Thu hồi chủ trương và hậu quả?

Viết tiếp Vụ chuyển nhượng 43 ha đất thực hiện Dự án Tân Phú (Bình Dương)

 

Vụ chuyển nhượng 43ha đất Dự án Tân Phú tại tỉnh Bình Dương tiếp tục “nổi sóng” với thông tin nhiều chiều sau động thái tỉnh Bình Dương thu hồi chủ trương đã ban hành....

Quá trình góp vốn, chuyển nhượng đều đúng pháp luật

Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) là doanh nghiệp do Tỉnh ủy Bình Dương quản lý. Do đó, hoạt động kinh doanh đối với 43ha đất dự án, TCT Bình Dương phải báo cáo và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.

Theo đó, từ năm 2004, TCT Bình Dương được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án theo hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng với diện tích 43ha. TCT Bình Dương đã dùng vốn vay và vốn tự chủ kinh doanh để trả tiền với giá trung bình 700 triệu đồng/ha.

Năm 2010, TCT Bình Dương đã góp vốn với Cty Cổ phần BĐS Âu Lạc (Cty Âu Lạc) thành lập liên doanh là Cty Tân Phú nhằm thực hiện Dự án Khu đô thị Tân Phú (Dự án Tân Phú). Tân Phú có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, TCT Bình Dương góp 30% (60 tỷ đồng), Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (70%).

 

Năm 2016, tiến hành cổ phần hóa, TCT Bình Dương được Tỉnh ủy Bình Dương cho giữ lại khu đất 43ha để thực hiện cam kết liên doanh. Đến cuối năm 2016, TCT Bình Dương thực hiện đúng thỏa thuận liên doanh bằng việc chuyển nhượng 43ha đất với giá 250 tỷ đồng cho liên doanh Tân Phú. Như vậy, với vụ chuyển nhượng một khu đất chưa đầu tư gì, TCT Bình Dương đã thu lãi 200 tỷ đồng. Ngày 1/3/2017, Sở TN&MT cấp “sổ đỏ” cho Tân Phú đứng tên khu đất.

Do phải tập trung nguồn lực cho nhiều dự án lớn khác, ngày 20/4/2017, TCT Bình Dương được Tỉnh ủy cho chuyển nhượng 30% vốn góp còn lại trong liên doanh Tân Phú cho Âu Lạc. Thẩm định giá, xác định giá trị của liên doanh Tân Phú lúc này là 528 tỷ đồng, vì thế, vụ chuyển nhượng này đem lại số tiền 161 tỷ đồng cho TCT Bình Dương, lãi 101 tỷ đồng.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, những hoạt động kinh doanh kể trên của TCT Bình Dương đều được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý bằng văn bản. Từ việc xác nhận khu đất “không có nguồn gốc vốn do ngân sách cấp”; chấp thuận thành lập liên doanh Tân Phú; đồng ý cho chuyển nhượng phần vốn góp tại Tân Phú... Hơn một năm sau vụ chuyển nhượng hoàn thành dứt điểm, tại Thông báo số 433, ngày 24/8/2018, nêu kết luận của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Cảnh, theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính, lãnh đạo Văn phòng và Phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, đều: “thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Tân Phú là phù hợp quy định pháp luật, tình hình thực tế, có tình, có lý”.

Khi nổi lên dư luận cho rằng TCT Bình Dương bán “đất công”, Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ thu hồi chủ trương cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp, Sở TN & MT tỉnh Bình Dương đã có văn bản thỉnh thị Bộ TN & MT. Ngày 21/11/2019, Tổng cục Quản lý Đất đai có văn bản số 2252, giải đáp rõ ràng: “Do TCT Bình Dương đã được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đã được cấp “sổ đỏ”, nên TCT Bình Dương có quyền chuyển nhượng QSDĐ”.

Lý do thu hồi chủ trương?

Tại văn bản số 1735, ngày 26/9/2019, Tỉnh ủy Bình Dương nêu lý do “thu hồi chủ trương” như sau: “Qua những lần lãnh đạo TCT Bình Dương báo cáo trực tiếp Thường trực Tỉnh ủy và công văn ngày 10/10/2018 của TCT Bình Dương về việc xin điều chỉnh chi tiết phương án sử dụng đất có thể hiện việc góp vốn bằng QSDĐ mà không phải bằng tiền. Do đó, để thực hiện nghiêm túc, thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy đã cho TCT Bình Dương góp 30% vốn bằng tiền mặt để thành lập Cty Tân Phú (theo công văn số 1830-CV/TU, ngày 17/8/2010 do đồng chí Vũ Minh Sang, Phó Bí thư Tỉnh ủy ký), Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 512-TB/TU, ngày 10/10/2018 về thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 10/10/2018 quyết định thu hồi chủ trương đã cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn”.

Có 3 vấn đề cần được làm rõ từ văn bản kể trên.

Một là, chủ trương của Tỉnh ủy không sai, chỉ người thực hiện sai, tại sao không xử lý người làm sai, lại đi thu hồi chủ trương đúng? Trong khi đó, vụ chuyển nhượng 43 ha đất đang được các cơ quan pháp luật vào cuộc, gồm: Thanh tra, Công an tỉnh Bình Dương và Bộ Công an. Đang Thanh tra dở chừng, chưa ra được Kết luận Thanh tra thì bất ngờ Thanh tra tỉnh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh Bình Dương xử lý với lý do “vụ việc vượt thẩm quyền”. Và Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án. Trong bối cảnh đó, việc Tỉnh ủy “thu hồi chủ trương đúng” thì liệu còn căn cứ để xem xét hành vi làm trái của TCT Bình Dương? Trong khi đó, việc góp vốn, chuyển nhượng 43 ha đất của TCT Bình Dương đã từng được Tỉnh ủy, Bộ TN&MT đánh giá bằng văn bản là “phù hợp quy định pháp luật, tình hình thực tế, có tình, có lý” và “TCT Bình Dương có quyền chuyển nhượng”?

Hai là, nguyên văn chủ trương của Tỉnh ủy được thể hiện trong Công văn số 1830, ngày 17/8/2010 do Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Minh Sang ký như sau: “Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương hợp tác với Cty Âu Lạc để thành lập Cty Liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu B có diện tích 43 ha, thuộc khu đất dịch vụ 567 ha tọa lạc tại phường Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trong đó TCT Bình Dương góp vốn chiếm 30% vốn điều lệ Cty Liên doanh”. Không hề có nội dung “góp vốn bằng tiền”. Trong khi Thông báo số 287, ngày 20/4/2017 về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 17/4/2017, lại thể hiện: “Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Cty Tân Phú cho Cty Âu Lạc, TCT Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng”. Trong văn bản này vẫn cụm từ “30% vốn” nhưng nội dung tiếp theo thể hiện rõ chủ trương góp vốn bằng đất. Phải hơn 1 tháng sau, Tỉnh ủy mới có Công văn số 287, ngày 19/5/2017, đính chính thành: “TCT Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá trị tăng thêm của phần vốn góp 30%, tương ứng 60 tỷ đồng, làm cơ sở ký hợp đồng chuyển nhượng”. Việc Tỉnh ủy lý giải 2 nội dung khác hẳn nhau về nội hàm và câu chữ như trên là “do lỗi kỹ thuật trong soạn thảo văn bản có sai sót” là khó thuyết phục. Thêm nữa, sau hơn một năm hoàn thành dứt điểm vụ chuyển nhượng, hơn 1 năm 4 tháng có Công văn đính chính kể trên, tại Thông báo số 433, ngày 24/8/2018, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Văn phòng và Phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, vẫn cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Cảnh kết luận: “thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Tân Phú là phù hợp quy định pháp luật, tình hình thực tế, có tình, có lý”, là sao đây?

Ba là, việc “thu hồi chủ trương đúng” đồng nghĩa với việc TCT Bình Dương không được chuyển nhượng, trong khi mọi việc đã hoàn tất, đặc biệt Cty Âu Lạc còn hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Tân Phú cho đối tác thứ ba là Cty Kim Oanh. Hậu quả pháp lý của việc “thu hồi chủ trương đúng” sẽ giải quyết sao đây đối với quyền và lợi ích chính đáng của Cty Kim Oanh?

Ai bảo vệ nhà đầu tư ngay tình?

Như Báo TNVN đã phản ánh, Cty Âu Lạc sau khi là chủ sở hữu vốn duy nhất tại Liên doanh Tân Phú đã mời gọi và sau đó đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% vốn tại Cty Tân Phú cho Cty Kim Oanh. Đến nay, toàn bộ cổ phần của chủ đầu tư mới đã được thế chấp vào ngân hàng. Trả lời về những trở ngại đang gặp phải, đại diện chủ đầu tư mới cho rằng: “Ở đây, giao dịch chuyển QSDĐ, giao dịch chuyển nhượng vốn góp đều đã hoàn tất thủ tục pháp lý. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án. Theo luật, Tỉnh ủy Bình Dương không có thẩm quyền đòi thay đổi giá trị pháp lý những giao dịch, quyết định này”.

Theo diễn biến vụ việc, rõ ràng Cty Kim Oanh có cơ sở để tin rằng, từ việc thành lập Cty liên doanh, Dự án Tân Phú, đến vụ chuyển nhượng giữa TCT Bình Dương với Cty Âu Lạc là đều đúng pháp luật, đúng chủ trương của Tỉnh ủy. Do đó, Cty Kim Oanh tham gia giao dịch sau này với Cty Âu Lạc là bên thứ ba ngay tình.

 

Để bảo vệ bên thứ ba ngay tình, Khoản 2 Điều 133 BLDS qui định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Luật sư Phạm Hồng Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “BLDS 2015 đã có một thay đổi rất hợp đạo lý, được Quốc hội đồng tình cao khi thông qua, đó là bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình. Vì thế, không thể căn cứ vào sai phạm trước đó của TCT Bình Dương nếu có để đòi thu hồi 43 ha đất làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình là chủ đầu tư mới. Đó là đòi hỏi trái luật, trái đạo lý.”

Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tiếp theo của vụ việc này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận