Quảng Bình: Nguyên Bí thư xã phá rừng, kiểm lâm xử phạt theo kiểu 'nương tay'

  • 09/04/2020 14:23:36
  • Mạnh Chi - Vân Hồng
  • Pháp luật
  • 0

Hạt kiểm lâm Ba Đồn và chính quyền xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình 'làm ngơ' không thu gom, để gỗ bị tẩu tán, thất thoát tài sản Nhà nước?

 

Gần 100 cây thông lấy nhựa của dự án 327 có tuổi đời hàng chục năm bị ông Trần Ngọc Huyên, nguyên là Bí thư, nguyên Chủ tịch xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình ngang nhiên chặt phá. Trong khi chính quyền và cơ quan chức năng xử lý quá “hời hợt” khiến người dân ở đây hết sức bức xúc.

Ngang nhiên chặt phá rừng

Để kiểm chứng những phản ánh của người dân, chúng tôi đã vượt sông Rào Nan tiếp cận hiện trường thuộc vùng Động Đá. Hàng chục cây thông có đường kính từ 15 – 40cm bị cắt sát gốc bởi cưa xăng, rất nhiều súc gỗ đã bị tước vỏ đường kính từ 13cm trở lên, chiều dài trên một mét nằm ngổn ngang do bị phát hiện chưa kịp vận chuyển ra ngoài.

Đa số gốc cây thông bị ông Huyên chặt phá có đường kính từ 25 đến 35 cm

Năm 2012, gia đình ông Trần Ngọc Huyên, thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn được giao khoán chăm sóc, bảo vệ 4 ha rừng trồng thông nhựa thuộc dự án 327. Đây là dự án thuộc chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1992. Được biết, khi ấy ông Huyên đang làm Bí thư xã Quảng Sơn. Ông Huyên từng có hai nhiệm kỳ làm chủ tịch, hai nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Sơn và đã nghỉ hưu năm 2016.

Đến ngày 25/11/2019, thay vì tiếp tục chăm sóc bảo vệ thì ông Trần Ngọc Huyên đã thuê người dùng rựa và cưa xăng đốn hạ cây thông trên phần rừng được giao khoán bảo vệ tẩu tán đi tiêu thụ. Thực hiện hành vi chưa trót lọt thì ông Huyên bị người dân phát hiện tố giác đến chính quyền xã Quảng Sơn và cơ quan chức năng. Ông Đoàn Lương Tri, thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn cho biết: “Lô rừng mà gia đình tôi được giao bảo vệ nằm ngay cạnh lô của ông tôi đã báo xã và Công an để họ lập biên bản xử lý. Rừng này trồng đã 23 năm, cây đã cho thu hoạch, giờ bị họ chặt phá như thế nghĩ mà xót”.

Mặc dù chủ rừng là UBND xã quản lý, nhưng ông Trần Văn Huyển – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho rằng thu gom gỗ tang vật là không thuộc trách nhiệm của xã

Nhận được đơn thư phản ánh của ông Tri, ngày 27/11/2019 chính quyền xã đã vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. “Qua kiểm tra xác minh cho thấy mức độ vi phạm với khối lượng tương đối nhiều, quá thẩm quyền giải quyết của cấp xã nên đã chuyển Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn xử lý”, ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết.

Ngày 20/02/2020, tức là sau gần 3 tháng, Hạt kiểm lâm Ba Đồn, UBND xã Quảng Sơn mới tiến hành lập biên bản kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm và hiện trạng khu vực rừng trồng bị chặt phá. Biên bản ghi rõ: Diện tích mà ông Huyên thuê người chặt phá là 8.775 m2, thuộc lô 9; 18, khoảnh 2, tiểu khu 212B, chủ rừng là UBND xã Quảng Sơn. Số cây bị chặt hạ là 95 cây thông nhựa, có đường kính từ 13 – 35cm, với tổng trữ lượng cây bị chặt phá là 14,965 m3.

Nhưng chỉ bị xử phạt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”

Đến ngày 25/2/2020, Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn mới tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực lâm nghiệp đối với ông Huyên. Và đến ngày 02/03/2020, ông Mai Song Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức 20.000.000 đồng đối với ông Trần Ngọc Huyên theo điểm a, khoản 3, Điều 20, Nghị định số 35/2019/NĐCP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Với nội dung: “Ông Trần Ngọc Huyên đã tự ý thuê người vào rừng sử dụng rựa, cưa xăng thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật tại khu vực Động Đá, loại cây thông nhựa, trạng thái cây trồng chưa thành rừng”.

Tuy nhiên, người dân đang nghi vấn với mức xử phạt như trên liệu đã nghiêm minh đúng luật, đảm bảo tính răn đe hay chưa? Vì thực tế rừng thông đã trồng trên 20 năm và đã cho thu hoạch nhưng Hạt kiểm lâm lại cho rằng rừng ở trạng thái cây trồng chưa thành rừng, và áp dụng mức phạt như trên là quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe.

Ông Mai Song Toàn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Điều khó hiểu, mặc dù xác minh trữ lượng cây bị đốn hạ là 14,965 m3, nhưng chính quyền và cơ quan Kiểm lâm lại không thực hiện tịch thu, thu gom số gỗ tang vật trên. Hơn nữa, trong biên bản xử phạt cũng không nhắc gì đến trữ lượng gỗ đã bị đốn hạ ấy. Khảo sát tại hiện trường, phóng viên ghi nhận phần lớn số gỗ đã bị tẩu tán đi nơi khác.

Trả lời phóng viên tại sao không tổ chức thu gom tang vật gỗ trong vụ việc, ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch xã Quảng Sơn cho rằng: “Vụ việc vượt quá thẩm quyền nên đã giao cho Hạt kiểm lâm, và xã không có trách nhiệm tổ chức thu gom gỗ tang vật”. Còn ông Mai Song Toàn, Hạt trưởng hạt kiểm lâm cho rằng: “Không thu gom gỗ tang vật vì số cây thông bị chặt phá dưới kích cỡ của gỗ”?

Gỗ thông sau khi bị chặt phá có đường kính từ 15cm trở lên, chiều dài trên 01 mét nhưng Hạt Kiểm lâm Ba Đồn cho rằng dưới kích cỡ gỗ nên không tiến hành tịch thu, thu gom

Nhưng theo khoản 2, Điều 3, Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản nêu rõ: “Gỗ tròn là gỗ còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 01 mét trở lên, hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên.

Đối chiếu kết quả kiểm tra cũng như ghi nhận thực tế hiện trường của phóng viên, gỗ thông sau khi bị đốn hạ cắt súc có kích thước thừa tiêu chuẩn là gỗ tròn mà Thông tư trên quy định. Vậy tại sao Hạt kiểm lâm Ba Đồn và chính quyền xã Quảng Sơn lại “làm ngơ” không thu gom, để gỗ bị tẩu tán, thất thoát tài sản Nhà nước? Vậy nên người dân nghi ngờ có sự bao che dung túng của cơ quan chức năng cho người vi phạm trong vụ việc này là có cơ sở.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận