Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường 'Nhuệ'

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu báo cáo kết quả điều tra bước đầu vụ án vợ chồng Đường "Nhuệ" lên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ trước ngày 30/4.

Liên quan đến vụ việc bắt vợ chồng Đường “Nhuệ” và đàn em ở tỉnh Thái Bình, tối 14/4, trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an nhận định, đây là vụ án đang được dư luận cả nước rất quan tâm và Ban lãnh đạo công an tỉnh Thái Bình đã rất quyết liệt phá án.

Trước câu hỏi liệu Bộ Công an có vào cuộc trong vụ việc này không, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, công an Thái Bình đã đủ sức làm, nếu công an Thái Bình cần Bộ Công an hỗ trợ thì Bộ sẽ giúp.
Trả lời câu hỏi, có hay không sự “bảo kê” của lực lượng chức năng? Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc này trước mắt công an tỉnh Thái Bình sẽ làm rõ vụ việc và nghi vấn này, nếu có “bảo kê” của lực lượng chức năng công an tỉnh sẽ làm rõ. Hiện tại, công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, mọi đánh giá đều rất vội vàng và không có cơ sở.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 13/4, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng đã đến thăm, động viên và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình tham gia vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại số nhà 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đối với vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn.

 

Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, điều đó chứng tỏ đối tượng trong vụ án này đã có những hành vi gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân những năm qua. Qua đó, lực lượng công an phải xử lý nghiêm, khách quan, theo đúng pháp luật, phải làm rõ từng hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này; kiên quyết không để sót tội phạm, cũng không để người vô tội bị oan khuất.

Về vụ việc này, sáng 14/4, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, công an tỉnh Thái Bình sẽ phải làm rõ việc có bảo kê như báo chí nêu hay không? Ai bảo kê, ai chống lưng? Lực lượng công an phải chứng minh, làm rõ và báo cáo chính xác và phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc này".

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết "kể từ hôm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã có chỉ đạo liên tục đối với Công an tỉnh Thái Bình".

Chiều tối 14/4, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ”, tức Nguyễn Xuân Đường.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Những thủ đoạn ăn chặn trắng trợn của cặp vợ chồng Đường “Nhuệ”

Hơn 5000 trường hợp bị ăn chặn

Liên quan đến việc "làm luật" các công ty dịch vụ làm tang lễ, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, CQĐT Công an tỉnh đang yêu cầu rà soát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp. Với số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng, Công ty Dương Đường thu phế hàng tỷ đồng…

Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, nhưng chưa có dịch vụ hỏa táng. Trong khi đó, mỗi một tháng, trung bình Thái Bình có 300 – 400 ca hỏa táng. Các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng. Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” là 500.000 đồng/người cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.

Anh Quách Việt Cường (nhân viên công ty Vĩnh Hằng hoạt động tại Nam Định có văn phòng tại Thái Bình) cho biết, công ty anh nhiều lần bị o ép, khống chế; trực tiếp anh đã phải “báo ca” thu tiền các ca hỏa táng, sau đó nộp theo tháng cho Nguyễn Xuân Đường.

“Thời điểm cuối 2017, ở Thái Bình có 23 công ty dịch vụ. Có 1 cuộc họp cách đây 2 năm, lúc đó anh Đường mời hết các văn phòng lên, đưa ra một văn bản là các dịch vụ phải ký kết thông qua “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” do Công ty Đường Dương lập ra. Các dịch vụ phải báo qua Đường Dương sau đó mới được về Đài hỏa táng. Nếu các dịch vụ không báo mà vẫn làm thì “bỏ kèn đi” tức là không thể làm nữa” - anh Cường kể.

Việc ăn chặn dịch vụ hỏa táng của công ty Đường Dương khiến nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này uất ức. Anh Cường cho biết, công ty Vĩnh Hằng của anh đã từng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, tuy nhiên, khi đi lấy chữ ký của các văn phòng kinh doanh (23 văn phòng thời điểm năm 2018), không văn phòng nào dám ký vào đơn vì sợ bị trả thù.

Theo anh Cường, với mỗi công ty như anh, trung bình mỗi tháng, phải nộp cho Đường 45 – 50 triệu tiền phế. Với những trường hợp chống đối, bất hợp tác, ngoài việc không cho xe tang lễ chở về Đài hỏa táng ở Nam Định, Nguyễn Xuân Đường bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng, với những trường hợp chống đối thì những “sự cố” như đập vỡ cửa kính xe, đập phá văn phòng…đã từng xảy ra.

Đưa đàn em đi tham gia đấu giá đất

Ngoài việc “làm luật” các công ty làm dịch vụ tang lễ, Nguyễn Xuân Đường tham gia các cuộc đấu giá đất tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, vợ chồng này thường tham gia các cuộc đấu giá đất chuyển đổi tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, sau đó “bán lúa non” lấy tiền chênh lệch mỗi một lô đất trúng đấu giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Tại những cuộc đấu giá đất, như đất giãn dân, đất chuyển đổi mục đích, vợ chồng Nguyễn Thị Dương – Nguyễn Xuân Đường thường đưa nhiều “đàn em” xăm trổ bặm trợn đi theo. Có những cuộc đấu giá đất công khai, Dương cho “nhân viên” lên ngồi cùng đấu giá, thực chất là “kèm” những người mua hồ sơ, ép không cho người đấu giá bỏ giá, hoặc đứng ra đàm phán để họ bỏ giá thấp…để không còn đối thủ cạnh tranh.

Với mỗi cuộc đấu giá như thế, Dương thường đấu trúng số lượng lớn, sau đó bán chênh kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Việc đưa người về tham gia các cuộc đấu giá khiến tình hình an ninh trật tự của các địa phương thêm phức tạp, nhiều cuộc đấu giá phải hủy do đấu giá không thành, tất cả người tham dự đều bỏ không dám đấu giá.

Liên quan đến vụ việc này, CQĐT công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra vụ án, trong đó có liên quan đến việc Nguyễn Thị Dương cùng “nhân viên” sử dụng các hành vi đe dọa, ép những người tham gia đấu giá phải bỏ đấu giá nhằm đấu giá trúng, sau đó bán chênh lệch kiếm lời.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận