xa hình thức xử phạt của Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn. Dư luận đặt câu hỏi hành vi của ông Huyên được xác định là phá rừng hay là chuyển đổi rừng chưa đúng thủ tục? Cách hiểu nào mới là đúng?

Nếu như theo cách hiểu của ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình thì ông Trần Ngọc Huyên đã vi phạm quy định chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, tại điểm a; khoản 6; Điều 12, Vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng thì bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với trường hợp rừng sản xuất có diện tích từ 7.000 mét vuông đến dưới 10.000 mét vuông. Trong khi đó, diện tích mà ông Trần Ngọc Huyên vi phạm là 8.775 mét vuông nhưng chỉ bị phạt hai mươi triệu đồng?

Hạt trưởng từng bị kỷ luật

Sự việc diễn ra khiến người dân hoài nghi về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, trong đó có ông Mai Song Toàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ba Đồn, bởi trước đó ông từng bị kỷ luật.

Cụ thể, vào đầu năm 2018, một vụ phá rừng có thể nói là “kinh thiên động địa” ở huyện Tuyên Hoá, gần 100 mét khối gỗ quý rừng phòng hộ thuộc hai xã Thanh Hoá và Lâm Hoá của huyện miền núi này bị lâm tặc xẻ thịt, khiến ông Mai Song Toàn và nhiều quan chức cấp huyện, cán bộ kiểm lâm liên quan bị kỷ luật. Theo kết luận của UBKT Tỉnh uỷ Quảng Bình, thời điểm đó ông Mai Song Toàn đang là Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, ông Toàn đã thiếu kiểm tra, kiểm soát để xảy ra vụ khai thác gỗ trái pháp luật với khối lượng lớn tại lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hoá nên đã bị kỷ luật với hình thức khiển trách.

Sau đó không lâu, ngày 19/3/2018, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình đã ký quyết định số 197/QĐ-SNN điều động và bổ nhiệm ông Mai Song Toàn, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 trực thuộc Chi cục kiểm lâm Quảng Bình đến nhận công tác và giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2018. Người dân hoài nghi: ông Toàn được bổ nhiệm chức vụ mới trong thời gian xem xét kỷ luật? Thêm nữa, qua các lần bổ nhiệm chức vụ và điều động công tác nhưng đến nay ông Mai Song Toàn vẫn chưa có bằng Trung cấp lý luận chính trị ?

Quyết định Bổ nhiệm ông Mai Song Toàn giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt kiểm lâm do Giám đốc Sở NN&PTTN tỉnh Quảng Bình.

Trao đổi những hoài nghi của người dân với ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, ông Minh nói: “Tôi mới nhận nhiệm vụ phụ trách, nên sẽ cho kiểm tra lại trường hợp ông Toàn. Trong trường hợp nếu có vi phạm, không đủ tiêu chuẩn thì sẽ xử lý nghiêm”.

Để có kết quả chính xác, khách quan, phóng viên đề nghị tiếp cận xem hồ sơ bổ nhiệm, hồ sơ cán bộ của ông Mai Song Toàn. Nhưng Sở NN&PTNT Quảng Bình lại giới thiệu qua Chi cục kiểm lâm và cho biết Sở không giữ hồ sơ, mặc dù việc bổ nhiệm Hạt trưởng đối với ông Toàn là Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình?

Tuy nhiên khi làm việc với lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Quảng Bình để nắm thông tin thì bị gây khó khăn, từ chối không cung cấp hồ sơ của ông Mai Song Toàn và nói rằng hồ sơ ông Toàn nằm ở bên Sở NN&PTNT chứ không có ở Chi cục kiểm lâm.

Không phải là tài liệu bí mật quốc gia, và nếu không có gì khuất tất thì hồ sơ cán bộ của ông Mai Song Toàn có gì bí ẩn đến mức được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, Chi cục kiểm lâm Quảng Bình bảo vệ nghiêm ngặt như thế?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận